TRẦN THANH ĐỊCH * CHẾ LAN VIÊN

TRẦN THANH ĐỊCH
 
Đọc “Điêu tàn” của Chế  Lan Viên

Một hôm, Chế Lan Viên viết thư cho tôi bằng những hàng này:
           
            Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
            Những sắc màu hình ảnh của Trần Gian!
            Thịt bại rồi, nhãn quan đà lả mệt
            Thú điên cuồng ao ước vẫn khôn ngăn!
 
Đấy là một thi sĩ của sự Đau Thương.
Những xúc động của tâm hồn (manifestation de l’âme) ở Chế Lan Viên đã xúi giục thi sĩ viết nên những tiếng than rền rỉ, có thể vang động ngay đến lòng ta khi đọc nó. Tôi nhận thấy những tiếng rền rỉ ấy cũng đã có trong người Hàn Mặc Tử, ở một bức thư mà thi sĩ đã bàn với tôi về chuyện sắp cho xuất bản “Thơ điên”.  
Nhưng hai nhà thi sĩ trẻ tuổi ấy − Hàn Mặc Tử mới được 25, Chế Lan Viên chỉ mới có 17 − khác nhau ở chỗ: Hàn Mặc Tử ca ngợi sự đau thương của riêng lòng mình, Chế Lan Viên ca ngợi sự đau thương của điêu tàn, của dân Chiêm quốc nghìn xưa. 
Vừa mới một năm nay, trước Ban Thờ văn học Việt Nam chúng ta đã có thêm ba nhà thơ lẳng lặng dùng toàn những thành ngữ táo bạo: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu và Chế Lan Viên.
“Táo bạo” đây không phải có nghĩa là vô nghĩa như thơ của Huy Thông hay khó chịu như những thi sĩ Parnassiens [a] đã làm ra lối thơ khó hiểu (vers sibyllins). Cái táo bạo trong lối dùng chữ của ba nhà thơ này vẫn làm cho người đọc hiểu ngay ý thơ của mình bằng sự thâm trầm và kín đáo, nó làm giàu cho nền văn học chúng ta rất nhiều. Và sau cùng, ba người ấy cũng đang đi đến bờ cõi Triết Lý. (Một điều không ngờ là chính ba nhà thơ ấy cũng đều sinh trưởng vào một chỗ đất Quy Nhơn, nơi đã tạo ra bao nhiêu văn sĩ, thi sĩ hiện đang lẫy lừng [b] trên võ đài Văn Chương). 
Charles Plisnier, [c] nhà văn sĩ đã được phần thưởng Goncourt năm vừa rồi, có viết: “Với thơ, không ai cấm sự dùng chữ táo bạo. Và tôi có thể bảo thêm rằng nó lại rất cần nữa…” 
Điêu tàn là một áng thơ tuyệt tác. Với nó tôi thấy tâm hồn tôi rung động một cách khoan khoái. Đó là một cái rùng mình nhẹ nhàng của nhà du lịch đứng trước vẻ tang thương của một công nghiệp đã hằng vĩ đại, với lòng cảm động mến tiếc trong một sự bồi hồi. Người ta thấy rõ và nghe được trong thơ của Chế Lan Viên những cái dẫy dụa, quằn quại, chuyển động, những tiếng oán hờn, gào thét, khóc than, những mùi tanh hôi của máu trào và tuỷ chảy ở vạn cô hồn mất nước đang quờ quạng, rền rỉ để dìu dắt nhau đi giữa một bãi tha trường. Đọc thơ Chế Lan Viên ta có cái cảm giác ghê rợn như đang đọc bài Văn chiêu hồn của nhà đại thi hào Nguyễn Du trong một đêm trăng mờ ở một làng hẻo lánh.  
            Hồn ma ơi! Trong những đêm u tối
            Mi tung mây về chân trời vòi vọi
            Hãy mau nghiêng cánh lại ở bên mồ
            Phủ lòng ta say đắm chút hương mơ!
            Ta hãy nghe trong mồ sâu lạnh lẽo
            Tiếng thịt người nảy nở tiếng xương rên
            Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo
            Tiếng cô hồn lặng thở khí giời đêm
Cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên chỉ thích sống với Ban Đêm, một Ban Đêm ghê rợn. Ban Đêm của Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên là cái ban đêm của Baudelaire, Mallarmé, Edgar Poe, Shakespeare. Nó chẳng mơ màng và huyền diệu cho đôi tình nhân ích kỷ. Những Trăng, Sao, Bóng Tối, Làn Gió Thoảng, nói chung lại là “Nàng Thơ” của nó, cũng khác luôn cả những trăng, sao, bóng tối, làn gió thoảng và nàng thơ của các thi sĩ ly tao. Những cảm giác gì, những âm thanh gì, những sự vật gì ghê rợn, hãi hùng và bí mật, đều tụ họp lại trong cái Ban Đêm của họ, của Chế Lan Viên: 
            Mây chắp lụa dài vây núi biếc
            Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng
            Thuyền ai dỡn nước sông Ngân ấy
            Mà để sao sa xuống cõi trần
            Phải hay chăng đêm qua khi thuyền mộng
            Của Nàng Trăng vào đến bến mây xa
            Một cô hồn về đây theo gió lộng
            Trên mộ tàn tìm lại dấu ngày qua?
Điêu tàn là một áng thơ tuyệt tác của tủ sách Việt Nam.
Tôi đã thành một người dân Chiêm quốc để khóc than, kêu gào, rền rĩ, khi thấy người ta kể lại một thời vẻ vang nghìn xưa oanh liệt: lúc đọc Điêu tàn.  
Tôi cũng đã đọc nó với một sự Buồn não nuột, một sự Chán ê chề…
Nhưng những Buồn Phiền não nuột ấy, những Chán Nản ê chề ấy, tôi lại tìm thấy nó ở trong sự say sưa và mê mẩn.
 
● Nguồn: Tràng an báo, Huế, số 299, 1er Mai 1938.
 
GHI CHÚ (của Lại Nguyên Ân, người sưu tầm)
[a] “những thi sĩ Parnassiens”: ý nói các nhà thơ Pháp thuộc nhóm “Parnasse” (tên gọi này được xác lập sau việc xuất bản các tập sách mang nhan đề “Parnasse hiện thời” vào các năm 1866, 1871, 1876) gồm: Théodore de Banville (1823-91), Sully Prudhome (1839-1907), François Coppé (1842-1908), Léon Dierx (1838-1912), Jean Lahor (1840-1909), J.-M. de Heredia (1842-1905); nhóm này hướng theo các nguyên tắc thẩm mỹ (“nghệ thuật vị nghệ thuật”) của Théophile Gautier (1811-72); một thủ lĩnh khác của nhóm là Leconte de Lisle (1818-94).
[b] chỗ này báo gốc là “lay lừng”, ngờ là in sai, ở đây sửa là “lẫy lừng”.
[c]  Charles Plisnier (1896-1952): nhà báo, nhà văn, nhà thơ Bỉ, đạt giải thưởng Goncourt năm 1937 với tác phẩm Faux passeports.
 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét