CÂU CHUYỆN 40 NĂM TRONG MỘT BỨC TRANH

[Lúa]

Ấn tượng khó quên
    Mấy ngày trước, tôi có tới dự một buổi triển lãm tranh nghệ thuật của họa sĩ Phạm Tuấn Dũng - nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Kho Bạc, nay là tạp chí Quản Lý Ngân Quỹ Quốc Gia. Trong mỗi tác phẩm của mình, họa sĩ đều mang tới cho người xem cảm nhận về tầm nhìn sắc sảo của một cây cổ thụ, từng trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời. Mỗi nét nhấn, mỗi cách xử lý màu sắc và ánh sáng của ông đều mang đậm chất sáng tạo cá nhân. Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là bức tranh “Cuộc chiến đã đi qua” - một họa phẩm truyền lại cái thần của một bà mẹ được dẫn dắt bởi ký ức và trên cái nền của cuộc chiến tranh Vệ quốc đã qua gần 40 năm. Một bức vẽ về đề tài chiến tranh tuy không hề có sự xuất hiện của súng ống, khói lửa, bom đạn nhưng đã toát lên sự ghê rợn đau đớn khốc liệt của chiến tranh. 
Họa phẩm “CUỘC CHIẾN ĐÃ ĐI QUA”
    
Tổng thể bức tranh là một tiếng thở dài, hay đúng hơn, một ám ảnh. Ánh nắng chiều vàng yếu ớt chiếu xuyên khung cửa vào căn nhà hiu quạnh với nhang khói âm u tạo cho người xem cảm giác nặng trĩu không gian của quá khứ. Trong tư thế ngồi thẳng, ánh mắt người mẹ nhìn vào người xem như khẳng định bà là một hiện thân của hôm nay chứ không đến từ quá khứ. Quanh bà là những câu hỏi về những gì đã xảy ra với các đứa con của bà. Tay chân bà khẳng khiu nhưng toát ra sức sống nội tâm mãnh liệt trong không gian chật ních hình bóng của những đứa con đã chết. Những đứa con ấy lung linh ẩn hiện trên nền của sắc cam chuyển dần sang đỏ rồi xám dần vì nhang khói.
Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng
    
Họa sĩ Tuấn Dũng: “Bức tranh tôi lấy tên “Cuộc chiến đã đi qua” để diễn tả cuộc chiến tranh đau đớn nhất. Tôi vẽ một bà mẹ có 12 đứa con đã mất… Mẹ ngồi trên một chõng tre đã gãy hết cả nang và hằng ngày mẹ thương nhớ các con mẹ… Toàn bộ nền tranh tôi dùng màu cam với hai sắc độ khác nhau mờ ảo. Màu cam như màu lửa chiến tranh, còn một màu cam như là tình thương yêu của anh em ruột thịt…”
    Có thể nhận thấy, trong tranh, những vật tưởng chừng như lỉnh kỉnh, những tình tiết dường như rất rời rạc trong bức tranh nhưng thật ra đã gắn kết rất thành công. Chú chó vô tư nhìn con bướm lượn lờ như một chút sinh khí bên ngoài căn nhà, tác giả như muốn làm dịu bớt sức ép ảm đạm từ nhang đèn, bát đũa và nhất là nải chuối héo hắt nằm trên chiếc chõng tre cũng buồn hiu lặng lẽ. Những vật dụng quen thuộc chung quanh bà dường như trở nên tỏa sáng khi bên cạnh chúng là nỗi cô đơn của một người mẹ già ngồi thương nhớ đến các con. Bà ngồi như tượng bởi bà đã sống quá lâu trong không gian ấy, không gian của những bóng ma cũ và mới, không gian của người sống kẻ chết xen lẫn nhau. Hơn ai hết bà đang sống cùng với quá khứ, chia sẻ quá khứ, và mặc nhiên, bà nghĩ mình đang thở trong cái không khí thê lương của ngày hôm qua, khi những đứa con bà, từng đứa, từng đứa, lần lượt ra đi không trở về. Trong ánh chiều tà, nét mặt người mẹ như ẩn hiện, song nổi bật lên là đôi mắt, nhìn thẳng vào người xem, ẩn sâu trong đó là nỗi buồn hiu quạnh, nỗi đau chiến tranh chẳng gì bù đắp được.
    Và trên hết, bức tranh đã xô đẩy người xem ngả nghiêng cùng những suy tưởng rất riêng. Bạn có thể bật dậy khi đã về tới nhà và nhớ lại một chi tiết nào đó mà khi xem tranh bạn chưa phát hiện ra. Bạn cũng có thể thay đổi thái độ trước nét vô tư của con bướm, vật duy nhất không bị chi phối bởi những cái chết. Chính nét vô tư ấy đã cân bằng bớt tâm trạng u sầu mà bức tranh mang tới. Tác giả có muốn bạn bị ám ảnh hay không không phải là điều quan trọng, mà chính bạn, bạn có tự cho phép mình bị ám ảnh hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác!
    Riêng tôi, bức tranh thực sự đã ám ảnh tôi suốt thời gian qua sau buổi triển lãm đó.
    Phút suy ngẫm
    Câu chuyện 40 năm gói gọn trong một bức tranh là điều khó khăn. Dấu ấn 40 năm qua - hình ảnh một người mẹ gắn với niềm nhớ nhung các con của bà như chiếc gai nhọn làm cho chúng ta, những người xem tranh, khó tránh được trầy xướt nhói lòng. Có nỗi xót xa nào hơn cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Có nỗi đau nào hơn cảnh loạn lạc chia ly. Chiến tranh luôn là như thế, để lại những bi kịch thảm khốc dù thắng cuộc hay bại trận.
    “Cuộc chiến đã đi qua” như nhắc nhở mỗi chúng ta không bao giờ được quên lịch sử dân tộc mình, quên đi những kẻ xâm lược đã gieo rắc chiến tranh trên đất nước ta, đưa đến cảnh tang tóc đau thương cho bao gia đình. Tôi cũng tự hỏi lòng mình, ngoài kia, còn biết bao bà mẹ như trong tranh nữa trên mảnh đất Việt Nam này? Liệu rằng bè lũ xâm lược kia, những kẻ luôn miệng nêu gương đi đầu về “tự do, nhân quyền” vì hòa bình thế giới, chúng có day dứt trước những hậu quả bi thương chúng gây ra từ tội ác chiến tranh của chúng?
Mỗi tấc đất các bạn và tôi đang sống đều là máu xương cha ông ta đổ xuống để gìn giữ. Chúng ta yêu chuộng hòa bình, nhưng không thể nhu nhược làm ngơ cho giặc xâm lược ngoại bang hoành hành, đàn áp đồng bào ta trên chính mảnh đất của ta. Vẫn biết, chiến tranh là ly tán, là hy sinh, là mất mát không gì bù đắp được, nhưng còn gì đáng trân trọng hơn việc chiến đấu cho sự độc lập thống nhất của nước nhà. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước, những người đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do này.
Ngắm bức tranh mà lòng tự hào dân tộc trong tôi trỗi dậy, tự hào vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta bao đời nay, tự hào vì một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước mũi súng thù. Song, luôn biết ơn sâu sắc bao bà mẹ Việt Nam, họ chính là những người phải chịu đựng nỗi đau chiến tranh, thấu hiểu nỗi đau chiến tranh hơn ai hết.
“Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con
Lần lượt ra đi… đi mãi mãi…
Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng
Nhưng về thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang
Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi!
Đi con đi khắp nẻo đường, nghe đau thương chìm trong khói sương
Mong sao cơn mưa vô tình không lung lay làm rớt hạt sương
Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi! Mây khói tan rồi còn lại mẹ tôi
Đất nước, nay vẫn còn, còn có những đứa con
Dù đi xa muôn phương nhưng vẫn nhớ
Mẹ đang cô đơn, chúng con yêu mẹ hơn mỗi chiều nghiêng nghiêng nón
Ghi khắc trong lòng hình dáng mẹ ngồi trông
Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi!
Cho con xin chia sớt nỗi buồn, cho con xin xẻ đôi bát cơm
Cho con hôn đôi mắt mỏi mòn, cho con xem lại hình bóng con
Mẹ Việt Nam ơi, Mẹ Việt Nam ơi!
Xin cảm ơn người, người  mẹ của tôi”
(Xuân Hồng)

    Vâng! Gần 40 năm, dẫu cho “Cuộc chiến đã đi qua”, nhưng, đâu đó trên khắp mảnh đất này, vẫn sót lại biết bao là mảnh vỡ, những mảnh vỡ chẳng thể nào hàn gắn!
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét