[Minh Trị]
Xưa nay nghe tiếng giáo sư Nguyễn Duy Cống là người tinh thông nhiều lĩnh vực, vừa giỏi vật lý, nghiên cứu sâu về bê tông cốt thép và xây dựng công trình vừa lấn sân sang cả vấn đề phong thủy. Đọc qua tiểu sử giáo sư Cống thấy ông vốn trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, từng được Nhà nước tạo điều kiện làm nghiên cứu sinh tại Kháccốp (Liên Xô), tuy nhiên, đôi khi nhận thức của giáo sư về chính trị vẫn chưa thực sự chính xác.
Hôm trước, Minh Trị tôi có ghé thăm facebook của giáo sư Nguyễn Duy Cống. Gần 80 tuổi mà vẫn sử dụng mạng xã hội, chia sẻ nhiều quan điểm, vấn đề, giáo sư thật là con người trẻ trung. Tuy nhiên, ở bài viết “Bàn về cơ hội của dân tộc”, quan điểm của giáo sư có thể nói là hoàn toàn sai lạc. Nhân năm nay đất nước ta sẽ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tôi xin trao đổi với giáo sư vài vấn đề về bài viết (chủ yếu nói về thời kỳ 1945) của giáo sư.
Trước hết, cần nhận thức rõ rằng Pháp - Mỹ là hai nước đế quốc có quyền lợi thiết thân với nhau. Mặc dù nước Mỹ không ủng hộ các nước thực dân cũ trở về với các thuộc địa trước chiến tranh, nhưng vì quyền lợi đế quốc, Mỹ không thể ủng hộ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước Á - Phi - Mỹ la tinh, đặc biệt là không để các nước này rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Kể từ sau năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn phản công với nhiều thắng lợi rực rỡ (Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ) thì Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào Đông Dương, giúp đỡ Pháp và dần thay chân, hất cẳng Pháp. Việc hợp tác của Mặt trận Việt Minh với Hoa Kỳ, nhận viện trợ về chuyên gia và khí tài rõ ràng là sự tham gia vào mặt trận đồng minh chống phát xít với cùng mục đích đánh đuổi phát xít Nhật, đáp ứng lợi ích chung của nhân dân châu Á và thế giới. Đó có phải là sự bỏ lỡ cơ hội không?
Tiếp đó, cái gọi là “nội các Trần Trọng Kim” (tự xưng “chính phủ đế quốc Việt Nam”) thành lập 4/1945 ở Huế thực chất chỉ là chính phủ bù nhìn, việc hủy bỏ các hiệp ước trước đây với Pháp chẳng qua là dựa bóng của phát xít Nhật, dưới sức ép của Nhật. Các học thuyết “Đại Đông Á”, người Nhật và người Việt có cùng màu da nên sẽ thương yêu nhau... được chính phủ bù nhìn này cổ súy. Chính phủ lập ra nhưng thành viên phải được sự phê duyệt của cố vấn tối cao người Nhật Masayuki Yokoyama và quyền cai trị thực tế cũng do ông này đảm trách. Do vậy, chính quyền này không giành được độc lập trên thực tế cho dân tộc, không được lòng quần chúng. Giáo sư có nói tới chính thể quân chủ lập hiến? Vậy xin thưa với giáo sư, ở các nước mà giáo sư nêu ra như Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ, Nhật, Thái Lan, Cambodia... các vị vua ở đó và hoàng tộc đều được lòng dân cả, có uy tín cao trong nhiều đời. Triều đình nhà Nguyễn đã dâng nước ta cho giặc Pháp (1858 - 1884), đại diện ở thời điểm đó lại là Bảo Đại - một ông vua bất tài, ba phải, chỉ muốn ăn chơi, hưởng lạc. Khi chính phủ Hồ Chí Minh mời Bảo Đại (công dân Nguyễn Vĩnh Thụy) ra làm Cố vấn tối cao, tưởng rằng ông ta sẽ đem tài sức mình ra phục vụ dân tộc, thì ông ta lại nhân dịp Chính phủ cử đi Hồng Công để ở lại và bỏ theo Pháp. Với một chính thể như thế, vị vua như thế, quân chủ lập hiến lập ra có tốt đẹp không? Và liệu giáo sư Nguyễn Đình Cống giả vờ hay cố tình quên? Chính phủ Trần Trọng Kim đã tiếp tay cho phát xít Nhật thực hiện chính sách “nhổ lúa trồng đay” nhằm phục vụ cho công nghiệp quốc phòng Nhật trong Thế chiến II, làm hơn 2 triệu đồng bào ta ở Bắc và Trung Kỳ chết đói nửa đầu năm 1945. Đó liệu có là cơ hội mà dân tộc ta nên đoạt lấy hay không?
Về vị trí và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giáo sư Cống cho rằng: “Cuộc Cách mạng tháng 8 thực chất chỉ là cuộc giành chính quyền. Người ta tuyên truyền là cướp chính quyền của thực dân phong kiến chuyển vào tay nhân dân nhưng thực chất là cướp chính quyền của một đất nước đã tuyên bố độc lập, thuộc chính phủ Trần Trọng Kim chuyển vào tay cộng sản”. Đây là luận điểm sai cơ bản nhất! Ngoài việc chính quyền Trần Trọng Kim chỉ là bù nhìn, thực quyền trong tay phát xít Nhật mà tôi đã nêu ở ý trên, bên trong lãnh thổ Việt Nam còn có sự hiện diện của hơn 6 vạn lính Nhật vẫn chờ giải giáp sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh (14/8/1945) và chỉ đến đầu tháng 9, hàng chục vạn quân Đồng Minh sẽ vào (20 vạn Tàu Tưởng và hàng vạn quân Anh - Pháp). Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra chớp đúng thời cơ “ngàn năm có một”: Kẻ thống trị đầu hàng, bọn tay sai hoảng sợ, các thế lực ngoại bang khác chưa kịp vào, lực lượng cách mạng của toàn dân đã lớn mạnh và sẵn sàng, các lực lượng trung gian đã ngả về phía cách mạng... Muốn giành tư cách làm chủ vận mệnh dân tộc mình, muốn tiếp đón các lực lượng Đồng Minh với vai trò là chủ một quốc gia độc lập, Tổng khởi nghĩa diễn ra rất kịp thời, đúng lúc và gần như không đổ máu. Đó là nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa tài tình của Mặt trận Việt Minh. Giáo sư nói khởi nghĩa chỉ nhằm giành quyền về tay Cộng sản, thật là nực cười. Mặt trận Việt Minh là nơi tập hợp đông đảo quần chúng yêu nước vì mục tiêu đánh đuổi phát xít và tay sai, lật đổ chế độ phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Bên trong Mặt trận Việt Minh không chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương mà còn có các đoàn thể khác như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, một số tổ chức tôn giáo. Tham gia Tổng khởi nghĩa bên cạnh sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh còn có sự tham gia của nhiều lực lượng yêu nước khác. Sách giáo khoa Lịch sử thời chính quyền Sài Gòn (trước 1975) hay phát biểu của nhạc sĩ chống Cộng cực đoan Việt Dzũng ở hải ngoại còn phải thừa nhận Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của toàn dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, mà giáo sư được nuôi dưỡng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà lại có quan điểm như vậy, thật là kỳ lạ!
Về việc thiết lập quan hệ với Mỹ, như chính giáo sư đã nói, sau khi giành chính quyền, Hồ Chủ tịch đã 3 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman để thiết lập quan hệ ngoại giao, nếu được Mỹ ủng hộ thì phe thực dân ở Pháp khó lòng manh động. Nhưng như tôi đã phân tích ở trên, Mỹ - Pháp có mối quan hệ thiết thân với nhau, nên Mỹ không thể khiến cho ông bạn đồng minh mất đi thuộc địa béo bở này. Tụi trẻ bây giờ nó có câu thơ vui: “Anh yêu em như Bác Hồ yêu nước, anh mất em như Pháp mất Đông Dương” đó thưa giáo sư. Giáo sư có thể tìm đọc “Hồ Chí Minh toàn tập”, đến tận đầu năm 1948, Hồ Chủ tịch vẫn cố gắng gửi thư cho Chính phủ Mỹ để thiết lập bang giao đấy giáo sư ạ. Cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ nổ ra do Pháp gây ra từ sự gây hấn ở Nam Bộ (ngay từ 9/1945), Hải Phòng, Lạng Sơn (11/1946), Hà Nội (12/1946). Tuy bị giặc bao vây ngặt nghèo ở giai đoạn đầu, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa dù đã rất cố gắng tranh thủ dư luận quốc tế (mở hàng loạt cơ quan đại diện ở Tây Âu, Thái Lan, Miến Điện, Indonesia...) nhưng do các nước lớn không ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến nên thời gian đầu đã phải “chiến đấu trong vòng vây” như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét.
Tóm lại, Cách mạng Tháng Tám và việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh (mà Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ là một bộ phận), đánh đổ ách đô hộ hơn 80 năm của Pháp, 5 năm của Nhật, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc, thiết lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ hai ở châu Á. Đó là cuộc cách mạng triệt để, dựng nên chính quyền chính nghĩa, phù hợp với yêu cầu của lịch sử, nguyện vọng của quần chúng. Những chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 đã hết sức cố gắng để cứu nước nhà khỏi cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, giải quyết được giặc đói (do Nhật và chính phủ bù nhìn gây ra), giặc dốt, bước đầu thiết lập chế độ mới, chuẩn bị sẵn sàng cho công cuộc chống giặc ngoại xâm. Xét cho cùng, cơ hội “ngàn năm có một” đã được chớp đúng, thành quả Cách mạng Tháng Tám đã được phát huy, chiến tranh giải phóng dân tộc là điều không thể tránh khỏi vì vấp phải sự hung hãn của các thế lực hiếu chiến, thực dân mà thôi.
Vài điều xin chia sẻ cùng giáo sư!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét