Mình thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, nên không có được kí ức như Hoàng Tuấn Công thuật lại ở dưới đây.
Kể ra, mà các bác như Phạm Ngọc Hiệp, hehe, hay Salam, hay Thiên Lý, và nhiều bác khác, mà kể lại về ngày 30/4 năm 1975 thì chắc có thêm những kí ức phong phú nữa. Thời đại thông tin như hiện nay, chúng ta có thể tự viết sử được mà.
Lấy về từ Fb của Hoàng Tuấn Công.
---
Sáng nay, 30/4/2015, tôi tỉnh giấc sớm nhưng vẫn nằm nghĩ miên man. Chợt nghe tiếng khọt khẹt từ chiếc loa của Đài phường, rồi nhạc hiệu "Chào sông Mã anh hùng" vang lên. Dứt nhạc, chừng 1 phút sau mới nghe tiếng e hèm nhỏ rồi một "bài ca" khác tiếp tục vang lên. Tôi nhớ lõm bõm: "đồng bào miền Nam rên xiết dưới..."; "...biến cả miền Nam thành nhà tù khổng lồ..."; "...miền Nam mong chờ bước chân quân giải phóng từng giờ...";
Không gian trở lại bình yên.
Tôi lại nhớ về buổi trưa 30/4/1975. Sau một cơn mưa lớn, tôi chạy ra đường nghịch nước, nghe chú Lung (một người lính xuất ngũ) chạy ra đầu làng kêu lạc cả giọng:
-Giải phóng miền Nam rồi! Hết đánh nhau rồi!
Nghe có tiếng người xôn xao:
-Trời! Có thật không, thật hay đùa đấy?
-Thật, thật, thật...Đài nói,...vừa nghe đài Hà Nội xong.
Lúc ấy có lẽ đã bước sang thời khắc sau 12 giờ trưa 30/4/1975.
Một đứa trẻ 6 tuổi như tôi sẽ quên ngay đoạn đối thoại ấy nếu như sau đó trở về nhà, tôi không nhìn thấy mẹ tôi bế đứa em gái út của tôi mới sinh được ít ngày, mắt ngời sáng rồi vừa khóc vừa nựng:
-Hết bom đạn rồi con ạ. Số con thật may mắn! Từ nay không còn bom đạn, không còn đánh nhau nữa. Đời các con sẽ được sung sướng!
Tôi hỏi:
-Sao mẹ lại khóc, sao lại được sung sướng?
-Vì không còn đánh nhau, không còn bom đạn, không có giấy báo tử về làng nữa. Nay chỉ lo làm ăn thôi. Các con không phải đói nữa.
Tôi lờ mờ hiểu ra và vui với niềm vui của mẹ. Chỉ nhớ có vậy thôi.
Lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa giọt nước mắt của mẹ. Lại nhớ hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy trong xóm có người gào khóc, rồi nghe người lớn nói rằng nhà ông..., nhà bà...mới nhận được giấy báo tử. Chẳng hiểu báo tử là gì. Nhưng theo mẹ đến mấy đám như vậy, thấy người tập trung đông nghịt, cảnh lăn lộn, khóc ngất, tiếng gào khóc gọi con ơi, con ơi...vô cùng đau đớn, thảm thiết.
Lại nói: Mẹ tôi và tôi không hề biết rằng, sau 30/4/175, trước mắt mới là những tháng ngày cơ cực nhất của gia đình tôi. Năm năm sau (1980) tôi-một đứa trẻ lên 10 đã phải góp tay vào công cuộc xây dựng CNXH bằng cách theo mẹ ra đồng đi cấy. Mẹ gánh mạ đi trước, tôi phải chạy cật lực mới theo kịp. Hết buổi cấy là đói vàng mắt, đi không vững; 13 tuổi đi cuốc ruộng, gánh lúa; 14 tuổi đẩy xe thóc đi xa 10km đóng thuế dưới cái nắng hè như đổ lửa...Tháng ba, ngày tám đói, tôi ở nhà lấy cám lợn ngào với nước làm bánh cùng hai đứa em gái ăn...
Nhiều, rất nhiều...không thể kể hết...
Đói khổ, cơ cực. Nhưng xung quanh tôi ai cũng như vậy. Không ai khá hơn. Cũng đâu có hiểu vì sao mình đói khổ. Thế nên tôi cứ ngỡ đói khổ, cơ cực là lẽ tất nhiên của đời người...Cứ ngỡ một đứa trẻ hơn 10 tuổi như tôi có nhiệm vụ một buổi đến trường, một buổi ra đồng cày cuốc... Đang những ngày đói vàng mắt thì cha tôi tham gia xướng họa thơ vui "Năm Tý nói chuyện chuột", rồi bị kết tội "chống Đảng". Cả nhà tôi lại rơi vào vực xoáy của khổ đau, tuyệt vọng...Đã đói, nay lại càng khổ thêm...
Cái đói khổ ấy theo tôi ra tận Thủ đô và dày vò tôi suốt 4 năm học.
Đã 40 năm trôi qua. Cô em gái út của tôi nay đã là một Cô giáo 40 tuổi và có gia đình, chồng con. Các con tôi không còn bị đói, không thèm từng hạt cơm, giọt sữa, cái bánh ngọt như tôi ngày nào nữa...
Đất nước và gia đình tôi đã có nhiều đổi thay.
Thế nhưng, 40 năm dài, "đất nước trọn niềm vui" vẫn là ước mơ của bao người!
Chấm dứt chiến tranh, cuộc chiến huynh đệ tương tàn, không còn bom rơi đạn nổ, không còn giết chóc, đau thương...
Ngày 30/4, trong niềm vui hòa bình, xin dành nỗi ưu tư cho một cuộc chiến, xin nhớ về một trong những giai đoạn lịch sử đau thương nhất của dân tộc.
Xin thắp nén hương tưởng nhớ đồng bào tôi- tất cả những người Việt Nam anh em, những người lính đã chết trên đường tới hòa bình thống nhất đắp đổi bằng núi xương, sông máu!
https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/1646087542288625
---
0 nhận xét:
Đăng nhận xét