[Minh Trị]
Thực tế trong cuộc sống, một người am hiểu chính trị có thể là một người nổi tiếng nhưng một người nổi tiếng chưa chắc đã là người am hiểu về chính trị. Anh có thể giỏi đặc biệt về một lĩnh vực, nhưng anh không thể lấy cái tầm hiểu biết nhất định của anh để áp đặt người khác ở những lĩnh vực mà anh không am hiểu.
Vừa rồi, trên trang mạng boxitvn có đăng bài viết “Dân tộc Việt Nam ơi, xin đừng để vuột cơ hội muộn màng” của học giả Trần Quí Cao. Trong đó, khi điểm lại cái mà tác giả gọi là “ba cơ hội lớn trước đây Việt Nam đã bỏ lỡ”, chúng ta có thể nhận thấy vị học giả này đã đưa ra những nhận định sai lạc, phiến diện về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta.
Về “cơ hội đầu tiên” ở giai đoạn 1954 - 1968, tác giả cho rằng nên chọn đối tác là Mỹ, chấp nhận viện trợ của Mỹ để “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản” và từ đó đất nước sẽ được giàu mạnh, hóa rồng. Thật là một nhận định ngây ngô! Xin thưa, nếu tác giả nhìn lại thời điểm năm 1954, khi lực lượng kháng chiến Việt Nam giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve (21/7/1954) công nhận độc lập cho ba nước Đông Dương, nước nào đã cản trở Hội nghị, khi cản trở không được thì không tham gia ký văn bản Hiệp định? Nội dung Hiệp định Geneve đã quy định sau 2 năm kể từ ngày ký, hai miền sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử, thế lực nào đã dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, từ chối hiệp thương, bầu quốc hội và thông qua hiến pháp riêng nhằm phá hoại Hiệp định, chia cắt lâu dài nước Việt Nam? Phân cục tình báo Mỹ tại Việt Nam khi đó đã tính toán rằng, nếu tiến hành tổng tuyển cử vào 7/1956 như dự định, Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với uy tín lên rất cao sau thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp sẽ giành tối thiểu 70% số phiếu bầu. Hơn nữa, về thực chất cái chính quyền “Việt Nam cộng hòa” mà Mỹ dựng nên ở Nam vĩ tuyến 17 mang danh là “quốc gia”, “cộng hòa” nhưng thực chất chỉ là sự thay chủ, tay sai của Pháp giờ chuyển sang phục vụ chủ Mỹ mà thôi. Cuộc chiến tranh sau năm 1954 vì vậy hoàn toàn chính nghĩa, là cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, tiêu diệt chính quyền tay sai, thống nhất đất nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Về “cơ hội thứ hai” ở giai đoạn 1975 - 1986, xin thưa với ông Trần Quí Cao, việc đưa quân dân cán chính Sài Gòn đi học tập cải tạo là chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam nhằm giúp những người lầm đường lạc lối trở về với nhân dân. Còn về chính sách đối ngoại, khi chiến tranh kết thúc, bất cứ đất nước nào cũng đều mong có môi trường hòa bình, ổn định để khôi phục, phát triển kinh tế. Việt Nam khi đó cũng đã cố gắng hàn gắn quan hệ với Mỹ, từ đó Mỹ mới không phản đối Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977. Ước vọng làm bạn với nhân dân tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế của nhân dân Việt Nam không thực hiện được là do chính sách gây hấn của bọn diệt chủng Pol Pot ở Cambodia với sự hà hơi tiếp sức của một số thế lực phản động quốc tế. Việt Nam cũng không hề “gây nên” hai cuộc chiến tranh biên giới mà đều bị tấn công trước và phản ứng là để tự vệ. Việt Nam giúp nhân dân Cambodia thoát khỏi họa diệt chủng là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, và giúp bạn cũng là tự giúp mình, tự bảo vệ mình. Thế nhưng, chính các nước lớn trên thế giới tác giả nhắc đến, khi đó thì bí mật giúp đỡ Pol Pot để gây bất ổn cho Việt Nam, sau này lại trở mặt tham gia vào các phiên tòa xét xử cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ, tìm cách thâu tóm chính trường Cambodia khi lực lượng chống Khmer Đỏ lên nắm chính quyền. Tóm lại, việc căng thẳng quan hệ ngoại giao với một số nước lớn giai đoạn 1979 - 1990 là điều Đảng, Nhà nước Việt Nam không mong muốn, nó xuất phát từ âm mưu, ý đồ thâm độc của một số nước lớn, được những kẻ tay sai cuồng tín tiến hành, Việt Nam chỉ phản ứng tự vệ mà thôi.
Về “cơ hội thứ ba” giai đoạn 1986 - 1990, tác giả lên án chính sách đối nội, đối ngoại thời Đổi mới. Xin thưa với tác giả, về đối nội, các đảng Dân chủ, đảng Xã hội trong thời kỳ kháng chiến đã có nhiều đóng góp trong việc tập hợp quần chúng phục vụ cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Tuy nhiên, khi họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, không lôi kéo được quần chúng, vai trò đã chấm dứt thì họ tuyên bố tự giải tán cũng là lẽ thường, chẳng ai gây sức ép với họ cả. Về đối ngoại, rõ ràng kể từ khi phát động công cuộc Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, các nước ASEAN, từ đó thu hút hợp tác đầu tư rộng rãi từ các quốc gia phương Tây; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện Việt Nam đang dần sáng tỏ. Vậy sao tác giả lại nói nếu “thoát Cộng” thì đất nước sẽ phát triển hơn? Tại sao cứ lấy mấy cái ví dụ về Ba Lan, Hungary - hai nước Đông Âu phát triển nhất, được Mỹ, EU đổ viện trợ vào nhiều nhất, mà không nhìn sang các quốc gia khác sau biến động chính trị cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước họ có gì? Anbani, Rumani, Bungari vẫn có tỷ lệ dân số nghèo đói lớn, bất công xã hội nặng nề hơn thời xã hội chủ nghĩa, các quốc gia trong cộng đồng SNG suy thoái trầm trọng, lâm vào khủng hoảng, thậm chí nội chiến (như Ukraine). Ngay như nước Nga (kế thừa chủ yếu của Liên bang Xô viết) sau khi sụp đổ Nhà nước XHCN còn mãi không lấy lại được vị thế của siêu cường, xã hội bất ổn, dân số giảm sút... Vấn đề ở đây không phải là mô hình tư bản ưu việt hơn, mà cần nhận thức đúng con đường phát triển phù hợp với đất nước qua từng thời kỳ. Có thể thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam được lịch sử chứng minh là lực lượng chính trị ưu tú nhất của dân tộc, không chỉ đảm đương sứ mệnh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc mà còn lãnh đạo sự nghiệp Đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đó là những sự thật không thể phủ nhận.
Nói chung, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Theo Minh Trị tôi thì không am hiểu về chính trị thì đừng phát biểu liều về chính trị!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét