Ðến Với Cha...
Diễm Châu (Cát Ðơn Sa)
Từ khi sang đến Mỹ, khác với nhiều người trẻ là có cha nuôi dưỡng, chị em chúng tôi chỉ còn một bà mẹ hiền lành, chân chất...
Sau khi được chính phủ giúp đỡ trong thời gian đầu, mẹ phải bương chải đi kiếm việc làm, một công việc tuy không nặng nề, nhưng khá bận rộn trong nhà kho của ngôi chợ Á Ðông lớn nhất vùng... để nuôi nấng chúng tôi ăn học...
Còn cha tôi, ông đã nhẫn tâm bỏ rơi gia đình nhỏ để đi theo tiếng gọi của "con chim"! Một bà nhà giàu lớn tuổi hơn cha, bà Mộng Ðào mê "nhan sắc" của ông, muốn có một người tình điển trai, biết ngoại ngữ để bao bọc, và cùng nhau dung dăng dung dẻ đi du lịch đây đó, với cái gia tài kết xù, số tiền bảo hiểm năm trăm ngàn đô la của ông chồng bà vừa tạ thế để lại, và ngôi nhà rộng lớn, cũng như một tiệm bán thức ăn nhanh đang hoạt động rất phát đạt...
Vì bị vật chất làm cho choá mắt, trước khi ra đi, ông đã cho mẹ con tôi nhiều lần nếm mùi điêu đứng, khốn khổ! ... "bậu gieo tiếng ác cho rồi bậu đi..."
Vì có ý định hợp lý để bỏ mẹ con tôi đi theo bà tình nhân nhiều tiền mà không bị miệng thế chỉ trích, cha tôi đã thường xuyên chì chiết mẹ con tôi với nhiều người, bất cứ về vấn đề gì... để gieo tiếng ác cho mẹ, như nói mẹ ngoại tình, giấu tiền tiêu riêng đem biếu bà con bên ngoại... làm cho mẹ con tôi khổ sở mà chán nản, để tự động xa rời ông...
- Tụi bây ăn rồi nằm chơi... không giúp ích được gì cho cái nhà nầy cả... Sao không đi làm thêm đem tiền về như người ta, mà cứ ỷ lại vào cha mẹ!!! Ðúng là những con heo lười biếng!
Nghe cha chửi riết, thằng Út em tôi tự ái, hăng hái ra ngoài McDonald's xin bán hàng sau giờ học cho đến tám giờ tối mới mò về học bài. Còn tôi cũng may có bà Mỹ hàng xóm nhờ trông coi con bà... nghề "Babysitter" cũng đỡ, không phải đi đâu xa... Mẹ đi làm hàng ngày nhờ xe bác Phú. Nhà bác ở xa hơn, và khi đi làm thì chạy qua con đường nhà tôi để đến sở. Bác làm nghề giao thực phẩm cho những người "order" thức ăn bằng điện thoại.
Ði nhờ, nhưng mẹ luôn luôn biết điều gởi bác tiền xăng cho phải đạo đồng hương, dù lúc đầu bác từ chối không nhận... Vậy mà cha đã lấy chuyện nầy để làm ầm lên với mọi người, cho rằng mẹ có tình ý thông gian với bác Phú.
Vợ bác Phú nghe chuyện từ miệng cha, đã cấm ông chồng không được cho mẹ đi nhờ nữa! Dù trên xe không phải chỉ có bác Phú và mẹ, mà còn có một bác gái khác cũng làm chung công ty thực phẩm cùng đi, vì bác nầy nhà gần bên và có bà con xa với bác Phú.
Bị từ chối, mẹ phải tìm cách khác, là đi nhờ xe chú Long. Chú Long mới có vị hôn thê người Tàu gốc Việt. Họ mới làm đám hỏi cũng khoảng ba tháng trước.
Ði xe chú Long được hai tuần, thì mẹ phải tìm đường đi xe bus, dù mất thì giờ và vất vả hơn... nhưng cũng phải đi, vì không biết do đâu mà cô hôn thê của chú Long tới chợ tìm mẹ, nói thẳng là không muốn mẹ đi nhờ xe của chú Long nữa...
- Tuy chị lớn tuổi rồi, nhưng em không muốn chồng sắp cưới của em phục vụ ai hết... mất thì giờ và thiên hạ đàm tiếu!
Mẹ thở dài áo não! Biết sao bây giờ! Trước đây bác Phú cũng từng nói với mẹ:
- Tui biết thím đàng hoàng, nhưng bà vợ tui không nghĩ như tui... vả lại chồng của thím hay nói tới nói lui, bả bực!!!
Lần nầy chắc cũng không ngoại lệ! Mẹ tự trách mình sao quá nhút nhát, không dám tập lái xe, để khỏi phải nhờ vả ai...
Mẹ biết mình cũng còn nhan sắc, số tuổi bốn mươi hai chưa phải là già. Thân hình mẹ thon gọn dong dỏng cao, mái tóc dài ngang vai lả lướt mà khi bận bịu quá, thì mẹ cột túm ra phiá sau bằng sợi giây thun nhìn khá thu hút. Chân mang đôi guốc quai nhung đen êm ái không làm cho đau... Da mẹ trắng và đôi môi mọng đỏ tỏa ánh đào hoa! Chưa hề có một nếp nhăn…
Nhưng nhan sắc của mẹ là trời cho. Mẹ chưa hề đi sửa một thứ gì gọi là làm đẹp, thẩm mỹ... như đa số nữ giới thường hay tu bổ thân thể, sắc đẹp ở thời buổi nầy! Kiếm ăn còn chưa xong, tiền bạc thời giờ đâu mà lo làm đẹp!
Lời nói của bác Phú khiến cho mẹ cay đắng trong lòng! Cha có thương gì mẹ mà phải đặt điều kiểu ghen tuông kỳ cục như thế! Bác Phú hay chú Long... ai cũng hơn hay thua mẹ về tuổi tác cách biệt, họ lại là đàng hoàng, không phải là tác người bay bướm...
Nhưng tại sao cha làm thế, thì mẹ con tôi lờ mờ đoán như nhau. Có lẽ bà Mộng Ðào muốn lẽ phải về mình, nên cha phải theo lời xúi biểu của bả!
Mặc cho điều tiếng xảy ra, mấy mẹ con cứ cặm cụi đi làm... Tôi giữ em cho bà Mỹ được hai tháng, thì bà ta lại có bạn trai mới, dọn đi theo anh ta, tôi mất mối giữ em...
Ði làm có tiền giúp mẹ thành quen, giờ ở nhà tôi thấy vô vị và rảnh quá, không biết làm gì. Mò vào bếp, mớ rau ngò gai, ngò om lẫn lộn... mẹ lôi ra sáng nay để trong bồn rửa chén, nhắc nhở tôi nấu nồi canh chua cá kho tộ cho buổi cơm chiều...
Cầm cây rau ngò gai, tôi cảm thấy bâng khuâng... nhớ lại hồi còn ở bên Việt Nam... Ngò gai là một thứ rau để ăn đệm với phở, canh, súp... nhưng với tôi là cả một trời thân thương. Nghĩ đến là thương mẹ não lòng!
Hình ảnh ngày xưa, mỗi buổi sáng sớm khi trời còn mờ đất, mẹ ra vườn vun xới, cắt lá ngò gai bó sẵn, để cho khách hàng ghé nhà mua. Trong hai cái thúng ướt đẫm sương mai, là những bó ngò gai, ngò om, cùng rau lang vun đầy..
Ðối với gia đình tôi, ngò gai và hai thứ rau lang, ngò om vô cùng quen thuộc, hiện diện hầu như trong mỗi bữa cơm, có nồi cơm độn khoai bốc khói, có tô canh chua cá bông lau béo ngậy, khi cả nhà xúm xít quây quần bên nhau, kỷ niệm ấu thơ khó phai mờ.
Cho đến bây giờ, dù đã ra hải ngoại, dù phải đi làm ổn định... mẹ tôi vẫn nhớ những lọai rau ấy, cây rau đã nuôi sống gia đình tôi trong những ngày tháng trên quê hương khổ đau... Buôn bán lá ngò gai cho các hàng phở vào mỗi buổi sáng, rau ngò om và rau lang cho quán, gánh cơm quanh chợ...
Thu nhập của gia đình dựa vào hai thúng ngò và rau của mẹ... Và người ta đã gọi mẹ là cô Hân rau ngò, một cái biệt danh nghe hết sức thơm mát ruộng đồng, êm tai và đằm thắm.
Bán hết hai thúng rau, là mẹ cho các con ăn sáng, và sau đó chở chúng tôi đi học.
Trên chiếc xe đạp cũ, ba mẹ con lại đèo nhau, thằng em ngồi trước tay vịn chặt ghi đông, mẹ gắn miếng gỗ nhỏ vào phía trước cho nó có chỗ ngồi, tôi tọa phiá sau ôm chặt vòng eo mẹ, còn mẹ cắm cúi đạp, lâu lâu lại dùng một tay rờ đầu thằng em, hay nắm lấy bàn tay tôi bóp nhẹ...
Cứ thế ba mẹ con cứ nương vào nhau mà sống. Cha tôi thời gian đó chạy mối chợ trời... ông thường đi trể về khuya, ít khi thấy mặt ở nhà... Về nhà là chỉ để ăn và ngủ! Tiền thu được nuôi nổi mình cha! Nhiều khi còn nài nỉ lấy tiền của mẹ để đi trả nợ cho người ta... không biết cha nợ cái gì!
Tôi cũng biết mẹ có ít tiền vì bán được rau. Sau khi chở chúng tôi đến trường, mẹ vòng ra chợ mua con cá hay miếng thịt nhiều mỡ hơn nạc, ký gạo... thì trong túi mẹ cũng chỉ còn chút tiền lẻ dằn túi.
Mùa nắng, mùa mưa... khi ngò gai trổ hoa là mẹ không còn cắt lá nhiều được nữa, mà chỉ còn ngò om và rau lang. Mẹ lại ngồi nghĩ ra cách kiếm thêm tiền... trồng thêm húng cây, húng lủi, diếp cá để bán.
Bên cạnh bờ giếng, có một đường mương nhỏ, mẹ đào lên cho chúng chạy quanh co qua những gốc đu đủ, dưa gang tây, hay giàn bầu mướp. Do đó, sau nầy mẹ lại có thêm những thứ hàng tươi non để chào mời...
Việc làm của mẹ ở trước cổng nhà sau nầy bị dẹp bỏ, vì có người thưa kiện! Chẳng biết tại sao họ kiện? Mẹ bao giờ cũng mềm mỏng, không gây với ai, bán rau trước cổng nhà thì cũng không hệ lụy đến ai!!! Nhưng không phải vì thế mà không có kẻ thù...
Người ta chỉ cần thấy một người đàn bà có nhan sắc, mà đời sống dù không vật chất sung sướng, hạnh phúc... nhưng bán buôn có vẻ đồng ra đồng vào, chạy đều là cũng không thích rồi!
Số mẹ khổ, làm cái gì cũng có người cạnh tranh... Thì ra cái người thưa kiện mẹ, không cho bán trước nhà, để mẹ phải dẹp... cho nhà họ bày ra bán! Bởi họ có bà con làm lớn trong chính quyền!
Mẹ không cạnh tranh với nhà ấy, mà lại hàng ngày đi tới những nơi buôn bán khác, kiếm mối giao ngò gai tận nơi cho các tiệm phở, giao ngò om và rau trái... cho mấy quán hay gánh bán cơm...
Những người đã mê phở, thì nhất định bên cạnh tô phở phải có rau quế, ngò gai, giá sống ăn kèm... mùi thơm lừng của mớ rau làm cho phở thêm đặc trưng, ăn mãi không ngán. Vì thế, thấy mẹ bán giá rẻ, lại giao rau tươi mới cắt tận nơi, nhiều người đã ưng thuận...
Nhiều khi tội nghiệp mẹ vừa giao mớ rau thơm cho quán, chưa kịp lấy tiền thì cha trờ tới với người bạn, xà vào hàng phở gọi hai tô... Thế là toi mất món tiền ngày hôm ấy...
Ðối với tôi, mấy thứ rau thơm đất nước tôi rất thương, nhìn chúng dù trên quầy của siêu thị, hay là trong chậu ở sân sau... là tôi đã có cảm giác yêu thương khó tả...
Nấu nồi canh chua mà thiếu rau ngò om là xem như hỏng. Mùi rau ngò thơm đặc biệt, lan tỏa nao lòng. Hồi còn bên Việt Nam, có hôm tôi dậy sớm giúp mẹ cắt ngò gai... nhưng lại ghét lá gai đâm vào tay... cũng như tôi thường thích hít mùi thơm của ngò gai vào sáng sớm. Nhìn mẹ lưng lom khom, nhổ từng bụi ngò mà thương.
Càng về sau, nhờ những cơn mưa, ngò gai, ngò om lại đâm chồi ra tua tủa, tươi tốt nên mẹ mới nối cái vườn rau ra rộng hơn một chút. Đến khi nó lan ra quá nhiều, mẹ mới nghĩ cách bó lại từng bó, đem ra trước cổng nhà bán, mong kiếm ít tiền chi tiêu... Không ngờ, từ đó nó trở thành thứ rau đem nền kinh tế cho cả nhà.
Rau ngò gai, ngò om dễ trồng, chịu hạn cũng rất giỏi. Khi già, ngò trổ bông, rụng hạt; đến mùa mưa lại xanh mướt, um tùm, không cần chăm sóc nhiều. Nếu muốn ngò gai tươi tốt, quanh năm chỉ cần làm cho đất xốp, tơi ra, chăm tưới là được.
Còn ngò om thì chịu nước, nên chịu khó tưới vào mùa nắng, và khi muà mưa đến, nhìn những đám ngò sẽ thấy xanh rì, mát mắt.
Mỗi lần nấu canh chua, tôi hay cầm cái rổ chạy ra hàng rào, cắt vài dọc rau bạc hà, ngắt một nắm lá ngò gai, ngò om vào, thế là món ăn nóng sốt, thơm ngon...
Bây giờ tôi đang đứng trên đất Mỹ, dù đã xa căn nhà nghèo nàn từ lâu... nhưng lắm lúc nhớ lại vẫn thèm được nhai trong miệng lá ngò gai, ngò om thoang thoảng muì thơm từ cành lá xanh nhỏ nhắn..., thèm tô canh chua cá bông lau nấu với những khứa cá cắt khúc bày trong vĩ, chứ không phải nguyên con cá đang nhảy như ở quê nhà...
Cha tôi từ khi quen và ở với bà Mộng Ðào, chẳng thèm liên lạc với mẹ con chúng tôi nữa! Chúng tôi có cha mà cũng như không, có người đàn ông trong nhà, dù không hiện diện thường xuyên, cũng gây khó khăn cho việc xin trợ cấp, giúp đỡ!...
Cha nghĩ rằng nhờ cha, thì mẹ con chúng tôi mới được đi vượt biên với giá bèo cho cả bốn người trong gia đình, chỉ vì chủ ghe biết cha nói đuợc tiếng Anh, ông ta tính thuyền ra hải phận quốc tế thì phải cần người như cha, do đó ba mẹ con tôi được xuống tàu với sự không ngờ!...
Chuyến đi nhờ ơn trên, chỉ bị đói hai ngày là được tàu Mỹ vớt, do đó chúng tôi được qua Mỹ trong thời gian ngắn!
Cũng may là mọi việc tốt đẹp, và chúng tôi đã đến được đất nước thiên đường...
Ðang lúc chúng tôi lo lắng không biết phải sinh sống ra sao ở đất mới, thì cha tôi vẫn thản nhiên la cà đây đó. Ông chẳng quan tâm gì đến vợ con! Chưa gì ông đã biết nơi mà mấy ông Việt Nam thường hay ngồi tán dóc vào những buổi sáng là cái quán cà phê nào? mấy giờ, ở đâu, để ra đó góp mặt...
Cha là thế, lúc nào cũng biết tìm cho mình sự sung sướng, tính tình ích kỷ, không có trách nhiệm với vợ con! Tôi tưởng qua một sự đổi đời, cha sẽ góp tay cùng mẹ chăm sóc gia đình, hay giúp đỡ khi vợ con còn bỡ ngỡ trước nơi chốn mới, ngôn ngữ bất đồng!!! Ai ngờ cha vẫn tiếp tục phớt lờ, coi mẹ nhẹ như cái lông hồng!
Mẹ tôi cũng nản quá! Bà đã âm thầm chịu đựng từ bên Việt Nam, không phản ứng gì trước những việc làm của cha! Giờ đây, nơi vùng đất mới, ông lại tỏ uy quyền, nhiếc móc người khác!
Nhờ ngồi nơi quán xá thường xuyên, cha biết gia nhập hội làm thơ, làm nhạc... là phong trào của các tâm hồn yêu văn nghệ hiện nay. Biết cách trị đàn bà, nói thẳng là vợ nhà nếu bà ta nổi dậy... Biết quyền lợi của mình tới đâu... và luôn luôn đi tham dự những buổi văn nghệ văn gừng, nhảy nhót cho vui cuộc đời!
Cũng nhờ thế mà cha quen được với tình nhân Mộng Ðào. Và cuối cùng thì Cha dứt áo ra đi, sau khi nhắn sẽ đưa giấy tờ ly dị về cho mẹ ký.
- Mẹ con bà tự mà lo lấy!
Thằng Út nó hận cha nhiều hơn tôi, nhiều lần nó tuyên bố:
- Em nhất quyết học cho thành tài, làm chức vụ quan trọng trong xã hội... để cho cha sáng mắt! Lúc đó đừng có gọi em là con!!!
Tôi nghe nó nói, biết là em bực cha lắm, và thông cảm với phát biểu đó! Tuy nhiên, tôi cũng xoa dịu căm thù trong tim nó:
- Thôi em... dù sao thì mình còn có mẹ thương, còn hơn là nhiều đứa trẻ khác không có cha lẫn mẹ...
Út đanh mặt:
- Thì thà như vậy đi... Chúng nó tuy không có cha mẹ, nhưng không có sự tủi hận trong lòng...
Tôi thở dài. Em tôi nói đúng! Tôi đã từng nghĩ như vậy mà chưa dám nói ra!
Tệ nhất là có lần thằng Út bịnh, phải vào nhà thương 5 ngày, tôi đã báo cho cha hay tin... Nhưng trong năm ngày đó, tôi biết em tôi dù giận cha, nhưng cũng mong ông ghé vào... có điều chẳng một lần thấy bóng cha thăm viếng!
Mẹ tôi lúc nầy đi xe bus đã thành thạo. Thấy mẹ dậy sớm, tôi săn sóc, hỏi han:
- Ði vậy có cực không mẹ?
Mẹ tôi sáng mắt, mỉm cười:
- Cực gì đâu... Mẹ thấy đi bộ một quãng vậy mà tốt cho sức khoẻ đó con... Ngày xưa thì mình làm biếng, nhưng giờ già rồi, mẹ lại thích được có cơ hội đi bộ...
- Thật sao mẹ... dạ, con nghĩ mẹ đi bộ được thì tốt cho cơ thể!
- Nói thiệt chứ lúc đầu thì mẹ cũng thấy sợ lắm, phải thay đổi xe bus, phải lên cho đúng chuyến... bây giờ thì mẹ rành quá rồi, còn thấy thích nữa... nói thí dụ giờ ai mà cho mẹ đi quá giang xe họ, thì mẹ cũng khoái xe bus hơn...
- Vậy thì tốt...
Tôi đang có ý định chở mẹ đi làm sau nầy, nghe mẹ nói mất hứng. Tuy nhiên tôi cũng phải mở lời:
- Mẹ ơi...
- Gì con?
Mẹ mở mắt lớn chờ đợi. Tôi ấp úng tiếp:
- Con cần phải mua một cái xe mẹ ạ...
- Con cần phải mua một cái xe mẹ ạ...
- Mua xe? Bao nhiêu tiền vậy con?
- Cái xe Toyota cũ đời 2002, nhưng vẫn còn chạy tốt, chưa đến một trăm ngàn mile... mẹ của bạn con cho nó cách đây hai năm... giờ nó bán rẻ lại cho con để mua xe mới...
- Bán bao nhiêu?
- Hai ngàn đô.
Mẹ đâu có biết giá cả về xe, nghe tôi nói cúi đầu ngẫm nghĩ... Tôi thêm:
- Con với thằng Út có một ngàn, mẹ cho con một ngàn nữa là đủ...
- Mẹ cũng có vài ngàn để dành phòng khi đau ốm... nhưng con chắc là chiếc xe vẫn chạy được chứ?
- Nó vẫn chở con đi mà mẹ... chiếc xe nầy mẹ nó lái cẩn thận lắm, xe tốt mà bán như vậy giá rẻ đó mẹ...
- Nó có chạy được... đến khi con ra trường không? Còn mấy năm nữa đó...
Tôi kêu lên:
- Ðược chứ mẹ... bạn con dặn phải nhớ đi thay dầu mỗi ba tháng một lần là tốt...
Mẹ vào phòng, rồi trở ra đưa cho tôi một ngàn hai.
- Con còn phải sang tên nữa... Tội thằng Út, nghèo vậy mà cũng cho con mượn tiền...
- Nó cũng lái mà mẹ...
Mẹ nhìn tôi, lẩm bẩm:
- Mới đây mà đã lớn hết cả rồi!
Thời gian sau, một hôm tôi thấy mẹ ngồi thẫn thờ ở bàn ăn, bữa cơm tối cuối tuần có món canh chua cá bông lau ngò gai, ngò om trên mặt thơm lừng bốc khói, nhưng mẹ vẫn đăm chiêu không đụng đũa.
Hai đứa tôi nhìn nhau, rồi thằng Út hỏi mẹ:
- Có chuyện gì hả mẹ?
Mẹ giật mình nhìn chúng tôi, thở dài...
- Sao mẹ? Chuyện gì vậy, nói cho tụi con nghe đi???
Im lặng một lúc, mẹ mở lời:
- Ba tụi con đang ở nhà thương...
Tôi sửng sốt, nhìn thấy mặt thằng Út đanh lại:
- Tại sao vậy mẹ? Sao mẹ biết?
Mẹ lúng túng:
- Thì mẹ biết... ổng bị thương nặng lắm...
- Ba bị thương ra sao vậy mẹ?
- Ba bị du đãng chém vào mặt!
Cả tôi lẫn thằng Út sửng sốt:
- Bị chém? Tại sao?
- Nghe nói bà Mộng Ðào có kép khác, muốn bỏ ba bây... rồi chuyện gì xảy ra thì mẹ không biết, cho đến khi ổng bị người ta hành hung, chém vào mặt...
- Già vậy mà còn để cho mang tiếng dành gái!
Giọng thằng Út mỉa mai. Mẹ nói:
- Con đừng nói vậy khi mình chưa biết sự gì xảy ra...
Không dưng thằng Út nổi nóng:
- Mẹ thì lúc nào cũng vậy, binh ổng làm gì... Ổng đâu có tử tế gì với gia đình mình... Ồng bị thương thì có mấy bà bồ khác lo, mắc mớ gì tới mình!!!
- Nghe nói là bà Ðào dục hết quần áo của ba con ra ngoài đường, không cho trở về đó nữa!
Noí đi nói lại rồi thì mỗi người mang nặng một tâm tư! Tôi biết thằng Út đang còn tức cha nhiều điều. Còn mẹ, mẹ thì lúc nào cũng hay thương xót cho những nghịch cảnh mà không nghĩ đến thân mình. Riêng tôi, tôi đã quen sống trong tự túc, tự lo... cha chỉ là một cái bóng xa vời...
Vài ngày sau, có tiếng chuông điện thoại reo, tôi bốc máy:
- Hello.
- Cháu hả... cô là y tá Thanh bạn mới quen của mẹ, mẹ cháu có nhà không?
- Dạ không. Cô cần gì cứ nhắn với con cũng được...
- Làm ơn nhắn với mẹ là ông anh bà con của mẹ cháu bị lên cơn sốt vì vết thương hành... ông ta cứ kêu tên Bé với Út...
Tôi nghe cô ý tá nói, thấy nhói trong tim... Ông đã biết kêu tên tụi tôi trong cơn mơ khủng hoảng... Chắc bây giờ ông đang đơn côi lắm...
Bỗng dưng tôi thấy tội nghiệp cho ông. Hẳn là ông đang mong những bóng hồng, chân dài chân ngắn, thi nhạc sĩ đến bên giường bịnh để thăm nom, an ủi! Những người đó biến đi đâu trong lúc nầy?
- Có ai vào thăm bác ấy không cô?
- Không có ai, chỉ có mẹ cháu thôi...
- Cám ơn cô. Xin chào...
Thì ra mẹ tôi đã không cần ý kiến hai đứa đã đến đó để lo cho cha! Có tâm hồn người đàn bà nào cao cả như vậy không? Mẹ tôi đẹp, nề nếp, hiền lành và thủy chung... dù bị chồng phụ, nhưng khi chồng cũ bị người khác phụ rẫy, mẹ vẫn không thù hận mà còn tìm đến để săn sóc, khi biết chung quanh người phản bội không còn ai!
Cha tôi đã có mẹ chăm sóc làm cho tôi đỡ áy náy! Nói cho cùng, tâm hồn người đàn bà dễ thù hận, nhưng theo thời gian cũng dễ tha thứ và tội nghiệp cho những cảnh xảy ra trước mắt...
Hôm nay tôi nấu phở, khi nồi phở xong xuôi, tôi cầm cái rổ ra sau mảnh vườn nhỏ ngồi xuống đó. Ðây chỉ là khu chung cư cũ mà mẹ thuê, trước không có đất, nhưng phía sau mỗi nhà đều có một chút sân rộng bằng chiếc chiếu. Ngày đầu mới về đây, mẹ trồng rau thơm trong mấy cái chậu, nhưng sau đó thì bỏ xuống mảnh sân nầy.
Mẹ cẩn thận ngăn đám húng lủi, rau diếp cá bằng một miếng sắt để chúng không lấn sân nhau.
Ngò gai, ngò om thì trồng trong chậu, cây kinh giới, tiá tô cũng có giang sơn riêng, mỗi thứ một cây là đủ ăn rồi... Nói chung thì có thiếu món nào, mẹ tôi chỉ cần lấy về ở chợ là có ngay.
Mẹ kể với chị em tôi là cha hối hận lắm, cứ kêu mãi tên của hai chúng tôi trong giấc ngủ... Ngày mai là Father day, không biết tôi phải làm sao... Tôi tìm thằng Út nói chuyện, và rồi chúng tôi có quyết định...
Tôi múc tô phở cho mẹ, cho Út. Khi bưng tô của mình ra bàn, mẹ húp một muỗng nước, khen:
- Con nấu phở tiến bộ thấy rõ, ngon lắm con...
Thằng Út cũng gật gù và chép miệng:
- Ngon...
Khi dọn dẹp xong, mẹ hỏi:
- Mai tụi con có đi đâu chơi không? Sao hôm nay con nấu phở nhiều quá vậy?
Tôi đáp:
- Ðâu có nhiều mẹ... Mai tụi con tính vào thăm cha... được hông mẹ? Ðưa phở và ngò gai vào cho ba ăn...
Mẹ trố mắt ra nhìn, không ngờ chúng tôi lại nói câu đó... Mắt mẹ rưng rưng cảm động... Mẹ nắm lấy tay hai đứa, thầm nghĩ: "Không biết lần nầy cha chúng có thật sự là người cha tốt, đã hiểu ra hay chưa?"!!!
Diễm Châu (Cát Ðơn Sa)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét