SẠN ĐƯỜNG TIỂU
Bệnh sạn đường tiểu xảy ra không ít. Riêng ở Mỹ, 2-5% số người lớn có sạn đường tiểu, một tỉ lệ ngang ngửa với bệnh tiểu đường. Nó xảy ra nhiều hơn ở đàn ông. Trong suốt đời người đàn ông, chúng ta có đến 10-20% triển vọng bị sạn đường tiểu, trong khi với phụ nữ, triển vọng sạn đường tiểu chỉ 5-10% trong suốt cuộc đời.
Sạn đường tiểu nhiều loại: sạn calcium oxalate, sạn calcium phosphate, struvite, uric acid hay sạn cystine. Loại sạn calcium oxalate nhiều nhất, chiếm đến 75% các trường hợp sạn đường tiểu. Còn sạn struvite hay gây nhiễm trùng đường tiểu kinh niên.
Đa số các sạn được tạo ra trên thận (nên ta gọi là bệnh sạn thận cũng không sai), rồi lọt xuống ống dẫn tiểu, chỉ một số ít sạn mọc ngay tại ống dẫn tiểu. Bọn chúng thường nhỏ thôi, dưới 1 cm, song thỉnh thoảng cũng có hòn thực lớn, đến 3 hay 5 cm, bằng trái chanh. Lúc còn trên thận, nơi rộng rãi, sạn thường không gây vấn đề, song khi nó xuống ống dẫn tiểu, chỗ chật hẹp, nó mới hay gây triệu chứng.
Ai dễ bị sạn?
Sạn đường tiểu được tạo do sự lắng đọng của những chất sẵn có tại đường tiểu, khi nồng độ của chúng lên cao bất thường trong nước tiểu. Như lúc cơ thể ta thiếu nước (dehydration), nước tiểu trở thành đậm đặc, các chất có sẵn trong đường tiểu dễ kết tụ rồi lắng đọng thành sạn. Hoặc khi ta dù không thiếu nước, nhưng lượng chất tạo ra sạn, vì một lẽ nào đó, lên cao trong nước tiểu, sạn cũng dễ thành lập.
Ngược lại, trong đường tiểu cũng có nhiều chất mang nhiệm vụ ngăn sự tạo sạn. Nếu những người bạn tốt này tự nhiên ít đi trong đường tiểu, ôi, các chất tạo sạn bỗng không ai cản trở, dễ đàn đúm và tạo sạn.
Do hai cơ chế tạo sạn trên, rất nhiều bệnh đưa ta đến với sạn đường tiểu (các bệnh gout, type I distal renal tubular acidosis, hyperparathyroidism, sarcoidosis, milk alkali syndrome, myeloproliferative disorders, paraneoplastic syndromes, ...), và cũng nhiều yếu tố khiến đường tiểu của ta dễ bị sạn:
- Yếu tố di truyền:
Nhiều người mang sạn trong đường tiểu (nhất là loại calcium oxalate) có người thân trong gia đình cùng bị sạn như họ.
- Thực phẩm:
Ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất đạm (protein, như thịt, cá) và muối, hoặc các thực phẩm chứa chất calcium oxalate (spinach, nuts, rhubarb, instant coffee, tea, chocolate) sẽ dễ bị sạn calcium. Người dùng quá nhiều các chất antacids (như Maalox, Mylanta, ...), sữa, sinh tố C hoặc sinh tố D cũng vậy.
Người dùng quá nhiều thịt, cá (protein-rich foods) và thức ăn, thức uống chứa chất purine (đồ biển, rượu vang, cream sauces) dễ bị sạn uric acid. Đúng là ăn gì, uống gì cũng nên vừa phải thôi.
- Thuốc dùng:
Nhiều thuốc dùng (acetazolamide, diuretics, indinavir, antineoplastics) có thể khiến ta dễ bị sạn đường tiểu.
Triệu chứng
“- Ôi cha! Đau quá! Đau quá! Em ơi! Đau quá!...”
2 giờ sáng. Đang ngủ ngon thình lình bạn bị cơn đau đánh thức dậy.
Cái đau ở một bên lưng dưới và bụng, hơi khó mà định nó thực sự phát xuất từ đâu. Nó mau chóng trở thành dữ dội, rồi từng chập, từng chập, lan xuống cả vùng háng và bộ phận sinh dục. Kiểu đau quặn, liên miên, lúc nhiều lúc ít. Đau quá, đến toát mồ hôi, bạn cố tìm một vị trí nằm cho thoải mái, nhưng nằm nghiêng hay nằm ngửa, cũng chẳng ăn thua gì. Đồng thời, bạn cảm thấy buồn nôn, có lúc còn mửa.
(Có người bị sạn đường tiểu không lên những cơn đau dữ dội như cơn đau của bạn, song hay đau ngầm ngầm ở một bên lưng dưới. Có vị chẳng đau tí nào, nhưng sạn cứ lặng lẽ gây tắc đường tiểu và làm hư thận).
Khi được thăm khám, bạn thấy đau một bên lúc bác sĩ sờ nắn bụng bạn. Lúc bác sĩ đấm nhẹ vào một bên lưng dưới của bạn (cùng bên với vùng bụng sờ thấy đau), bạn cũng cảm thấy đau nữa.
Ngoài việc khám bụng, bác sĩ cũng để ý xem bạn có thiếu nước (miệng, lưỡi trông khô, áp huyết xuống thấp, ...), và sốt không. Nếu bạn quả thiếu nước trong cơ thể (dehydration), bạn cần được truyền nước trong bệnh viện (một chai “nước biển” truyền trong phòng mạch nhằm nhò gì). Nếu bạn có sốt, tình thế thực nguy ngập hơn nữa, vì sạn khiến đường tiểu tắc nghẽn và thận bạn đã nhiễm trùng rồi, biết đâu các vi trùng còn vào luôn cả máu gây nhiễm trùng máu. Trường hợp này, bạn cần được chữa bằng thuốc trụ sinh truyền tĩnh mạch và ta cần khai thông đường tiểu gấp gấp (urinary decompression), kẻo nước tiểu ứ trên thận, khiến nhiễm trùng thận đâm khó chữa và trở thành nguy hiểm.
Trắc nghiệm và phim chụp
Sạn đường tiểu hay gây chảy máu, thường mắt ta không nhìn thấy, nhưng khám phá được bằng phương pháp phân tích nước tiểu (urinalysis, xem nước tiểu dưới kính hiển vi). Song trong 10% các trường hợp sạn đường tiểu, khi phân tích nước tiểu, lại không thấy có máu, thế mới oái oăm, khiến bác sĩ có thể bị lừa, không nghĩ đến sạn đường tiểu. Có khi phân tích nước tiểu cho thấy những tinh thể (crystals) bất thường trong nước tiểu, may ra giúp bác sĩ nghĩ đến loại sạn nào đang phá bạn.
Bạn cũng cần thử máu, để xem chức năng của thận bạn có còn tốt, đồng thời ta đo luôn các chất calcium, uric acid, phosphate trong máu, xem chúng có lên cao.
Có người còn cần thử cả nước tiểu lấy trong 24 tiếng, xem khối lượng nước tiểu trong 24 tiếng nhiều ít (urinary volume), xem các chất calcium, oxalate, citrate, uric acid, cystine có tăng cao trong nước tiểu. Với nước tiểu lấy như vậy, ta có thể làm luôn trắc nghiệm “nitroprusside” nếu nghi sạn thuộc loại cystine.
Đa số sạn đường tiểu có thể thấy được trên phim chụp bụng thường. Song phim chụp thận với chất cản quang (intravenous pyelography, gọi tắt IVP: chất cản quang được chích vào cơ thể bạn, phim được chụp trong lúc chất cản quang đang thải qua thận, xuống ống dẫn tiểu rồi vào bọng đái) rõ rệt hơn nhiều, có thể xác định sạn to hay nhỏ, hình dạng, vị trí của sạn, và xem thận bạn còn làm việc tốt không, đường tiểu có chỗ nào tắc nghẽn vì sạn chăng. Nếu bạn dị ứng (allergy) với thuốc cản quang, bác sĩ đành cho làm siêu âm thận vậy. Tiếc thay, siêu âm (ultrasound) không cho biết nhiều chi tiết như phim chụp thận với chất cản quang, có thể không khám phá nổi những sạn nằm ở giữa và về phía cuối ống dẫn tiểu.
Hai phương pháp chụp đường tiểu khác ít khi được dùng đến hơn: non-contrast spiral CT Scan, retrograde pyelography. Non-contrast spiral CT Scan không cho biết sạn nhỏ hay to. Phim retrograde pyelography (chụp thận với chất cản quang bơm từ phía dưới lên) tuy rõ thật, nhưng phiền phức, có thể phải cần đến thuốc mê giúp bạn ngủ đi, rồi bác sĩ mới đưa ống vào bọng đái bạn, và từ đó bơm thuốc cản quang ngược lên thận để chụp phim.
Chữa sạn cấp tính
Việc chữa trị sạn đường tiểu gồm việc chữa cấp tính, giải quyết vấn đề ngay, và sự chữa trị về lâu về dài, ngăn ngừa những hòn sạn mới đừng xuất hiện và phá bạn nữa.
Sự chữa trị cấp tính tùy vào triệu chứng đau nhiều hay ít của bạn, độ lớn và vị trí của sạn, cũng như những biến chứng nếu có.
1. Giúp bạn bớt đau:
Đầu tiên bác sĩ chữa bạn bớt đau cái đã. Đau thì khổ lắm. Thuốc giảm đau có chất nha phiến (chích, như thuốc Demerol, hay uống, như thuốc Tylenol số 3, ...) hoặc thuốc “chống viêm không có chất steroid” như các thuốc Motrin, Naprosyn, ..., có thể giúp bạn bớt đau. Tuy nhiên, ta nên cẩn thận khi dùng các thuốc “chống viêm không có chất steroid” trong trường hợp bạn buồn nôn, ói mửa, hoặc khi thận của bạn không còn tốt lắm (bordeline renal function).
Thường thì cơn đau sẽ giảm dần trong vòng 24-48 tiếng. Song với thuốc giảm đau, mà bạn... chẳng bớt đau tí nào, vẫn đau chịu không nổi, ta sẽ nhờ bác sĩ chuyên khoa tiết niệu (urologist) đâm kim vào thận rút bớt nước tiểu ra (percutaneous nephrostomy) hoặc đặt một dụng cụ vào ống dẫn tiểu của bạn (urinary stent), giúp nước tiểu thoát qua được chỗ bị nghẹt do sạn.
2. Lấy sạn ra:
Nếu hòn sạn của bạn chỉ nhỏ khoảng 5 mm (nửa phân) trở xuống, bạn không có biến chứng nóng sốt, phim chụp thận với chất cản quang cho thấy sạn không làm tắc ống dẫn tiểu, bạn bớt đau dần, ồ tốt lắm, bạn không cần phải vào nằm bệnh viện. Đa số (98%) các sạn nhỏ từ 5 mm trở xuống sẽ xuống được bọng đái và ra ngoài theo nước tiểu.
Bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và dùng giấy lọc (filter paper) hoặc một dụng cụ lọc (very fine strainer) để lọc nước tiểu tìm sạn mỗi lần đi tiểu. Nếu bạn không thấy đau lại, ta thử chờ vài tuần xem sao, cho sạn một cơ hội để nó tự giải quyết lấy vấn đề của nó: xuống bọng đái rồi ra ngoài theo nước tiểu. Sau vài tuần, nếu nó cứng đầu không chịu ra, hoặc trong thời gian chờ đợi như vậy, nó lại khiến bạn khổ đau, ta nhờ bác sĩ tiết niệu cho nó đi chơi chỗ khác quách.
Bác sĩ tiết niệu sẽ dùng một trong những cách sau để lấy sạn ra cho bạn:
- Bắn sạn (lithotripsy):
Sạn được bắn vỡ thành những mảnh nhỏ để có thể trôi ra ngoài theo nước tiểu. Riêng chuyện bắn sạn, cũng đã có nhiều cách: bắn bằng sóng chấn động (shock wave), bằng siêu âm, bằng tia laser, bắn từ ngoài, bắn ngay tại đường tiểu bên trong.
Bắn sạn xong, bạn sẽ ra về trong ngày, được khuyên uống thực nhiều nước, và trở lại tái khám một tháng sau, để chụp phim lại xem các mảnh sạn nhỏ đã ra hết chưa (25-50% số người được chữa bằng phương pháp bắn sạn cần được bắn lần nữa).
- Soi ống dẫn tiểu (ureteroscopy):
Qua đường bọng đái phía dưới, bác sĩ soi ống dẫn tiểu, và sạn được lấy ra qua ống soi.
- Soi thận cùng ống dẫn tiểu (percutaneous nephroureterolithotomy):
Qua mạn sườn vùng thận, bác sĩ đưa thẳng ống soi vào thận để lấy những sạn nằm trong thận hay ống dẫn tiểu phía trên.
- Mổ lấy sạn:
Ngày nay, nhờ những cách lấy sạn tân tiến kể trên, phương pháp mổ thận hoặc ống dẫn tiểu để lấy sạn ít được dùng đến như trước.
Nhiều cách lấy sạn thế, dùng cách nào bây giờ? Với những hòn sạn khó ưa cần phải lấy ra (gây biến chứng nhiễm trùng, tắc đường tiểu, chảy máu nhiều, gây đau hoài, hoặc nằm lì không chịu ra sau vài tuần), Hội Tiết niệu Hoa kỳ (American Urology Association) đề nghị những cách xử trí như sau:
1. Sạn ở ống dẫn tiểu phía trên, nhỏ hơn 1 cm:
Sạn có thể tự ra. Nếu cần, có thể dùng các phương pháp bắn sạn từ ngoài với sóng chấn động (extracorporeal shock wave lithotripsy), soi thận cùng ống dẫn tiểu, hoặc soi ống dẫn tiểu để lấy sạn. Nếu không thành công, mới mổ để lấy sạn.
2. Sạn ở ống dẫn tiểu phía trên, lớn hơn 1 cm:
Sạn to nên ít khi tự ra. Có thể dùng các phương pháp bắn sạn từ ngoài với sóng chấn động, soi thận cùng ống dẫn tiểu, hoặc soi ống dẫn tiểu để lấy sạn. Không thành công, mới mổ để lấy sạn.
3. Sạn ở ống dẫn tiểu phía dưới, nhỏ hơn 1 cm:
Những sạn này thường tự ra theo nước tiểu. Nếu chúng nằm lì, không chịu ra, hoặc gây biến chứng, có thể dùng phương pháp bắn sạn từ ngoài với sóng chấn động hoặc soi ống dẫn tiểu để lấy sạn.
4. Sạn ở ống dẫn tiểu phía dưới, lớn hơn 1 cm:
Ta dùng phương pháp bắn sạn từ ngoài với sóng chấn động hoặc soi ống dẫn tiểu để lấy sạn. Nếu soi ống dẫn tiểu để lấy sạn, nên bắn sạn vỡ nhỏ ra cho dễ lấy (làm electrohydraulic lithotripsy, ultrasonic lithotripsy, pneumatic lithotripsy, hay pulse dye laser lithotripsy).
Chữa sạn về lâu về dài
Sạn đường tiểu hay tái phát. Làm thế nào để sạn đừng trở lại và làm khổ ta nữa?
So với việc chữa sạn cấp tính, việc này phức tạp hơn và cần nhiều kiên tâm, vì sạn có nhiều loại, cần những cách chữa và phòng ngừa khác nhau. Song sạn thuộc loại nào đi nữa, ta cũng cần uống nhiều nước, để cơ thể khỏi thiếu nước, và tiểu ra ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Một lời khuyên tốt: nếu có sạn đường tiểu, đi đâu, gặp nguồn nước uống, bạn đừng quên dừng chân để... uống. Và chớ nên để nước tiểu có màu vàng đậm, dấu chứng báo hiệu ta không đủ nước trong người.
Sạn thận có thể để lại hậu quả trầm trọng, làm hư thận bạn. Sau cơn đau cấp tính, và dù may mắn đã tiểu ra hòn sạn, bạn cũng cần trở lại tái khám đều, để bác sĩ theo dõi, thỉnh thoảng thử nước tiểu và chụp phim xem sạn có tái phát. Rủi sạn trở lại, ta cần biết sạn loại nào, hầu tìm cách ngừa sạn về lâu về dài
0 nhận xét:
Đăng nhận xét