[Minh Trị]
Chiều Thứ Bảy vừa qua, khi đội tuyển U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Toshiya Miura thất bại trước U23 Myanmar, qua đó không thể hoàn thành giấc mộng Vàng SEA Games đã ám ảnh bóng đá Việt Nam nhiều thập kỷ, người hâm mộ cả nước đều buồn. Không buồn sao được khi mà đã hội nhập SEA Games 26 năm, đã vào trận Chung kết đầu tiên của SEA Games cách đây chẵn 20 năm (SEA Games 18 tại Chiềng Mai), đến nay ước mơ đứng trên đỉnh cao nhất bóng đá Đông Nam Á vẫn mãi là ước mơ.
Cả nước buồn, nhưng một số “rận chủ” lại tỏ vẻ vui mừng. Trước tiên là Nguyễn Lân Thắng, không một lời động viên, cũng chẳng chia sẻ quan điểm trên tinh thần chuyên môn bóng đá, hắn ta quy chụp U23 thất bại là do bán độ. Lân Thắng nói về việc trong chuyến đi sang Philippines từng được tiếp xúc với một công ty cá độ bóng đá gồm khoảng 60 người Việt sống khép kín, chuyên trả lời điện thoại Voice IP để hướng dẫn cá độ. Để rồi Nguyễn Lân Thắng bóng gió nói rằng những giọt nước mắt của cổ động viên trên khán đài là hoài phí, mọi thứ đã được sắp xếp, kể cả những giải đấu lớn trên thế giới.
Toàn là những quan điểm nực cười! Môn thể thao vua vốn được theo dõi rộng rãi nhất toàn cầu, các giải đấu uy tín như World Cup, Euro, UEFA Champions League, Ngoại hạng Anh... một đội bóng dù đã bị loại hoặc chính thức xuống hạng vẫn chiến đấu đến cùng vì danh dự, vì tinh thần thể thao cao thượng. Đúng là cá độ bóng đá bất hợp pháp đang trở thành vấn nạn toàn cầu; đúng là đã ba bốn lần cầu thủ Việt “nhúng chàm”, trong đó sự kiện cách đây đúng 10 năm tại Bacolod (Philippines) là đau lòng nhất, mới đây lại là các vụ việc ở CLB The Vissai Ninh Bình, CLB Đồng Nai; đúng là ngay trước giải, một số thành viên trong đoàn bóng đá Timor Leste đã bị điều tra về nghi vấn dàn xếp tỷ số trong trận mở màn với U23 Malaysia. Nhưng điều đó không có nghĩa là được quyền quy chụp trận bán kết có tiêu cực, không có nghĩa là phủ nhận những giọt mồ hôi công sức, cháy hết mình trong trận đấu của các cầu thủ, những cảm xúc vui buồn của các cổ động viên. Đứng lên sau thất bại, đội U23 đã giành chiến thắng đậm 5-0 trước U23 Indonesia để giành tấm huy chương đồng. Với lực lượng U23 năm nay được xác định không mạnh, thành tích đó đã đạt chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường (vào đến bán kết). Sống ở một đất nước quá cuồng nhiệt về bóng đá, mỗi bước đi của các cầu thủ được quan tâm rất lớn, áp lực nặng nề dẫn tới vô duyên trước khung thành đối phương là điều dễ hiểu và cần được cảm thông, chứ không phải là vu khống, quy chụp như một kẻ lưu manh. Thực chất, với những hành vi trước đó của mình, Nguyễn Lân Thắng cũng đúng là lưu manh khi phản lại chính ông cha mình, những Giáo sư hàng đầu đất nước khi đi vào con đường chống lại nhân dân và Tổ quốc.
Vượt qua nỗi đau, trong sự yêu thương của người hâm mộ, U23 Việt Nam thắng đậm giành huy chương đồng SEA Games
Tiếp theo là Huy Đức, ông ta liên hệ ngay thể thao với chính trị bằng dòng cảm nghĩ: “Đừng buồn vì đội tuyển lại thua. Đừng bắt những chàng cầu thủ trẻ tuổi phải vô địch SEA Games khi họ phải đá trên một nền tảng kinh tế, văn hóa và chính trị đội sổ ASEAN”. Thật là lố bịch! Ông dựa vào cái gì để khẳng định Việt Nam đang đứng chót khu vực Đông Nam Á về kinh tế - xã hội thế hả Huy Đức? Đất nước đang từng bước khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát thấp, tăng trưởng đang cao trở lại, đời sống nhân dân, phúc lợi xã hội dần dần được cải thiện, Việt Nam vẫn là một trong những nước an toàn nhất thế giới. Hơn thế nữa, dù chưa phải là nước giàu, Chính phủ Việt Nam vẫn rất quan tâm đầu tư cho thể thao thành tích cao. Riêng các chuyến tập huấn của bơi lội, điền kinh, taekwondo, bóng đá, rowing đều cần nguồn kinh phí lớn. Đặc biệt, đội tuyển bóng đá quốc gia và U23 được cả xã hội quan tâm, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam lo lắng từ thuê huấn luyện viên, sàng lọc cầu thủ, tập huấn, tổ chức giải đấu giao hữu, chế độ đãi ngộ cao... Nhìn sang các nước phát triển hơn ta như Malaysia, Singapore, các vận động viên chắc gì đã có sự ưu tiên, quan tâm hết lòng như thế. Một quốc gia giàu về kinh tế là cơ sở để có nền thể thao mạnh, nhưng đó không phải là tất cả, nhất là trong bóng đá. Các nước phát triển như Canada, Thụy Điển, quốc gia lớn hoặc đông dân như Nga, Ấn Độ cũng đâu có thành tích cao trong bóng đá?
Huy Đức đang cố thể hiện ra rằng trận thua của U23 Việt Nam cũng xuất phát từ ... chính trị, hay nói cách khác, khó khăn, thua kém gì cũng do chính quyền hết (!). Có vẻ như Huy Đức cố tình lảng tránh thành công của thể thao Việt Nam ở hầu hết các bộ môn khác. Đại hội thể thao không chỉ có bóng đá. Năm nay, với một lực lượng vận động viên đưa sang không nhiều, 384 người - đứng thứ 7 về số lượng, chỉ bằng một nửa Thái Lan (761 VĐV), Singapore (745 VĐV), thấp hơn Malaysia (645 VĐV), Indonesia (521 VĐV), Philippines (472 VĐV), thậm chí cả ... Myanmar (393 VĐV), nhưng thành tích đoàn thể thao Việt Nam đạt được là quá tuyệt vời. Giành 73 huy chương vàng, phá 9 kỷ lục SEA Games, vững vàng ở Top 3 trên bảng tổng sắp với khoảng cách gần 15 HCV với đoàn xếp sau là Malaysia. Điều đặc biệt là, thay vì chủ lực các môn bắn súng, võ - vật như trước đây, ở SEA Games này, cả ba môn Olympic nhóm 1 danh giá (điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ) đã trở thành mũi nhọn của thể thao Việt Nam khi đóng góp số HCV nhiều nhất. Trong 73 HCV thì có đến 65 HCV (chiếm 89%) là từ các môn trong chương trình Olympic cho thấy sự đầu tư đúng hướng. Nếu như chủ nhà Singapore không cắt bỏ hàng chục nội dung thế mạnh của Việt Nam, chúng ta đã có vị trí thứ hai toàn đoàn.
Nói đến thành công của đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 28, chắc chắn phải nhắc đến Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái 19 tuổi quê Cần Thơ này đã thống lĩnh đường đua xanh khu vực với 8 huy chương, phá 8 kỷ lục SEA Games và là ứng cử viên cho danh hiệu vận động viên xuất sắc nhất Đại hội. Khác với suy nghĩ của Huy Đức cho rằng đó là sự xuất chúng của cá nhân, kỳ tích của cá nhân, rõ ràng thành công của Ánh Viên là sự cố gắng của chính sách phát triển thể thao đúng đắn cùng sự hy sinh của biết bao người. Năm 2006 Ánh Viên mới biết bơi, đến năm 2010 (một năm trước khi cô tham gia kỳ SEA Games đầu tiên ở Palembang - Indonesia), theo lời HLV Đặng Anh Tuấn thì Ánh Viên vẫn còn “bơi như con lăng quăng”. Sau đó, từ sự phát hiện về thể chất cũng như khả năng của cô, Tổng cục Thể dục thể thao và bộ môn Bơi lội có sự đầu tư trọng điểm để rồi Ánh Viên tiến bộ lên từng ngày, từ huy chương bạc ở Indonesia 2011 đến 3 huy chương vàng tại Myanamar 2013, chiếc huy chương lịch sử ở cấp độ châu Á tại Asiad Incheon 2014 và giờ đây là 8 HCV trong 1 kỳ Đại hội. Đó là cả một hành trình từ săn tìm tài năng, mài giũa “viên ngọc thô”, luyện tập, đầu tư tập huấn cho đến thi đấu cải thiện thành tích. Sự hy sinh không phải chỉ của một mình Ánh Viên (xa nhà 364 ngày 1 năm) mà ở đó còn là sự trăn trở, cố gắng của biết bao người làm thể thao, sự hy sinh riêng tư của cả HLV Đặng Anh Tuấn. Tập huấn ở Mỹ trường kỳ, kinh phí không hề nhỏ, HLV cũng phải bỏ công sức vô cùng lớn. Thành quả của Ánh Viên không chỉ là từ tiềm năng, nỗ lực cá nhân mà là sản phẩm của một chính sách đúng đắn, hiệu quả, đầu tư hợp lý, khoa học.
Nói tóm lại, những “rận chủ” vốn đã đi ngược lại quyền lợi của đất nước và nhân dân, bất cứ lĩnh vực nào, bao gồm cả thể thao chúng cũng đều tìm cách xuyên tạc, chống phá. Những thành tích cũng như khó khăn của thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng (vốn là niềm tự hào và danh dự quốc gia) cũng không được chúng coi ra cái gì. Chúng chỉ là những phần tử lạc loài, còn đa số người hâm mộ Việt Nam luôn hân hoan, ngưỡng mộ trước những thành tích mà vận động viên của chúng ta đạt được. Họ đã đánh đổi mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu để đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Một kỳ SEA Games khá thành công đã đi qua, hãy sớm vượt qua khó khăn, phát huy thành tích, hướng tới đấu trường châu lục và Olympic, tương lai thể thao Việt Nam nằm trong tay các bạn:
“Bạn sẽ khát khao hơn khi hiến dâng sức mạnh
Nhẹ nhàng lướt đôi chân bạn mang về chiến công
Bạn sẽ khát khao hơn khi cháy lên khát vọng
Niềm vui thắm trên môi ngời sáng Tổ quốc ơi”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét