TIN THẾ GIỚI


Mỹ- Nhật mở rộng hợp tác quốc phòng

mediaNgoại giao - Quốc phòng liên hệ gắn bó Mỹ- Nhật tại New York ngày 27/04/2015.Reuters
Trước lúc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ, ngày 27/04/2015, Washington và Tokyo đã công bố thỏa thuận sửa đổi phương hướng hợp tác quân sự. Theo đó, quân đội Nhật chủ động mở rộng phạm vi hành động trên trường quốc tế.
Văn kiện điều chỉnh « phương hướng chủ đạo » hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật được thông qua sau hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước tại New York.
Thỏa thuận mới về hợp tác quốc phòng song phương lấy cơ sở là nội dung sửa đổi bản Hiến pháp hiếu hòa của Nhật đã được chính phủ Shinzo Abe đề nghị. Với thỏa thuận mới, quân đội Nhật được phép tham gia vào các chiến dịch quân sự ở bên ngoài đất nước nhằm hỗ trợ các đồng minh.
Một quan chức Mỹ giải thích, với « phương hướng chủ đạo » mới về quốc phòng, quân đội Nhật Bản có thể tham gia hỗ trợ quân đội Mỹ trong trường hợp bị nước thứ 3 đe dọa. Cụ thể quân đội Nhật có thể « bắn hạ tên lửa được bắn về nước Mỹ ngay cả khi Nhật không phải là mục tiêu ».
Được hỏi liệu có phải nguyên tắc mới trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước có nhằm đối phó với những tham vọng gia tăng sức mạnh quân sự gần đây của Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định thỏa thuận mới này « không nhằm vào cụ thể Trung Quốc ».
Tuy nhiên trong một phát biểu mới đây trên truyền hình Nhật, Thủ tướng Shinzho Abe đã tuyên bố : « Liên minh Nhật –Mỹ sẽ trở nên hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn. Vì thế mà sức răn đe sẽ tăng cường và tình hình khu vực sẽ được ổn định hơn ».
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry lưu ý : Liên minh quốc phòng giữa hai nước « bao trùm toàn bộ các phần lãnh thổ » thuộc Nhật Bản, « trong đó có cả quần đảo Senkaku ».
Phản ứng đầu tiên về thỏa thuận mở rộng hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ, đến từ nước láng giềng. Hàn Quốc cho biết rất quan tâm đến « phương hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật », đồng thời đề nghị Tokyo và Washington phải tham khảo Seoul trong các vấn đề liên quan đến an ninh trên bán đảo Triều Tiên và vì lợi ích của Hàn Quốc.
Lần gần đây nhất Washington và Tokyo điều chỉnh hợp tác phòng thủ là vào năm 1997, theo đó đã mở rộng sự tham gia hỗ trợ quân đội Mỹ trong các chiến dịch quân sự, nhưng vẫn giới hạn trong các hoạt động tiếp liệu hậu cần.
Từ năm 1960, Hoa Kỳ đã ký với Nhật Bản Hiệp ước Quốc phòng, trong đó dự trù Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công. Đổi lại Mỹ được mở các căn cứ quân sự trên đất Nhật. Hiện có gần 47 nghìn quân Mỹ đồn trú thường trực trên lãnh thổ Nhật Bản.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150428-my-nhat-mo-rong-hop-tac-quoc-phong/
 
 Mỹ -Nhật mở rộng hợp tác quân sự và kinh tế để làm đối trọng với Trung Quốc




mediaTổng thống Barack Obama và thủ tướng Shinzo Abe tại đài tưởng niệm Lincoln tại Washington. Ảnh ngày 27/04/2015.REUTERS/Kevin Lamarque
Hoa Kỳ đón tiếp trọng thể thủ tướng Shinzo Abe. Lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện. Đây là một vinh dự mà nước Mỹ chỉ dành cho một số ít lãnh đạo trên thế giới. Tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế là hai mục tiêu chính trong chuyến công du dài ngày của ông Abe. Washington chờ đợi gì ở Tokyo ?
Trả lời trên đài RFI, bà Valérie Niquet, chuyên gia về chiến lược và cũng là tác giả cuốn « Chine –Japon : L’affrontement », Nhà xuất bản Perrin - xoáy vào sự đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản,  trở lại với định hướng mới về hợp tác quốc phòng, mà Tokyo và Washington vừa đạt được ngày 27/04/2015 tại New York. Trong đó, Nhật Bản đồng ý đóng một vai trò năng động hơn để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
« Mỹ-Nhật cùng định hướng về một chính sách quốc phòng mới. Đây sẽ là nền tảng của sự hợp tác quân sự song phương trong tương lai trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ đã được Washington và Tokyo ký kết từ năm 1960. Ngoài ra, thỏa thuận mới về quốc phòng Mỹ-Nhật cũng là một trong những mục tiêu được ông Shinzo Abe theo đuổi kể từ khi ông trở lại cầm quyền : Tokyo muốn chứng minh với Washington là mình sẵn sàng đóng một vai trò tích cực hơn, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn. Để đổi lại, thủ tướng Abe muốn Mỹ coi Nhật Bản là cột trụ chiến lược trong chính sách xoay trục về Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Trong mắt thủ tướng Abe, đây là một điều hết sức quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản ».
Định hướng mới về hợp tác quốc phòng song phương cho phép Nhật Bản hỗ trợ Hoa Kỳ về mặt quân sự ở bất cứ nơi nào. Các lực lượng phòng vệ của Nhật cũng sẽ có quyền can thiệp tại một quốc gia thứ ba. Nói cách khác thỏa thuận song phương vừa được thông qua không còn giới hạn phạm vi can thiệp Mỹ-Nhật trong vùng chung quanh quần đảo Nhật Bản mà đã được mở rộng ra khắp nơi trên toàn cầu. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry đã nhấn mạnh : đây là một sự thay đổi lịch sử trong quan hệ chiến lược của trục Tokyo-Washington.
Tuy nhiên vế quân sự không là trọng tâm duy nhất chuyến công du Mỹ lần này của thủ tướng Nhật. Hoa Kỳ đang hướng tới thị trường rộng lớn của châu Á Thái Bình Dương. Nhật Bản là một điểm tựa của Mỹ để Washington nhanh chóng hoàn tất Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP. Về hồ sơ này, Mỹ-Nhật chia sẻ cùng quan điểm : cả hai cùng muốn giới hạn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh không ngừng lôi kéo các quốc gia trong vùng vào quỹ đạo của mình qua nhiều hiệp ước thương mại.
Giáo sư kinh tế, Mary Françoise Renard, giảng dậy tại đại học Clermont-Ferrand vùng Auvergne phân tích :
« Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hoa Kỳ muốn cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế. Động cơ ban đầu không hẳn là kinh tế mà chủ yếu là chiến lược và quân sự, nhưng đương nhiên là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Trung Quốc. Washington muốn tiếp tục nắm giữ một vai trò trọng yếu tại châu Á. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn trông thấy. Do vậy trong nhãn quan của Hoa Kỳ, Nhật Bản là đầu cầu để bắt vào thị trường châu Á » .
Đổi lại, Tokyo đề nghị với Washington một số những thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Chẳng hạn như là dự án trang bị cho Hoa Kỳ xe lửa cao tốc của Nhật Bản (vận tốc tối đa có thể lên tới 600 km/ giờ). Mary Françoise Renard, đại học Clermont-Ferrand, Auverge cho biết thêm :
« Nhật Bản có mục đích mở rộng ảnh hưởng trên thị trường Mỹ, chủ yếu là để cưỡng lại sức cạnh tranh ngày càng lớn của các tập đoàn Trung Quốc. Có rất nhiều khả năng, đôi bên sẽ thảo luận về dự án xe lửa cao tốc. Cần phải nói là trong lĩnh vực này, Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong và Nhật Bản thì đang tìm cách giành lại những thị trường đã mất. Ngoài ra, chuyến công du dài ngày của thủ tướng Abe lần này, cũng là cơ hội để Tokyo và Washington thảo luận về những hợp đồng kinh tế quan trọng khác ».
Điểm chót cần chú ý là hiện nay Hoa Kỳ đang khó xử về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản, đặc biệt là đối với một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở châu Á là Hàn Quốc. Do vậy giới quan sát cho rằng, thủ tướng Shinzo Abe cần làm thay đổi hình ảnh của một nhà lãnh đạo có khuynh hướng diều hâu để trấn an Washington. Về điểm này bà Valérie Niquet, chuyên gia về chiến lược Châu Á, tác giả cuốn « Chine –Japon : L’affrontement » nhận định :
« Điều khiến Hoa Kỳ lúng túng, là hiềm khích giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, hai đồng minh thân thiết của Mỹ tại châu Á. Đây cũng là những quốc gia, Mỹ đặt căn cứ quân sự. Washington muốn Tokyo và Seoul vượt qua những bất đồng về quá khứ »
Hãy chờ xem, trong bài phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện của ông vào ngày mai 29/04/2015, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có chính thức xin lỗi về quá khứ quân phiệt đó hay không.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150428-my-nhat-mo-rong-hop-tac-quan-su-va-kinh-te-de-lam-doi-trong-voi-trung-quoc

 

Thứ năm, 30/04/2015

Nhật-Mỹ có thể thực hiện các cuộc tuần tiễu chung ở Biển Đông

Chiến đấu cơ FA-18 Hornet của Hải quân Mỹ trên boong tàu sân bay của tàu sân bay USS George Washington trong cuộc diễn tập hải quân chung thường niên trên biển với quân đội Nhật ngoài khơi miền nam Nhật Bản.
Chiến đấu cơ FA-18 Hornet của Hải quân Mỹ trên boong tàu sân bay của tàu sân bay USS George Washington trong cuộc diễn tập hải quân chung thường niên trên biển với quân đội Nhật ngoài khơi miền nam Nhật Bản.
Reuters
Quân đội Nhật Bản đang xem xét khả năng hợp tác với Hoa Kỳ để thực hiện các phi vụ tuần tiễu không phận Biển Đông như một phản ứng trước quyết tâm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, được Tokyo và Washington cũng như nhiều quốc gia khác xem là thuỷ lộ thiết yếu cho các hoạt động thương mại quốc tế.
Hãng tin Reuters hôm nay trích các nguồn tin Nhật Bản và Mỹ hiểu biết về các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa hai nước, nói rằng hai nước đồng minh đang cân nhắc giải pháp này trong bối cảnh hai bên vừa công bố các hướng dẫn quốc phòng mới nhân chuyến đi thăm Washington của Thủ tướng Shinzo Abe.
Chuyến công du Mỹ lần này được coi là phản ánh các kế hoạch của ông Abe, mong muốn Nhật Bản đóng một vai trò an ninh lớn hơn trong khu vực và trên thế giới, ngoài việc trực tiếp bảo vệ biển đảo của chính nước này.
Nguồn tin Nhật Bản cho biết tuy chưa có kế hoạch cụ thể nào được đưa ra, Nhật Bản có thể tham gia các cuộc tuần tra trên Biển Đông với Mỹ, hoặc thực hiện các cuộc tuần tra trong vùng biển trải dài từ đảo Okinawa tới vùng biển phía Đông Trung Quốc.
Cho tới nay các cuộc thảo luận chỉ diễn ra trong nội bộ quân đội Nhật Bản, nhưng kế hoạch này sẽ cần được sự phê chuẩn của các giới chức chính phủ.   
Các phi vụ trinh sát Biển Đông sẽ được thực hiện trên khu vực mà Trung Quốc đang đẩy mạnh các công trình cải tạo đất, xây đảo, để thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế vùng biển này. Nếu được thực hiện, kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản có phần chắc sẽ làm cho Bắc Kinh phẫn nộ.
Nhưng các quan chức quốc phòng ở Tokyo lo ngại rằng nếu Tokyo và Washington để yên, thì Trung Quốc rốt cuộc sẽ áp đặt quyền kiềm soát của họ trên các tuyến hàng hải, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động thương mại của Nhật Bản. Reuters trích nguồn tin Nhật Bản nói rằng: "Tokyo muốn Trung Quốc hiểu rằng họ không có quyền sở hữu nguyên vùng biển này".
Một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết quyết định khởi sự các chuyến bay trên không phận Biển Đông có thể hối thúc Tokyo yêu cầu Philippines cho Nhật tiếp cận các căn cứ không quân dựa trên các quy định liên quan tới công tác huấn luyện cứu trợ tai nạn trên biển, và các cuộc diễn tập hỗn hợp khác. Nguồn tin này nói thêm rằng  nếu được Philippines chấp thuận, các phi cơ của Nhật Bản sẽ có khả năng thực hiện các phi vụ tuần tiễu kéo dài hơn.
Tuy nhiên, theo Reuters, một nguồn tin quân sự cấp cao Philippines cho biết điều này không khả thi trong các điều kiện hiện tại, bởi vì Manila không có một thỏa thuận hợp tác quân sự với Tokyo tương tự như hiệp ước quốc phòng giữa Manila với Washington, qua đó, tàu hải quân Mỹ được phép sử dụng các căn cứ của Philippines để tiếp nhiên liệu và sửa chữa khẩn cấp.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Benigno Aquino -- một trong những người mạnh mẽ chống đối các hoạt động lấn biển xây đảo của Trung Quốc, sẽ gặp gỡ Thủ Tướng Abe ở Tokyo vào tháng Sáu tới đây, và khi đó, các vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được mang ra thảo luận.
Hôm thứ Ba, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với các phóng viên rằng hai nước chia sẻ mối quan tâm về các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông và đã "tái khẳng định cam kết sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải theo tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế".
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết các hướng dẫn quốc phòng mới sẽ cho phép các lực lượng Mỹ và Nhật hoạt động linh hoạt hơn, và Nhật Bản sẽ "đảm nhận trách nhiệm và vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

TQ lo ngại về tuyên bố của ASEAN

  • 28 tháng 4 2015



Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra tại Malaysia

Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về Tuyên bố của ASEAN liên quan vấn đề Biển Đông, nhắc đến việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông.
Hôm thứ Ba, người phát ngôn của Trung Quốc, Hồng Lỗi, nói Biển Đông không phải là vấn đề tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc.
“Trung Quốc đã rất kiềm chế,” ông Hồng tuyên bố.
Ngày 28/4, sau khi bế mạc hội nghị cấp cao tại Malaysia, ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc của các Lãnh đạo về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.”
“ Do đó, chúng tôi chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao khẩn cấp xử lý vấn đề này một cách xây dựng thông qua các khuôn khổ của ASEAN như quan hệ ASEAN -Trung Quốc cũng như nguyên tắc về cùng chung sống hòa bình.”
Các nguồn ngoại giao nói với hãng tin Reuters rằng Việt Nam và Indonesia đã nêu lo ngại khi họp, buộc chủ nhà Malaysia phải đưa vấn đề vào tuyên bố sau cùng.
Tuyên bố này nói: “Tuy ghi nhận tiến triển trong tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), chúng tôi yêu cầu tăng cường tham vấn hơn nữa để bảo đảm nhanh chóng xây dựng được một Bộ quy tắc COC hiệu quả.”
  http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/04/150428_asean_china_bien_dong
 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét