Đường lớn đã mở!

[Minh Trị]

    Hai viện Quốc hội Mỹ tuần qua đã bỏ phiếu thông qua Dự luật về quyền thúc đẩy thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, cho phép Tổng thống Obama tự mình xúc tiến mau lẹ tiến trình đàm phán với các đối tác tham gia TPP. Tại Hạ viện, trong phiên họp ngày 18/6, có 218 phiếu thuận so với 208 phiếu chống. Còn Thượng viện Hoa Kỳ ngày 24/6 đã thông qua TPA với tỷ lệ 60 phiếu thuận, 38 phiếu chống. Cho dù Dự luật này vấp phải sự phản đối của một số nghị sỹ từ chính đảng Dân chủ của ông Obama như Elizabeth Warren (bang Massachusetts) và Bernie Sanders (bang Vermont) tại Thượng viện, Nancy Pelosi (bang California) ở Hạ viện do họ cho rằng TPP được triển khai nhanh sẽ khiến cho nhiều người Mỹ mất việc làm; nhưng đảng Cộng hòa đối lập lại đứng về phía Obama và Dự luật được thông qua tại cả hai viện.

    Có thể thấy, quyết định của lưỡng viện quốc hội Mỹ đã giúp cho khả năng TPP được chính thức hoàn thành trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Obama trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Việc chính thức tham gia TPP mở ra cho Việt Nam không ít cơ hội để phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa. Trước hết, chúng ta cần nắm bắt được - khi tham gia TPP, 12 thành viên có được những lợi ích căn bản gì:


    - Một là, lợi ích thuế quan xuất khẩu: Hàng hóa các nước được tiếp cận 11 thị trường thành viên TPP còn lại (12 nước tham gia TPP bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản) với mức thuế quan thấp hoặc bằng 0.

    - Hai là, lợi ích tiếp cận thị trường (đối với thương mại dịch vụ và đầu tư): Các thành viên sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít rào cản, điều kiện hơn. Trong bối cảnh khu vực dịch vụ chiếm từ 50 - 70% GDP của các nước thành viên, đây cũng là lợi ích rất quan trọng.

    - Ba là, lợi ích từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các thành viên khác: Người tiêu dùng và các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất, từ đó có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của những ngành này.

    - Bốn là, lợi ích từ những khoản đầu tư, dịch vụ: TPP góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng các nước; đồng thời mang đến những công nghệ và phương thức quản lý mới cũng như sức ép để cải tổ nhằm tiến bộ hơn cho các đơn vị dịch vụ nội địa.

    - Năm là, lợi ích đến từ những thay đổi thể chế hay cải cách để đáp ứng những đòi hỏi chung của TPP: TPP dự kiến sẽ bao trùm cả cam kết về những vấn đề xuyên suốt như sự hài hòa giữa các quy định của pháp luật, tính cạnh tranh, vấn đề hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển... Đây là những lợi ích lâu dài và xuyên suốt các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội quốc gia, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước thành viên.

    - Sáu là, lợi ích đến từ việc mở cửa thị trường mua sắm công: Mặc dù mức độ mở cửa đối với thị trường mua sắm công trong khuôn khổ TPP chưa được xác định cụ thể nhưng nhiều khả năng các nội dung trong Hiệp định về mua sắm công của WTO sẽ được áp dụng cho TPP, tạo triển vọng minh bạch hóa thị trường quan trọng này. TPP vì thế có thể là động lực tốt để giải quyết những bất cập trong các hợp đồng mua sắm công cũng như hoạt động đấu thầu.

    - Bảy là, lợi ích đến từ việc thực thi các tiêu chuẩn về lao động, môi trường: Đây sẽ là cơ hội tốt để các nước thành viên chú trọng hơn vấn đề bảo vệ môi trường (đặc biệt trong đầu tư từ các nước đối tác TPP) và bảo vệ người lao động nội địa.

    Tất cả những lợi ích kinh tế nêu trên còn nhằm phục vụ một mục đích địa chính trị quan trọng: Giảm thiểu sự khống chế của thương mại, hàng hóa Trung Quốc đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và các nước ASEAN tham gia TPP nói riêng; từ đó ngăn ngừa âm mưu bá quyền, áp đặt nước lớn của nhà cầm quyền Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.

    Chúng ta đã từng bỏ lỡ một số cơ hội để hợp tác với Mỹ và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như giai đoạn ngay sau năm 1975 và thời gian chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ năm 1997. Lần này, khi vận hội mới đang tới, chúng ta cần nhận thức rõ thuận lợi, phát hiện trước khó khăn, nắm bắt thời cơ để đưa nền kinh tế đất nước phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong tương lai không xa.

    “Đường lớn đã mở, đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”!
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét