[Minh Trị]
Mấy ông Tàu xưa nay vốn nổi tiếng là thâm, nghĩ một đằng nói một kiểu và làm lại theo ... một nẻo khác (!). Gần đây khi bị cộng đồng quốc tế lên án cái vụ xây đảo nhân tạo kinh quá, có vẻ như Trung Quốc lại đang xúi giục những chư hầu trong đảng đối lập tại Campuchia CNRP do Sam Rainsy cầm đầu khuấy lên vấn đề tranh chấp biên giới Việt Nam - Campuchia để vừa dằn mặt Việt Nam, vừa đánh lạc hướng chú ý của dư luận quốc tế.
Xưa trong thời Tam quốc bên Tàu có chuyện: Viên Thiệu muốn lấy Ký Châu của Hàn Phức. Mưu sỹ Phùng Kỷ hiến kế độc: viết thư gửi Công Tôn Toản bàn kế đánh chiếm Ký Châu rồi lại viết thư gửi Hàn Phức, bảo rằng Công Tôn Toản muốn chiếm Ký Châu và xui Hàn Phức mời Thiệu vào thành giúp sức phòng thủ. Sau đó Viên Thiệu chiếm Ký Châu, Hàn Phức phải trốn mất. Kế này trong Binh pháp Tôn Tử gọi là “phản khách vi chủ”. Chưa biết chừng không chỉ tham lam trên Biển Đông, Trung Quốc còn học theo Viên Thiệu xưa kia, xúi giục một số kẻ cực đoan ở Campuchia chống Việt Nam để có cớ nhảy vào.
Cũng may là những người đứng đầu chính quyền Campuchia, mà cụ thể là các lãnh đạo đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã có cách thức giải quyết vấn đề khá phù hợp.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 6/7 đề nghị Liên hợp quốc cung cấp những bản đồ gốc lưu trữ tại đây nhằm kiểm tra tính xác thực của bản đồ Phnom Penh đang sử dụng để xác định biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Đáp ứng đề nghị ấy, hôm 17/7 bà Eri Kaneko, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết “Chúng tôi đã cung cấp cho Campuchia thông tin mà chúng tôi có thể tìm thấy, Liên hợp quốc cũng đang tiếp tục tìm kiếm những tài liệu chính mà Phnom Penh đề nghị”.
Theo ông Hun Sen, cố quốc vương Norodom Sihanouk đã gửi bản đồ Bonne, tỷ lệ 1:100.000, do cơ quan địa lý Đông Dương phát hành và được quốc tế công nhận trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1969 lên Liên hợp quốc.Từ năm 1964 - 1967, chính phủ vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu chính thức đề nghị Việt Nam công nhận Campuchia trong đường biên giới hiện tại, cụ thể là đường biên giới trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của sở địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954. Từ đó đến nay, hai chính phủ Việt Nam và Campuchia đã ký kết nhiều hiệp định về phân định, cắm mốc biên giới vào các năm 1982, 1983, 1985 và 2005 đều dựa trên bản đồ Bonne.
Động thái trên diễn ra sau khi đảng đối lập cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) nhiều lần vu cáo chính phủ Campuchia sử dụng những tấm bản đồ do Việt Nam vẽ ra trong những năm 1980. Thậm chí ông Un Sam An, nghị sĩ đảng CNRP, hồi đầu tháng 7 đã có lời lẽ xuyên tạc bản đồ quốc gia vốn được Liên hợp quốc công nhận.
Đề nghị của ông Hun Sen là nhằm quốc tế hóa những thỏa thuận dựa trên căn cứ pháp lý lịch sử mà hai bên Việt Nam và Campuchia từng thực hiện trước đây, có nguồn gốc lịch sử từ trước 1954 và được Liên hợp quốc công nhận. Đó không hề là hành động “kiện” hay “gây sức ép” vấn đề biên giới với Việt Nam như vài trang mạng đang ngụy tạo. Những quan điểm đó xuất phát từ sự nhận thức ấu trĩ, nóng vội, là tiền đề cho những thông tin có tính bóp méo, kích động nhằm chia rẽ hai chính phủ, hai dân tộc. Những hành vi này cần được bóc trần, phản bác và lên án. Mới đây, những kẻ giấu mặt còn dàn dựng cảnh người Campuchia đập phá lăng mộ người Việt tung lên mạng; giả mạo hình ảnh và bịa đặt thông tin Việt Nam chuyển vũ khí vào phía Nam; xuyên tạc thiện chí của chính phủ Campuchia về phân định, cắm mốc biên giới. Đấy chỉ là trò chiến tranh tâm lý của tổ chức phản động Khơme Krom, của những kẻ cực đoan trong CNRP - nhiều khả năng dưới sự giật dây của Bắc Kinh mà thôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét