NHÓM VĂN TUYỂN * TRÌNH DIỆN

Học Tập Cải Tạo” – Trình Diện Để Đi Tù Đầy

1 
Mấy tuần lễ sau khi miền Nam thất thủ thì chiến dịch rỉ tai về học tập cải tạo bắt đầu được tung ra. Nhưng mãi đến đầu tháng sáu 1975 Uỷ Ban Quân Quản Thành Phố mới ra lệnh cho các quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải trình diện để đi “Học Tập Cải Tạo”. Uỷ Ban ra thông cáo vào các ngày 10-6, 11-6 và 20-6-75 trên đài phát thanh và báo chí, chỉ định rõ địa điểm và ngày giờ trình diện.
Hạ sĩ và nhân viên chính quyền từ chủ sự trở xuống học tập ba ngày tại phường. Các cấp thấp hơn như binh sĩ, cán bộ phường khóm được khoan hồng miễn trình diện. Cả mấy trăm ngàn người nô nức đi trình diện học tập vì họ nghĩ rằng học tập cho xong để hy vọng sớm trở về làm ăn. Họ đi học từ sáu giờ sáng đến tối.
Ðối với các phó quận trưởng, trưởng ty, cấp úy, thì mỗi người phải mang theo giấy bút, quần áo, mùng mền vật dụng cá nhân, đồ ăn hoặc tiền bạc để dùng trong mười ngày kể từ ngày trình diện.
Với các cấp chỉ huy từ giám đốc trở lên, sĩ quan từ cấp tá, các dân biểu nghị sĩ, các lãnh tụ đảng phái thì thông cáo ra lệnh mang theo giấy bút, vật dụng cá nhân, số tiền là 13,000 đồng đủ cho việc ăn uống trong 30 ngày kể từ ngày học tập đầu tiên. Thông cáo nói rõ: “các học viên phải mang theo một tháng tiền ăn và những đồ đạc cần thiết. Nhà hàng Ðồng Khánh sẽ phụ trách việc ăn uống…”
Nhiều người vì sức khỏe yếu được miễn trình diện. Nhưng vì quá tin vào thông cáo của chính quyền, học tập có một tháng, nên họ vẫn tình nguyện xin đi để tỏ thiện chí cũng như làm cho xong để còn về được an ổn kiếm kế sinh nhai.
Có người được nhân viên tiếp nhận cho về vì không hội đủ tiêu chuẩn như thông cáo nhưng vẫn nằn nì giải thích chức vụ để xin đi cho chắc bụng. Chẳng hạn, có vị khai chức vụ quốc vụ khanh chính phủ. Cán bộ không biết đó là chức gì mà coi danh sách không thấy có nên đuổi về. Vị chính khách này phải cố gắng giải thích chức vụ của mình ngang hàng tổng trưởng. Họ cũng không biết tổng trưởng là gì, đến khi nói là bộ trưởng thì họ mới cho nhập trại. Ai cũng nghĩ là trước sau rồi cũng phải học tập nên xin đi cho nó xong. Thực ra, thông cáo rất mập mờ. Lúc đầu ghi danh đi học tập cải tạo phải chuẩn bị thực phẩm hoặc đóng tiền ăn cho một tháng. Rồi pháp lệnh nói cải tạo viên phải học tập ba năm rồi đổi ra vô hạn định một cách âm thầm.
Kỷ Nguyên Tù Ðầy Cải Tạo bắt đầu. Sau khi đã bước vào trại tù cải tạo thì ngày ra dường như vô tận vì một số thiệt mạng, hầu hết tiếp tục tù đầy cho tới mươi mười lăm năm sau.
Theo bản tường tình của Aurora Foundation năm 1983 do bà Ginetta Sagan và ông Stephen Denney thực hiện thì có hơn một triệu người đã đi cải tạo mà rất ít được về sau thời hạn mười ngày hay một tháng. Trên toàn quốc lúc bấy giờ có trên 150 trại cải tạo. Có khoảng 500,000 người được trả tự do trong vòng ba tháng; 200,000 ở trại từ hai đến bốn năm; 240,000 ít nhất năm năm; nhiều chục ngàn người trên mười năm.
Trong một trại cải tạo, học viên thắc mắc về thời gian cải tao như sau:
“Thưa cán bộ, theo như chính sách 12 điểm của chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam thì sau ba năm chúng tôi được trả tự do để đoàn tụ với gia đình; bây giờ đã quá 3 năm sao chúng tôi còn phải ở trong trại?”
Cán bộ trả lời:
– Các anh thông minh, các anh phải hiểu rằng Chính Phủ Cộng Hòa miền Nam (của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) đâu có phải là Chính Phủ Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa; vả lại chính phủ Cộng Hòa Miền Nam không còn tồn tại thì những gì chính phủ ấy quy định cũng không còn tồn tại.
– Hơn nữa, các anh thông minh nhưng chưa hiểu thế nào là 3 năm. Các anh hiểu cứ mỗi năm là 365 ngày như bọn tư sản thì hỏng bét, do đó các anh khiếu nại là phải rồi. Nếu các anh phân tích một cách sâu sát thì các anh sẽ thấy rằng có 3 năm định tính và 3 năm định lượng. Một anh có thể có 3 năm định lượng, nghĩ a là đã cải tạo đúng ba năm không thiếu ngày nào, nhưng lại không có đủ 3 năm định tính vì tính chất cải tạo quá tồi, cải tạo không tốt, do đó mà chưa được về sum họp với gia đình.”
(Phan Phát Huồn: AK và Thập Giá)
* Các dữ kiện trong bài viết này là những lời kể lại của nhiều tù nhân cải tạo sống sót.
Tổ Chức Trại Cải Tạo
Trại được chia ra làm nhiều khu. Mỗi khu có nhiều đại đội trại viên. Dưới là nhóm gọi là “B”. Mỗi B có 30 trại viên do một cán bộ hạ sĩ quan phụ trách. Trại viên còn được gọi là phạm nhân hoặc cải tạo viên. Họ phải học làm lòng tài liệu “38 điều Nội Quy” và “Bốn tiêu chuẩn cải tạo”.
Bốn tiêu chuẩn cải tạo là:
1-Thành khẩn khai báo
2- Lao động tự giác
3-Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy và các pháp lệnh nhà nước
4- Giúp bạn cải tạo cùng tiến bộ
Một cựu tù nhân cho hay: nhiều người không nhớ các tiêu chuẩn này, nên đã dùng bốn thú vật tiêu biểu cho từng tiêu chuẩn: ngu như bò, có gì khai hết; lao động như trâu; bảo sao làm vậy như con cừu và sủa như chó để báo cáo các hành động của bạn tù.
Có người đã ví việc thực hiện các tiêu chuẩn này chẳng khác gì sự xét mình, ăn năn tội lỗi, xưng tội và dốc lòng không sai phạm của một tôn giáo. Nội quy có các điều khoản về nguyên tắc chung, kỷ luật học tập, kỷ luật về lao động, kỷ luật về nếp sống hàng ngày, kỷ luật về viết thư và gặp gia đình, tổ chức phạm nhân, và khen thưởng-kỷ luật.
Ðiều nào cũng bắt đầu bằng các chữ quyết liệt như “Phải chấp hành…” hay “Tuyệt đối tuân theo…”
Chẳng hạn điều Một ghi rõ:
“Phải triệt để tuân theo đường lối, chính sách giam giữ cải tạo của Ðảng, pháp luật của nhà nước…”
Ðiều 2: “Phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, phải ra sức học tập cải tạo tư tưởng, thành khẩn nói hết lỗi lầm của mình.”
Ðiều 8: “Phải trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Ðể rèn luyện ý thức lao động, lấy lao động để cải tạo tư tưởng…”
Ðiều 12: “Không được dùng tiếng ngoại ngữ và không được nói tiếng lóng”
Ðiều 18: “Thường xuyên cạo râu, không được để râu” .
Ðiều 20: “Tránh có thái độ ngang bướng, khúm núm, nịnh hót. Khi có việc cần gặp cán bộ phải đứng xa 5-7 mét ở tư thế nghiêm. Xin báo cáo với Giám thị, cán bộ”.
Trại có rất nhiều khẩu hiệu về học tập chính trị như:
“Chính sách khoan hồng của Ðảng trước sau như một.”
“Học tập cải tạo là con đường duy nhất để trở thành người công dân lương thiện.”
“Học tập nghiêm túc, đi sát đi sâu, đào sâu, suy nghĩ, thảo luận đúng ý…”
Khai Lý Lịch
Cải tạo viên nào cũng phải khai lý lịch. Ðây là một việc làm rất nhức đầu vì họ phải khai đi khai lại cả chục lần. Khai xong mang nộp, rồi bị cán bộ hạch hỏi đủ điều. Việc khai lý lịch thường là do đoàn công tác liên bộ Quốc Phòng và Công An phối hợp thực hiện. Mẫu khai có ba mục chính với nhiều tiểu mục và tiết mục. Rầm rộ phát động chiến dịch khai báo, cho ăn đồ tươi.
1-Lý lịch cuộc đời cá nhân: bản thân người khai, gia cảnh và lý lịch thân nhân, từ ông cố tổ bốn đời. Từng địa chỉ đã sống trong suốt đời. Một địa chỉ có thể là 1 tuần ở quốc nội hoặc bốn mươi tám giờ ở quốc ngoại.
Về lý lịch thân nhân, phải khai đầy đủ chi tiết về bản thân kèm thêm đánh giá từng người về quá trình chính trị, xã hội, giai cấp.
2-Quá trình hoạt động: Trong suốt đời, với 3 giai đoạn: từ 1945 trở về trước; từ 1945 đến 1954 và từ 1954 đến 1975. Phải khai cho đầy đủ các chi tiết về ngày tháng, sinh hoạt, chức vụ, ở đâu với ai, diễn tiến công việc, kết quả công việc, ảnh hưởng của công việc vào xã hội. Khai các cá nhân, đoàn thể chống cộng ở miền Nam: tên tuổi, tổ chức nào, hoạt động ở đâu, cách tổ chức chống cộng… Kê khai bạn bè thâm giao và bạn bè thường, rồi các sinh hoạt của họ ở đâu bây giờ. Kê khai mọi cấp chỉ huy, đồng sự với các chi tiết như của mình… Hiện giờ họ ở đâu, quan điểm chính trị của họ. Khai rõ về các vấn đề tổ chức, kỹ thuật chiến thuật của miền Nam.
3-Kê khai tài sản: Của nổi của chìm, trong nước, ngoài nước, mình đứng tên hay nhờ người đứng tên, vợ con đứng tên; hiện có, đã sang nhượng, cúng dâng cho các tổ chức. Tiền từ đâu có.
Phạm nhân được dành cho một tuần để khai; ban đêm cho phép đốt đèn cầy để khai. Khai xong ký cam đoan là đúng sự thực rồi nộp cho cán bộ. Phạm nhân phải thức thâu đêm để khai; nhiều khi đi cầu, đi ăn cũng tập trung suy nghĩ coi đã làm gì, ở đâu, ngày nào…
Sau khi nộp thì mấy ngày sau lại phải khai lại vì: thiếu thành khẩn, thiếu tự giác, không khai hết sự thật, ngoan cố, giấu diếm bao che các tổ chức chính trị và cá nhân phản động.
Rằng nhân dân đã biết rõ về mình rồi, đã có hết tất cả hồ sơ tại công tư sở, đừng hòng giấu diếm. Có phạm nhân còn bị gọi lên để hạch hỏi chi tiết, hù doạ là vợ khai khác mà mình khai khác hoặc để đối chiếu lời khai của thân nhân với lời mình khai. Rồi bản khai được cất đi và phạm nhân phải khai lại từ đầu…Việc khai báo kéo dài cả mấy tháng. Một chiến dịch cổ võ cho việc khai báo cuộc đời được diễn ra. Học viên còn được cho ăn uống linh đình và được miễn lao động trước ngày khai báo bắt đầu.
Cải tạo tư tưởng-Học tập chính trị
Mục đích của cải tạo là “để thay đổi con người từ chế độ lỗi thời vào kỷ nguyên mới của những công dân tốt, với các giáo điều tốt lành của chủ nghĩa Anh Hùng Cách Mạng”.
Theo các cựu tù nhân kể lại, bài học nhồi sọ nhắm vào việc:
“Ðả phá chủ nghĩa đế quốc Mỹ, kẻ thù của nhân dân Việt Nam và thế giới. Sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc Mỹ; Ðế quốc Mỹ là con đỉa hai vòi: một vòi hút máu mủ nhân dân trong nước, còn vòi kia vươn sang các nước khác để hút máu mủ nhân dân các nước này bằng cách bán súng đạn, tạo ra các cuộc chiến tranh diệt chủng. Tội ác của ngụy quyền ngụy quân miền Nam, bán nước, tay sai. Chính sách khoan hồng của Ðảng, nghĩa vụ của người có tội, lao động là vinh quang. Những thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam.”
Các buổi học tập chính trị gồm có:
a. Nhận đề cương nội dung bài.
b. Tìm hiểu nội dung.
c. Nghe giáo viên giảng bài.
d. Suy nghĩ về nội dung và lời giảng của giáo viên.
e. Không bàn thảo với ai. Viết một bài nhận định để trình bày với tổ.
g. Phát biểu trước tổ học tập.
h. Hội thảo cấp B cao hơn với ba tổ.
i. Hội thảo toàn trại.
k. Rồi viết bài tổng kết học tập dài cả chục trang.
i. Tổng kết và giải đáp thắc mắc.
Kỹ thuật nhồi sọ áp dụng nguyên tắc nước chảy đá mòn, nói nhiều nói mãi một đề tài, nhắc đi nhắc lại một luận điệu, biến con người thành cái máy… Sau cả nhiều tháng học tập chính trị, hầu hết đều bị chê là: “chưa được rèn luyện, cải thiện bằng các tư tưởng cao siêu của Chủ Nghĩa Xã Hội, vẫn còn ngoan cố, không chịu tiếp thu bài học, không chịu gột rửa toàn diện tư tưởng xấu của bản thân, nên cần được cải tạo bằng lao động”.
Lao động
Lao động là thước đo mức độ giác ngộ của tù nhân.
Cuốc đất: 150m2/ngày/người
Trồng mì: 5000m2 /ngày/4 người
Khai quang: 300m2/ngày/người
Lấy cây đường kính 30cm, dài 4 thước, hai người một cây, mang về trại cách xa 3 cây số; đường kính 10 phân, dài 4 thước hai người năm cây một ngày.
Tranh lợp nhà: 10 bó theo tiêu chuẩn của trại. (Theo Trại Tù Cải Tạo-Phạm Quang Giai).
Ăn uống
Sau đây là kinh nghiệm người cựu tù:
“Cộng Sản không cần đánh đập, không cần kết án, mà họ đã dùng cái máy chém vô hình và im lặng: ÐÓI. Họ lôi cái máy này đến mọi nơi, mọi chốn có tù nhân chính trị miền Nam để trả thù, trả hận mà vẫn không mang tiến là ác độc, là giết người.”(Phạm Quang Giai: Trại cải Tạo)
Cái lon nhôm sữa bột guigoz, được gọi vắn tắt là cái Gô, là bạn đồng hành thân thiết của tù. Người tù nào cũng kè kè bên mình một cái vừa đựng nước uống ra bãi, vừa dùng để nấu canh tại bãi lao động. Những loại rau cỏ dại ăn được tìm thấy ngay tại hiện trường, lén nhổ bỏ vào Gô rồi nhờ nhà bếp nấu. Nấu chín xong để bụi cát lắng xuống phần dưới, ăn phần rau cũng đỡ cái bao tử rỗng một lúc. Hôm nào bắt được con cóc, con nhái thì “canh có người lái”, tù gọi là Protein; con gì cũng qui vào chất thịt, chất protein bổ dưỡng. Tù có câu: “con gì nhúc nhích là ăn được, rau gì không chết thì ăn”… (Nguyễn Chí Thiệp: Trại Tù Kiêm Giang)
Tiêu chuẩn kỷ luật mỗi tháng còn 9 kg lương thực ăn với nước muối, mỗi ngày hai bữa hai chén nhỏ xíu. Ðến bữa ăn phải kềm hãm cố nhai cho thật kỹ, vừa để cho đỡ buồn, cho qua thời giờ có việc làm. Khi nhai thức ăn, vừa phải nhai kỹ để thức ăn ít ỏi và quí báu được tiêu thật hết, khỏi phí phạm, giúp cơ thể bòn từng chút bổ dưỡng để thân xác chịu đựng con người được sống, nhai thật kỹ để chất thải ra thật ít, 5,7 ngày mới đại tiện một lần, vì đại tiểu tiện đều vào cái thùng đại liên để ngay bên cạnh bục nằm, đến lúc đầy tràn trật tự mới đổ đi, nên suốt ngày đêm phải nằm bên cạnh cái của nợ khai thúi đó.” (Nguyễn chí ThiệpTrại Tù Kiêm Giang)
Vệ Sinh Trại
Tù nhân kể lại là trại chật trội ngào ngạt hơi người, mùi hôi của mọi người, mọi bệnh riêng của mỗi người, cả tháng không tắm. Cả ngàn người có một giếng nước, kéo một lúc đã cạn nước. Ðể lâu không dùng nên chuột bọ chết thối đầy đáy giếng. Ăn uống vào là bị kiết lỵ. Ði cầu vào các dẫy hố đào trên mặt đất.
Bệnh Tật
“Mặt đứa nào đứa nấy trông như những quả dưa bở chín rục, chân tay bụ bẫm cứ như những cái xác chết trôi ba ngày, đang xếp hàng dài trước bếp xin chút nước vo gạo về uống với hy vọng mong manh tí chất cám có thể cứu nổi căn bệnh phù thũng trầm kha…” (Hà Thúc Sinh: Ðại Học Máu)
Kiểm tra tư trang
“Ông cán bộ tới chỗ tôi và bắt đầu lục soát.
– Cho tôi xem cuộn giấy. Giấy này là giấy gì đây?
– Thưa cán bộ đây là giấy vệ sinh.
– Giấy vệ sinh là giấy gì?
– Thưa cán bộ là giấy đi cầu.
Ông cầm cuộn giấy, xem rất kỹ, chê bai đủ điều rồi nói tiếp:
– Ðây chính là tài liệu mật mã bọn Mỹ ngụy để lại cho các anh xử dụng để quấy phá cách mạng, nhưng làm sao qua mắt cách mạng được. Tôi ra lệnh tịch thu toàn bộ những cuộn giấy này của anh và của các anh khác.” (Phan Phát Huồn: AK và Thập Giá)
Thăm viếng và thư từ của gia đình
Theo điều 29, “hai tháng phạm nhân được gặp người nhà một lần. Phạm nhân có trách nhiệm hướng dẫn người nhà chuẩn bị giấy tờ cần thiết khi đến thăm mình.”
Ðiều 27: “Phạm nhân mỗi tháng được viết một lá thư cho gia đình; thư phải đưa lên cán bộ duyệt trước khi gửi; không được dùng tiếng ngoại quốc, tiếng lóng.”
Tết 1977 là lần đầu tiên phạm nhân được viết thư cho thân nhân ở trong Nam. Thư gửi qua Trung Ðoàn 52-A, Chí Hòa Sài Gòn. Họ không được phép tiết lộ nơi đang học tập. Quà do thân nhân gửi không được quá 5 kí. Trà, cà phê, rượu, muối bị cấm tuyệt. (Trần Vĩ)
Kết luận
Chế độ tù cải tạo dưới chế độ Cộng Sản vào những thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước đã đưa đến sự tàn phá tâm thần và thể xác cho nhiều quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa. Ðây là một thảm họa mà đến nay thế giới loài người văn minh cũng như con cháu chúng ta vẫn chưa biết được tường tận.
Các vị cựu nhân cải tạo sống sót hình thức tù đầy này cũng nên ghi lại những bài học đắt giá, những hy sinh của chính mình, của các bạn tù đã nằm xuống. Và các bà vợ tù nhân cải tạo cũng có nhiều cay đắng cuộc đời. Một thân phải tần tảo chăm sóc bầy con giữa những kỳ thị của chế độ mới, rồi lại còn trèo đèo lặn suối đi thăm nuôi chồng bị đầy ải nơi rừng thiêng nước độc. Ghi lại để các thế hệ con cháu, trong ngoài nước, hiểu nỗi lòng của mình. Cũng như để tránh tái diễn, nhất là đối với những người cùng chung dòng giống. Chứ không phải để nuôi mãi lòng thù hận nhau.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét