Cuộc chiến 1954 - 1975 nhìn lại, từ nhiều phía (4) : Ý kiến Nguyễn Khắc Huỳnh


Bài của VNN

Tuy bài này hơi khác chất (tức là phỏng vấn, chứ không phải bài viết), nhưng vẫn đi ở chùm bài cùng chủ đề.







---
Thứ ba, 28/4/2015 | 08:33 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|
"Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống", nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh chia sẻ nhân 40 năm Ngày Thống nhất.
Là thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hoà tham gia đàm phán hiệp định Paris 1973, xin ông cho biết nội dung về hoà hợp dân tộc được đề cập như thế nào trong suốt quá trình này?
Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam ở thủ đô nước Pháp, bắt đầu từ ngày 13/5/1968 và kết thúc vào ngày 27/1/1973. Đây là cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam chủ động đề xướng. Còn Mỹ, bị thất bại nặng nề nên chấp nhận thương lượng để tìm lối thoát danh dự.
"Không nên coi những người có ý kiến trái chiều là chống đối, mà cần đồng thuận với họ để có ý kiến phản biện. Cần hết sức khiêm nhường, đừng độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải - xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước", nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh.
Thời kỳ đầu, tư tưởng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là buộc Mỹ rút, lập chính phủ liên hiệp đoàn kết toàn dân ở tất cả các lực lượng gồm cách mạng, đối địch và lực lượng thứ ba. Lúc này, hoàn toàn chưa có khái niệm hòa hợp dân tộc. Cuộc đàm phán diễn ra với cục diện "vừa đánh, vừa đàm", ở cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Cuộc đàm phán Paris diễn ra hơn 3 năm vẫn bế tắc. Năm 1972, Việt Nam đề ra đường lối tìm cách mở đường cho Mỹ rút với khẩu hiệu "Mỹ rút, Sài Gòn còn, miền Nam giữ nguyên trạng". Lúc này, phải liên kết các lực lượng miền Nam thì vấn đề hòa hợp dân tộc mới được đặt ra, đưa vào dự thảo Hiệp định và bàn kỹ. 
Lúc đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là chính phủ liên hiệp ba thành phần, nhưng Mỹ không chấp nhận vì chính phủ mới có nghĩa là thủ tiêu Sài Gòn. Vì thế mới đổi thành "một chính quyền hòa hợp dân tộc" vì khi Mỹ rút, hai chính quyền sẽ song song tồn tại, cần thực hiện hòa hợp, hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, Mỹ chỉ nhận rút quân chứ không đồng ý lập chính quyền, vì thế kết quả đàm phán là sẽ thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử và đôn đốc thi hành Hiệp định.
bac-Huynh-5634-1430135673.jpg
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh từng là thành viên đoàn đàm phán Paris từ khi bắt đầu cho đến khi Hiệp định được ký kết. Sau đó làm đại sứ Việt Nam tại Mozambique. Từ khi nghỉ hưu ông chuyên nghiên cứu về lịch sử ngoại giao nước nhà. Ảnh: Hoàng Thùy.
Sau ngày 30/4/1975, Việt Nam thống nhất được đất nước, thế nhưng hàng chục nghìn người dân miền Nam lại rời bỏ quê hương. Đâu là lý do thưa ông?
Năm 1998 tôi đi công tác ở Mỹ, họ sắp xếp một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam với sự tham dự của 1.000 sinh viên và hơn 100 giáo sư, trao đổi trong nhiều giờ tại Đại học Brown. Trong mấy chục câu hỏi sinh viên đưa lên có một câu với nội dung: "Thưa ngài, các ngài thuộc phe thắng lợi, đưa lại hoà bình cho đất nước theo như các ngài nói, nhưng tại sao khi các ngài vào Sài Gòn thì có hàng triệu người bỏ ra đi?".
Tôi đã trả lời rằng: Trong suốt thời gian chiến tranh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều tuyên truyền rằng Cộng sản rất độc ác. Thế nên khi đất nước vừa thống nhất, chúng tôi vào tiếp quản, nhiều người dân miền nam đã quyết định ra đi. Ngoài ra, Việt Nam vốn là nước nghèo, khi Mỹ vào nền kinh tế phát triển hơn. Khi Mỹ rút đi, chúng tôi chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu của một bộ phận. Cuối cùng, chúng tôi đánh nhau giỏi, nhưng vấn đề tranh thủ lòng dân lại chưa tốt. Sau ngày 30/4/1975, rất nhiều người ra đi, nhưng dù họ đi đâu cũng vẫn là công dân Việt Nam. Chúng tôi luôn khuyến khích họ liên lạc, về thăm hay trở về quê hương.
Hòa hợp dân tộc, hòa hợp 2 miền Nam - Bắc được nhà nước thực hiện như thế nào sau ngày thống nhất?
- Khi vào tiếp quản Sài Gòn, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã nói không nên coi ai thắng ai thua. Bởi đây là chiến thắng của dân tộc, của sự nghiệp độc lập. Chủ tịch UBND TP HCM lúc đó, ông Võ Văn Kiệt cũng cho rằng người của cả hai bên hiện diện trong hàng vạn gia đình nên phải thực hiện hoà hợp dân tộc. Bởi vậy, nhiều người thuộc lực lượng thứ ba đã được giữ lại, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đều được tự do...
Nhưng tinh thần đó không được mở rộng, phổ biến rộng rãi nên một số lãnh đạo đã phạm sai lầm, nhiều cái sai của miền Bắc lại được áp dụng vào miền Nam...
Hầu hết những sai lầm này đều do tư tưởng kẻ thắng người thua. Nếu như đặt lợi ích dân tộc lên trên thì sẽ ít sai lầm. Gần đây, việc hòa hợp dân tộc đã được chú trọng hơn.
- Vậy theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện hoà hợp dân tộc?
- Hoà hợp dân tộc là truyền thống của nhân dân ta. Phật hoàng Trần Nhân Tông khi có danh sách người làm tay sai cho quân Mông đã mang đi đốt. Đó là tư tưởng hoà hợp dân tộc, độ nhân độ lượng cần phải học hỏi.
Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, lối sống, văn hoá, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp dân tộc phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống. Người cầm quyền cần phải có chính sách, thái độ ứng xử, đường lối đúng, như vậy mới tranh thủ được hoà hợp.
Hiện nay, ta kêu gọi đoàn kết xây dựng đất nước, nhưng khẩu hiệu rộng quá, phải tìm khái niệm hẹp hơn. Cái cần nhất bây giờ là Chính quyền phải làm sao tập hợp được những trí thức lớn, tranh thủ đồng thuận, lắng nghe phản biện, tranh luận. Đồng thuận không mới nhưng lúc này càng cần phải làm, phải tranh thủ. Muốn đồng thuận phải tư duy mới, những gì trở ngại cho đồng thuận thì phải sửa.
Không nên coi những người có ý kiến trái chiều là chống đối, mà cần đồng thuận với họ để có ý kiến phản biện. Cần hết sức khiêm nhường, đừng độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải - xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước.
Cần phải khẳng định rằng, tất cả người Việt ở nước ngoài đều là một bộ phận của dân tộc, vì vậy không chia ra Việt kiều yêu nước, nói vậy thì bộ phận còn lại là không yêu nước hay sao? 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân:
"Việc chia thành 2 phe trong một đất nước trong thời chiến là điều không ai mong muốn, nhưng đó là thực tế lịch sử. Từ năm 1946, khi chúng ta giành chính quyền sau cách mạng tháng Tám có những người đứng ở bên phía Pháp, nhưng Hồ Chủ tịch đã nói: 'Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay, trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tinh thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang'.
Tôi nghĩ rằng cách nhìn của Bác, lời dạy của Bác từ đó đến nay đã thấm trong lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ cũng như nhân dân trong cả nước. Cho dù có lúc đứng đối diện với nhau, cho dù có những khi đã chĩa súng vào nhau, dù mỗi bên đều đã mất mát người thân của mình nhưng nhớ lại lời dạy của Bác thì chúng ta đều một gốc cả, đều là con cháu vua Hùng, đều có lòng yêu nước. Bác Hồ nói rất  hay "ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc", đó chính là điểm tựa của chúng ta để cùng hướng về quê hương.
Hoàng Thùy thực hiện
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguyen-dai-su-nguyen-khac-huynh-dung-doc-quyen-yeu-nuoc-3204011.html




Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới



30/04/2014 06:30

(TNO) Thời điểm để đặt ra câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc đã trôi qua từ lâu. Vấn đề này hiện nay cần được nhìn nhận dưới những góc độ khác. Nhận định này được Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà ngoại giao lão thành, nguyên thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 chia sẻ với Thanh Niên Online

>> Hòa hợp tạo ra sức mạnh cho dân tộc 

Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 1Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh - Ảnh: Trường Sơn


Ông Huỳnh lý giải: Lúc đầu đàm phán Paris, tư tưởng của ta là giành thắng lợi, buộc Mỹ rút, lập chính phủ liên hiệp và sau đó chính phủ sẽ đoàn kết toàn dân. Điều này có nghĩa là toàn dân Việt Nam dù phe này phe kia, tập hợp ba lực lượng: lực lượng cách mạng, lực lượng đối địch, lực lượng thứ ba cũng sẽ đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của chính phủ liên hiệp. Lúc đó chưa có khái niệm hòa hợp dân tộc.
Nhưng trong quá trình đàm phán và chiến đấu ta thấy đánh Mỹ khó, đánh thắng Mỹ lại càng khó. Ta đánh lâu dài thì Mỹ cũng có khả năng đánh lâu dài. Lúc đầu mình tính chính phủ liên hiệp nhưng sau sự kiện Mậu Thân 1968 và sau đó năm 1972, ta không có những thắng lợi quyết định.
Vậy phải tính thế nào? Năm 1972 ta mới đề ra đường lối tìm cách mở đường cho Mỹ rút. Ta mới đưa ra khẩu hiệu là “Mỹ rút, Sài Gòn còn, miền Nam giữ nguyên trạng”. Để liên kết các lực lượng miền Nam thì đặt ra vấn đề hòa hợp dân tộc.
 
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 2 Lấy lợi ích dân tộc đặt lên trên hết. Bất cứ thời đại hoàn cảnh nào thì lợi ích dân tộc vẫn là cao hơn cả, có sức mạnh hơn cảHòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 3
Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh
Vấn đề ấy được đặt ra trong lúc ta tính tới phương án giữ nguyên trạng miền Nam. Vì vậy ta đưa vào dự thảo Hiệp định và bàn kỹ vấn đề hòa hợp dân tộc.
Lúc đầu ta gọi là chính phủ liên hiệp ba thành phần. Chính phủ Mỹ không chấp nhận được vì chính phủ mới có nghĩa là thủ tiêu Sài Gòn. Ta mới hạ thấp xuống là “một chính quyền hòa hợp dân tộc”, gần gần với lập trường của Mỹ. Mỹ đề xuất một “body” - một tổ chức để tổng tuyển cử.
Mỹ dùng chữ “body” thì mình cũng dịu bớt đi, đề xuất là trong lúc chính quyền hai bên tồn tại, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc để tiến tới tổ chức tổng tuyển cử thành lập chính quyền (đưa thêm khái niệm hòa giải, vì là hai kẻ địch.)
Nhưng Mỹ không chấp nhận chữ “chính quyền”. Chữ “chính quyền” có gì đó mang ý nghĩa thủ tiêu Sài Gòn. Vì thắng lợi của mình năm 1972 cũng có mức độ thôi, chưa thể lấn át Mỹ được, nên ta lấy yêu cầu Mỹ rút là chính. Mỹ nhận rút và quân miền Nam ở lại là đạt yêu cầu cao nhất rồi, ta mới chấp nhận thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc. Hiệp định có điều khoản thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử và đôn đốc thi hành Hiệp định.
Lúc đó hình thành khái niệm hòa giải hòa hợp dân tộc.
Đấy là quá trình đàm phán đi đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Ta thấy không có con đường nào khác cả. Bởi vì chúng ta thắng thế nào thì Sài Gòn cũng vẫn sẽ còn. Dù lập chính phủ hai thành phần, ba thành phần hay giữ nguyên trạng thì cũng vẫn phải có hòa giải, hòa hợp. Không có cách nào khác. Không có bên nào thắng bên nào. Thực tế miền Nam có ba lực lượng, hai chính quyền thì phải giải quyết với nhau như vậy.
Nhờ những sách lược mềm dẻo của ta, mà trong đó có việc tạm gác vấn đề xóa Sài Gòn, thực hiện một hình thức hòa giải, hòa hợp dân tộc mà tổ chức ấy chỉ là hội đồng thôi chứ không phải chính quyền, chính phủ gì nên Mỹ chấp nhận.
Nhờ đó mà ký được Hiệp định. Hiệp định Paris là gì? Là một hình thức thỏa hiệp giữa Việt Nam trên đường thắng lợi với Mỹ tuy thua nhưng vẫn đang còn mạnh và chính quyền Sài Gòn còn là một thực thể. Hiệp định Paris là một sự thỏa hiệp “phải chăng”. Vì vậy 4 bên chấp nhận được, Việt Nam chấp nhận được, Mỹ cũng chấp nhận được mở đường cho Mỹ rút, Sài Gòn cũng chấp nhận được.
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 4
Bà con Việt kiều về Việt Nam ăn Tết: Nụ cười đoàn viên... - Ảnh: Độc Lập
* Thanh Niên Online: Sau ngày 30.4.1975 vấn đề hòa giải dân tộc đã được thực hiện như thế nào? Có điều gì chúng ta đã làm được và chưa làm được?
- Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh: Ta đã chân thành đấu tranh thi hành Hiệp định Paris 1973, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ta đã làm việc rất tích cực với các lực lượng thứ ba. Nhưng kết quả rất hạn chế. Ngay đêm Hiệp định có hiệu lực (27.1.1973), chính quyền Thiệu đã cho chiếm Cửa Việt, sau đó ta phản kích lấy lại. Có thể nói là không có lấy một ngày hòa bình. Đã không có hòa bình thì không có điều kiện cho hòa hợp.
Nhưng sau khi ta thắng lợi giải phóng miền Nam thì vấn đề hòa hợp trở thành vấn đề lớn. Thậm chí là cực kỳ lớn.
Nhưng khi ta thắng lợi rồi thì chính sách hòa hợp dân tộc thực hiện được bộ phận thôi chứ chưa được rộng rãi và có kết quả. Phải thẳng thắn nhìn nhận là nhiều chính sách của ta sau giải phóng khá nặng nề với sĩ quan, binh lính chế độ cũ cũng như gia đình họ. Rồi chuyện báo chí Sài Gòn bị đóng cửa hầu hết, tất cả hoạt động kinh doanh của miền Nam bị hạn chế... Sau đó là hợp tác hóa, cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyện hàng chục vạn người bỏ nước ra đi, thành phong trào “thuyền nhân”. Đó là một trang sử đau thương, đen tối của chúng ta. 
Khi tôi sang dự một hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam tại ĐH Brown (Mỹ), ban tổ chức có bố trí một chương trình giao lưu với các giáo sư và khoảng 1.000 sinh viên. Tôi nhận được vài chục câu hỏi trong đó có câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Một sinh viên hỏi: Thưa ngài đại sứ, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ, các ngài coi là “giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” nhưng tại sao lại có chuyện hàng triệu người bỏ nước ra đi?
 
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 5Nhóm thứ nhất là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là “người Việt yêu nước”. Theo tôi cái chữ ấy nên bỏ đi, không ai lại phân biệt bằng khái niệm “yêu nước” với “không yêu nước”. Lấy gì để xác định yêu nước? Nên nhìn họ như những Việt kiều có quan niệm thuận với trong nước. Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 6
Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh
Tôi đã trả lời thế này: Đó là chuyện rất đáng tiếc. Về nguyên nhân thì thứ nhất là trong suốt thời gian chiến tranh, quân đội, các nhà chức trách Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn qua mấy đời tổng thống đều tuyên truyền nếu Việt Cộng về sẽ có nạn tắm máu. Sau 30.4.1975 nhiều người đã lo lắng chuyện “tắm máu” vì vậy việc đầu tiên họ tính là ra đi. Có mấy loại người ra đi: người thuộc chính quyền cũ, những người thấy làm ăn không thuận lợi, người giàu có và sau là những người sợ tắm máu.
Có một số người nữa thấy kinh tế Việt Nam đã nghèo lại còn bị chiến tranh tàn phá nên cũng kiếm đường ra đi.
Một lý do nữa, chúng tôi chiến trận thì biết nhưng làm kinh tế chưa nắm được tình hình, chưa làm tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân nên họ bỏ ra đi.
Nguyên nhân cuối cùng là việc thống nhất đất nước qua con đường chiến tranh thì đã làm tốt nhưng việc tranh thủ lòng người thì chưa làm tốt, chưa thực hiện hòa hợp tốt.
Tôi cũng bổ sung thêm: Dù nguyên nhân gì và những người ra đi khỏi Việt Nam như thế nào, chúng tôi luôn luôn coi họ thuộc dân tộc Việt Nam và luôn luôn sẵn sàng mở cửa để ai về thăm, ai về nước, ai liên lạc lại, cả ba mức đó chúng tôi đều chấp nhận, mở cửa rộng rãi.
Tôi nói vậy, mọi người vỗ tay rất mạnh.
* Tại sao sau 30.4.1975, ta chưa thực hiện tốt hòa hợp dân tộc?
- Phải nói là ta đã có thực hiện được một số việc chứ không phải không làm được gì. Nhưng trong phạm vi hẹp. Đối với những người thuộc lực lượng thứ ba ta đều giữ lại dùng cả. Một số giáo sư tiếp tục ở lại giảng dạy, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đầu hàng ở dinh Độc Lập ta đều tôn trọng, không bắt bớ gì mà để họ được tự do. Một số người thuộc chính quyền cũ cũng được đối xử tương đối nhẹ nhàng. Nhưng những chuyện ấy chỉ diễn ra ở diện hẹp.
Tại sao không thực hiện được hòa hợp dân tộc để xảy ra những chuyện như tôi vừa nói? Đây là quan điểm của cá nhân tôi thôi, chứ chưa có tổng kết: Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là thắng lợi lớn quá. Đến mức ngợp. Không kịp suy nghĩ gì cả. Đến cái mức mà có lãnh đạo cấp cao của ta nói là bây giờ đã hết kẻ thù, vĩnh viễn sẽ không có chiến tranh nữa.
Nguyên nhân thứ hai, lúc ấy tư tưởng giáo điều ý thức hệ rất nặng nề, thể hiện ở chuyện “thành phần”. Phân biệt kẻ thắng người thua rất nặng nề. Tư tưởng địch-ta nặng nề. Rồi tư tưởng XHCN đối lập với tư bản. Nhiều cái giáo điều ý thức hệ như vậy nên chuyện hòa hợp là không thể.
Nguyên nhân thứ ba là trình độ nghiên cứu của ta rất thấp. Không nghiên cứu được là sau khi giải phóng miền Nam cái gì sửa cái gì giữ, đối xử với các tầng lớp thế nào...
Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới - ảnh 7Bà con Việt kiều về Việt Nam ăn Tết mừng rỡ khi gặp người thân ngay tại sân bay - Ảnh: Độc Lập
* Theo ông hiện nay vấn đề hòa hợp dân tộc cần đặt ra như thế nào? Đặt ra với ai?
- Theo tôi có lẽ đặt ra trước hết với người Việt ở nước ngoài. Thứ hai là đối với các tầng lớp nhân dân trong nước. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài suy nghĩ của tôi có thể đúng, có thể chưa đúng nhưng để chúng ta suy nghĩ.
Đối với người Việt ở ngoài nước hiện có 3 - 4 cộng đồng có quan niệm khác nhau.
Nhóm thứ nhất là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là “người Việt yêu nước”. Theo tôi cái chữ ấy nên bỏ đi, không ai lại phân biệt bằng khái niệm “yêu nước” với “không yêu nước”. Lấy gì để xác định yêu nước? Nên nhìn họ như những Việt kiều có quan niệm thuận với trong nước. 
Nhóm thứ hai sống bình thường, họ không ủng hộ mà không gây sự, chỉ lo tập trung làm ăn. Tôi cho rằng đây là nhóm đa số, bây giờ mời họ về giúp nước là khó đấy. Đây là nhóm mà Nhà nước cần có chính sách tranh thủ.
Thứ ba là lực lượng đối lập, có phê phán những chính sách, có đóng góp ý kiến, phê phán.
Nhóm cuối cùng là những người đối nghịch hoặc báo chí ta gọi nặng nề là chống cộng. Họ là những người công khai không tán thành chủ nghĩa cộng sản, nhóm này theo tôi biết bên Mỹ có nhiều.
Thế bây giờ đặt vấn đề thế nào? Đối với những người đã ủng hộ đã sống hòa hợp, thích hợp rồi thì ta tiếp tục tranh thủ, tạo điều kiện để họ đi về đóng góp thăm viếng đất nước. Những người chờ đợi và chưa có thái độ rõ ràng là lớp người còn xa ta nhưng mà không chống đối, chính là cần thực hiện hòa hợp dân tộc với những người đó. Thực hiện hòa hợp dân tộc ở đây không phải bằng lập trường giai cấp, bằng chủ nghĩa cộng sản đâu, mà bằng TƯ TƯỞNG DN TỘC, TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC, ĐẶT LỢI ÍCH DN TỘC LÊN TRÊN HẾT.
Tôi cho rằng đối với Việt kiều càng đưa vấn đề ý thức hệ ra thì càng không có tác dụng. Tôi đối xử với anh bằng tinh thần dân tộc, bằng tinh thần yêu nước chứ không phải bằng ý thức hệ thì lúc đó mới nói chuyện được với nhau, nếu không thì còn nhiều khó khăn. Đối xử bằng lòng yêu nước bằng tinh thần dân tộc. Lấy lợi ích dân tộc đặt lên trên hết. Bất cứ thời đại hoàn cảnh nào thì lợi ích dân tộc vẫn là cao hơn cả, có sức mạnh hơn cả.
Còn đối với trong nước, vấn đề không phải là hòa hợp mà là làm sao tranh thủ sự đồng thuận, lấy lợi ích dân tộc để tranh thủ đồng thuận là đường lối chiến lược. Bây giờ tầng lớp nào trở nên quan trọng và cần tranh thủ đồng thuận? Ngoài nông dân, công nhân thì đặc biệt cần tranh thủ đội ngũ trí thức và doanh nhân. Đồng thuận chính là đồng thuận với hai tầng lớp này.
* Xin cảm ơn ông.
Trường Sơn
(thực hiện)
http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoa-hop-hoa-giai-can-doi-mat-moi-405573.html
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét