[Nắng mới]
Đấu tranh là động lực phát triển của xã hội, của loài người. Đấu tranh ở đây không đơn giản chỉ là sự chiến đấu giữa các lực lượng để tranh giành quyền lực, để bảo vệ lãnh thổ, để tranh giành lợi ích… mà đấu tranh ở đây còn là sự loại bỏ, bài xích những luồng tư tưởng xấu, những hành động sai trái; những cá nhân, những tổ chức chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, bỏ qua lợi ích tập thể, thiếu tinh thần xây dựng, trung bình chủ nghĩa… Thực tế cuộc sống cũng đã chứng minh, ở những cơ quan, đơn vị, địa phương có tinh thần, tính đấu tranh mạnh mẽ thì ở đó các phong trào của họ đều vững mạnh trở thành những lá cờ đầu trong các hoạt động thi đua của các Bộ, ban, ngành, các lĩnh vực trên toàn quốc. Và tại các đơn vị đó, tính tập thể, tính kỷ luật luôn được đề cao và những người đứng đầu thường duy trì được tính đấu tranh để tạo ra sự vững mạnh, tạo sự phát triển cho cơ quan, đơn vị mình.
Có thể thấy rõ, trong xã hội phong kiến để đấu tranh, bài xích hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục ở các làng, xã; người đứng đầu các địa phương này đã có những hình thức xử lý khắc nghiệt đối với các cô gái “không chồng mà chửa” bằng cách cạo tóc bôi vôi thả trôi sông, đuổi ra khỏi làng hoặc phạt “vạ” cho cả làng đối với những gia đình có điều kiện kinh tế để làm gương với những người khác. Tại các cơ quan, các doanh nghiệp để tạo sự phát triển vững mạnh của đơn vị, gia tăng doanh thu cho đơn vị mình, cán bộ công nhân viên và đội ngũ lãnh đạo đã đấu tranh với những người lười lao động, hay đi muộn về sớm, vi phạm quy định của đơn vị bằng việc tố giác hành vi vi phạm, không bình bầu thi đua, đề nghị giảm lương, không thưởng hoặc cho nghỉ việc đối với những người thường xuyên vi phạm. Hay tại trong các lớp học, để đấu tranh với những học sinh cá biệt, lười học, hay vi phạm nội quy nhằm thúc đẩy phong trào thi đua học tập của lớp học, các thầy cô và bạn học sinh đã đề xuất hình thức xử phạt bằng việc lao động công ích, nộp tiền phạt vào quỹ chung của lớp hoặc đề xuất các hình thức xử lý cao hơn lên ban giám hiệu nhà trường…
Tự đấu tranh với chính bản thân mình
Chính vì những hành động đấu tranh mạnh mẽ của các cá nhân, tập thể trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đó đã giúp cho những đơn vị này luôn là đơn vị vững mạnh và trở thành những điển hình các đơn vị trung tâm trong các phong trào thi đua. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, tính đấu tranh của các công dân, các đơn vị, các tập thể đang có dấu hiệu mờ nhạt dần, làm cho các phong trào thi đua cũng dần giảm sút và đã dẫn tới sự xuất hiện của biểu hiện tiêu cực, luồng tư tưởng xấu, các hành vi không đẹp. Như việc để có thể “đánh bóng” tên tuổi, một số văn nghệ sỹ đã không ngại ngần tạo ra những scandan hoặc đưa ra phát biểu mang tính chất gây shock nhằm tạo ra sự chú ý với dư luận. Nhưng do các chế tài xử lý còn hạn chế cùng với tiếng nói đấu tranh của dư luận còn chưa mạnh mẽ đã dẫn tới xu hướng tạo scandan đang trở thành một trào lưu. Sự thành danh của một bộ phận văn nghệ sỹ không đi lên bằng tài năng nghệ thuật, thiếu đạo đức văn hóa có nguy cơ dẫn tới một nền nghệ thuật, một nền văn hóa mới lố lăng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và nét đẹp của người Việt. Hay lối sống tự do, buông thả của một bộ phận giới trẻ không được gia đình quản lý, nhà trường chưa có biện pháp giáo dục và xã hội chưa có hình thức đấu tranh mạnh mẽ, xử lý cương quyết đã làm xuất hiện một bộ phận công dân chỉ biết sống hưởng thụ, lười lao động, thiếu đạo đức, văn hóa, thờ ờ vô cảm với cuộc sống cũng như sẽ dẫn tới các hành vi phạm pháp ngày càng gia tăng.
Trong xu thế phát triển của xã hội ngày nay, khi tính đấu tranh của chúng ta ngày càng mờ nhạt, giảm sút và sự đấu tranh trở lên yếu ớt cũng chính là lúc mà các biểu hiện tiêu cực, các luồng tư tưởng quan điểm xấu, các tệ nạn xã hội… sẽ gia tăng và các phong trào thi đua, sự trong sạch vững mạnh tại các cơ quan, đơn vị cũng sẽ giảm xuống. Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng mà chúng ta cần phải suy nghĩ cũng như cần phải có những biện pháp, những hành động thiết thực để duy trì sự tích cực, hiệu quả của tính đấu tranh. Có như vậy ta mới bảo vệ được tổ quốc thân yêu, đảm bảo được sự phát triển vững mạnh đúng định hướng của nền kinh tế, giữ gìn và phát huy được nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo được các giá trị về đạo đức, các giá trị của con người Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét