Thế là thành thư viện

Ở ta, trong khoảng 10 năm trở lại đây, có nhiều thư viện tư nhân (thư viện gia đình) được mở ra. Như một nỗ lực đắp trống cho hệ thống thư viện nhà nước đang còn tồn đọng quá nhiều vấn đề. Xắn tay vào cuộc là như vậy.

Mình biết có thư viện của cố học giả Phạm Đức Dương. Nhưng chưa có điều kiện để đến thăm một lần.

Còn dịch giả Đoàn Tử Huyến thì mình mượn sách của anh ấy từ lúc anh còn quen chứa sách trong bao tải. Nhà Đông Tây khởi nghiệp từ những bao tải sách như vậy. 

Mấy hôm trước, anh Huyến mở cửa thư viện gia đình Đoàn Tử Huyến.

Bài ở dưới là của Nguyễn Trọng Tạo (người cầm thuốc lá trong bức ảnh). Bài đáng đọc ở mỗi cái ảnh.



Từ đây trở xuống là lấy về từ trang NTT.

---


ĐẾN THƯ VIỆN GIA ĐÌNH ĐTH NGHĨ VỀ VĂN HÓA ĐỌC


Posted on  by nguyentrongtao

NGUYỄN TRỌNG TẠO 

Đoàn Tử Huyến là một dịch giả văn học tài hoa biết chọn sách đẳng cấp để dịch. Anh cũng là một người làm sách giàu kinh nghiệm: thẩm định và biên tập nhiều cuốn sách quí. Trung tâm VHNNĐT của anh in được sách quí cả Đông lẫn Tây, cả cổ lẫn kim, đặc biệt là có những cuốn sách quí của ta bị thời gian (và cả định kiến chính thống) phủ bụi. 

Khai trương Thư viện gia đình ĐTH – 29.5.2015 – Trái sang: Tạ Phương, Nguyễn Trọng Cử, Chí Tâm, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Đức Mậu, Mạc Mạc, Nguyễn Trọng Tạo.
Đã có Thư viện café Đông Tây rồi, nhưng đó là thư viện mang tính “chính thống” kết hợp kinh doanh, Huyến muốn có một thư viện riêng mang tính “gia đình”. Ở đây là sự lựa chọn cá nhân của ông chủ. Thế nên, có nhiều sách cũ, sách cổ, sách mình thích đọc và sách của bạn bè quí mến mà tặng. Nhìn vào giá sách gia đình biết “văn hóa đọc” của người chọn sách, có thể “đọc” được cả tâm hồn, tâm can… ông chủ. 
Nói về văn hóa đọc thì rất rộng, nhiều quan niệm khác nhau. Có văn hóa đọc chung và có văn hóa đọc riêng. Mỗi người đều có thói quen, sở thích và kỹ năng đọc khác nhau. Có người tự chọn sách để đọc và có người phải nhờ người chọn sách cho đọc. Chính trẻ con rất cần người lớn hướng dẫn nên đọc gì, thậm chí mua/mượn sách gì cho chúng đọc. Rồi dần dà, trẻ con lớn lên sẽ quyết định lấy sự lựa chọn của nó, thậm chí đến một lúc nào đó, người lớn không can thiệp được. 
Sở thích cá nhân bao giờ cũng phong phú và không giống nhau. Người thích đọc thơ, kẻ thích đọc truyện, người thích đọc văn học kẻ thích đọc khoa học kỹ thuật, người thích đọc kinh tế, kẻ thích đọc chính trị, người thích đọc tâm lý kẻ thích đọc tu tâm tích đức, người thích đọc tôn giáo kẻ thích đọc vô thần, người thích đọc tư liệu kẻ thích đọc báo chí… Lại có người thích đọc sách cấm. Thôi thì muôn màu muôn vẻ. 
Nhưng đọc thế nào? Đọc nhanh, đọc chậm, đọc ngang, đọc dọc, đọc chéo, đọc nhảy cóc… miễn là tìm được cái mình thích, cái mình cần. Vì vậy, hiệu quả thâu nhận được từ đọc cũng rất chi là khác nhau.
Mỗi cuốn sách là một kinh nghiệm sống. Có kinh nghiệm sống tâm hồn và kinh nghiệm sống khoa học. Nhưng sách thì như rừng mà thời gian, tiền bạc mỗi người đều có giới hạn. Đọc sách không nên lười mà cũng không nên quá tham. Có lúc đọc sách như là giải trí, đơn thuần chỉ giải trí thôi, cũng tốt chứ sao. 
Cái khổ của người đọc là đứng trước rừng sách báo, biết chọn cái gì để đọc. Lại có khi chọn nhầm phải một cuốn sách “thổ tả” vừa mất thời gian, vừa tốn tiền, lại chuốc lấy bực mình. 
Vì thế mà người ta rất quan tâm đến người làm sách (viết sách, xuất bản sách, bán sách), làm sao có lương tâm, lành mạnh để phụng sự người đọc, phụng sự xã hội. Độc giả hiện này kêu oai oái về báo lá cải, về sách ngôn tình, sách dâm ô trụy lạc. Đó là phản ứng tự nhiên để văn hóa sách và văn hóa đọc cần cân bằng trở lại sự tốt đẹp của nó. 
Một nhà văn cần có văn hóa sống, văn hóa đọc, và văn hóa viết. Nếu anh có một cuộc sống ngoài đời, thì mỗi cuốn sách văn học hay sẽ cho anh thêm một cuộc sống khác mà anh chưa từng biết tới. Anh sẽ có nhiều cuộc sống khi đọc sách. Và anh không chỉ viết văn bằng cuộc sống của riêng anh, mà còn viết bằng cả nhiều cuộc sống khác với nhiều kinh nghiệm sống mà anh thâu nhận được từ sách. Nghĩa là anh cũng đã sống thêm cho người đọc của anh.
Với ý nghĩ ấy, tôi muốn uống thêm với Đoàn Tử Huyến một ly rượu nữa, dù hôm khai trương thư viện gia đình ĐTH, tôi cũng đã uống nhiều.
Hà Nội, 2.6.2015
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét