[Nắng mới]
Khi tiếng ve kêu râm ran cùng với những cái nắng oi ả ngập ngả tràn khắp mọi nơi là dấu hiệu báo một mùa hè mới lại về. Và khi những cánh phượng nở ra rực rỡ làm thổn thức biết bao tâm hồn thế hệ học trò cũng có nghĩa là một mùa thi lại đến. Trong sự thổn thức này còn chứa biết bao nỗi âu lo của các sỹ tử chuẩn bị bước vào một kỳ thi tuyển sinh đại học; đặc biệt là những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh tâm trạng háo hức được đặt chân đến những thành phố lớn, chiêm ngưỡng những ngôi trường đại học hiện đại, nơi mà mình sẽ “gieo ước mơ” thì nỗi lo về chi phí đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi… luôn thường trực trong tâm trí của các sỹ tử và gia đình của họ.
Năm nào cũng vậy, kỳ thi tuyển sinh đại học ở nước ta được tổ chức vào giữa những cái nắng chói chang, gay gắt đầu tháng 7. Bên cạnh sự vất vả từ việc phải vượt qua hàng trăm cây số, từ vùng sâu, vùng xa về thành phố, từ nông thôn về những miền đô thị; từ việc lo tìm đường xá, thuê trọ, chi phí cho dịch vụ ăn ngủ nghỉ sinh hoạt; rồi lại chịu đựng trước sự ồn ào, náo nhiệt, ngột ngạt chốn đô thị cũng như với cái nắng như thiêu đốt của ngày hè thì áp lực về các cuộc thi luôn khiến cho các sỹ tử mệt mỏi căng thẳng đến suy nhược cơ thể. Nhiều thí sinh do áp lực từ những kỳ thi, áp lực từ phía gia đình, áp lực từ môi trường mà đến ngày thi đã không đảm bảo đủ sức khỏe để có thể đi thi hoặc nhiều sỹ tử trong quá trình làm bài đã bị kiệt sức (nhiều trường hợp ngất trong quá trình làm bài). Đặc biệt là trong bối cảnh mà các chủ cho thuê trọ liên tục đẩy giá lên cao, các dịch vụ ăn uống, đi lại, điện nước, sinh hoạt cũng khiến nhiều sỹ tử và gia đình phải ngao ngán mà chất lượng của các dịch vụ cũng không được như mong muốn, nguyện vọng của họ. Nhiều gia đình ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, đến cái ăn cũng còn không được đảm bảo, nhưng vì ước mơ được học cái chữ và tương lai của con em sau này cũng đành phải “cắn răng” chấp nhận vay mượn hoặc bán đi một số của cải có giá trị trong gia đình để đưa con em xuống thành phố thực hiện ước mơ vào đại học.
Nỗi lo mùa thi của các sỹ tử và gia đình
Tuy nhiên, vấn đề này sẽ không còn là nỗi lo của các sỹ tử cũng như gia đình họ, bởi trong năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục, đào tạo đã xây dựng và triển khai thực hiện một hình thức thi tuyển sinh hoàn toàn mới. Đó là tổ chức ghép hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học vào thành một kỳ thi chung. Những thí sinh có nguyện vọng tuyển sinh vào các trường đại học sẽ lấy kết quả của kỳ thi này để gửi vào hội đồng xét tuyển của trường đại học mà thí sinh đó đã đăng ký nguyện vọng trong giấy báo dự tuyển. Theo đó, trên cả nước sẽ được tổ chức thành 38 cụm thi liên tỉnh để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học (đã được quy định theo địa phương và từng điểm thi cụ thể).
Như vậy, với quy định mới này thì các thí sinh chỉ phải thực hiện một kỳ thi chung và có thể đạt được hai mục đích đó là xét điểm để tốt nghiệp trung học phổ thông và xét điểm để tuyển sinh vào đại học. Quy định này sẽ làm giảm bớt áp lực cho các thí sinh khi phải trải qua nhiều kỳ thi quan trọng như trước kia; giúp Bộ Giáo dục, đào tạo và các trường phổ giảm bớt việc kinh phí, thời gian để tổ chức thi cử. Đặc biệt là đã giúp thí sinh và người nhà thí sinh giảm bớt kinh phí đi lại, ăn uống nghỉ ngơi, thuê trọ cũng như hạn chế sự quá tải về giao thông, các dịch vụ đi kèm tại một số thành phố lớn trong những ngày diễn ra các kỳ thi. Qua đây sẽ giúp các thí sinh bớt căng thẳng áp lực, gia đình các thí sinh bớt âu lo.
Nếu như quy định mới này của Bộ Giáo dục đào tạo được triển khai thực hiện tốt và phát huy hiệu quả thì những nỗi lo thường trực của các sỹ tử, gia đình sỹ tử cũng như toàn thể xã hội sẽ được “cởi bỏ” và những gánh nặng về vật chất cũng sẽ được giảm bớt đi. Nó sẽ giúp tạo tinh thần thoải mái, sự tự tin cho các sỹ tử bước vào một kỳ thi quan trọng đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét