Câu chuyện Việt Nam - Campuchia. Kỳ 1: Phảng phất ám ảnh lịch sử

[Tọa Sơn]

Trong những ngày qua, cùng với cái nắng gay gắt của Hà Nội thì tình hình an ninh biên giới giữa Việt Nam và Campuchia lại một lần nữa cũng đã được hâm nóng lên. Đó là việc khoảng 250 người Campuchia được dẫn đầu bởi tên Thach Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Kampuchea Krom dẫn đầu đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 giữa tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An của Việt Nam và tấn công làm 7 người Việt Nam bị thương vào ngày 28/06/2015. Vụ việc trên đã làm cho biên giới Việt Nam – Campuchia trở nên căng thẳng. Khi đọc, nghe những dòng tin tức này, thực sự trong tôi có nhiều cảm xúc dâng trào. Là một con dân Việt Nam, tôi căm giận bất kỳ ai, bất kỳ hành động nào xâm phạm vào lãnh thổ chủ quyền của đất nước tôi. Là một người lao động với bao bộn bề lo toan, tôi lo lắng cho sự ổn định của đất nước. Và là một người có chút hiểu biết tôi buồn khi tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc bị ảnh hưởng. Tôi mong rằng những người dân Campuchia quá khích kia, cùng cái đảng cứu quốc Campuchia hãy nhìn lại lịch sử trước khi phát biểu hay làm bất cứ hành động gì ngu ngốc nữa.


Phảng phất ám ảnh lịch sử

Khi nghe báo đài tường thuật bình luận về sự kiện ngày 28/06/2015 vừa qua, cùng sự kiện phía Trung Quốc đang lừ lừ kéo cái dàn khoan thổ tả HD 981 trở lại biển Đông làm tôi tự nhiên liên tưởng đến hai cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam trong những năm 1978 – 1979. Tất nhiên tôi xin khẳng định ở đây là đây chỉ là một sự liên tưởng đơn thuần chứ không có dụng ý xấu xa gì khác. Và sự liên tưởng của tôi là như thế này.

Sam Rainsy – chủ tịch đảng cứu quốc Campuchia (CNRP) như đang dần đi vào con đường sai lầm mà chính Pôn Pốt cách đây 40 năm đã đi. Một Pôn Pốt ngoài mặt cảm ơn Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia kháng chiến chống Mỹ thắng lợi nhưng ngay sau đó xua quân đi đánh chiếm hai đảo Thổ Chu và Phú Quốc. Một Sam Rainsy cách đây hơn 10 năm cũng đã giãi bày về lòng biết ơn nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, và muốn cá nhân và đảng của mình có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam thì nay lại đang chống Việt Nam điên cuồng. Lấy đó làm mục đích cho hoạt động của mình cũng như các thành viên trong đảng. Tọa Sơn tôi đã từng thử đặt câu hỏi, có phải vì sau nhiều năm không chiến thắng được đảng nhân dân cách mạng Campuchia do thủ tướng Hun sen đứng đầu (một đảng mà Sam Rainsy cho rằng “thân Việt Nam” hay không mà quay ra “ghét” Việt Nam đến vậy).

Một đảng cộng sản Campuchia chiến đấu vì nhân dân Campuchia bỗng dưng dưới những lý luận lệch lạc hoang tưởng, cùng sự hận thù Việt Nam mù quáng mà Pôn Pốt tuyên truyền nên đã đánh mất bản chất của mình. Chẳng thế mà ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Campuchia kết thúc, một trong 3 chủ trương lớn mà thường vụ trung ương đảng Pôn Pốt đề là xác định Việt Nam là kẻ thù số 1. Thậm chí sự điên rồ của Pôn Pốt được đẩy lên đến đỉnh điểm khi tuyên bố: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, một tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đành 10-15-20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam. Phải đưa chiến tranh sang đất nó”. Ngày nay, một đảng cứu quốc Campuchia dưới sự lãnh đạo của Sam Rainsy cũng đang say máu chống Việt Nam. Trong khi lãnh đạo đảng này mạnh mồm tuyên bố Phú Quốc là của Campuchia thì ít nhất 50 đảng viên trẻ của đảng đã yêu cầu đại sứ quán Mỹ tham gia cuộc chiến chống lại Nhà nước hồi giáo (IS) ở Trung Đông do Mỹ dẫn đầu với điều kiện là Mỹ sẽ giúp họ chống lại Việt Nam và đánh chiếm đảo Phú Quốc?!.

Bóng ma trở lại

Cách đây 40 năm, dưới bàn tay nhào nặn của Trung Quốc, một Pôn Pốt khát máu, hoang tưởng đã được thành hình và đã bắt đầu cho những chuối ngày đen tối nhất trong lịch sử Campuchia. Chính Trung Quốc là đạo diễn, là người giật dây cũng như bảo trợ cho những hành động ngông cuồng của Pôn Pốt dọc tuyến biên giới phía Tây Nam của nước ta. Lúa gạo của Campuchia được Trung Quốc trả không phải bằng tiền mà là bằng hàng loạt vũ khí, thay vì những kỹ sư nông nghiệp thì một loạt chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đến Campuchia. Sau này khi chính quyền Pôn Pốt bị lật đổ thì cũng chính người hàng xóm của chúng ta tiếp tục tài trợ và nuôi dưỡng số tàn quân còn lại.

Ngày nay, để phục vụ mưu đồ bành trướng của mình, để tăng cường sức ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng sức mạnh kinh tế như là một con bài không thể thiếu. Và ít nhiều con bài này của Trung Quốc đã phát huy được tác dụng. Và chính quyền Campuchia cũng chính là một trong những đối tượng mà Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng này đặc biệt được thấy rõ nhất là khi tình hình Biển Đông nóng lên với nhiều hành động ngang ngược của Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy rõ nét nhất chính là việc trong tháng 7 năm 2012 khi Campuchia là chủ tịch luân phiên của Asean đã không thể thông qua bản tuyên bố chung trong kỳ họp của các ngoại trưởng của khối khi mà Philipines yêu cầu nội dung có đoạn nhắc đến diễn biến xung quanh bãi cạn Scarborough. Đây là một trong nhiều sự kiện mà phía Campuchia ngấm ngầm ủng hộ việc Trung Quốc thực thi yêu sách đường chín đoạn.

Tuy nhiên, như thế với Trung Quốc còn là chưa đủ. Dù sao trong con mắt của Trung Quốc thì Đảng nhân dân cách mạng Campuchia do Hun Sen đứng đầu vẫn chịu ơn khá nhiều từ phía Việt Nam. Trung Quốc muốn dựng lên một chính đảng mà ở đó sự liên hệ với Việt Nam là nhạt nhòa thậm chí là chống đối sâu sắc với Việt Nam. Sam Rainsy với bản chất ôm chân nước lớn, cùng đảng của ông đã được Trung Quốc đưa vào tầm ngắm và được nước này bảo trợ. Đảng cứu quốc Campuchia chính là đảng đối lập có tiềm lực nhất để lật đổ sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Campuchia, đồng thời có thể thực hiện cho các mưu đồ chính trị của Trung Quốc.

Điên cuồng chống Việt Nam

Cuộc đời vào tù ra tội và anh hùng chuồn của Sam Rainsy

Sam Rainsy bắt đầu sự nghiêp chính trị của mình năm 1991 sau khi gia nhập đảng  Funcinpec của hoàng thân Norodom Ranariddh. Ông ta nhanh chóng leo lên làm Bộ trưởng Tài chính thời đó nhưng 3 năm sau bị cắt chức, khai trừ khỏi đảng Funcinpec và đại biểu quốc hội. Sau đó, ông lập ra đảng mang tên mình. Năm 2005, ông rời khỏi Campuchia sau khi mất quyền miễn truy tố của đại biểu quốc hội. Năm 2006, ông trở về sau khi được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá.
Ngày 25/10/2009, Sam Rainsy đã tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An và Svay Rieng, nhổ 6 cọc dấu tạm thời xác định mốc 185 mang về Phnom Penh. Đồng thời, ông có những phát biểu vu cáo như Việt Nam chiếm đất Campuchia thông qua việc phân giới cắm mốc.

Trước sự phá hoại này, chính quyền huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng làm đơn kiện ông ra tòa và Sam Rainsy bị kết án 2 năm tù ngày 27/01/2010 và phạt 60 triệu riel (khoảng 15.000 USD) vì tội phá hoại tài sản nhà nước và có hành động kích động phân biệt sắc tộc.

Để tránh bị bỏ tù, Sam Rainsy bỏ chạy sang Pháp định cư, vì ông mang hai quốc tịch (Pháp và Campuchia). Không bao lâu sau, ngày 23/9/2010 tòa án Phnom Penh tuyên phạt ông Sam Rainsy một bản án vắng mặt nặng nề hơn, 10 năm tù về tội giả mạo và công bố một bản đồ sai lạc về biên giới nhằm cản trở công tác phân giới cắm mốc của Campuchia với Việt Nam.

Ngày 12/7/2013, Sam Rainsy lại được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá theo đơn xin của đương kim Thủ tướng Hun Sen "vì lợi ích của đất nước và trên tinh thần hòa giải dân tộc".

Không hiểu sao một người đầy tiền án, tiền sự như Sam Rainsy lại có thể lại tiếp tục lãnh đạo một trong những chính đảng lớn của Campuchia như vậy. Đơn giản vì ông ta biết nịnh hót các nước lớn, biết hướng lợi ích của họ vào việc xây dựng cho Sam Rainsy một vị trí chính trị vững chắc. Và cũng bởi đơn giản là Sam Rainsy thừa khôn ngoan để khơi dậy, kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa từ đó tạo ra một lớp người nhiệt thành ủng hộ Sam Rainsy và đảng của ông ta.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét