Cứ xem hình này như là cách vừa đi đường vừa ... chụp hình. Hình này tôi chụp trong toilet ở nhà ga Nội Bài (nội địa) trong chuyến bay từ Sài Gòn ra đây. Các bạn chú ý cái máy làm khô tay ngả màu vàng. Nhìn kĩ hơn sẽ thấy rất dơ bẩn từ dưới lên trên thành máy. Tường thì loang lỗ, toàn cảnh trông rất nhếch nhác, chẳng ra thể thống của một phi trường thế kỉ 21 chút nào. Khi thấy tôi chụp hình cái máy khô tay, một anh chàng Tây mỉm cười nhìn tôi rồi nhún vai nói: Welcome to Hanoi (chào mừng đến Hà Nội). Tôi định thêm câu "The capital of Vietnam", nhưng nghĩ lại thì thấy không nên nói thế.
Máy làm khô tay ở Phi trường Nội Bài (Hà Nội)
Hôm nay, tôi có cơ duyên đi chung với vài VIP trong chuyến bay. Ngồi kế bên tôi là ông L, bên kia là một ông xách cập táp có cái tag "VIP" màu cam, mà tôi đoán là ông tổng thanh tra Chính phủ. Ngồi hàng ghế giữa là bà cựu phó chủ tịch Nước, và kế bên bà là một ông mặt mũi bặm trợn như đang suy nghĩ gì ghê gớm lắm, và nhìn qua báo ông đọc và nghe cách nói, tôi đoán ông là cấp tướng. Ui chao, ngồi cạnh sếp lớn cũng khổ tâm lắm, vì mấy người đến chào sếp hoài, họ khúm núm, họ thì thầm, rồi cười lớn, làm tôi rất khổ sở mà đành phải chịu thôi. Có điều sếp rất thân mật và nói chuyện rất Nam bộ, nên chuyến đi cũng hay hay.
Đến nơi, người ta chận khách lại để sếp ra trước. Rồi có ngay phụ tá dẫn sếp đi đường riêng thẳng ra xe Camry màu đen bóng, bỏ lại tôi và hành khách khác bơ vơ lo xếp hàng chờ hành lí.
Ánh sáng văn minh?
Sáng nay thức dậy sớm để lang thang khu chung quanh khách sạn ở Vịnh Hạ Long, tìm báo đọc tin tức. Gặp một chị đội nón lá, hai tay ôm chồng báo, nhìn có vẻ khắc khổ, tôi hỏi có báo Tuổi Trẻ không. Chị ấy đưa ánh mắt nhìn xa xôi về hướng biển, rồi nói như độc thoại: Ôi giời ơi, ánh sáng văn minh chưa về đến đây, bác ơi.
Vịnh Hạ Long đang hứng chịu một cơn bão. Suốt từ hôm qua đến nay, trời cứ âm u, xám xịt, còn mưa thì liên tục nhưng không nặng hạt. Đường phố ướt nhẹp, chẳng đi đâu xa được. Chỉ quanh quẩn trong khu khách sạn.
Khách sạn mang tiếng là 5 sao, nhưng tôi đoán là 5 sao của VN thôi, chứ khó có thể so sánh với 5 sao cỡ Sheraton, Intercon, Caravelle, hay Nikko được. Từ đại sảnh, nhà hàng, đến những chi tiết nhỏ như rèm sáo, thậm chí cách bày trí bàn ghế đều chưa đạt chuẩn. Có vài chỗ trông nhếch nhác. Rèm sáo gì mà giống như ở nhà, cái thì nhếch lên, cái thì xệ xuống (xem hình) trông chả ra làm sao cả. Thuở đời nay người ta lấy mấy bao cát chèn cửa chính khách sạn (vì gió biển mạnh quá). Còn nhìn từ ngoài thì thấy mấy thùng nước được để cạnh cửa kiếng, giống như cái nhà kho!
Khách sạn 5 sao ở Vịnh Hạ Long
Có rất nhiều khách Tàu ở đây. Sáng ra, chỉ cần đến nhà hàng và đứng từ xa quan sát sẽ thấy một quang cảnh hỗn độn, nhếch nhác, giống như tranh giành nhau miếng ăn. Chẳng có một cái gì có vẻ thứ tự, và tuyệt đối thiếu cái thanh lịch của khách hàng của khách sạn 5 sao. Dạo qua một vòng, tôi đành ra ngoài ăn sáng cho thoải mái.
Du lịch VN, đặc biệt là miền Bắc, còn phải làm nhiều hơn nữa thì mới thu hút khách high quality. Nếu không làm tốt thì VN chỉ là thị trường du lịch cho khách Tàu ô mà thôi.
Chữ kí của bộ trưởng GTVT
Đoạn đường Vịnh Hạ Long – Hà Nội chỉ khoảng 150 km (hay 180 km?) nhưng đường xá chưa được tốt mấy nên có trạm dừng chân cho khách. Hình dưới đây là "Trạm Dừng Nghỉ Quốc Tế Loại I", nằm đâu giữa Quảng Ninh và Bắc Ninh. Điều làm tôi chú ý và thấy vui vui là phía dưới cái biển đó có câu "Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký". Tôi ngạc nhiên về cái uy danh của trạm dừng chân này. Đã quốc tế rồi, mà còn loại I nữa thì oách thật. Đã loại I mà còn thêm chữ kí của bộ trưởng, thì còn gì hơn.
Tôi tưởng tượng cái "job" của bộ trưởng – bất cứ bộ trưởng nào – chắc phải bận rộn lắm. Họ phải dành thì giờ lo nghĩ chuyện chiến lược phát triển lâu dài. Họ phải tiếp khách trong và ngoài nước. Họ phải lo cái ghế của mình. Họ phải hội ý với thành viên Chính phủ. Họ phải lo điều hành công việc ở Bộ. Vân vân. Ấy thế mà ở đây, tại Việt Nam này, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải lại đi quan tâm đến việc kí tên vào một trạm dừng chân cho khách. Nghĩ đến đó làm tôi cảm động về sự quan tâm của ngài bộ trưởng.
Trạm nghỉ chân coi vậy chứ tương đối nhỏ. Nếu các bạn đã từng ghé qua trạm nghỉ chân của các hãng xe Mai Linh hay Phương Trang ở miền Tây, thì "trạm dừng chân quốc tế loại I" này chỉ bằng 1/5 mà thôi. Nhưng lớn nhỏ không quan trọng, mà quan trọng hơn là chất lượng phục vụ.
Tôi phải nói thẳng là giá cả ở đây rất phải chăng, nhân viên rất nhiệt tình, nhưng chất lượng phục vụ chưa được ổn mấy, mà nó có cái gì đó còn rơi rớt lại từ thời bao cấp. Tôi đến hàng phở kêu một tô phở, thì giật bắn người khi anh chàng phở hỏi tôi "Phiếu ăn đâu"? Ui trời ơi, thời này mà còn phiếu tem gì nữa, tôi tự hỏi. Nhưng tôi cũng bình tĩnh hỏi anh ấy phiếu ăn là cái gì, thì anh giải thích là phải đến đằng kia, gặp cô ấy, mua cái phiếu ăn, rồi anh ấy mới "xuất phần ăn". Kinh thật, chỉ một tô phở mà cũng khá nhiêu khê. Nhưng "luật giang hồ" ở đây là thế, nên mình cũng phải tuân theo thôi.
Ăn xong, đi một vòng chẳng thấy có gì hay ho hay đáng chú ý. Có hàng bán bánh mì loại "hot dog" nhưng không có mù tạt. Có rất nhiều hàng hoá Tàu ở đây. Tôi cầm trái mận lên thấy đẹp đẹp, hỏi cô bán hàng "Đồ Trung Quốc hả cháu", thì cô ta nói "Vâng ạ". Tôi đành phải trả nó về cho gian hàng.
Ở VN muốn biết chất lượng nhà hàng ra sao thì cần phải xem cái cầu tiêu, chứ bề ngoài thì chỉ là hoa lá cành thôi. Do đó, tôi cũng mon men ra cái cầu tiêu của trạm dừng chân, thì … hỡi ơi. Từ xa đã bốc mùi hôi thối, nước nôi tùm lum trên sàn, và dây nước chạy loạn xạ cả. Nhưng ấn tượng nhất là cái cầu tiêu có lẽ thuộc thời thế kỉ 19 (xem hình 2). Tôi ngạc nhiên là một "trạm dừng chân quốc tế loại I" với chữ kí ghi nhận của Bộ trưởng Bộ GTVT mà lại có cái cầu tiêu loại này! Bôi bác quá.
Cầu tiêu ở "Trạm dừng chân quốc tế loại I"
Để công bằng, tôi không bao giờ so sánh phục vụ và chất lượng phục vụ ở đây với mấy nước tư bản, mà chỉ so sánh với trạm dừng chân ở miền Tây thôi. Theo tôi thấy, từ tổ chức phục vụ, quang cảnh, đến chất lượng phục vụ ở "trạm dừng chân quốc tế loại I" này thua cả trăm năm ánh sáng so với hai trạm dừng chân trên đường Sài Gòn - miền Tây. Phải có đi xa như thế này mới thấy những hào nhoáng ở thành phố chỉ là bề mặt, chứ bề trong thì vẫn còn nhiều điều phải cải tiến lắm, và sợ nhất là cái "air" (phong cách), cái di sản của thời bao cấp nó vẫn còn tồn tại đó đây ở miền Bắc. Nghĩ đến đó chợt thấy lạnh cả người và thấy thương đồng hương mình ở đây, nhưng cũng thấy mình may mắn vì còn có miền Nam ["đi sau về trước"] để gọi là quê nhà.
Ý kiến anh tài xế taxi
Tôi thích trò chuyện và nghe ý kiến của giới tài xế taxi. Những ý kiến, những trăn trở của họ có thể ví như là một nhiệt kế thời sự. Hôm qua, đón chiếc taxi hiệu TN ở trung tâm Hà Nội về khách sạn, và có dịp nghe những ý kiến của anh tài xế trẻ làm mình có nhiều … tâm tư.
Bước lên xe, nghe giọng Nam kì của tôi, anh ta hỏi một cách dè dặt: bác từ trong Nam ra? Tôi gật đầu, và vui vẻ thêm rằng đáng lí ra người trong ấy nói giọng Bắc, nhưng chắc do đột biến nên giọng nói cứ phai dần từ Hà Lội, chuyển hoá sang trọ trẹ ở Quảng Bình, Huế, nẫu ở Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, và dịu dần cho tuốt đến Cà Mau thì mất luôn âm hưởng Bắc kì. Anh ta cười lớn, thấy tôi có vẻ vui tính, nên nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, làm cho chuyến đi xa trở nên ngắn lại.
Anh ta hỏi tôi nghĩ gì về Hà Nội. Được hỏi bất ngờ làm tôi suy nghĩ một phút. Tôi nói cảm nhận cá nhân của tôi là (1) Hà Nội hơi chật hẹp, không gian có vẻ ngột ngạt; (2) bất tiện ban đêm vì sau 10 giờ tối thì hàng quán ăn uống đóng cửa; (3) khó tìm chỗ nghe nhạc sống, thậm chí khó tìm giải trí bình dân "hát cho nhau nghe" theo kiểu Sài thành; (4) người dân có vẻ thiếu tính thân thiện, nhìn khách một cách dò xét, và khi họ đội nón cối xanh nữa thì trông rất lạ, nhưng trong thực tế họ lại thân thiện; (5) mấy cô Hà thành hình như có xu hướng mang giầy cao gót với độ cao cao hơn và dốc hơn mấy cô Sài thành, và như thế là nguy hiểm vì khi té là dễ bị gãy xương ...
Tôi nói chưa hết những cảm nhận của tôi thì anh ta chen vào nói một mạch như vừa giải thích, vừa giải toả những bức bối nội tâm. Anh nói không chỉ Hà Nội mà những nơi khác ngoài Bắc cũng rất chật hẹp và ngột ngạt, và đó chính là lí do nhiều người ngoài Bắc bỏ quê vào Nam lập nghiệp, rồi khi định cư trong Nam thì họ không về Bắc mà gọi Nam là quê hương luôn. Anh ta chỉ ra một sự thật: Bác có thấy dân Nam ra ngoài này và gọi nơi này quê hương không?
Bằng một giọng nói Bắc kì trầm bổng, bỏ dấu đâu ra đó, và cách lập luận chặt chẽ, tôi chợt nghĩ đến hay là anh chàng này là sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm nên làm nghề lái taxi. Nghĩ thế tôi nhìn anh tài xế cho kĩ hơn. Thấy anh ta còn trẻ, chưa đầy 30, người có vẻ ốm yếu nhưng làn da nâu có lẽ do ngồi taxi tối ngày, mắt sáng, ăn mặc đàng hoàng. Tôi đón xe một cách ngẫu nhiên, chứ không qua ai đó gọi đến, nên tôi nghĩ khả năng cao anh ta không phải là "DLV". Tôi cảm thấy yên tâm rằng đây là dân thật, chứ không đóng kịch.
Rồi anh ta nói tiếp điểm thứ hai. Anh nói rằng thật ra, Hà Nội cũng có những điểm ăn tối đấy, và họ cũng mở đến 3 giờ sáng, nhưng phải là dân địa phương mới biết. Anh ta thêm rằng nhưng những quán như thế thường không có "đèn sáng" như khu Nguyễn Trãi ở Sài Gòn. Còn nghe nhạc thì anh ấy nói cũng có chỗ luôn, nhưng phải nhờ người sành điệu mới biết. Anh ta cho biết dân Hà thành không có dịch vụ kiểu "hát cho nhau nghe" như trong Sài Gòn. Rồi anh ta khuyên tôi không nên đến mấy chỗ nghe nhạc ban đêm, vì … chẳng có gì hay.
Đến điểm thứ 4, anh ta phản đối tôi. Anh nói rằng người dân ngoài này có thói sống 2 mặt. Ngoài mặt họ thân thiện với bác, đằng sau họ không ưa bác đâu. Này, cháu là dân Hà Tây, Bắc kì 100% nhé, mà cháu cũng cảm thấy không thích cái thói đó. Bác lịch sự quá, cháu làm nghề này và nghe dân Nam ra đây chửi chúng cháu là quân ăn cướp, chặt chém các bác ấy, nhưng cháu cũng phải công nhận các bác ấy nói có phần đúng đấy. Tôi phải vận dụng kĩ năng ngoại giao và nói với anh ấy rằng ở Hà Nội, cũng như ở Sài Gòn, có người thế này thế kia, tôi thì không nghĩ đồng hương ngoài này là "quân ăn cướp", vì nếu nói ăn cướp thì trong Sài Gòn mới đúng là ăn cướp và còn nguy hiểm nữa. Anh ta không chịu và phản biện: không, ăn cướp trong ấy là manh động và qui mô nhỏ, còn ăn cướp ngoài này là qui mô lớn và êm ái, bác à. Lần đầu tiên tôi nghe khái niệm "ăn cướp êm ái"!
Như để minh hoạ, anh ta đưa tay chỉ về hướng thành phố do một đại gia tỉ phú USD xây, anh ta nói: đấy, đó là ăn cướp đấy bác. À, thì ra, anh chàng này nói ăn cướp theo cái nghĩa rộng hơn. Anh ta nói ngày xưa đất ở đây chỉ là đồng ruộng thôi, rồi cái tay đại gia này vào, dùng uy thế hay quyền thế để xua đuổi người dân, rồi xây dựng lên một thành phố trong thành phố và giàu thêm, còn người dân và mồ mả bao đời ở đây thì bị dạt ra ngoài thành phố. Anh ta nói một mạch, rồi hỏi tôi: bác có biết vụ cướp đất ở Hưng Yên không? Tôi chạy một cái scan trong não và chưa nghĩ ra vụ nào, nên lắc đầu. Anh ta nói rằng ở Hưng Yên có một đại gia là anh của đại gia anh ta vừa nói đến đó mua đất giá rẻ mạt, sau đó một đại gia khác đến mua đất giá đắt hơn chút, và thế là người dân biết mình bị lừa, nhưng biết thì đất đã mất rồi và họ trở thành "dân oan". Anh ta nói say sưa, như anh ta chính là nạn nhân hay là một dân oan vậy.
Tôi thấy anh ta có vẻ biết nhiều chuyện, nên hỏi anh ta nghĩ gì về chuyện Biển Đông. Anh ta có những phát biểu chứng tỏ rõ ràng anh ta đọc báo lề dân hơi nhiều. Anh ta nói rằng VN chúng ta sẽ có nguy cơ cao bị Bắc thuộc lần nữa. Rồi anh ta tỏ vẻ tiếc nuối thời xa xưa. Anh nói tư tưởng của cụ Hồ là đúng đấy, nhưng các bác sau này chẳng ai làm theo cụ Hồ nên đất nước ra nông nỗi này. Đột nhiên, anh ta nói như so sánh rằng cái chính quyền VNCH ấy nó phản dân hại nước chạy theo Mĩ nên cũng chả ra gì. Tôi tò mò hỏi anh ấy là anh đi đến nhận định cái chính quyền phản dân hại nước và tay sai đó từ đâu, thì anh ta cười nói: dạ, cháu chỉ đọc sách báo thôi ạ. À, câu này giải thích tại sao em ấy là fan của tư tưởng cụ Hồ.
Cuộc trò chuyện càng lúc càng hào hứng, nhưng rồi cũng đến lúc chia tay. Xe trờ đến khách sạn, cuộc trò chuyện phải tạm chấm dứt. Tôi đưa tiền cho anh ấy và dặn làm chẵn, coi như một cách tặng thêm cho anh ta hai chục ngàn để nuôi vợ con (hay bồ bịch). Anh ta thối tiền đàng hoàng, và thấy tôi kín đáo đếm tiền, anh ta nói đùa: bác cẩn thận coi chừng bọn Hà Nội ăn cướp tiền đó nhé. Tôi cười lớn, vỗ vai anh ta, rồi nói lời tạm biệt, chúc anh ta nhiều may mắn trong một cái nghề khác thích hợp hơn với trí thông minh và tính hóm hỉnh của anh.
"Mình về thành phố đây rồi …."
Tôi cảm thấy mình là người may mắn, vì có cơ hội đi đây đó để đối chiếu so sánh. Trước là mua vui cùng các bạn, sau là ghi chép những kỉ niệm, có thể xem như là những chuyến đi trong đời. Kì này, xin chia sẻ vài cảm nhận về phong cách phục vụ và làm việc giữa miền Nam và Bắc.
Đầu tuần, tôi đáp chuyến bay từ Sài Gòn (SGN) ra Hà Nội (HN) và có vài kỉ niệm đã kể lại cho các bạn nghe. Nhưng có một trải nghiệm tôi chưa nói: đó là … bán hành khách. Phía đối tác của tôi là một cơ quan cấp Bộ. Vì là cấp cao, nên họ không có người ra đón tôi ở sân bay (và tôi cũng không cần vì mình có thể tự đi taxi về khách sạn). Họ cử một người tài xế của một hãng taxi ra đón tôi, và theo email thì người tài xế sẽ cầm tấm biển có tên tôi ở phi trường. Tôi hăm hở gặp anh chàng tài xế, nhưng hỡi ơi, khi ra khỏi khu vực hành lí tôi chẳng tìm thấy anh ta ở đâu cả. Đi tới đi lui cũng độ 10 phút mà chẳng thấy anh ta. Định gọi điện thoại cho đối tác trong HN thì lại không có số điện thoại. Trong khi tôi định gọi taxi riêng về HN cho chắc ăn, thì thấy một anh tài xế xuất hiện dáng dấp hơi "nghi nghi" vì thấy anh ta đang cầm tấm biển tên mà tôi không rõ tên ai vì anh ta chẳng buồn tình giơ lên. Tôi dạo ngang qua và liếc tấm biển thì thấy tên mình, nên quay lại vỗ vai anh ta và tự giới thiệu tôi là người anh đang tìm.
Tay bắt mặt mừng. Nhưng vấn đề lại xảy ra. Xe chưa tới. Đứng chờ trong cái nắng hừng hực ngoài phi trường cả chục phút mà xe vẫn chưa tới, nên tôi đề nghị anh ấy là mình vào trong cho đỡ một chút trong khi chờ xe tới. Anh ấy cứ nói "Xe sắp đến, bác à". Hoá ra, cái câu "sắp đến" có nghĩa là thêm … 10 phút. Lên xe, anh tài xế kia lái vòng vòng một hồi, làm tôi nghi ngờ nên hỏi: mình đi đâu vậy em, hình như đây không phải là đường đi Hà Nội. Anh chàng tài xế nhìn tôi thân thiện, rồi giải thích rằng hôm nay không phải là ngày trực của anh ta, nhưng vì một đồng nghiệp khác vắng mặt nên anh ta phải phụ trách. Nói xong thì xe cũng đến một bãi đậu xe gồm nhiều taxi khác. Anh ta nói với tôi là chuyển hành lí sang xe kia để về Hà Nội. Đến lúc đó thì tôi mới nghiệm ra là mình đã được bán cho một hãng xe khác.
Đúng là "Welcome to Hanoi"! Lần đầu tiên trong đời tôi mới có trải nghiệm được "bán". Kể ra cũng hay ra phết! Cuộc mua bán xảy ra rất nhanh, và món hàng được bán không có tiếng nói ở đây.
Trên đường từ Vịnh Hạ Long về Hà Nội tôi lại trải nghiệm thế nào là chuyến xe địa ngục. Chiếc xe bus 16 chỗ của hãng Hyundai (bên Úc, giới sửa xe Việt Nam gọi xe Hyundai là "Ăn Hại", nên ít ai mua). Trên xe đầy ấp người và hành lí. NGoài ra, còn có một đống đồ chuyên dụng trong hội nghị. Chỉ cần bước lên xe là choáng ngộp vì cái không gian quá hẹp và ngột ngạt. Nhưng tôi tự trấn an mình là chuyến đi chỉ có 3-4 giờ đồng hồ thôi, nên chịu khó một chút thì cũng chẳng sao. Nhưng xe chạy một lúc, tôi thấy hình như tài xế không mở máy lạnh, nên mồ hôi ra như tắm. Tôi hỏi anh tài xế có mở máy lạnh chưa, thì anh ta nói mở rồi à. Nhìn sang thì thấy đúng là có dấu hiệu mở máy lạnh. Lúc đó bà con trên xe ai cũng cảm thấy nóng bức, nên phàn nàn liên tục. Anh tài xế cứ trơ ra, chẳng thèm trả lời hành khách.
Tôi dù sao cũng thường lái xe ở nước ngoài, nên nhìn qua là biết rằng máy lạnh đã hết ga, hay đã hư hỏng, nên có phàn nàn cũng như không. Thôi thì mình chịu chấp nhận một chuyến đi trong tình trạng địa ngục vài tiếng đồng hồ xem sao. Vả lại, ở đây là đất Bắc, là Quảng Ninh, nơi nổi tiếng là hung dữ, mình nên giữ thân trước cái đã, chứ phàn nàn thì anh ta nổi nóng tông vào vách đá kia thì chắc mình sẽ bỏ mạng ở đây. Nghĩ thế nên tôi âm thầm chịu đựng, và thầm nghĩ chắc là chuyến đi lần đầu mà cũng là lần cuối.
Chợt lan man nhớ đến câu hát "Tình đầu hay tình cuối / khi một ngày một người đã ra đi / tình đầu hay tình sau / khi cơn đau không biết đến bao lâu".
Cơn đau đến bao lâu thì chưa biết, nhưng là câu hỏi hay. Kể ra, phía đối tác đối xử với chúng tôi có phần "đặc biệt". Đặc biệt ngay từ phi trường về đến Quảng Ninh, và từ Quảng Ninh đi Hà Nội.
Hôm qua, đáp chuyến bay từ Hà Nội về SGN cũng trải qua một vài kinh nghiệm hay hay. Ngay từ lúc xếp hàng lên máy bay (boarding) tôi đã thấy rất nhiều người Tàu và quan chức. May phước là tôi có thẻ ưu tiên của SkyTeam (mà Vietnam Airlines là thành viên của SkyTeam nên tôi được ké … ưu tiên). Nhưng tôi lầm to. Khi ra xếp hàng tôi mới phát hiện khách rất đông, hai hàng dài thượt. Hàng dành cho khách ưu tiên Skyteam cũng dài y chang như hàng kia. Thôi thì mình cũng phải xếp hàng như mọi người. Hoá ra, VNA chẳng có ưu tiên cho ai cả. Quả đúng như vậy, khi tôi đến gần chỗ cô xét vé, thì thấy cô ấy cũng có chận khách không có thẻ Skyteam nhưng không có hiệu quả vì khách không chịu chuyển sang hàng kia, nên cô ta cũng … đầu hàng. Nghĩ ra cũng tức cười về phong cách tổ chức của VNA.
Khi lên máy bay thì hỡi ơi, sự cố lại xảy ra. Cái ghế bị hư hỏng, không chịu đứng thẳng, nên nó làm phiền người khách phía sau. Tôi rất ái ngại cho khách, mà không làm cách gì giúp cho người khách đau khổ kia. Tôi gọi em tiếp viên lại thì em ấy cũng bó tay. Tôi lại tự an ủi là chỉ có vài mươi phút nên thôi thì ráng chịu đựng. Ngoài ra, tất cả khoang khách đó, hình như mấy nút entertainment đều hư nên ai cũng phàn nàn, và mấy nàng VNA cũng … bó tay. Dĩ nhiên, mình cũng chẳng kì vọng gì được từ họ, nên đành phải chấp nhận thực tế.
Nhưng cũng có điều an ủi. Chiều qua khi đáp xuống Sài Gòn thì thấy như mình vừa … thoát nạn. Mới đáp xuống thì có đồng nghiệp từ đại học ra đón (và dĩ nhiên đó là tấm lòng của đối tác trong này, chứ tôi thừa khả năng "giang hồ" đi xe taxi riêng). Lên xe, em ấy đưa tôi một tờ giấy, trong đó nói rõ chương trình làm việc hàng giờ và từng ngày. Tôi sẽ làm gì, ở đâu, gặp ai, số điện thoại là gì, mấy giờ tôi ra sân bay, v.v. tất cả đều đầy đủ và đâu ra đó. Tôi thiết nghĩ đó là một phong cách làm việc chuyên nghiệp mà các nơi có cơ hội làm việc với đối tác nước ngoài nên học. Nhưng nói gì thì nói, tôi thấy vẫn còn một khoảng cách về phục vụ và phong cách làm việc chuyên nghiệp giữa hai miền Nam và Bắc, và chắc phải vài chục năm nữa thì khoảng cách đó mới ngắn lại được.
Tối qua, về đến đây thì rủ lại những anh "bạn già" đi lai rai, kể chuyện những ngày đã qua, và nghe các ca sĩ "hát cho nhau nghe" làm vơi hết những ưu phiền trong những ngày vừa qua. Trên đường lấy taxi từ quán về khách sạn, gặp anh chàng tài xế taxi gốc Đồng Tháp mê nhạc sến, anh ta mở bài "Mình về thành phố đây rồi / chốn ăn, chốn vui lạ mặt người. Cho bỏ gian lao ngần này phép rong chơi, rủ phong sương đầy áo mà lòng nghe ước muốn lên cao." Tôi nhìn anh tài xế một lần nữa để xem anh này đang đọc được mình, hay chỉ là ngẫu nhiên. Dù là ngẫu nhiên thì bài ca cũng lột tả được tâm trạng của mình, rồi tôi chợt nghiệm ra tại sao nhạc sến có sức thu hút cao như thế, và cảm thấy đây chính là "home country" của mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét