LTS: “…Võ Hương An có cả sự gần gũi, duyên nợ với Huế cũng như lòng yêu thương mảnh đất Thần Kinh từ những ngày ấu thơ, khiến cho cuốn sách của ông không là một tài liệu khảo cứu khô khan mà còn mượt mà như một bài thơ Huế. “Huế Của Một Thời”, cho chúng ta bao nhiêu điều lạ lùng, bí ẩn, nhưng lại gần gũi quen thuộc như những hình ảnh cũ trong chiếc hộp chạm rồng , sơn son thếp vàng đã phủ bụi thời gian, vừa mở ra trước mắt….” là những cảm nghĩ của nhà văn Huy Phương dành cho Võ Hương An và “Huế Của Một Thời” đứa con tinh thần của ông.
* * *
Khi nói Huế rặc, tôi muốn kể chuyện chỉ có Huế mới có, không lẫn vào đâu được . . .
Nước đái bà Chúa
Trời tháng Sáu ở Huế. Mới buổi sáng mà gió Nam đã thổi sớm, hứa hẹn một ngày nóng kinh người. Chặt xong ba cây chuối sứ cho bầy heo bốn con ở nhà , chị Lùn đi vào bếp, xin bà ngoại tôi nước uống. Chị biết bao giờ bà tôi cũng có một nồi nước chè tươi ngon lành, không chè Truồi thì cũng chè Tuần. Vừa nghiêng cái om (nồi) nước chè rót vào cái tô sành, miệng chị đã bài bãi la lên:
-Ui chao! Nước chè chi của mệ vừa nguội ngắt vừa trong như nước đái bà chúa, ri .
Bà tôi trả lời:
-Cái con ni ăn nói vô duyên ỏm. Dễ chi có nước đái bà chúa cho mi uống. Sáng ni mụ Lời bán trầu chè chưa đi ngang đây thì lấy mô ra chè tươi để nấu, mà chê nguội với nóng.
Ngoài Huế ra, có lẽ không có một địa phương nào khác có lối diễn tả độc đáo và buồn cười như vậy. Vừa thanh vừa tục. Bình dân và quí tộc có mặt đề huề. Để chỉ độ loãng tối đa của một nồi chè tươi hay một ấm trà đến lúc không còn nhận ra màu sắc hay hương vị thường có của nó nữa, người ta đã mượn đến cái trong trẻo của nước đái bà công chúa cho dễ gây ấn tượng khi so sánh.
Trong trí óc chất phát của người bình dân xứ Huế thời xưa, thuở vàng son cung đình còn rực rỡ, có lẽ cái gì thuộc về vua chúa cũng có phẩm chất tuyệt hảo.
Thế nên đã là công chúa lá ngọc cành vàng thì không những đương nhiên nàng phải có cái nhan sắc tuyệt mỹ như tiên nga gíang thế, mà đến cái chất thải kia của nàng cũng trong trẻo khác thường và không có cái mùi vị ô uế khó ngửi như của đám tiện dân, nên rất đáng đem ra làm mẫu mực để so sánh ! Quả là một ý nghĩ ngộ nghĩnh hiếm có và rất…tiếu lâm
Ngựa Thượng Tứ
Giữa trưa, đang thiêm thiếp trên chiếc võng gai mắc dưới hai gốc vú sữa im mát, tôi bỗng giật mình vì tiếng bà Cửu Thí cạnh nhà:
-Lài ơi, Lài! Lài ơi, Lài!
Không có tiếng chị Lài trả lời.
-Đứa mô chạy qua nhà bà Mới kêu con Lài về đây tau biểu. Con ni ngày càng hư. Hở ra là chạy rong như ngựa Thượng Tứ, không lo ở nhà trông coi nhà cửa chi hết. Không biết nhà bà Mới có làm chay hát bội chi không mà trưa mô cũng qua tụ tập chuyện trò.
Hình ảnh của ngựa Thượng Tứ qua nét vẽ của Gras, BAVH.
Lại ngựa Thượng Tứ. Trong mười cửa ra vào Kinh thành Huế, có lẽ cửa Đông Nam với cái tên thông tục Thượng Tứ là quen thuộc với mọi người hơn cả, kể cả những người ngoại tỉnh đã có lần đến Huế. Người ta hầu như đã quên cái tên chính thức Đông Nam dù ba chữ Đông Nam Môn được khắc trên một cái bảng vôi lớn gắn trên vòm cửa vẫn còn đó.
Người ta chỉ biết có Thượng Tứ vì hồi xa xưa, khi triều Nguyễn còn làm chủ đất nước, đã có một đơn vị kỵ binh tinh nhuệ, mang tên Thượng Tứ, đóng ngay bên trong cửa. Có lẽ những con ngựa Thượng Tứ thường xuất hiện trước mắt người dân qua những lần thao diễn, tập luyện hay tuần phòng với tiếng vó ngựa dập dồn, tiếng hí dài náo động, những bóng ngựa thoáng hiện thoáng mất, rậm rật trên đường, những mùa ngựa cái động đực bày ra những cảnh khó coi trên những bãi cỏ ven đường v.v. đã gây ấn tượng về một cái gì thường xuyên động chuyển, ồn ào, không chịu ở yên, có khi lộ liễu lăng loàn khó coi, không đáng có nơi chỗ đông người v.v.
Ấn tượng đó được liên hệ với trường hợp những cô gái thiếu nết na dịu dàng, không thích không khí gia đình mà chỉ muốn rong chơi chòm xóm, tụ tập, lân la. Tiến xa hơn nữa, đó là hình ảnh của những phụ nữ trắc nết, lăng nhăng trong vấn đề quan hệ trai gái.
Đưa con vô Nội
Trường đến chơi , hỏi mượn một cuốn sách hay mà tôi vừa kiếm được. Tôi bảo đã cho Bình, bạn chung của hai đứa, mượn hôm kia rồi. Trường thở dài chép miệng:
-Mi đưa cho thằng nớ mượn cũng cầm bằng như đưa con vô Nội. Chắc tau không có hy vọng chi đọc được.
Bình có tật chóng quên. Mượn cái gì của ai thường để lạc mất hoặc để lâu ngày rồi quên trả, coi như của . . . mình. Bạn bè thường cho rằng đưa cho Bình mượn cái gì có nghĩa là sẽ mất luôn, rất ít hy vọng vật hoàn cố chủ. Trường thở dài là vì thế. Nhưng sao lại đưa con vô Nội?
Dưới ảnh hưởng của Nho giáo và trong chế độ quân chủ, việc trai năm thê bảy thiếp là điều xã hội và luật pháp chấp nhận như một đặc quyền của nam giới. Đám đàn ông dân dã mà còn được như thế, nói gì đến đấng quân vương. Cung A-Phòng của vua Tần Thủy Hoàng đã nổi tiếng trong lịch sử, văn học và truyền thuyết với số lượng cung nữ lên đến hàng nghìn.
Các vua Nhà Nguyễn tuy không bằng các vua Trung Quóc về số người đẹp trong hậu cung, nhưng vẫn có hàng chục bà phục vụ bên mình, ngoài các bà vợ chính thức. Việc một người đẹp nào đó do một cơ may hy hữu được lọt vào mắt xanh của vua để rồi một bước nhảy lên ngôi vị cao sang mà cô gái nào cũng mơ ước – như trường hợp của bà Nguyên phi Ỷ-Lan, vợ vua Lý Thánh Tông, vốn là một thôn nữ làng Thổ Lỗi tỉnh Bắc Ninh – là điều thường có nhiều trong chuyện cổ tích hơn trong thực tế. Thực tế phũ phàng hơn nhiều. Vì vậy , khi có lệnh truyền tuyển chọn các thiếu nữ xuân thì đẹp người đẹp nết để đưa vào cung cấm, các bậc cha mẹ có con gái xinh đẹp trong lứa tuổi mười tám đôi mươi phải một phen mất ăn mất ngủ.
Có người sẽ hỏi: bộ có con gái được tuyển làm cung phi không phải là một niềm hãnh diện, một diễm phúc hay sao mà lại âu lo lắm chuyện?
Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều đã trả lời cho câu hỏi đó. May mắn được nhà vua sủng ái và có một địa vị xứng đáng trong cung cấm để làm vẻ vang cho cha mẹ, làng nước, là điều khó khăn cũng như trúng số độc đắc vậy.
Điều chắc chắn là một khi đã được đưa về kinh đô, nhập vào Đại Nội, thường được gọi tắt là Nội, trong khu vực cung cấm thuộc Tử Cấm Thành, thì người con gái vinh hạnh bất đắc dĩ đó cũng như Kinh Kha thuở nào bên sông Dịch chuẩn bị sang đất Tần: tráng sĩ và giai nhân đều một đi không trở lại!
Dù cuộc sống về sau có thể huy hoàng hay chỉ âm thầm trong bóng tối cung đình, số phận của người con gái tiến cung coi như đã chôn chặt sau mấy vòng thành quách. Cha mẹ cầm bằng như đã mất con.
Khi vua băng hà, thân phận của các cung nữ hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của vua mới. Một số may mắn có thể được trả về nguyên quán để làm lại cuộc đời. còn đa số được đưa đến sống tại khu vực lăng tẩm của vị vua vừa qua đời để tiếp tục hầu hạ khói hương cho đến khi chính họ được hương khói.
Đưa con vô Nội có nghĩa là sẽ mất con, chẳng khác gì vật sở hữu của mình đưa cho người khác mượn rồi bị mất hẳn. Đúng là một lối ví von không giống ai, một đặc sản của người dân sống gần gũi chốn cung đình.
Đẽ ông Bộ cho làng nhờ
Lại nhớ môt buổi trưa nọ, mẹ tôi đi chợ về, đang chuẩn bị bữa cơm trưa thì tiếng bà Cửu hàng xóm đã hỏi vọng sang:
-Cô đi chợ về rồi à? Răng đó ? Con cá hanh khi rồi ngon như rứa, mà cô có mua được không?
-Không. Con mẹ đó nói thách thấu trời, ai mua cho nổi. Họa là mua ăn để đẻ ông Bộ cho làng nhờ thì tui cũng mua đó.
Với cái tuổi “Đệ Nhị chuyên khoa” hồi đó (lớp 11), tôi tạm hiểu rằng mẹ tôi muốn nói đó là một cuộc đầu tư không đáng, nhưng tôi không thể hiểu ông Bộ là ai mà làng lại có thể nhờ vã được. Tôi có hỏi nhưng mẹ tôi không cắt nghĩa được ngọn ngành, chỉ nói vắn tắt rằng ông Bộ là ông Giám, lớn rồi biết.
Bên trong Kinh thành Huế có một khu vực rộng lớn thâm nghiêm, kín cổng cao tường. Đó là Hoàng thành, tức Đại Nội, gọi tắt là Nội. Đại Nội có nhiều khu vực khác nhau, trong đó quan yếu hơn cả là Tử Cấm thành. Đây chính là nơi các vua Nhà Nguyễn điều khiển guồng máy cai trị từ ải Nam Quan ở cực Bắc cho đến mũi Cà Mau ở cực Nam.
Đây cũng là nơi vua ăn ngủ, giải trí, sống đời sống gia đình, như mọi con người khác. Tử Cấm thành có nhiều lâu đài, cung điện, mang nhiều tên gọi khác nhau, là nơi vua và bầu đoàn thê tử cư trú. Do ảnh hưởng của sử Tàu, khi nói đến tam cung lục viện người ta thường nghĩ rằng đó là chốn hậu cung của vua, bao gồm các bà vợ chính thức và đám vợ lẽ nàng hầu , thường được gọi là cung phi mỹ nữ.
Điều này có thể đúng với Tàu và một số triều đại khác của Việt Nam, còn theo chỗ chúng tôi biết, khi đề cập đến Nhà Nguyễn, nhất là từ đời Minh Mạng đến Khải Định, mấy chữ tam cung lục viện nên được hiểu chính xác hơn một chút.
Năm thái giám (hình bưu thiếp)
Vua làm việc tại điện Cần Chánh hay điện Văn Minh, và ăn ở tại điện Càn Thành, còn chánh phi thì ở tại cung Khôn Thái. Các thứ phi thì ở điện Trinh Minh, các cung tần thì chia nhau ở trong 6 viện (lục viện) là Thuận Huy, Đoan Huy, Đoan Thuận, Đoan Hòa, Đoan Trang và Đoan Trường. Sát về phía Tây của Tử Cấm thành có hai cung quan trọng khác dành cho các bậc bề trên của vua. Đó là cung Diên Thọ, dành cho bà nội vua (Thái hoàng thái hậu) và cung Trường Sanh dành cho mẹ vua (Thái hậu).
Vậy thì tam cung lục viện của Nhà Nguyễn bao gồm thế giới đàn bà sau lưng vua, gồm cả thế hệ trên trước lẫn phi tần cung nữ. Thế giới này là cung cấm, hiểu theo nghĩa đen, vì ngoài vua ra, cấm không có một bóng dáng đàn ông nào được lai vãng. Để lửa gần rơm thế nào rồi cũng có ngày sinh chuyện, nên phải nghiêm cấm như thế cho đúng phép tắc lễ nghi, và … an toàn!
Tuy nhiên, cung cấm cũng có lúc cần đến người có sức khỏe, cần người làm con thoi liên lạc giữa vua và hậu cung, nghĩa là cần người có sức khỏe phục vụ mà vẫn bảo đảm đươc sự an toàn như ý muốn của vua. Đó là các thái giám, thường được gọi là các ông giám.
Về mặt sinh lý, thái giám là người thuộc loại không rõ ràng về mặt giới tính (á nam ái nữ) do bẩm sinh (ông bộ nắp), hoặc do người nam tự nguyện hũy bộ phận sinh dục để được làm giám (giám thiến, giám lặt), suốt đời phục vụ trong cung cấm, vừa có địa vị, bổng lộc, gần gũi vua chúa, lại khỏi nắng mưa vất vả ngoài đời.
Ngay cả với phương tiện giải phẩu tiến bộ như ngày nay, vừa an toàn vừa không đau đớn, liệu có đấng nam nhi nào dám hy sinh “của quí” để mưu cầu một địa vị nào đó chăng?
Thời xưa, có triều đại đã dùng biện pháp cắt bỏ bộ phận sinh dục nam như một nhục hình dành cho trọng tội. Vậy nên số người vì miếng cơm manh áo mà tự nguyện làm giám hẳn là rất hiếm hoi, trong khi đó nhu cầu cung cấm đòi hỏi phải có đầy đủ nhân lực kế thừa liên tục. Thế nên chỉ còn trông cậy vào hạng giám . . . trời cho (bẩm sinh).
Đã gọi rằng của trời cho thì hẳn không phải dễ kiếm. Vua biết rõ sự chênh lệch về cung cầu này nên đã ban hành một qui chế đặc biệt cho giám bẩm sinh. Theo đó, hễ làng xã nào trong nước có gia đình sinh con ái nam ái nữ thì phải báo ngay lên huyện để huyện khám xét. Sau khi xác minh được tình trạng đặc biệt của hài nhi, huyện sẽ theo hệ thống hành chánh để báo lên phủ, rồi lên tỉnh.
Tỉnh sẽ báo về Bộ Lễ, là cơ quan trung ương đặc trách về giáo dục và nghi lễ của triều đình. Lý lịch đứa bé như thế đã được “đăng ký” và từ đó nhà nước sẽ chu cấp để nuôi dưỡng.
Cha mẹ đứa bé, vì có công sinh con hữu ích cho vua, nên được miễn sưu dịch và thuế đinh, lại còn được cấp công điền công thổ để cày cấy nuôi con. Làng sở tại, nơi có đứa bé sinh ra, cũng được hưởng chút thơm lây, ấy là làng được miễn sưu thuế trong một số năm nào đó, chưa kể có thể có những đặc ân bất thường khác, tùy dịp và tùy lòng tốt của vua.
Có đứa bé mang khuyết tật bẩm sinh nào lại có thể mang vinh dự và lợi lộc về cho cha mẹ và làng nước như vậy chăng? Có đứa bé nào mới sinh ra mà đã trờ thành người của vua như vậy chăng? Quả là hiếm hoi quí báu!
Vậy thì để tỏ lòng biết ơn (người đã mang lại ân huệ) và kính trọng (người của vua), làng không gọi đứa bé kia là thằng này thằng nọ nữa, mà gọi là ông Bộ. Rõ ràng là đẻ ông Bộ thì làng được nhờ. Tôi chưa được xem tài liệu hay nghe người nào khác giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của chữ “Bộ” này. Thiết nghĩ đứa bé do Bộ Lễ quản lý, là người của Bộ, của vua, nên được gọi là ông Bộ chăng?
Đến năm ông Bộ được 12 tuổi, Bộ Lễ yêu cầu tỉnh sở tại lập thủ tục đưa đứa bé về Kinh. Cũng như số phận của người con gái vô Nội, ông Bộ cũng một đi không trở lại. Cuộc chia tay này thường là một vĩnh biệt. Theo hệ thống giao thông cung trạm, ông Bộ được hộ tống về Huế, trình diện Bộ Lễ.
Tại đây, sau khi được kiểm tra lần cuối về tình trạng giới tính (giám thật hay giám giả), nếu được chấp thuận, đứa bé được chuyển vào cung cấm.
Một thái giám giàu kinh nghiệm sẽ được giao làm người đỡ đầu, có nhiệm vụ rèn cặp ông Bộ công việc sẽ đảm đương, cùng những lễ nghi cung cách chốn cung đình để khi trưởng thành có thể nối nghiệp đàn cha đàn anh.
Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ thời vua Lê chúa Trịnh là thời hoàng kim của các thái giám. Sử cho biết rằng quan chế thời ấy được tổ chức thành ba ban thay vì hai ban như các triều đại khác.
Đó là ban quan Văn, ban quan Võ và ban Thái giám. Thái giám thời ấy được dự vào việc cai trị chứ không phải quanh quẩn trong cung cấm. Có nhiều thái giám được phong tới tước Hầu và rất có thế lực trong triều đình .
Cổng chùa Từ Hiếu, bên trong
Đời Nhà Nguyễn, thái giám có cuộc đời khiêm tốn hơn. Tuy họ cũng làm quan – vì họ cũng có đẳng cấp và bổng lộc – nhưng chỉ có mỗi một quyền, đó là quyền được phục vụ hoàng gia trong cung cấm cho đến mãn đời. Do vị trí đăc biệt ở trong cung nên thái giám được coi là hạng người có ưu thế biết rõ chuyện thâm cung bí sử hơn bất cứ ai khác. Tiếc thay, cho đến nay họ không để lại cho hậu thế một tiết lộ nào về những bí mật ấy.
Trong quan niệm của Nho giáo, bất hiếu là một tôi nặng, trong đó nặng nhất là không có con trai để nối dõi tông đường (bất hiếu hữu tam, vô tự vi đại). Dĩ nhiên luân lý của xã hội xưa không lấy đó làm điều để trách cứ mấy
ông thái giám.
Tuy nhiên, lúc đến cái tuổi trăng tà bóng xế, ngó quanh ngó quẩn không thấy ai ở bên mình, chạnh nghĩ tới cảnh hương tàn bàn lạnh khi nằm xuống, các thái giám không khỏi buồn tủi.
Chính vì cảm thông điều này và để cho các thái giám có nơi nương tựa phần hồn sau khi chết nên chùa Từ Hiếu được vua ban sắc chỉ thành lập. Hầu hết các thái giám đều được ký tự ở đó. Ngày trước, chùa Từ Hiếu được xem là một ngôi chùa giàu ở Huế. Gọi rằng giàu là vì người ta thấy chùa có nhiều ruộng đất làm hoa lợi, do các thái giám mua cúng vào chùa để được hưởng hương khói, kinh kệ về sau .
Ở góc đường Đoàn Thị Điểm và Hòa Bình (Đặng Thái Thân ngày nay) trong Thành Nội, ngay góc Đông Bắc của Đại Nội, có một ngôi nhà cổ nằm cô độc sát bờ hồ, ít ai để ý. Đó là Bình An Đường của ngày xưa, nằm trong danh sách quần thể kiến trúc của kinh đô.
Bình-An Đường
Như cái tên gọi của nó – nhà bình an – ngôi nhà này chính là trạm điều dưỡng của cung nữ và thái giám. Khi cung nữ hay thái giám bị bịnh nặng, họ được đưa ra điều trị và an dưỡng tại đây, vừa tránh được lây lan vừa tiện cho thân nhân ở lại chăm sóc thuốc men, cơm cháo.
Vạn nhất, nếu không qua khỏi thì cũng tiện cho thân nhân lo việc ma chay. Nếu cung nữ hay thái giám chẳng may bị bạo bệnh, chết đột ngột ở trong cung, họ sẽ lâm vào cảnh khá tủi thân, ấy là xác của họ sẽ được bó chiếu, rồi người ta sẽ dùng dây đưa lên mặt hoàng thành phía Bắc, gần cửa Hòa Bình, để đưa ra ngoài cho thân nhân nhận về lo ma chay.
Theo qui định thời đó, người không thuộc về hoàng gia mà chết trong cung cấm thì không được đưa xác ra ngoài qua các cửa hoàng thành. Xác của cung nữ hay thái giám phải “leo thành” là vậy.
Chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam chấm dứt vào tháng 8 năm 1945. Tính ra nới tròm trèm 50 năm, thời gian quá ngắn để một vật dụng trở thành món đồ cổ. Vậy mà những cái Huế rặt vừa nói xem ra đã trở thành đồ cổ mất rồi. Ngay trên đất quê hương những lối nói như thế cũng không còn thông dụng trong thế hệ trẻ nữa, nói chi ở xứ người./
Như cái tên gọi của nó – nhà bình an – ngôi nhà này chính là trạm điều dưỡng của cung nữ và thái giám. Khi cung nữ hay thái giám bị bịnh nặng, họ được đưa ra điều trị và an dưỡng tại đây, vừa tránh được lây lan vừa tiện cho thân nhân ở lại chăm sóc thuốc men, cơm cháo.
Vạn nhất, nếu không qua khỏi thì cũng tiện cho thân nhân lo việc ma chay. Nếu cung nữ hay thái giám chẳng may bị bạo bệnh, chết đột ngột ở trong cung, họ sẽ lâm vào cảnh khá tủi thân, ấy là xác của họ sẽ được bó chiếu, rồi người ta sẽ dùng dây đưa lên mặt hoàng thành phía Bắc, gần cửa Hòa Bình, để đưa ra ngoài cho thân nhân nhận về lo ma chay.
Theo qui định thời đó, người không thuộc về hoàng gia mà chết trong cung cấm thì không được đưa xác ra ngoài qua các cửa hoàng thành. Xác của cung nữ hay thái giám phải “leo thành” là vậy.
Chế độ quân chủ cuối cùng của Việt Nam chấm dứt vào tháng 8 năm 1945. Tính ra nới tròm trèm 50 năm, thời gian quá ngắn để một vật dụng trở thành món đồ cổ. Vậy mà những cái Huế rặt vừa nói xem ra đã trở thành đồ cổ mất rồi. Ngay trên đất quê hương những lối nói như thế cũng không còn thông dụng trong thế hệ trẻ nữa, nói chi ở xứ người./
Võ Hương-An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét