Giáo sư Trần Văn Khê - tấm gương Việt kiều trở về cống hiến cho quê hương

[Minh Trị]

Hai tuần nay, nghe tin Giáo sư Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền kỳ cựu bị bệnh nặng, phải nhập viện, không ít người yêu âm nhạc lo lắng và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến với ông. Trở về Việt Nam đã gần 20 năm, ông đã có rất nhiều cống hiến trong việc nghiên cứu, phổ biến âm nhạc dân tộc cho người Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn cả nước ngoài.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc (bốn đời làm nhạc sĩ). Mới sáu tuổi ông đã làm quen với đàn kìm, đàn cò và đàn tranh. Thời nhỏ, vốn học giỏi và từng trở thành sinh viên y khoa, nhưng niềm đam mê âm nhạc đã lôi cuốn ông và trở thành niềm đam mê suốt cả cuộc đời. Năm 1958, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sỹ văn khoa (môn Nhạc học) tại Đại học danh tiếng Sorbonne (Paris). Sau đó, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris. Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về khoa học, văn chương và nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức...


Đạt được mọi thành công, danh vọng tột bậc như vậy ở Pháp, đi nhiều quốc gia giảng dạy về âm nhạc, nhưng sau 50 năm sống tha hương, Giáo sư Trần Văn Khê đã trở về nước. Ông cho đó là quá trình tất yếu của một con người “thân cư tại ngoại” mà “tâm tại quê hương”, đúng như câu tục ngữ “cây có cội, sông có nguồn”, mỗi con người đều hướng về quê cha đất Tổ. Từ ngày về nước, ông tiếp tục đi sâu tìm hiểu, giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam trên chính quê hương mình. Ông đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, mong muốn đưa âm nhạc dân tộc thu hút được thanh niên, học sinh - sinh viên, từ đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Giáo sư cho rằng: Giữ gìn tiếng hát ru cũng là bước đầu giữ gìn bản sắc dân tộc. Giáo sư nhận thấy rằng bản sắc dân tộc bị lu mờ, thanh niên thích nghe nhạc nước ngoài hơn nhạc dân tộc là một căn bệnh mãn tính. Muốn trị bệnh ấy phải trị căn chứ không trị chứng. Và những phương thuốc Giáo sư Trần Văn Khê đề nghị là: Làm sống lại tiếng hát ru; tập trẻ em hát lại đồng dao hoặc những bài hát sáng tác theo truyền thống dân tộc với nội dung phù hợp với trẻ; khuyến khích nông dân hò trong khi làm việc, hát trong lúc nghỉ ngơi; khuyến khích thanh niên hát những bài loại đối ca nam nữ; tổ chức những liên hoan dân ca cổ nhạc, những cuộc thi nhạc khí và tiếng ca dân tộc; đem âm nhạc vào học đường, từ lớp mẫu giáo, tiểu học lên đến đại học; báo chí và các phương tiện truyền thông nên có nhiều bài viết, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình giới thiệu và giảng giải về âm nhạc dân tộc; tôn vinh những nghệ nhân cả đời phụng sự âm nhạc dân tộc.

Với Giáo sư Trần Văn Khê, trong âm nhạc phải nghe mới thấm, phải học mới hiểu, có hiểu mới thích, có thích mới thương, có thương mới muốn giữ gìn, mới sẵn sàng luyện tập biểu diễn và phổ biến. Như thế âm nhạc truyền thống mới thêm được sinh lực và bản sắc dân tộc mới được giữ gìn. Chính vì thế, khi một số bạn trẻ người Việt ở nước ngoài có thắc mắc, đàn của các dàn nhạc giao hưởng xứ Tây phức tạp, tinh xảo, đàn bầu của ta thì chỉ có mỗi 1 dây, ông đã khuyên các bạn Việt kiều nên nghe nhạc dân tộc, và cần hiểu rằng tuy chỉ có 1 dây nhưng nó là quốc hồn, quốc túy, mang lại những giá trị âm nhạc, thẩm mỹ tuyệt vời: “Tiếng đàn bầu của ta, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”.

Đúng như tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa nghệ thuật”. Giáo sư Trần Văn Khê là đại diện của một số lượng lớn kiều bào ta ở nước ngoài “mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào ta luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện...”

Mong Giáo sư Trần Văn Khê nhanh khỏe mạnh, tiếp tục sự nghiệp cao cả của người giữ lửa và truyền lửa âm nhạc truyền thống, cũng là văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau!

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét