HỒ DZẾNH (1916-1991)
NGUYỄN THIÊN THỤ
Hồ Dzếnh cha Trung Hoa mẹ Việt, học trung học, năm 1931 dạy tư, viết văn tại Hà Nội. Sau 1945 hoạt động văn hóa tại Thanh Hóa. Năm 1950 vợ chết con bệnh , năm 1952 về thành. Năm 1953 vào Sài Gòn viết văn, làm báo. Năm 1954, trong khi dân chúng bỏ vào Nam, ông trở về Hà Nội. Năm 1956, ông viết bài tưởng niệm tướng Nguyễn Sơn trong khi nhóm Nhân Văn cũng ra dặc san tưởng niệm tướng Nguyễn Sơn cho nên ông bị nghi là có liên hệ với nhóm này. Ông bị khủng bố và trừng phạt, không được dạy học, phải đi làm công nhân để sống, và coi như chấm dứt nghiệp văn chương. Sau một thời gian buông xuôi, ông trở lại lối văn thơ tuyên truyền của chế độ.Trong khi đó, ông âm thầm viết cho riêng ông. Cũng như Chế Lan Viên, ý thức trò ''bánh vẽ'', ông nhận thức được thực chất xã hội và phải đóng vai tró Thúy Kiều trong cuộc rượu. Ông mất năm 1991 trong cảnh cùng khổ. Năm 1993, di cảo của ông được gửi qua Mỹ, Thanh Vân xuất bản tập thơ Quê Ngoại II, tức Tiếng Hát Thiên Nga và tập hồi ký Quyển Truyện Không Tên. Tháng 2-2007, cộng sản phát giải thưởng cho một số nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm là Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, và Lê Đạt. Hồ Dzếnh và Vũ Bằng cũng dự phần. Vũ Bằng là một người nằm vùng. Còn ông?
Tác phẩm của Hồ Dzếnh có nhiều loại. Trước 1945, ông là một nhà thơ, nhà văn lãng mạn, sau 1945, ông vẫn tiếp tục dù chỉ làm một số ít ở trong một bối cảnh khắc khổ, và đen tối. Sống dưới chế độ cộng sản, ông phải làm những bài văn, bài thơ theo chiều hướng ''hiện thực xã hội chủ nghĩa''. Nhưng ông là con người có khí tiết. Ông đã phản đối dù là phản đối một cách âm thầm. Do đó, văn thơ ông có ba loại là tuyên truyền, lãng mạn và tranh đấu.
1. THƠ TUYÊN TRUYỀN
Loại thơ này đăng trên báo, sau được nhà xuất bản Văn Học, Hà Nôi xuất bản năm 1988 , nhan đề là Hồ Dzếnh, Tác Phẩm Chọn Lọc. Tác phẩm này gồm một số bài thơ làm sau 1945, phần lớn là ca tụng kháng chiến, và một số thơ trong Quê Ngoại và truyện ngắn trong Chân Trời Cũ trước 1945 .
Sau vụ Nhân Văn, và sau những đầy ải của đảng cộng sản, ông vẫn ca tụng Đảng, vẫn làm thơ theo chiều hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có lẽ do áp lực của cộng sản mà ông phải cúi đầu tuân lệnh. Hay tự ông, phải xin xỏ, năn nỉ theo kiểu lòn trôn để được sống? Tuy nhiên, thơ ông nhẹ nhàng, đôi khi bay bướm, chứ không sắt máu như Tố Hữu, Xuân Diệu, hoặc phản nghệ thuật như Lưu Trọng Lư
BẾN NƯỚC THANH TRÌ
Đò em đỗ bến Thanh Trì,
Bến vui nên một lần đi nhớ hoài.
Tám năm bão lửa sông dài,
Mái chèo em vẫn khoan thai nhịp nhàng.
Ai vào khu bốn thì sang,
Để người Hà Nội quá giang khỏi chờ.
Hậu phương, tiền tuyến hẹn hò,
Cầu phao Hàm Tử, bến đò Chương Dương.
Máu tim nối mạch máu đường,
Sức em tiếp sức cánh buồm đảm đang.
Sớm hôm bến bãi rộn ràng,
Cầu Long Biên hội lửa hàn đêm khuya.
Hẹn nhau tan giặc ta về,
Bến vui lại ghé Thanh Trì gặp nhau.
Gió nào lộng cánh buồm nâu,
Giật mình anh tưởng đò chao em cười. (1-1971)
KHÚC HÁT CẦU PHAO
Hà Nội xốn xang ngày giáp Tết,
Trời sao đèn điện vắt sông Hồng.
Sàn cầu phao gỗ xe chao nhịp,
Nườm nượp ngược xuôi người hai dòng.
Hội sông, hội bến nào vui thế,
Một tháng ba mươi đêm hoa đăng.
Tiếng Bắc, tiếng Nam xen tiếng Huế,
Bước người chen chúc bước xuân sang.
Tám năm bom giặc, đường không dứt,
Tên lửa, xe tăng vẫn vượt cầu.
Chuyện lạ bâng khuâng lòng khách lạ,
-Đất này hoa nở giữa chiêm bao?
Đất này đâu chỉ đẹp Hồ Gươm,
Lớp lớp rêu phong nếp miếu đường.
Hình tượng cầu phao vào lịch sử
Như lòng than đá hóa kim cương.
Tổ quốc hành quân đôi dép lốp,
Đường dài Nam Bắc nhịp cầu phao.
Ba mươi bảy triệu tình xuân thắm,
Cùng đón xuân chung một chiến hào .(1-1973)
Bài thơ sau đây đạt đỉnh cao trong nghệ thuật ca tụng:
NGÀY ẤY XUÂN VỀ
Khẩu súng trên vai vừa mới khoác
Tai bèo vành mũ gió rung rinh
Em vào tự vệ bao giờ th?
Mà dáng còn tươi nét nữ sinh.?
Thênh thanh xa lộ dài hun hút
Pháo lớn, tăng ta chiếm trọn đường
Thành phố rạng đông hừng trước mặt
Hãy còn lóng lánh triệu kim cương.
Xin mời em bước lên xe pháo
Tay chỉ giùm nhau những nẻo đường
Em biết nơi nào hang rắn độc
Nơi nào sào huyệt lũ xâm lăng
Quên hỏi tên em, hỏi phố em.
-Dạ, Trương Minh Giảng, Nguyễn Trung Kiên
Nhìn em, pháo thủ cười tươi tắn
Tên ngỡ con trai hoá gái hiền
Tất cả dường như có phép thần
Trăm năm khát vọng một ngày Xuân!
Chao ôi bông điệp xôn xao quá
Và cánh hoa mai nở trắng ngần.
Giải phóng đã qua hai độ Tết
Thơ mừng thống nhất chẵn hai năm
Em vào bộ đội bao giờ thế
Mà dáng còn nguyên nét trẻ măng? (Xuân 1977)
2. THƠ LÃNG MẠN:
QUÊ NGOẠI II gồm một số bài thơ cũ, và một số bài thơ mới. Phần lớn là thơ sáng tác từ 1945 cho đến 1990-1991. Trong tập Quê Ngoại II, loại thơ hoan hô, ca tụng đảng theo kiểu Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên dường như không có, có lẽ ông đã loại bỏ thứ văn chương này không muốn đem ra cho đồng bào, nhất là đồng bào Việt Nam hải ngoại thưởng thức mùi văn chương con thuyền xứ Nghệ! Và loại thơ tranh đấu như thơ Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán cũng không thấy có. Ông quá kín đáo, không bày tỏ quan điểm chính trị của mình. Có lẽ ông đã sợ tai bay vạ gió cho nên phải ''thủ khẩu như bình, phòng ý như thành''trong một chế độ mà trí thức, văn nghệ sĩ đuợc coi là kẻ thù số một của cái đảng chuyên chế!Tình cảm thông suốt tập thơ là nỗi buồn. Ông chỉ nói bằng tiếng thở dài uất nghẹn và đau đớn. Hồng Phúc vẫn là một hình bóng vĩnh cữu trong trái tim Hồ Dzếnh:
Có Một Bài Thơ
Phúc ơi có một bài thơ,
Mà anh viết đến bây giờ chưa xong
Đèn nhòa, giấy trắng mênh mông
Mười năm tâm sự một dòng chửa thôi (1947)
Lãng mạn là bản chất cố hữu của Hồ Dzếnh. Sống trong chế độ cộng sản, con người thi sĩ, tính chất lãng mạn của ông vẫn tồn tại trong vùng sâu kín của tâm thức. Trong tâm tư của ông, luôn có hình ành của người yêu xưa, người vợ cũ. Năm 1952 ở Sài Gòn, vào ngày xuân, ông viết:
VÔ ĐỀ
Xuân nầy ta nhớ người Kinh Bắc,
Mưa bụi rơi vào ly rượu thơm.
Tờ báo cuối năm màu vẫn gắt,
Như màu áo mới của giai nhân.
Tơ tóc thời gian vương kẽ tay,
Lâu rồi không viết nữa. Ô hay
Cớ sao thương nhớ về trên má
Tâm sự mênh mang, sầu vẫn đầy.
Hà Nội ngày nay có khác xưa?
Hoa đào vẫn nở, trời còn mưa?
Đồng Nai cỏ biếc, phơi mây trắng
Xuân đến, khôn nguôi buồn trái mùa!
Sãy lại vần thơ, đốt nén nhang,
Mảnh buồn tan tác giữa nhân gian.
Câu văn ly hận ngoài quê Bắc,
'Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?'' (Quyển Truyện Không Tên)
Hồ Dzếnh có hai bài Vô đề. Một bài được giới thiệu trong Quyển Truyện Không Tên, và một bài trong Quê Ngoại II. Trước 1945, thơ ông mang nỗi yếm thế khi người vợ, người yêu đã mất. Cụ thể là bài thơ sau:
Chuyến tàu đời: (bài thơ bỏ quên)
Nhiều lần tôi nghĩ bao la:
Đời là quán khách, tôi là giấc mơ.
Trao duyên rất đỗi tình cờ
Không mong ước hẹn, không ngờ gặp nhau.
Tôi sinh cách mấy ngàn sau,
Vẫn bền thiên luật: lên tàu xuống ga
Đường đời bóng núi sông qua
Nay đang nắng mới, mai là cảnh xuân
Có tôi, tàu vẫn đông thừa
Không tôi, tàu vẫn chẳng thưa vắng người
Mất còn có nghĩa gì đâu
Tôi là chút ít của đời chút không
Dặm trần bụi cuốn, mây dong
Tôi đem số phận gởi trong má đào
Từng phen gió lạnh bay vào:
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em? (1937)
Tính yếm thế và bi quan đó sau 1945 vẫn tồn tại.Trong một đêm trừ tịch, Hồ Dzếnh đã nhớ đến người xưa:
VÔ ĐỀ
(nhân đêm trừ tịch, thân tặng Hồng Phúc, Phương Hương)
Tỉnh dậy, mặt trời chưa thức giấc
Năm canh còn lại một canh năm
Trà sen trừ tách hương còn ngát
Thoảng Pháp-hoa-kinh giọng rất trầm
Có phải lời em tự chốn xa
Vọng về trong bóng khói, sương hoa
Cùng nhau tuy chẳng bào thai mẹ
Nhưng khác gì chung một mái nhà?
"Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi"
Hoa thơm cửa động còn thơm mãi
Nước chảy vòng trần luống chảy xuôi. (1980)
Đối với vợ, ông cũng rất chí tình:
Tặng em vì biết yêu em,
Em còn tin tưởng ít nhiều ở anh
Mùa đời rụng hết vàng xanh
Nỗi đau thương cũ nay thành máu thơ. ( Tặng vợ tôi khi còn sống,1950 )
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mở, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau? ( Bài thơ tặng vợ 1986)
Trong một vài bài thơ khác, kể cả bài thơ tặng vợ, ta thấy tràn ngập nỗi đau dớn và nỗi chán chường, bất mãn. Thơ của ông là thơ máu, và máu của ông là ''máu thơ'' vì những đau khổ trong số phận và trong chế độ.Được tin một phụ nữ vào chùa qui y, ông xót thương. Thương người phụ nữ này tức là ông tự thương ông phải khép mình trong cô tịch của chế độ chuyên chính cay nghiệt:
Chim tự lao vào gai săc
Tiếng ca mình đẫm máu mình!
Em ạ, đời thơ cũng vậy
Đau thương ,sự nghiệp vinh quanh
Gạn chút bùn đen tự đáy
Trăm năm luyện được chút vàng! (8-1990)
3. TIỂU THUYẾT TUYÊN TRUYỀN
Bên cạnh thơ, Hồ Dzếnh cũng đã viết truyện theo đường lối ''hiện thực xã hội chủ nghĩa''. Tiếng bạc cuối cùng viết tháng 6-1957, nhằm tố cáo xã hội miền Nam cờ bạc, đĩ điếm mà cụ thể là Đại Thế giới, Sài Gòn trước 1954 ( Tác Phẩm Chọn Lọc, 125-134); truyệnTài Ngôn viết 3-1957 nhằm đề cao việc tải vũ khí vào Nam chống Mỹ (135-144). Ông viết theo phong thái '' Chân Trời Cũ''. Ông chỉ bỏ vào nồi canh rau muống một muỗng nắm tôm nhưng thực khách của ông lại muốn ông đổ vào cả bát mắm tôm cho mặn mà nên họ không thích ông lắm. Vì vậy mà ông cũng như Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ chỉ chìm đi vào hàng vô danh.
4. ĐỐI KHÁNG : QUYỂN TRUYỆN KHÔNG TÊN
Nếu trong thơ, Hồ Dzếnh không cho ta biết rõ cuộc đời và tư tưởng ông, thì trong Quyển Truyện Không Tên (Thanh Văn, Hoa Kỳ, 1993, dày 103 trang), tác giả đã nói rất nhiều. Ông cũng như những văn nghệ sĩ sống dưới chế độ cộng sản phải ca tụng lãnh tụ, hoan hô đảng và cổ võ chính sách của nhà nước. Điều này không tránh khỏi vì ông đã viết thay cho con trai ông trong Quyển Truyện Không Tên: '' Một nhà văn như cha tôi không khác gì cô gái điếm: Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại.''. Ông cũng như Chế Lan Viên có hai khuôn mặt của Thúy Kiều ở chốn thanh lâu. Có khi bướm lả ong lơi, cười đùa cùng nhân thế; còn khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, lại đau đớn xót xa. Ông mượn lời con trai ông viết về cuộc đời ông ở dưới ngọn cờ máu. Ông viết về chiến tranh, về những người lãnh đạo chiến tranh tại miền Bắc, cùng các chính sách vườn không nhà trống, phá cầu đào đường, cải tạo tư tưởng và cải cách ruộng đất tại miền Bắc là nơi ông đã tìm về nương náu, ngược với dòng chảy của dân tộc:
"Tôi sinh ra giữa một kỷ nguyên khác lạ, kỷ nguyên của những con đường thênh thang bị phá vỡ, cầu bị sập, nhà cửa tiêu tan, xe cộ bịt lối. Người đô thị tản mạn lên rừng xanh, những cô gái xinh tươi của cuộc đời nhung lụa biến thành những cô hàng nước, những bèo bọt phong trần. Cuộc đời đó thật là vĩ đại và kinh khủng, lay chuyển hết mọi tầng lớp, giai cấp, san phăng hết mọi chênh lệch sang giàu. Nếu chỉ có một trạng thái biến đổi đó thì chưa đến nổi gay gắt. Đằng này, buồn thế hệ gậm nhắm vào từng lòng người, cái phẫn uất, cay chua nhào thành một loại cảm giác kỳ dị, gán lên cuộc sống một hình thức sượng sần khó tả. Cái gì dở, trái, đều được văn chương mới mệnh danh bằng những tiếng kêu ròn: tiểu tư sản, phong kiến. Muốn vào trong cái thế giới vừa tân tạo hôm qua, con người bắt buộc phải qua một lượt lột xác, hay ít nhất, cũng phải có ý thức lột xác (19). .
Ông đã lên án cái chủ thuyết đấu tranh giai cấp, chủ trương gây căm thù và chém giết của đảng vô sản. Tôi nghĩ nhân loại gồm những thành phần điên quá lắm. Trên quả đất nhân sinh chưa cần đến một giải pháp nào cả, mấy ngàn năm nay cuộc tuần hoàn của vũ trụ vẫn tiến đều. Sao cứ phải lấy máu để dựng một sự nghiệp, lịch sử cổ kim chưa bao giờ thấy nói đến dòng máu ác đổ ra mà làm nên truyện được. Nước Trung Hoa không sống vì Vạn Lý Trường Thành mà sống vì Khổng Tử. Dân tộc Pháp được nhắc đến thiên thu bởi vì nền văn hoá tinh anh mà không phải vì Nã Phá Luân hiếu thắng. ." ( 48).
Ông mượn lời cha dặn con để phê phán xã hội ông sống và chế độ ông phục vụ:
Con gắng mà hiểu rằng cái thời đại bố sống là một thứ thời đại tác quái, thời đại bít hế nẻo thông và lương tâm nhiều khi rẫy chết. Lúc con đọc những dòng chữ này, chắc loài người đã nguôi cơn điên loạn, thế hệ đã chôn cất những khổ đau một thời [...] Bố muốn rằng, đọc lại nó, con nên có cái tâm niệm này trước hết: đừng bao giờ cổ võ, dầu chỉ bằng một lời nói vô tình, cái ý thức chém giết hằng rền vang trong mạch máu động vật [...] Cái thời đại bố sống, anh em thù nhau, Đông Tây ghét nhau, quả đất hừng hực những căm hờn bất mãn. Lẽ sống dệt bằng khói lửa, người ta không biết gì hơn là thủ tiêu nhau để hòng thoát ngõ bí. Nhân loại cần phải hủy diệt, dẫu đến cả một cây cỏ non, nếu cần phải mở lối. Mở một lối đi qua xương máu, tang tóc, con người ngày mai đắc thắng dung mạo và hình thức sẽ ra sao? (75-76).
Ở một đoạn khác, ông viết tiếp về thời đại ông: Trong cuộc xáo trộn Nam Bắc, có cái gì còn nguyên được giá trị cố hữu đâu. Cái quý nhất là con người không còn gì quý nữa, nếu nó không là thứ xuất phẩm được rèn đúc theo khuôn khổ của thời đại (87).
Ông cho chúng ta biết cảm tưởng của ông khi cầm bút viết theo lối ''hiện thực xã hội chủ nghĩa''. Ông cho rằng cộng sản là một lò sát sinh, nó giết chết văn nghệ và con người văn nghệ. Theo ông chỉ có văn chương và con người văn chương là sự sống của thế giới, là hy vọng của nhân loại ngày mai, còn cộng sản là bọn sát nhân: Điều làm tôi hốt hoảng nhất là văn phẩm của tôi lâu nay viết ra, cứ giá băng và cằn cỗi. Tôi cũng chua xót, đau khổ, nhưng tại sao, cũng với giấy này bút nọ, tôi không ghi được hết lời? Mà nếu ghi, lời tôi lại trệch khỏi ý. Nghệ thuật chắc có bất mãn chỗ nào, nên nghệ sĩ không trả lên được đầy đủ bản sắc.[. ...] .Con mắt thời đại đã khác..Nó sắc và to, không có rèm mi nào làm dịu.. Tôi, tôi ưa nhìn thực tại với chút bóng dịu dàng, dẫu là chút bóng mơ mộng [. . .]. Chúng ta là những kẻ đáp con tàu tốc hành phản lực. Chúng ta bịn rịn nhiều thứ của chúng ta: nào hành lý vợ con, nào quần áo, tư tưởng. Mắt ta đã mờ. Lẽ dĩ nhiên là tốc lực con tàu không biết đến sự ngại ngần của hành khách, vẫn phóng chạy qua bức tường siêu âm [. .. ]. Giữa những phức tạp ngổn ngang như kia, với những mâu thuẫn chọi với mâu thuẫn, con người văn nghệ ngậm kín nỗi đau lòng. Và giữa lúc cuộc đời dần biến là một lò sát sinh lớn, tiếng nói văn chương sau này nếu được cất lên, sẽ là những tiếng trong sạch nhất. Nó im lìm lúc này để hàm dưỡng, súc tích, và mai đây, nó sẽ trổi lên thành một bản khải hoàn đắc thắng. Bởi vì chỉ có văn chương là thành thật, chỉ có nghệ sĩ là nhân đạo, những yếu tố đó sẽ xây dựng ngày mai với những nét sáng trong lịch sử (20-22).
Ông cũng cho ta biết quan điểm của ông về văn nghệ cộng sản. Cộng sản nhắm tiêu diệt tự do cá nhân nhưng họ lại sản sinh ra tệ nạn '' sùng bái cá nhân'', bắt văn học nghệ thuật làm nô lệ cho chính trị, biến văn nghệ sĩ thành văn nô suốt ngày đêm ca tụng lãnh tụ và đảng mặc dầu đảng và lãnh tụ là những tội phạm diệt chủng và những tên trộm cắp thần tình! Ông chỉ trích quan điểm văn nghệ nhân dân, văn nghệ quần chúng, văn nghệ phục vụ nhân sinh, hạ thấp giá trị nghệ thuật, cùng là quan niệm xã hội, quan niệm tập thể, dẹp bỏ cá nhân chủ nghĩa : Văn nghệ biến ra một ý nghĩa khác: ai cũng làm văn nghệ được. Hầu như làm văn không còn hẳn là việc cầm bút nữa: đi phát động một tiềm thức trong đời sống cần phải khua dậy, một phong trào cần phải cổ võ, gieo rắc một tư tưởng hợp thời, đó làm văn nghệ.Và tác phẩm của một cá nhân, tuy được mang tên mình, phải có xen vào công trình tập thể. Trong cái biển đại chúng, bản sắc của một cá nhân bị đánh tan ra thành bọt. Văn nghệ không nhận ai là thiên tài cũng như cõi đời không biết có người nào là xuất chúng. Một nhà văn như cha tôi không khác gì cô gái điếm: Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại.Nhưng những đêm mái tranh mưa dột, ngọn đèn tỏ nhỏ tâm tình, nhà văn hay cô gái kia nghe não lòng trong cơn chua xót, không ngăn nổi những tiếng nức nở đưa về. Lý luận già dặn vì được nhào kỹ, chỉ như những đường roi quất lên tiếng khóc hồn hậu: tiếng khóc có im, nhưng nỗi đau còn mãi (31-32).
Bàn về nghệ thuật, ông cho rằng cộng sản lợi dụng nghệ thuật với tà tâm, và lý thuyết của cộng sản về văn nghệ chỉ là ngụy thuyết: Nghệ thuật không thể lừa được ai, và cũng không có gì lừa được nghệ thuật. Những tà tâm, lợi dụng nhất thời làm nổi tiếng, hay đúng hơn, làm xôn xao, sẽ chìm ngập khi con người không còn có mặt để kêu rộn những nguỵ thuyết của mình." (55).
Ông cho chúng ta biết về việc ông bị trừng phạt. Việc ông ra khỏi nghề giáo được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc. Ông kể về ông, đồng thời tố cáo nền giáo dục cộng sản: Cha tôi không được dạy học nữa vì sức yếu .[ ..} Ngừơi ta không cho bố mày dạy học nữa (14-15). Bởi vì cha tôi không còn được dạy học nữa vì lý do sức khỏe và nhất là vì giáo khoa không thực tế. Học trò bây giờ quy tất cả các môn học về chính trị. Đầu đề một bài toán cũng phải có vài chữ mắc vào thời đại. Huống chi một thiên giảng văn, một trang luận, những cái nó phải chan chứa nguồn nhân sinh.... Chỉ tội nghiệp cho cô Kiều, cho Nguyệt Nga, lạc lõng từ mấy thế kỷ xa lại, thốt nhiên được người ta phê bình mổ xẻ. . . ( 30-31).
Ông viết điệp khúc này và chuyện gia đình ông nghèo khổ để tố cáo cộng sản dã man đã đày ải đời ông, giết mất một vợ và một con của ông! Đọc Hồ Dzếnh, chúng ta xót thương cho ông, cho cả dân tộc đã phải tai ách cộng sản. Dẫu sao, ông cũng là nhà tiên tri, đã nhìn thấy cái giai đoạn sắt máu của cộng sản phải tàn lụi đi, để cho tự do dân chủ vùng lên. Lúc con đọc những dòng chữ này, chắc loài người đã nguôi cơn điên loạn, thế hệ đã chôn cất những khổ đau một thời. Ông cũng là người nhìn suốt chủ trương lối sai lầm của cộng sản. Ông là con người có ý thức, và chân thật không phải như những tên hề giả dối đã quay cuồng múa may một thời! Quyển Truyện Không Tên của ông có giá trị của bản án kết tội chủ nghĩa cộng sản. Quyển Truyện Không Tên của ông là một thiên tiểu thuyết nhưng có giá trị hơn cả những tác phẩm của các triết gia thế kỷ tiền bán thế kỷ XX. Ôi! lúc bấy giờ thế giới còn quỳ gối tụng kinh Mác Lê, đa số văn nghệ sĩ Việt Nam phải sụp lạy cáo già, J.Paul Sartre buồn phiền vì Khrushchev đập tan thần tượng Stalin của ông, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường chỉ bi bô vài chữ về dân chủ, không ai phân tich, phê phán chủ nghĩa cộng sản một cách rạch ròi như ông!
Quyển Truyện Không Tênra hải ngoại , gia đình Hồ Dzếnh có bị trả thù tàn bạo hay không? Lịch sử cần biết về số phận của những người con yêu quý của Tổ Quốc trong hỏa ngục đỏ.
(Trich:Nguyễn Thiên Thụ-Việt Nam Văn Học Toàn Thư
0 nhận xét:
Đăng nhận xét