Dân ta phải biết sử ta

[Minh Trị]

    Vừa rồi trên VTV1 phát một phóng sự về tình trạng thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử cơ bản của giới trẻ (điều tra xã hội học 40 em độ tuổi 9-15 ở khu vực nội thành Hà Nội về kiến thức di tích gò Đống Đa cùng người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ). Ngay sau khi phóng sự lên sóng, “gạch đá” ném không ngớt vào các em - đại diện của một thế hệ học sinh mải mê với những thú vui thời trang, nhạc nhẽo mà quên đi kiến thức lịch sử cha anh. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, một người đam mê nghiên cứu lịch sử, thay vì chỉ trích các em, chúng ta cần xem lại cách dạy và học lịch sử tại các trường phổ thông hiện nay.

    Trước hết, cần nâng cao vai trò của môn Lịch sử trong các trường học. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, mặc dù ưu tiên cho công nghiệp hóa, coi trọng khoa học tự nhiên, nhưng lịch sử vẫn được coi là một môn quan trọng, bắt buộc, thậm chí trở thành phông kiến thức cần đạt của một số nhà tuyển dụng. Nhiều người vẫn cho rằng kiến thức lịch sử trong chương trình của Việt Nam quá nặng, cần giảm tải cho các em học sinh. Quan điểm của tôi ngược lại: Ở Mỹ, bên cạnh học tập lịch sử hơn 200 năm từ ngày lập quốc của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, học sinh Mỹ còn phải tìm hiểu lịch sử trung đại, cận đại cũng như hiện đại của một số nước lớn khác trên thế giới, đặc biệt là các sự kiện có liên quan đến Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ. Lịch sử dân tộc Việt Nam có hàng ngàn năm văn hiến, lại trải qua hàng chục cuộc đấu tranh giữ nước oai hùng mà gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; lịch sử thế giới trong thế kỷ XIX - XX cũng có rất nhiều vấn đề cần nắm bắt để hiểu hơn về thời sự và triển vọng tương lai của thế giới. Hiện nay, trọng tâm kiến thức vẫn chỉ tập trung vào lịch sử Việt Nam từ 1919  đến nay và lịch sử thế giới 1945 đến nay. Tôi cho như thế không phải là nặng! Điều quan trọng là phải nâng cao vai trò của môn lịch sử, có thể nâng số tiết, số đầu điểm, tăng cường độ xuất hiện trong các kỳ thi quan trọng. Đây là vấn đề đầu tiên tuy hơi khiên cưỡng, hành chính nhưng cần phải thực hiện trước tiên.
 

    Tiếp theo, cần thay đổi cách dạy và học lịch sử. Thay vì quá chú trọng đến việc ghi nhớ diễn biến sự kiện, mốc thời gian, tư duy giảng dạy lịch sử nặng về ca ngợi chiến thắng trong các cuộc đấu tranh, chiến dịch lớn, đậm chất “anh hùng ca”, cần thay đổi bằng việc chỉ nên giới thiệu sơ lược bối cảnh, diễn biến rồi định hướng cho học sinh rút ra ý nghĩa của sự kiện, bài học lịch sử cho hôm nay. Nên chú trọng giảng dạy phần lịch sử văn hóa, coi trọng những vấn đề liên quan đến giá trị thẩm mỹ trong lịch sử để lôi cuốn học sinh, tìm sợi dây kết nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, hướng tới phục vụ việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phát triển du lịch.


    Muốn thay đổi cách dạy và học đạt hiệu quả, điều đầu tiên cần làm là thay đổi sách giáo khoa cho phù hợp, tăng kiến thức phần văn hóa. Cần trang bị đầy đủ hơn hệ thống giáo cụ trực quan (phim ảnh, bản đồ, biểu đồ, hiện vật lịch sử...) phục vụ giảng dạy. Tôi đảm bảo chắc chắn rằng, giảng dạy lịch sử với đầy đủ hệ thống hình ảnh, phim, hiện vật minh họa sinh động, học sinh sẽ hứng thú, say mê với môn học này hơn rất nhiều. Bên cạnh những vấn đề nêu trên, cần thay đổi tư duy giảng dạy của giáo viên Sử, nâng cao tinh thần trách nhiệm, giảm bớt hình thức diễn giảng (thầy đọc - trò ghi), tránh việc đọc cho xong bài, hết nội dung, hết tiết là xong nghĩa vụ vì nghĩ đây là “môn phụ”. Muốn tạo hứng thú cho học sinh, giáo viên cần cố gắng sưu tầm tranh ảnh, phim tài liệu minh họa cho bài giảng, nêu các câu hỏi về giá trị văn hóa hoặc có liên hệ với vấn đề trong hiện tại để các em đào sâu suy nghĩ. Theo ý kiến cá nhân tôi, học lịch sử hứng thú nhất là khi các em được thuyết minh về chủ đề lịch sử, liên hệ thực tiễn và tranh luận đúng - sai về một quan điểm nhất định trong học tập vấn đề lịch sử. Trình bày, tranh luận nhiều, vừa tạo cảm giác hưng phấn, không khí buổi học sôi động vừa giúp học sinh tăng cường khả năng trình bày một vấn đề, diễn thuyết trước đông người, bảo vệ luận điểm của mình, bác bỏ các quan điểm chưa phù hợp. Tóm lại, phải thay đổi từ cách dạy Sử “học thuộc câu chữ” sang cách giảng dạy “tư duy lịch sử”.

    Hiện nay, ở trường phổ thông, đa phần chỉ coi trọng học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ, coi nhẹ lịch sử, giáo viên Sử cũng không hứng thú với việc đổi mới phương pháp, sưu tầm tư liệu nâng cao chất lượng bài giảng. Thu nhập của không chỉ giáo viên Sử phổ thông mà cả giảng viên các trường Đại học, nhà nghiên cứu lịch sử nhìn chung còn thấp. Hơn hết, Nhà nước, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho các nhà nghiên cứu, giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử các cấp.

    Khi ngành giáo dục nói chung, đặc biệt là nhà trường và các thầy, cô giáo dạy Lịch sử đã thực hiện được các công việc nêu trên, chất lượng dạy và học môn Lịch sử đã được cải thiện, một điều quan trọng nữa là phải nâng cao vị trí của kiến thức lịch sử trong đời sống, thay đổi cách nhìn về vai trò của môn Sử đối với xã hội. Có thể tính toán đến việc đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, coi kiến thức văn hóa - lịch sử nước nhà là tiêu chí bắt buộc phải đạt trong tuyển dụng công chức... Trong thời gian gần đây, khi tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, cần nâng cao ý thức tìm hiểu lịch sử dân tộc cho học sinh - sinh viên, tránh tình trạng xem thường môn Lịch sử, coi đây chỉ là môn phụ, môn học thuộc, chỉ cần học cho đủ điều kiện lên lớp. Học lịch sử là để tự hào về quá khứ hào hùng, từ đó hiểu biết sâu sắc những vấn đề không chỉ của thời đại trước mà còn cả của hiện tại và triển vọng tương lai, rút ra bài học từ lịch sử để làm người công dân tốt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và để “yêu nước cho đúng cách”, tránh việc chẳng hiểu biết gì về vấn đề thời sự, chính trị mà kích động thực hiện những hành vi quá khích, ngông cuồng. Hồ Chủ tịch từng dạy “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”; một số người thiếu ý thức xuyên tạc câu sau thành “Nếu mà không biết thì tra... Google”. Xin thưa, nhiều kiến thức lịch sử có lên Google search cả ngày cũng không tìm ra đâu ạ. Hãy nhớ câu nói nổi tiếng của nhà thơ lớn, anh hùng lao động Liên Xô Rasul Gamzatov: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”!
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét