[Anh hùng xa lộ]
Ngày 6/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu chuyến công du thăm Mỹ kéo dài 4 ngày theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là một chuyến thăm lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Mỹ. Điều này đã được thể hiện rõ qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Obama, cựu Tổng thống Mỹ Bil Clinton,… Thông qua chuyến đi thăm Mỹ lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúng ta có thể nhận thấy rằng:
Thứ nhất, đây là một chuyến thăm mang tính lịch sử. Chuyến thăm diễn ra sau 40 năm chấm dứt chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995) và hai năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước (2013).
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 đến nay, giữa hai nước đã có năm chuyến thăm cấp cao gồm: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và George W. Bush thăm Việt Nam năm 2000 và 2006; Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ trong các năm 2005, 2007, 2008 và 2013. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ và cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được mời chính thức và hội kiến Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng. Điều này lịch sử Việt Nam chưa từng ghi nhận, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Điều đó đánh dấu một bước phát triển to lớn trong quan hệ giữa hai nước và thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama
tại Phòng Bầu Dục- Nhà Trắng
Thứ hai, trong chuyến thăm này, hai nước tiếp tục ra tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Mỹ. Trong đó hai bên tiếp tục khẳng định phát triển quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi thắng thắn, cởi mở về vấn đề nhân quyền. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm giữa hai quốc gia và luôn bị các đối tượng phản động xuyên tạc, vu cáo làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng trao đổi nghiêm túc và thẳng thắn: “Quyền lợi của mỗi người phải đặt trong lợi ích chung của tổng thể cộng đồng, của toàn thể. Như vậy bên cạnh việc chăm lo lợi ích riêng của từng người thì mỗi công dân phải có trách nhiệm chăm lo lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc. Giữa hai cái này không nên có xung đột với nhau. Điều đó có nghĩa là đất nước nào cũng phải quản lý Nhà nước bằng xã hội và pháp luật, mọi người dân đều phải tuân thủ pháp luật. Còn vừa qua, Việt Nam phải xử lý, thậm chí là bắt là do họ vi phạm pháp luật chứ không phải vì họ đi theo tôn giáo, dân tộc mà bị như vậy; việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người một cách tổng thể luôn là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam; Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phía Hoa Kỳ trên lĩnh vực này với tinh thần cởi mở và xây dựng”. Như vậy qua phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tín ngưỡng, tôn giáo,…của người dân. Đồng thời cũng cho Mỹ thấy thực trạng nhân quyền Việt Nam không giống những gì các trang phản động: danlambao, quanlambao, RFA, BBC,… đã đăng tải.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại CSIS ngày 8/7/2015
Thứ ba, chuyến thăm lần này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỹ đã nhảy vọt từ 850 triệu USD lên tới 35 tỷ USD. Hơn nữa, Việt Nam đang chủ động, tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và các nước để thúc đẩy việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng bí thư đã khẳng định: “Việt Nam đã và đang thể hiện cam kết của mình với tiến trình đàm phán TPP và sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và các nước để thúc đẩy việc sớm kết thúc đàm phán”. Đồng thời cũng đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ, cân nhắc đến trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam và có những linh hoạt cần thiết, phù hợp đối với Việt Nam trong đàm phán TPP; mong muốn Hoa Kỳ mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam đã tham gia một Hiệp định có tiêu chuẩn cao và toàn diện như TPP. Việt Nam quyết tâm thực hiện một Hiệp định TPP có chất lượng cao, cân bằng, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và tạo nên một khuôn khổ mới, lâu dài và cùng có lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thứ tư, hai nước đạt được sự đồng tình, nhất trí cao trong vấn đề Biển Đông. Trong đó, Việt Nam và Mỹ bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định. Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không hạn chế, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm tất cả các hành động và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đồng thời ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, kể cả như đã được thể hiện trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS), và thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy đây là một chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử, đưa quan hệ giữa hai quốc gia lên tầm cao mới. Đó cũng là lần đầu tiên một người đứng đầu một Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Hoa Kỳ và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Thông qua chuyến thăm này, Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực như: kinh tế, quân sự, ngoại giao,…Đồng thời hai bên cũng đã trao đổi thẳng thắn về thực trạng vấn đề nhân quyền Việt Nam, giúp Mỹ hiểu hơn về vấn đề này. Qua đó, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét