CUỘC CHIẾN 81 NGÀY ĐÊM THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ VÀ BỨC THƯ ĐẦY NƯỚC MẮT

[Hà Sơn Ca]
Cuộc chiến 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi qua từ mùa hè năm 1972 (43 năm để thế hệ trẻ chúng tôi quay trở lại mảnh đất anh hùng này), và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam các thế hệ sẽ mãi mãi khắc ghi và không bao giờ quên sự kiện lịch sử đó đã ghi lại một mốc son vàng, sự thắng lợi của một bản hùng ca bất tử, những hy sinh mất mát đến đau điếng lòng nhưng đầy tự hào mỗi khi nhắc đến sự kiện này và những người đã khuất. Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay, đang được sống trong hòa bình, hãy nhìn về lịch sử và khắc ghi những công ơn trời biển của các bậc cha anh đi trước để giữ vững nền hòa bình độc lập, máu xương trọn vẹn này! 

Chuyến đi tham quan Thành cổ vào một ngày của mùa hè, cái nắng oi ả và khốc liệt của Miền Trung đã không ngăn nổi bước chân chúng tôi tìm về với cội nguồn dân tộc, tìm về với những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ, mà mãi mãi, sẽ sống trong những trang sử hào tráng ca của cả dân tộc Việt Nam này. Trong những câu chuyên mà chúng tôi được nghe lại từ người hướng dẫn viên có thân hình nhỏ nhắn và đầy ân cần, giọng nói của quê hương Quảng Trị đầy truyền cảm đã khiến chúng tôi xúc động, xúc động đến nghẹn ngào. Có lẽ, tôi chắc chắn rằng, dù cố gắng kìm nén cảm xúc đến đâu, bạn cũng sẽ phải rơi nước mắt. Những năm tháng của chiến tranh khốc liệt quá, nó đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng của dân tộc Việt Nam này. Trong những câu chuyện đó, có câu chuyện kể về chàng thanh niên xung phong là sinh viên của đại học xây dựng, như bao chàng sinh viên ngày ấy, anh đã gác hành trang bút nghiên để lên đường ra mặt trận. Quyết đem xương máu của mình để tô thắm màu cờ, để giành lại sự thống nhất cho non sông. Đó cũng là niềm mong mỏi đến cháy bỏng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
 

Hành trang của người lính chiến đấu bảo vệ Thành Cố Quảng Trị năm 1972

Câu chuyện kể rằng: “Trong số những sinh viên xung phong có anh Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm thứ tư, khoa cầu đường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Tuy đang học năm thứ tư nhưng anh quyết định lấy vợ và sau khi mới cưới vợ được 6 ngày, theo lệnh  tổng động viên và tiếng goi của Tổ quốc, anh đã lên đường nhập ngũ tham gia vào chiến trường Quảng Trị. Lúc vào chiến trường Quảng Trị là cuối tháng 8, đầu tháng 9, lúc bấy giờ, chiến  trường Quảng Trị rất khốc liệt. Vào đầu tháng 9, anh nhận được một nhiệm vụ đó là đưa đạn dược qua sông Thạch hãn tiếp tế cho chiến trường Quảng Trị. Anh có một dự cảm rằng, đây là một chuyến đi rất xa không hẹn ngày trở lại. Vì vậy anh đã bình tĩnh viết 10 trang giấy gửi về cho gia đình xem như đây là bức thư vĩnh biệt. Bức thư rất hay, chữ rất đẹp,  đầy trách nhiệm với Tổ quốc và gia đình. Trong bức thư có một số đoạn anh viết  như thế này: 

Quảng Trị, ngày 11 tháng 9 năm 1972.

Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay, con ngồi đây, viết lại dòng chữ cuối cùng phòng khi đã đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất thì gia đình không thấy đó là điều đột ngột. Mẹ kính mến, lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đến đáp được công ơn to lớn đó của mẹ  thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi! (Bố anh là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Thư  này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm,  công mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã. , lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời!

 Con của mẹ đã đi xa,  để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời . Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn , xong vì đất nước có chiến tranh thì mẹ  hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống cho đến ngày đón mừng chiến thắng.  Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu coi như con lúc nào cũng nằm bên cạnh mẹ. Mẹ đừng buồn, cho linh hồn con được thoải mái. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ bao nỗi khó nhọc, nay con đã đến ngày khôn lớn . Thôi nhé, mẹ đừng buồn, xem như  con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau
.” 

Và trong bức thư của anh có một đoạn anh viết về cho người vợ của mình mới cưới 6 ngày: 

Em thân yêu!

Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, vì biết bao nỗi buồn đang đè  nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi!  Hãy bình tĩnh lại làm theo những điều anh căn dặn, còn ngày anh đi xa là ngày anh để ở ngoài phong bì và nhờ các bạn  anh gửi giúp, em hãy đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe  trong buổi lễ truy điệu anh. Hãy gửi lời thăm sức khỏe đến những bà con thân thuộc của quê hương trong buổi lễ truy điệu. Thôi nhé em đừng buồn,  sau này được sống trong hòa bình  hãy nhớ đến lòng anh.
” 

Sau  khi hoàn thành bức thư, nhờ đồng đội chuyển về cho gia đình thì một thời gian sau anh hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ, điều đặc biệt của lá thư là bằng một sự dự cảm  anh đã xác định trước được rằng  nơi mình sẽ hy sinh và nơi chôn cất hài cốt của anh. Anh đã viết trong bức thư chỉ đường cho gia đình vào tìm hài cốt của mình ngày thống nhất . Anh đã viết: “Nếu thương anh thực sự thì sau này đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, có điều kiện em hãy vào đây, đưa hài cốt của anh về, đường đi như sau:  đi tàu từ Bắc vào Thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh. Từ thị xã Quảng trị, ngược trở lại, hỏi thăm về Làng Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì  ở cuối làng. Về đó em sẽ tìm thấy mộ anh có khắc tên trên mảnh tôn. Đó là có điều kiện, còn không hãy làm theo lời căn dặn như trên như vậy là tốt lắm rồi.” 

Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, theo sự chỉ dẫn trong bức thư, gia đình và đồng đội đã vào tìm hài cốt anh. Và sau một thời gian tìm kiếm không biết mệt mỏi thì gia đình đã tìm thấy mộ anh Huỳnh nằm cạnh bờ sông Thạch Hãn tại thôn Thượng Phước, xã Thiệu Thường, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lúc bấy giờ, Ban quản lý Thành cổ Quảng Trị có biết tin, đã vào viếng anh xong có xin gia đình bức thư để vào trưng bày trong bảo tàng Thành cố Quảng Trị. Còn người vợ mới cưới được 6 ngày tên là Đặng Thi Sơ, sau khi chống mất, chị thủ tiết ở vậy nuôi dưỡng mẹ chồng. Hiện chị đang sống tại quê nhà (quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Hai anh chị mới đến với nhau được 6 ngày chưa kịp có con. Và chị đã xuât hiện trong chương trình phát trên sóng VTV1 “Không thể lãng quên”  có nói về một người con gái làm vợ được 6 ngày thì chồng hy sinh trong chiến trường Quảng Trị chính là chị Đặng Thị Sơ vợ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh của chúng ta. 

Cho đến hôm nay,  cho dù hơn 40 năm chiến tranh đã đi qua,  nhưng trong quá trình trồng cây hay làm cỏ  tại khuôn viên thành cổ đều bắt gặp hài cốt các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh  trên mảnh đất này.  Bởi vậy Thành cổ hôm nay sẽ được tôn tạo xây dựng thành  khu tưởng niệm, nơi tôn vinh , tri ân cho những người đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. 

81 ngày đêm quyết giữ thành,
Bao  người ngã xuống tóc còn xanh.
Ai về Thành cổ cho xin gửi,
Một nén hương lòng viếng các anh.

Nghe xong, cảm nhận xong, chúng ta thấy được trách nhiệm của mình hơn với dân tộc, Tổ quốc và nhân dân. Sẽ cố gắng đem trọn vẹn những gì mình có để sống xứng đáng với những gì mà thế hệ cha ông chúng ta đã phải đánh đổi máu xương và quá nhiều thứ mới có được cho chúng ta ngày hôm nay.

Một chuyến đi đầy ý nghĩa!
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét