Học giả Lê Văn Hảo (qua kí ức Nguyễn Đắc Xuân)

Bây giờ, nhiều người không còn biết, chứ chính thực Lê Văn Hảo là một trong những người soạn giáo trình Dân tộc học sớm nhất tại Việt Nam. Cuốn đó đã xuất bản ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1960, nhưng chỉ có tập 1 (mà không có tập 2). Sau này, ông cũng không để lại một công trình nào, mà theo tôi, có thể là dân tộc học. 

Dưới đây là một vài kí ức về ông, của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân ở Huế.

---

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN
  • Thứ ba, 10 Tháng 2 2015 22:44

TS : Tiến sĩ Lê văn Hảo quê ở Huế, con trai ông Lê Văn Tập-một đại phú gia ở miền Trung, du học Pháp (1953), đỗ Tiến sĩ Đệ Tam cấp ngành Dân tộc học (1961) tại Đại học Sorbonne, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (Centre national de la recherche scientifique) một thời gian rồi về nước (1965) giảng dạy Dân tộc học và Văn minh Việt Nam tại các Đại học Văn khòa Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông tham gia Phong trào đấu tranh đô thị của Sinh viên học sinh Huế (1966), cùng vói trí thức và sinh viên Huế làm các tập san yêu nước Nghiên cứu Việt Nam, Việt Nam Việt Nam, tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh nhà yêu nước Phan Bội Châu (1867-1967) tại thư viên Đại học Huế. Đầu năm 1968, ông ra vùng Giải phóng được cử làm Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Huế. Trong chiến dịch Huế Xuân 1968, ông được cử làm Chủ tịch UBND Cách mạng Thành phố Huế. Sau ngày thống nhất đất nước (1975) ông tiếp tục nghiên cứu lịch sử văn hóa Triều Nguyễn và Huế, góp phần vận động UNESCO công nhân di tích lịch sử Huế là Di sản văn hóa của nhân loại với tác phẩm bằng tiếng Pháp Hué, un chef d'oeuvre de poésie urbaine (Nxb Sudest Asie, Paris). Ông viết cuốn Huế Giữa Chúng Ta (Nxb Thuận Hóa, 1984) góp công đầu vào việc giới thiệu Huế.
Tháng 7-1989, ông được một Giáo sư người Pháp mời thỉnh giáng ở Đại học Paris 7, nhân đó ông có những phát ngôn không thuận với đời sống chính trị Việt Nam để có lý do xin được tỵ nạn tại Pháp. Được tin ông vừa qua đời vào ngày 13-1-2015 tại Pháp, nhớ ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có một hồi ức về ông sau đây :
[…] Từ mùa hè năm 1965, ảnh hưởng của Phong trào thơ văn âm nhạc vận động hòa bình ở các đô thị miền Nam Việt Nam đã lan sang châu Âu. Một số trí thức Việt Kiều ở Pháp như Thi Vũ, Tiến sĩ Dân tọc học Lê Văn Hảo, Tiến sĩ Phùng Khánh (sau nầy là Sư bà Trí Hải) đều rất xúc động khi nghe các  Tâm Ca của Phạm Duy. Lời bài Tâm Ca số 5 mang tựa đề Để Lại Cho Em là thơ của Nguyễn Đắc Xuân. Tiến sĩ dân tộc học Lê Văn Hảo biết tôi qua bài hát ấy. Vì thế khi về Huế dạy học, ông Hảo đã tìm tôi và sau đó, dù ông là giáo sư Đại học, tôi còn là sinh viên, nhưng vì cùng chung lý tưởng chống chiến tranh xâm lược, đầu tranh cho hòa bình dân tộc nên rất thân nhau. Trong thời gian gần gũi ông Hảo, tôi có nhiều kỷ niệm không thể nào quên.
Được đọc sách và tài liệu xuất bản ở Hà Nội       
Tôi vốn là người rất mê sách. Đồi với sách lạ và sách hiếm tôi càng mê hơn nữa. Ở Pháp về, ông Hảo mang theo 200 ký lô sách lịch sử văn hóa Việt Nam xuất bản ở Hà Nội gởi bán ở Paris. Để có thể lọt qua được cửa khẩu Tân Sơn Nhất Sài Gòn, ông Hảo đã phải xé bỏ bìa các sách của miền Bắc và thay vào đó bằng bìa một cuốn sách xuất bản hợp pháp ở miền Nam có cùng kích cở.  Ngoài sách, ông Hảo còn có hàng trăm bài nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam xé ra từ các tạp chí văn hóa lịch sử xuất bản ở miền Bắc. Đặc biệt về các chủ đề văn học dân gian. Tôi được ông Hảo cho phép sử dụng các sách miền Bắc để nghiên cứu và dạy văn sử ở trường Trung học Bán công Huế. Được học với các sách văn sử của miền Bắc, học sinh của tôi hết sức thú vị. Nhiều em đến nay gặp tôi vẫn còn nêu thắc mắc “Vì sao hồi ấy thầy lại có những sách cấm ấy?” Nhiều người lại có ý nghĩ tôi là cơ sở cách mạng nên mới có sách, tài liệu miền Bắc. Họ vừa thú vị vừa sợ tôi. Chính nhờ tủ sách của ông Lê Văn Hảo mà trong luận văn ra trường Đại học Sư phạm của tôi (1966) đã có những sách tham khảo về Hát bội vừa xuất bản ở Hà Nội. Ví dụ như sách Giá trị vở tuồng Nghêu sò ốc hến của Hòang Châu Ký và Phan Sĩ Phiên do Nhà xuất bản Văn hóa-Nghệ thuật Hà Nội xuất bản năm 1965.
Trong thời gian nầy sinh viên các Đại học Huế bên sông Hương hằng ngày phải chứng kiến cảnh Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Huế, chiến tranh của Mỹ hủy diệt văn hóa dân tộc lồ lộ ra trước mắt. Tinh thần dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ trong tâm trí người Huế như chưa bao giờ có như thế cả. Tôi chọn làm luận văn ra trường với đề tài Hát Bội - thuần túy văn hóa dân tộc, trong hoàn cảnh ấy.
Ông Hảo dạy ở Văn khoa và Sư phạm môn dân tộc học, được sinh viên say sưa học. Trong không khí đó, tôi cộng tác với ông Lê Văn Hảo bắt chước tạp chí Études Vietnamiennes của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viên ngoài Hà Nội cho ra đời tập san Nghiên cứu Việt Nam. Số 1 của Tập san có cả bài của Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Vĩnh Phan [1]. Ngoài việc phụ trách tòa sọan, tôi còn có bài nghiên cứu về Minh Khiêm Đường trong lăng vua Tự Đức. Nhờ làm Nghiên cứu Việt Nam với ông Lê Văn Hảo tôi được quen biết Giáo sư Trần Văn Khê. Sự quen biết ấy đã có một tác động tích cực cho cuộc đời nghiên cứu Huế của tôi sau nầy.
Tập san ra được vài số thì tôi bận lao vào cuộc tranh đấu từ đầu tháng 4-1966, công việc nghiên cứu bị bỏ giở. Sau ngày tôi thoát ly (7-1966), một số nhà nghiên cứu khác ở Huế tiếp tục cộng tác với ông Hảo ra thêm  gần mười số rồi mới đình bản.
 Đón bạn bè và đoàn hát dân ca của Phạm Duy
Ông Lê Văn Hảo con trai độc nhất của ông Lê Văn Tập - nhà giàu nhất Đà Nẵng, giáo sư Đại học, sống đọc thân nên tiền bạc dư dả. Phần tôi, học ở lại lớp, tuy học bổng đã bị cắt nhưng được rảnh đi dạy giờ ở trường Trung học Bán công Huế, lương cũng khá nên nhà ông Hảo và tôi luôn có khách. Đích thân ông Hảo và tôi đi chợ Bến Ngự hoặc chợ Đông Ba mua thực phẩm và tự nấu cơm đãi khách. Những hôm khách đông hoặc chúng tôi có giờ dạy không về nấu kịp thì các em gái của ca sĩ Hà Thanh nhà ở gần ga Huế qua nấu giúp. Cũng có hôm không nấu thức ăn được chúng tôi đi chợ Đông Ba mua một giỏ đủ các thứ chã  như chã quế, chã lụa, nem, tré đem về làm thức ăn. Khách của chúng tôi phần lớn là các nhà nghiên cứu hoặc các nghệ sĩ am hiểu về văn hóa dân gian như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, vợ chồng nhạc sĩ Vĩnh Phan - Bích Liễu, thầy Vương Hồng Sển.v.v.  Những vị khách để lại kỷ niệm sâu săc nhất là đoàn hát Dân nhạc do nhạc sĩ Phạm Duy dẫn đầu. Trong đoàn có ca sĩ Kim Oanh, Phạm Thúy Hoan. Cô Phạm Thúy Hoan hát hay mà đàn tranh cũng giỏi. Dân nhạc qua cách trình diễn mới mẻ của nhạc sĩ Phạm Duy  cũng góp phần nâng cao tinh thân yêu dân tộc của tuổi trẻ Huế lúc ấy rất nhiều.
Trong lần tiêp đón nhạc sĩ Phạm Duy ở cư xá Giáo sư Đại học 2 Lê Lợi ấy, ông đã để lại cho tôi một kỷ niệm không thể nào quên. Vào một buổi sáng ngồi uống cà-phê ở phòng khách, chúng tôi có ý không đồng tình về chuyện ông dang díu với một cô cháu của bà Từ Cung mà chúng tôi đã mời đến hát minh họa cho bài nói chuyện Dân nhạc của ông.  Chúng tôi sợ sự dang díu ấy sẽ gây ra một dư luận không hay trong giới sinh viên Huế. Phạm Duy không trả lời chuyện đó có hay không. Ông lặng thinh coi như không có chuyện gì quan trọng cả. Một lúc ông cầm một tờ báo cũ và đứng dậy mở cửa vào toilette bên cạnh phòng khách. (Vì hồi ấy chưa có giấy vệ sinh như bây giờ). Chúng tôi ngồi chờ câu trả lời của ông. Dăm phút sau bỗng có tiếng đấm cửa toilette thình thình. Tôi tưởng ông bị sốc vì sự thẳng thắn của chúng tôi mà gặp chuyện không hay nên nhảy tới vặn hột xoài mở cửa toilette. Ông nhoài cái đầu tóc hoa râm ra bảo tôi:
-“Cho tớ tờ báo khác!”
Tôi không hỏi ông lấy thêm tờ báo làm gì mà xoay người lại với trên bàn lấy đưa cho ông một tờ báo khác. Tất cả mọi người nhìn theo một cách khó hiểu. Phạm Duy trong bộ bà-ba nâu từ trong toilette nước ra đặt lên bàn cà-phê một mảnh báo cũ trên ấy viết bằng bút dạ  đen bài hát Tôi còn yêu tôi cứ yêu. Cái đầu đề bài hát như một lời thách thức “ông còn yêu ông cứ yêu, không ai cấm ông yêu được”. Câu trả lời của ông quá đủ. Chưa biết bài hát hay hay dở ra sao, nhưng trong ý nghĩ của mọi người, sự khâm phục tài sáng tác âm nhạc của Phạm Duy thay vào chỗ phiền trách ông.
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!
Tôi còn yêu, mãi mãi mãi mãi...!
Tôi còn yêu...đời tôi còn yêu người,
Tôi còn yêu tôi
Cho dù tôi đã chết rồi
Cho dù ai đã giết tôi
.v.v.
Tôi khâm phục tài sáng tác âm nhạc của Phạm Duy, tôi chịu ảnh hưởng tình tự dân tộc trong nhiều sáng tác của ông nhưng lúc đó đang mùa tranh đấu tôi không thích bài Tôi con yêu tôi cứ yêu. Trong lúc đất nước đau khổ như thế nầy chỉ có tình nước mới trọng. Sau nầy có dịp nghe lại trong hoàn cảnh thanh bình tôi mới thấy cái hay của bài nhạc ấy. Và chính vì thế mà tôi ghi lại kỷ niệm nầy. Kỷ niệm một chuyện tình gắn với một tác phẩm nổi tiếng.
Sự thực tôi biết Phạm Duy còn có nhiều chuyện tình khác nữa ở Huế nhưng tôi chưa thấy nó gắn với một tác phẩm nào khác nên tôi để cho nó nhòa đi với thời gian. 
Làm báo “Việt Nam Việt Nam”
Đầu năm 1966, tinh thần chống Mỹ trong giới sinh viên đi vào chiều sâu. Một nhóm bạn tranh đấu gồm các anh HP Ngọc Tường, HP Ngọc Phan, Lê Thanh Xuân, Lê Tử Thành, và tôi (lấy tên là Nguyễn Khắc Túy) tranh thủ ông Lê Văn Hảo cho sử dụng gian hộ riêng của ông trong cư xá giáo sư Đại học để  làm tờ tập san chống Mỹ Việt Nam Việt Nam. Tên tập san Việt Nam Việt Nam rút từ tên một bài hát nổi tiếng trong trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy.
“ Việt Nam ! Việt Nam
Nghe tự vào đời
Việt Nam hai câu nói
Bên vành nôi
Việt Nam nước tôi”
Bìa tập san Việt Nam Việt Nam do Đinh Cường vẽ. Lúc nầy tôi tham gia tranh đấu nên tôi không có bài trong Việt Nam Việt Nam. Vì công việc tôi thường ở lại các chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm hay tại phòng trọ cũ của tôi ở Đập Đá bên bờ sông Thọ Lộc nên phòng ngủ ông Lê Văn Hảo dành cho tôi chuyển lại cho đôi nhân tình Lê Tử Thành/ Thắm. Anh chị Thành Thắm vừa viết bài vừa giúp đánh máy và quay Ronéo tập san Việt Nam Việt Nam.
Tập san Việt Nam Việt Nam ra đời đúng vào lúc Huế phát động cuộc đấu tranh vào đầu mùa hè năm 1966. Vì thế tôi chỉ đọc lớt phớt nên không nắm được những thông tin chống Mỹ rất quyết liệt trong đó. Nhiều người đọc rồi sợ cho chúng tôi. Một người cháu rể của cô bạn gái Nguyễn Khắc cúa tôi ở Đông Hà đọc xong rồi bảo tôi:
-“Quan điểm lập trường chống Mỹ trong Việt Nam Việt Nam là của Mặt trận Giải phóng chứ không phải của Phật giáo các anh”.
Tôi thơ ngây trương cổ cải chính cho đến nỗi tôi và anh chàng ấy giận nhau. Gia đình của cô bạn gái của tôi rất phiền lòng. Sau nầy có dịp nhắc lại chuyện cũ, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường mới tiết lộ cho tôi biết: “Cái nhóm làm Việt Nam Việt Nam, hồi tết năm Bính Ngọ (1966) từng ra vùng Giải phóng Khu V học chính trị và các bạn đã làm Việt Nam Việt Nam dưới sự chỉ đạo của một cán bộ Mặt trận Giải phóng”. Người cán bộ chính trị ấy chính là ông Lê Phương Thảo (tức Lê Công Cơ) - người đồng chí đồng sự với tôi sau nầy. Trong hồi ký Năm Tháng Dâng Người, ông Lê Công Cơ có ghi lại sự kiện làm tập san Việt Nam Việt Nam trong nhà ông Lê Văn Hảo. Tiếc là có nhiều chi tiết tác giả ghi không trung thực nên tôi đã có bài đính chính trên tạp chí Sông Hương và báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam [2].   
Nhớ lại chuyện xưa, tôi thấy gian hộ cư xá Đại học của ông Lê Văn Hảo ngày ấy đã chứa chấp đủ hạng người “Quốc gia”, Mặt trận Giải phóng, Phật tử. Mỗi người có mỗi khuynh hướng chính trị khác nhau. Nhưng may mắn là tất cả đều mang một cái gốc dân tộc nên không hại nhau. Với một ý nghĩa tương đối có thể nói ông Hảo đã có vai trò đoàn kết dân tộc. Và, có lẽ vì thế, Mặt trận Giải phóng Thành phố Huế, qua Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mời  ông Lê Văn Hảo ra chiến khu và đặt ông làm Chủ tịch Mặt trận Liên minh các LLDTDC và HB TP Huế trong Tết Mậu thân 1968 chăng?   
*
*     *
Tính tình ông Lê Văn Hảo phóng khoáng, đôi lúc hơi bất bình thường một cách khó hiểu, do đó trong hoàn cảnh bao cấp, có lúc ông bị nghi kỵ phũ phàng. Không đạt được những gì ông mong muốn nên vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước ông sang Pháp thăm gia đình và định cư ở Pháp luôn. Ở nơi ông từng sống và học tâp nhiều năm, ông viết báo, trả lời phỏng vấn của các Đài Phát thanh phương Tây, ông chối bỏ quá khứ quan hệ với Cách mạng Việt Nam của ông, ông cũng dựng lên nhiều chuyện không đúng về những người thân quen trước đây, trong đó có tôi. Trước chuyện đời oái oăm như thế, tôi vẫn không giận ông, không viết bài phê bình ông mà chỉ tiếc cho ông thôi. Năm 1996 rồi năm 2005 sang Paris tôi đã tìm thăm ông ở Bảo tàng Louvre, và nhà riêng của ông. Tôi tự hào về thời tranh đấu của tuổi trẻ Huế những năm sáu mươi cho nên tôi không xem trọng sự thay đổi của Giáo sư Lê Văn Hảo. Và không ngờ tôi cũng đã được ông Hảo đáp lại.
Năm 2005, trong một bữa cơm thân mật ở Quận 13, ông tâm sự:
   - “Qua đây mình muốn ở đây nên phải nói vậy và viết vậy người ta mới cho mình tỵ nạn chứ đối với đất nước, đối với anh em mình vẫn quý như xưa!” Thật thấm thía “Chuyện đời ai có qua cầu mới hay”. 
 Là một người trong cuộc, một người nghiên cứu sử, tôi thấy ngày nay ở Việt Nam có thêm môt ông Lê Văn Hảo hay nhiều ông Hảo khác cũng không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời ở Paris có thêm một hay vài chục ông Lê Văn Hảo chống chính quyền Việt Nam nữa cũng không có ảnh hưởng gì đến thời sự Việt Nam cả. Nhưng sự xuất hiện của ông Lê Văn Hảo ở Huế và chiến khu Thừa Thiên Huế từ năm 1965 đến 1975 không ai có thể thay thế được, không ai có thể phủ nhận được. Và chính ông Hảo sau nầy cũng không có một phép mầu nào có thể giúp ông sửa lại được quá khứ của ông. Chuyện đó đã đi vào lịch sử. Hãy để cho lịch sử phán xét.
Ông qua đời ở xứ người xa xôi, không thể đến viếng ông được, tôi mượn đoạn hồi ức nầy xem như một nén hương tưởng niệm ông, mừng ông đã giải nghiệp. 
Chú thích:
[1]Thânsinh của các nhạc sĩ Bảo Chấn, Bảo Phúc hiện nay
[2]Nguyễn Đắc Xuân, Một cuốn hồi ký cần viết lại, báo Văn Nghệ số 33 (19-8-2006), tr.9
http://vanhoanghean.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/nho-tien-si-le-van-hao-thoi-o-hue

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét