Đi tìm thời gian đã mất, xe xích lô - Tác giả Viên Linh




Ði tìm thời gian đã mất vào lúc đã “hơn nửa đời hư” như Vương Hồng Sển không êm đềm hoài cảm như một câu thơ cổ: “Ðâu rồi sương tuyết những năm nao?” (Mais où sont les neiges d’antan?) Câu thơ này không thiếu gì người nhắc đến, tôi cũng đã đọc cả chục lần, mà lạ thay, mấy chữ chuyển ngữ nếu nói là “những năm xưa” thì không sai, nhưng cũng sẽ bị các thức giả sửa lại: phải nói là “Nhưng đâu rồi sương tuyết những năm nao?” Phải là chữ “nao” mới đúng điệu, chữ “xưa” không hoàn chỉnh. Lạ thế đấy. Nhưng đâu rồi sương tuyết những năm nao?



Nhà Hát Lớn Sài Gòn nhìn thẳng ra bùng binh chợ Bến Thành. (Hình chụp trước thời 1950)

 

Những năm nao của một bóng chiều sẽ nhiều vô kể, đẹp nhiều hơn xấu, song nếu chỉ đi tìm quá khứ của riêng mình thì chuyện ấy không cần phải đem viết ra, ta đi tìm một quá khứ chung của một giai đoạn thời thế xem ra thấm thía hơn nhiều. Con người sống theo những vòng quay, những luân xa, mỗi vòng đời người theo một hiểu biết riêng không ai biết được, song cứ 12 năm ta qua một giáp, giáp thứ 3 đau đớn kinh hoàng cho những người mà thân nhân ra đi khi vừa tròn tuổi 36. Trong văn học sử như tôi biết, những tinh hoa nhân loại không thiếu người vĩnh biệt cõi đời ở tuổi ấy. Nhà thơ Ðinh Hùng trong Ðốt Lò Hương Cũ đã thở than: “Nếu những thiên tài sống lâu?” Trong lãnh vực thơ văn thôi, vừa lóe lên đã vội tắt như Thạch Lam, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử, Khổng Dương. Lý Ðông A cắt chéo bầu trời tao loạn Việt Nam vào tuổi 26. Những vòng đời sớm sủa ngừng lại sẽ còn đó những oan thác đau lòng. Vậy trong những giờ phút âm thầm hồi tưởng, nơi một góc vườn, một khu phố, dưới một cơn mưa, ngoài một bãi vắng cỏ xanh lá vàng, những thời gian đã mất dù thế nào vẫn sẽ là những thời gian rơi lệ.

Ở vòng thứ năm của cuộc sống Việt Nam giờ phút này, ngược lên điểm khởi đầu vòng thứ nhất, là 1954, 1955, quê hương chia cắt. Trong tôi hiện ra những trại lều di cư, những toán người lúp xúp tay nải gồng gánh thúng mủng, những con thuyền, những chiếc tầu, và một dòng sông tan tác cõi bờ. “Bờ chân bờ ảo lòng anh bờ nào?” Tôi hình dung ra mình vừa từ trên xe buýt bước xuống bến chính ở gần Chợ Bến Thành, Sài Gòn. Nơi lên xe là một trạm ngừng cạnh trường đua ngựa Phú Thọ. Từ trong trại lều, bốn năm chục cái lều vải bạt màu rêu, chứa cả ngàn người di cư ở Bắc vào, người ta mách tôi hãy tìm tới văn phòng tìm người thất lạc đặt ở Nhà Hát Lớn đường Catinat. Trước hết lấy xe buýt lên chợ Bến Thành, từ Bến Thành hỏi đường đi bộ tới Nhà Hát Lớn không xa. Tôi sẽ làm như vậy. “Ðường đi ở miệng mình, cứ đi rồi sẽ đến,” đó là một câu cách ngôn có ý nói rằng không biết đường thì hỏi người ta, thế nào rồi cũng biết. Tôi cũng sẽ làm như vậy.

Ngay tại bến xe buýt, có cả xe thổ mộ do ngựa kéo lẫn các thứ taxi, xe xích lô máy, xe xích lô đạp. Có ba chiếc xích lô đậu song song nhau, trên nệm cả ba người phu xe ngồi hút thuốc nói chuyện đọc báo ngó tới ngó lui. Tôi lễ phép hỏi người phu xe có tuổi nhất, mặc quần cụt, tóc vuốt ngược trên đầu, bung ra, miệng ngậm một điếu thuốc rê:

-Ông làm ơn chỉ giùm tôi Nhà Hát Lớn đi lối nào?

-Dễ ợt! Chú em.

Ông ta bỏ điếu thuốc ra khỏi miệng, đứng ngó về phía tay chỉ, nơi một con phố rối rắm:

-Chú em đi vào con phố này, cái nhà lầu kia là nhà Hui Bon Hoa, hay là nhà chú Hỏa, đi miết tới bờ sông. Khi tới bờ sông thấy tàu bè chú em quẹo tay trái, cứ theo bờ sông mà đi, rồi gặp con phố lớn là phố Catinat, chú em lại quẹo trái. Ði khoảng 10 phút thì thấy Nhà Hát Lớn. Dễ ợt à. Ơn nghĩa gì.
Tôi gật đầu vẫn nói cảm ơn, rồi cứ theo sự chỉ dẫn ấy mà đi. Khoảng vài trăm thước một chiếc dép bung ra, nó vốn đứt quai, tôi dùng dây kẽm xâu lại, đi quanh trong trại thì được. Không thể đi một chiếc dép, tôi lột chiếc còn lại ra cầm trên tay, đi chân không. Không hiểu sao tôi bỗng ngó lui, khuôn mặt người chỉ đường hiện ra, có một cái gì trong ánh mắt, trong lời nói rất khó nghe của ông ta. Tôi không thích hai tiếng “chú em” ngọt xớt. Ði tới ba mươi phút tôi mới thấy phố Catinat, quẹo trái vào thì nhìn thấy rạp Majestic. Thân áo đã dính mồ hôi. Còn nhớ khoảng ba giờ chiều.
Ði khoảng mười lăm phút nữa thì thấy Nhà Hát Lớn. Một tòa nhà bề thế nhiều cửa đứng chiếm nguyên một khoảng phố, xung quanh nó là đường xe chạy. May mắn là tôi thấy một người quen, cỡ tuổi tôi, hay chỉ 18, 19, hơn tôi hai ba tuổi đang đứng trên bậc thềm nhà hát lớn.

-Sao mồ hôi mồ kê thế?

-Xa quá. Từ bến xe buýt chợ Bến Thành tới đây mà. Ðứt cả dép.

Vừa nói tôi vừa chỉ lui vào đường Catinat.

Người bạn chỉ thẳng trước mặt:

-Xa cái gì. Ðứng đây ngó thấy chợ Bến Thành mà xa!

Tôi ngơ ngác. Rồi tôi bật khóc. Rồi tôi cắn chặt môi. Từ bến xe chính, người phu xe thay vì chỉ thẳng

Nhà Hát Lớn cho tôi, đã chỉ cho tôi đi theo hình tam giác, theo đường Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) ra Bến Bạch Ðằng, rồi từ bờ sông rẽ vào cạnh huyền của cái tam giác, đi xa gấp năm sáu lần quãng đường phải đi. Tôi không bao giờ quên bộ điệu vung vẩy của ông ta, và giọng nói trệu trạo khó nghe của ông ta. Mãi chục năm sau ở Hoa Kỳ tôi mới biết một điều, dân lái xe đưa đón khách trong các thành phố phần lớn là dân tứ xứ, như dân Nam Mỹ tràn ngập ở New York, dân Ðông Âu lái taxi ở Prague, tôi đã kêu xe ngừng lại khi xe vừa chạy đã thấy kim chỉ 5, 6 đồng. Mãi khi ở Hoa Kỳ tôi mới nghĩ ra, tôi đã nghi oan cho người dân miền Nam, vì người phu xích lô ấy không có cái giọng nói trầm bổng mà người miền Nam vốn có. Ông ta, cũng như phần lớn những người đi ở đợ trong các thành phố, là dân tứ xứ siêu dạt đến.

Xích lô Sài Gòn khi vắng khách, người phu xe nằm ngồi trong xe bên cạnh nhau. (Hình: W.E. Garrette, National Geographic)

Cuộc sống của miền Nam chiến tranh và sau chia cắt là cuộc sống xáo trộn ở bất cứ ngõ ngách nào. Trong cuộc sống ấy, lúc nào cũng có người kêu gọi xum họp, lúc nào cũng có người mong sự thống nhất, và lúc nào cũng vẩn lên những giọng điệu trệu trạo đầy nhớt dãi gièm xiểm phân ly.

Cảm Ơn
 
Cảm ơn câu hỏi đêm qua
Sáng nay giấc mộng quê nhà lại xanh.
Hỏi rằng Bến Hải Sông Gianh
Bờ Nam bờ Bắc lòng anh bờ nào?
-Lòng anh quanh quẩn bờ ao
Như con nhện nước ra vào lưới trong.
Cám ơn câu hỏi bạn lòng
Chí xa muôn dặm sao còn bên tôi?
-Ði đâu cũng nước non người
Gần em nghe tiếng khóc cười quê ta.
Cảm ơn tan tác lìa xa
Chân mây góc biển một nhà mà thôi.
Cảm ơn nhan sắc giết người
Yêu em em giết cho đời nhanh hơn
Yêu em hiểu chuyện hoang đường
Vọng phu hóa đá Nam Xương chờ chồng,
Bôn ba trong chốn bụi hồng
Hiểu ra nhân thế sẵn lòng phôi phai.
Lâu nay thao thức đêm dài
Hiểu ra trăng tỏ đoái hoài đèn lu.
Cảm ơn con sóng Thần Phù
Xưa ta qua đó, bây giờ chìm đây.
Em ơi đừng hỏi đêm nay
Cho anh được sống đôi ngày yên thân.
Cảm ơn em dẫu một lần
Cho anh yên lặng hỏi thầm lòng anh.
Hỏi rằng trên bến xuân xanh
Bờ chân bờ ảo lòng anh bờ nào?
Lòng anh quanh quẩn bờ rào
Như con bươm bướm bay vào bay ra.
Lòng anh không muốn chia xa
Chỉ xin quanh quẩn giữa ta với người.
Anh xin ở giữa cuộc đời
Anh xin quanh quẩn bên người anh thương.
Cảm ơn em nhé tình nương
Em đi đâu đó (mười phương) lại về.
Mai sau em hiểu câu thề
Anh xin bỏ gốc bồ đề theo em.
Cảm ơn câu hỏi bạn hiền
Hỏi ta đất nước mấy miền thổ ngơi?
Bạn hời bạn hỡi bạn ơi
Ba năm cóc chết, con người mấy năm?
Non cao phượng ẩn hổ nằm
Ao sâu long mạch âm thầm chuyển mưa.
Ta từ vận nước tiêu sơ
Tào Khê suối cũ trơ trơ một giòng.
Ta từ thân thế lưu vong
Chiếc hồn phiêu dạt tấm lòng mưa sương.
Cảm ơn trời đất muôn phương
Ta còn một mảnh quê hương điêu tàn.
Cảm ơn thiên cổ mang mang
Ta còn chiếc cổng tam quan đợi chờ.
Cảm ơn tôi có bài thơ
Gửi người không biết bây giờ nơi đâu.
(Viên Linh, chưa xuất bản thành sách)



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét