[Minh Trị]
Đến hẹn lại lên, cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) lại tiến hành xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú trình Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam công nhận và khen thưởng. Chưa có lần xét duyệt nào có nhiều lời bàn ra tán vào như lần này, chẳng hạn như việc do thiếu huy chương hội diễn, liên hoan mà Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung và Minh Hằng chưa được xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân lần này. Theo tôi nghĩ, danh hiệu phải đương nhiên không được trao cho người chưa đủ tiêu chuẩn, nhưng phải có cách đánh giá công bằng để tránh bỏ sót, đánh trượt những trường hợp mức độ cống hiến đã hoàn toàn xứng đáng công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú được trao tặng lần đầu vào năm 1984, cho đến nay đã diễn ra 7 đợt trao tặng (1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007 và 2011). Cho đến năm 2012, đã có 266 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu cao quý này. Đa phần những nghệ sĩ được trao tặng là thuộc các cơ quan do Nhà nước quản lí, nhưng vẫn có những nghệ sĩ tự do được trao tặng. Ngoài các nghệ sĩ được trao đợt đầu và một số trường hợp ngoại lệ thì thông thường trước khi trở thành Nghệ sĩ nhân dân phải được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Theo quy định của Luật Thi đua Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành thì:
Người được xét phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam, có phẩm chất đạo đức và tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.
Người được xét Nghệ sĩ nhân dân thì phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (riêng đối với nghệ thuật xiếc từ 15 năm trở lên), đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú từ 5 năm trở lên, được tặng ít nhất 2 giải thưởng vàng hoặc bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương kể từ khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Người chỉ đạo nghệ thuật của đơn vị nghệ thuật được tính hai loại giải thưởng chính thức nêu trên của đơn vị vào tiêu chuẩn cá nhân.
Với giải thưởng tặng cho tập thể, thành tích được tính cho cá nhân nếu cá nhân đó là thành phần chính của tiết mục, chương trình nghệ thuật và bộ phim được giải. Nếu nghệ sĩ là nhạc công của các đơn vị nghệ thuật, tiêu chuẩn giải thưởng cá nhân được xem xét qua quá trình tham gia đóng góp vào các chương trình biểu diễn lớn hằng năm của đơn vị, vị trí đảm nhận những phần lĩnh tấu quan trọng có chất lượng trong dàn nhạc.
Khúc mắc là ở đoạn gạch chân, nhiều nghệ sĩ tuy cả tuổi nghề, uy tín, cống hiến hoàn toàn xứng đáng được vinh danh Nghệ sĩ nhân dân, nhưng vì thiếu huy chương hội diễn mà bị loại. Oái oăm nhất trong đợt này là Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, đạt số huy chương lớn nhưng lại từ khi còn chưa là Nghệ sĩ ưu tú (tức là huy chương đã hơi ...cũ), còn tính quãng thời gian từ khi là Nghệ sĩ ưu tú đến thời điểm xét tặng của năm nay, do bận công tác quản lý nên Chí Trung chưa đạt tiêu chí này.
Một số nghệ sĩ khác lại chưa được nhận danh hiệu vì lý do hồ sơ không được thông qua ở một cấp nào đó. Hiện nay, quá trình xét tặng diễn ra theo 4 cấp: Cấp đơn vị công tác; cấp Sở Văn hóa - Thể thao du lịch hoặc Hội đồng Cục chuyên ngành (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn); cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; cấp quốc gia bao gồm hội đồng chuyên ngành (gồm 11 đến 13 thành viên là các nghệ sĩ, nhà quản lý có chuyên môn cao ở các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh, phát thanh, truyền hình) và hội đồng quốc gia. Quy trình này tuy chặt chẽ, nhưng chỉ cần một hội đồng ở cấp nào đó làm chưa hết trách nhiệm, bỏ sót hồ sơ xứng đáng sẽ khiến cho nghệ sĩ bỏ lỡ cơ hội được xét danh hiệu thường 4 năm mới có 1 đợt (trường hợp Nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải trước đây).
Theo ý kiến của cá nhân tôi, trước hết, tiêu chí xét tặng vẫn nên tuân thủ vì đây đã là quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Hơn nữa, các nghệ sĩ không chỉ có tuổi nghề lâu năm, uy tín, danh tiếng mà lại có cống hiến xuất sắc được ghi nhận qua các huy chương vàng, bạc tại hội diễn, liên hoan vẫn phải được ưu tiên nhận danh hiệu. Nhìn chung, huy chương vẫn là tiêu chí rõ ràng, minh bạch nhất để xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
Tuy nhiên, bên cạnh xét danh hiệu dựa vào những tấm huy chương, cần mở rộng hơn nữa tiêu chí, diện xét tặng. Trước đây trong thời phong kiến, thực dân, giới thống trị khinh rẻ người nghệ sĩ, coi họ là “xướng ca vô loài”. Ngày nay, dưới xã hội mới, người làm nghệ thuật đã được Nhà nước, xã hội và nhân dân coi trọng. Và việc được trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước chính là sự ghi nhận cho quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, cống hiến tài năng, tâm huyết, trí tuệ cho khán giả, cho nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Chính vì vậy, theo tôi việc xét tặng danh hiệu nên điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề như:
Một là, bên cạnh những tiêu chí cứng như huy chương, hội đồng, cần mở rộng thêm việc lấy ý kiến bầu chọn của khán thính giả để trao tặng danh hiệu. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng ta, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trước đây thì việc làm này còn nhiều khó khăn. Bây giờ, Internet, điện thoại đều phát triển, thay vì gửi thư bình chọn, có thể cho khán giả bình chọn trực tuyến qua Internet (thư điện tử, trang web của Bộ VH-TT&DL); cho phép khán giả đến dự khán các liên hoan, hội diễn bỏ phiếu bình chọn văn nghệ sĩ xuất sắc, được yêu mến... Để đảm bảo công bằng, có thể yêu cầu mỗi phiếu bình chọn trên mạng, tại hội diễn đồng thời khai một địa chỉ thư điện tử hoặc số chứng minh thư nhân dân để xác nhận. Cách làm này nhanh, gọn, hiệu quả, đánh giá đúng mức độ yêu mến của khán giả với nghệ sĩ, danh tiếng của nghệ sĩ trong xã hội. Hơn nữa, đã đạt đến tầm xét Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, cũng đâu phải là những người hoạt động nghệ thuật thiếu nghiêm túc, chạy theo thị hiếu thị trường mà phải lo có vận động ngầm fan bình chọn.
Hai là, cần coi trọng sự cống hiến của nghệ sĩ trong hoạt động giảng dạy, “truyền nghề” cho các thế hệ nghệ sĩ kế tiếp, đặc biệt là ở các môn nghệ thuật truyền thống. Nhiều nghệ sĩ do tuổi tác đã cao, không biểu diễn được thường xuyên như trước nhưng rất tâm huyết với việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, là những tấm gương sáng cho các nghệ sĩ trẻ noi theo. Với những nghệ sĩ này đáng lẽ còn phải tặng huân chương lao động, nhưng chỉ vì họ thiếu huy chương hội diễn mà không được xét Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú thì thật không công bằng. Văn nghệ sĩ lại thường có cái “tôi” rất lớn, có tính tự tôn cao, nếu không giải quyết vấn đề cho thỏa đáng dễ dẫn đến tâm tư cho không ít văn nghệ sĩ gạo cội (nhất là giảng viên tại các Học viện, trường âm nhạc quốc gia, nhà hát tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối...) khi mà học trò đã được xét Nghệ sĩ nhân dân còn mình thì vẫn mãi là Nghệ sĩ ưu tú.
Ba là, cần tiếp tục mở rộng diện xét tặng Nghệ sĩ ưu tú đến cả những người hoạt động nghệ thuật tự do, không thuộc biên chế các cơ quan nghệ thuật do nhà nước quản lý. Hiện nay, trong một số lĩnh vực nghệ thuật (phim truyện, họa sĩ, nhạc nhẹ...) một số nghệ sĩ có tài năng nổi trội đã hoạt động nghệ thuật độc lập, nghiêm túc, có tiếng vang lớn với công chúng. Ở lần xét tặng này bước đầu đã thông thoáng hơn, xét Nghệ sĩ ưu tú cho cả trường hợp diễn viên Hoài Linh (hoạt động độc lập, lý lịch có cha từng tham gia vào quân đội chế độ cũ cấp hàm Đại úy), tuy vậy, cần mở rộng hơn nữa trong diện xét chọn ở các lần sau, coi trọng uy tín, danh tiếng, cống hiến của người nghệ sĩ với khán giả để vinh danh họ. Đặc biệt, ở lĩnh vực âm nhạc, một số ca sĩ nhạc nhẹ từng được báo chí, người hâm mộ xưng tụng là “Diva” mới có Thanh Lam được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú, còn nhiều ca sĩ nổi tiếng cả nam và nữ khác khó có được vinh dự này. Đây là điều cần xem xét vì có thể thấy nhạc nhẹ vẫn là lĩnh vực nghệ thuật được đông đảo công chúng quan tâm nhất. Với các tiêu chí xét chọn như của chúng ta hiện nay, cũng chẳng phải lo ngại những ca sĩ thị trường, không đủ phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghề nghiệp lọt vào diện phong tặng. Những trường hợp này chưa chắc đã dám nộp hồ sơ, mà có nộp thì đã có hội đồng thẩm định gạt họ khỏi diện nhận danh hiệu cao quý.
Tóm lại, theo tôi, tiêu chí xét chọn Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú hiện nay là khá chặt chẽ, tuy nhiên, cần sửa đổi, bổ sung một chút cho phù hợp hơn, để Nghệ sĩ nhân dân thực sự là của nhân dân, sống trong lòng nhân dân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét