Phận di cư (tản văn của Đinh Linh)

Đinh Linh là một nhà văn song ngữ Anh - Việt hiện sống tại Mĩ. Anh có lối viết tản văn thú vị về hình ảnh của người Việt ở nước ngoài, tâm tư của họ ở nơi di trú, qua trải nghiệm của chính anh.

Lâu lâu mới thấy lại tản văn của Đinh Linh. Tôi chép nguyên xi từ tiền vệ về ở dưới.

Về một dịch phẩm thơ tiếng Việt ra tiếng Anh mới nhất của Đinh Linh, có thể xem lại ở đây.

---
Đinh Linh

Phận di cư

Năm 98, tôi ngồi trên xe cá mập, chạy từ Nội Bài vào Hà Nội. Trên xe, có một cô người Huế hỏi tôi về đời sống bên Mỹ, “Ở bên đó, người Việt sống với nhau?”
“Ai muốn sống đâu thì sống.”
“Họ không bắt mình ở riêng?” Cô này mảnh khảnh, xanh xao, nút áo thắt tận cổ, giọng thì cứ phảng phất, vang vang như đã hất lại từ một chốn rất xa vời và âm u.
“Ở bên Mỹ, có xóm Việt, nhưng ai muốn sống đâu thì sống.”
“Lạ nhỉ.”

Một cái xóm Mỹ cũng không giống ở Việt Nam, vì thường thì mỗi nhà riêng biệt, không ai đếm xỉa đến ai. Vì mạnh ai nấy sống, tên nào bê, ả nào ngựa, con cái nhà nào vào băng đảng hay nghiện ma túy thì cũng mặc kệ. Nhiều khi chết cứng cả tháng cũng chẳng ma nào hay. Dưới hầm nhốt vài cô nô lệ tình dục cũng đếch ai biết.

Đến nước người ít nhiều cũng phải hoà nhập, dĩ nhiên, nhưng có kẻ hứng quá, chối luôn gốc Việt. Tại Philadelphia, tôi chứng kiến một cảnh quái đản tại một quán Việt Nam. Bắt chuyện với chủ tiệm, một cựu chiến binh Mỹ nói, “Hồi đó tôi đánh ở Quảng Trị và Khe Sanh.”

Tròn vo, mắt hí, chủ tiệm chỉ ngớ ra.
Gã lính già nói tiếp, “Anh có biết Khe Sanh?”
“Không.”
“Anh không biết Khe Sanh! Vậy thì anh có biết Quảng Trị?”
“Không.”
“Anh cũng không biết Quảng Trị! Vậy thì anh có phải là người Việt?”
“Không, tôi người Canada.”
“Anh người Canada! Anh không đẻ tại Việt Nam?”
Ra vẻ khó chịu, tròn vo, mắt hí trả lời với giọng Lục Tỉnh chính gốc, “Tôi di cư từ Canada qua Mỹ.”
Mỉm cười, gã lính già quay đít, rời tiệm bánh mì thịt nguội.

Tuy hiếm hơn, cũng có kẻ qua Tây thì lại Ta tới bến! Ở Sài Gòn trước 75, Phước mặc quần tây, áo sơ-mi như cả triệu thanh niên khác, nhưng đến Philadelphia, dần dần hắn biến thành sư phụ. Để tóc dài, râu mép và thường bận quần áo Trung Hoa truyền thống, Phước như từ phim chưởng bước ra, nhưng hắn chính là một đại ca Thất Sơn Thần Quyền, nên kẻ nào dám xấc xược, mỉa mai, kiếm chuyện, sư phụ Phước chỉ cần búng một phát thì sẽ hộc máu, ngã ngửa, văng thẳng về Núi Sam! Cách đây 30 năm, Phước mở võ đường, rồi đi biểu diễn đường quyền khắp nơi, thắng cả trăm giải, trưng cúp đầy nhà.

Lắm khi người Mỹ đọc trệch tên Phước thành Fuck, nhưng hắn chỉ cười xoà. Biết rèn đạo thì không nên chấp vặt. Fuck you hay phật du cũng vậy thôi.

Người Việt ra nước ngoài làm vẻ vang nòi giống. Cách đây vài tháng, băng Việt Nam Born to Kill tra tấn, chém rồi quăng ba khứa xuống sông Schuykill tại Philadelphia. Huỳnh Vũ, 31 tuổi, và Huỳnh Việt, 28, thì chết ngắc, nhưng Vương Thành thì nhờ ông bà ban fuck lành, bò được lên bờ tuy đã bị đâm cả mấy chục phát. Thủ phạm chính, Lê Minh Tâm, vẫn chưa bị bắt. Born to Kill, “Sinh ra để giết,” là khẩu hiệu của lính Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.

Càng túng thiếu, vô giáo dục hay bơ vơ thì càng dễ vào du đãng, và nước Mỹ có khoảng 33.000 băng đảng với 1.4 triệu tên mình xăm, mặt thẹo. Tôi thì chưa bao giờ buôn ma túy, chĩa súng tước của, tống tiền hay bán cái trò, à, giao cấu, nhưng cách đây 20 năm, có lần tôi lò mò ban đêm, suýt nữa bị một tên Mỹ đen giải phóng kinh tế. Hắn xoè búa, nhưng không nỡ gõ, nên tôi khỏi vỡ sọ. Tuy xỉn, tôi đủ tỉnh để lớn tiếng cho ai nấy nghe được, kêu cảnh sát giùm. Tại toà, tên cướp bảo hắn phải thủ búa để tự vệ, vì đã bị du đãng Á châu xơi! Dẫn bằng chứng, hắn chỉ vào vết thẹo trên mặt từ thuở nào đó. Hên là quan toà, cũng Mỹ đen, chẳng tin. Xong chuyện, gã cảnh sát, cũng đen thui, cám ơn tôi, “Nhờ lời khai của mày minh mẫn. Tụi tao bắt thằng này 7, 8 lần, nhưng bây giờ mới đủ bằng chứng để giam.”

Nhìn nước Mỹ từ Việt Nam, ai cũng chỉ thấy những cảnh Cali hay Las Vegas, đèn chớp lẫy lừng, đường phố vui nhộn. Hơn nữa, Việt kiều về nước thì lại nổ và xa hoa. Vì chỉ đám có tiền mới bay tới, bay lui, người trong nước không bao giờ thấy bọn Mít mạt rệp. Ở Philadelphia, người Việt nghèo rất đông, và họ cũng sống ở những xóm rất lôi thôi và nguy hiểm, như Kensington chẳng hạn. Tại đây, phần lớn không sơn móng tay mà hớt tóc, và họ chỉ tính $5 một đầu, rẻ nhất Philadelphia. Khách của họ là trắng, Mỹ Latinh và đen.

Cái nghèo ở Mỹ vẫn khác xa sự bần cùng tại Việt Nam, vì ở Mỹ, nghèo cách mấy thì cũng có gì đó để nhét vào miệng. Tại Kensington, mỗi chiều, hơn 350 người ăn uống tại nhà từ thiện Thánh Phanxicô. Sau 5 giờ, bạn sẽ thấy họ xếp hàng ngoài cổng. Xốc xếch, hôi hám hay ăn mặc gọn gàng, khá tử tế, họ là những kẻ vô gia cư, người già, thanh niên và những bà mẹ trẻ đẩy con trên xe. Ở Mỹ, chuyện lo âu nhất cho ai nấy là tiền nhà mỗi tháng. Chịu không nổi, khoảng 1.5 triệu người phải ngủ dưới trời, trong lều hay trong xe hơi ít nhất vài ngày mỗi năm. Tất cả thành phố Mỹ đều có cả trăm hay thậm chí mấy ngàn người lăn lóc ngoài đường. Nhiều nơi họ chiếm luôn cả một xóm, như Tenderloin tại San Francisco, chẳng hạn, hay Skid Row tại Los Angeles.

Không có bao nhiêu người Mỹ gốc Việt vô gia cư. Có lẽ ta khéo xoay xở, sống chật và chung đụng cũng được, miễn sao không lạnh cóng ngoài lề đường. Nhiều người Việt cũng rành mánh mung, vừa làm chui vừa xin trợ cấp đủ kiểu. Cuối tháng 11, 2014, có tin một mụ người Việt lừa đảo thiên hạ. Bà Sandy Nguyễn cho con trai sáu tuổi giả vờ bị ung thư để quyên tiền. Được $25,000, Sandy lấy $16,000 để đi Disneyland với gia đình. Bể mánh, mụ bị ba tháng tù.

Năm 1995, có một người Việt vô gia cư, 28 tuổi, lên tin tức khi hắn giết thầy Thích Hạnh Mãn tại Chùa Bồ Đề, chỉ cách chỗ tôi ở 10 phút đi bộ. Nguyễn Ngọc Lân vượt biên không có gia đình, rồi trở thành du đãng tại California trước khi mò đến Philadelphia. Đói, hắn vô chùa để ăn, rồi khi mùa đông đến, xin thầy Hạnh Mãn cho chỗ ngủ. Tuy nhiều phật tử cứ thấy rờn rợn gần tên Lân, thầy chịu chứa hắn. Thầy thường dạy, “Mở cửa chùa là đóng cửa tù.” Để trả ơn, Lân chém thầy Hạnh Mãn khoảng 40 phát vào đầu, mặt, cổ và mình. Giết xong, hắn tự nộp tại bót cảnh sát. Lân nói thầy Hạnh Mãn đã hiếp dâm em gái của hắn, tuy Nguyễn Mai không phải là em của Lân, và cô cũng chẳng bị ai hiếp. Hơn nữa, Mai, 18 tuổi, hoàn toàn không có quan hệ tầm bậy gì với thầy Hạnh Mãn, 43 tuổi. Ra toà, luật sư (chùa) của Lân nằng nặc nói hắn rõ ràng điên vì lớn lên trong một môi trường đe doạ và náo loạn, không có ai dạy dỗ hay đùm bọc, nhưng chính phủ thì cãi Lân đủ tỉnh rồi. Rốt cuộc, Lân bị nhốt chung thân.

Tại Kensington, người Việt chỉ lo làm lụng rồi chui vào nhà, vì la cà sẽ có phen lãnh đạn lạc! Năm 2010, tôi gặp anh Tùng. Vượt biên năm 1982, anh ở trại tị nạn Nam Dương một năm rồi đến Louisiana. Anh làm trên mỏ dầu ngoài khơi, cứ ba tuần giữa biển, một tuần được lên bờ. Hai mươi bảy thằng nhìn nhau chán ngấy. Sau giờ lao động, họ câu cá. Được bao ăn hả hê, lại không có cơ hội tiêu xài, túi Tùng khá bộn, nhưng rủi ro công ty sạt nghiệp, khiến anh phải dạt đến Seattle, Spokane, Kansas City rồi Philadelphia. Tại Kensington, anh đổ mồ hôi tại xưởng thép 13 năm cho đến khi nơi này cũng thẳng cẳng. Nay, anh phụ trách những việc lặt vặt cho một trường tư, nơi chính bốn đứa con anh học. Anh thốt, “Tụi nó chỉ đi học rồi về nhà. Xóm này khiếp lắm!” Con gái lớn của Tùng học cực kỳ giỏi nên được bốn đại học cấp học bổng tám năm. Bây giờ cô ấy đang ở trường Penn nổi tiếng. Học phí thông thường là $48,000! Đó là chưa kể tiền sách vở, phòng ở và ăn uống.

Hàng chạy nhất tại Kensington là heroin và, về đêm, đĩ bèo. Xưa, đây là một xóm của người Ái-nhĩ-lan, và băng đảng của họ có bày ra một trò rất có duyên, Kensington Mouthwash. Sau khi bắt kẻ xấu số nằm sấp và cạp lên mép lề đường, du đãng đạp lên đầu. “Súc miệng Kensington” là khi răng và máu phun ra. Thỉnh thoảng, tôi cũng lên Kensington chơi, nhưng không phải để nhổ răng kiểu này, mà để tu bia. Chiều trước Noel, tôi tạt vào quán Jack’s.

Người Việt nhấm nháp tại bàn, với bạn bè, và thường thì phải có mồi. Người Mỹ thì ưa nốc bia tại quầy, nghĩa là mỗi người một ghế cao, không cần bàn, và tuy cách nhậu này trông khá cô đơn, nó cũng tạo điều kiện cho những người dưng tán dóc với nhau. Bên cạnh tôi là một gã Dominican 57 tuổi, Pedro. Hắn triết lý, “Có chó chihuahua, greyhound, béc-giê, bulldog, nhưng ai cũng là chó, mày hiểu không, nên chúng ta phải đoàn kết!”

Thêm vài cốc bia, hắn lại xổ, “Có đầu, hai tay, hai chân, thân mình và lỗ đít, nhưng ai cũng muốn làm đầu, chẳng ai thèm làm lỗ đít, nên cả đám quăng lỗ đít xuống sông. Bơi ngửa, như vầy, lỗ đít còn bị chửi, ‘Đụ mẹ mày, lỗ đít!’ Nhưng lúc cần ỉa thì, oái oăm thay, lỗ đít đâu rồi?! Mày có thể là lỗ đít, tao là lỗ đít, nhưng ai cũng có một vai trò, mày hiểu không?”

Khi tôi khai tôi 51 tuổi, Pedro thốt, “Chúc mừng!” Bill, gã bán bar, nhảy vào, “Mày chúc mừng vì nó 51 tuổi?!”
“Đúng, vì không phải ai cũng sống lâu như vậy!”
“Mày bao nhiêu tuổi?” Tôi hỏi Bill.
“52.”
“Tao chúc mừng mày luôn,” Pedro rống, rồi quay qua tôi, “Hôm trước, tao chào một đám thanh niên ngoài đường, nhưng bọn ấy kên, kên tao như muốn giết tao vậy! Một thằng nói, ‘Mày dòm cái gì đó?’ Tao chỉ cúi đầu, lẳng lặng đi. Tại xóm này, mày có thể bị bắn sảng như chơi!”

Trước ngày lễ, quán khá tưng bừng. Một kẻ bán bít-tất rong tạt lại từng khách, gạ gạ. Một khứa khác tính bán phim lậu nhưng bị đuổi đi. Sau quầy là một loạt vé sổ số với những màu rực rỡ và hình ảnh Noel. Cái rẻ nhất thì $1, mắc nhất $20. Tôi thấy bao nhiêu người mua rồi cạo cạo, nhưng chẳng thấy ai thắng. Bỗng nhiên, ba bốn người xâm nhập bar để tặng mỗi bợm rượu một gói plastic với những thánh giá nho nhỏ, xanh, đỏ, tím, vàng. Bên trong là một bao mì gói, bịch khoai tây chiên, bịch đậu phộng, bịch bánh giòn phảng phất mùi phô-ma, những loại kẹo rẻ tiền nhất, hai thiệp giáng sinh và năm tập sách giảng đạo.

Noel tại Sài Gòn, thiên hạ tràn vào phố để đi dạo vòng quanh Nhà Thờ Đức Bà. Noel đầu tiên tại Mỹ, năm 75, cha tôi chở tôi và em trai vào trung tâm thành phố nhỏ Tacoma. Hớn hở, tụi tôi tưởng sẽ nhộn nhịp lắm, nhưng đến nơi, chỉ thấy vắng hiu. Noel ở Mỹ là ngày tụ tập dưới mái ấm gia đình, không phải lễ hội. Lái vòng vòng, cha tôi mới phát giác một gã đứng ngoài đường xin quá giang, nên cho hắn lên xe rồi chở đến tận nhà cách đó khoảng năm, sáu cây số. Nói cám ơn, hắn xuống xe rồi thui thủi bỏ đi. “Mình chở nó xa như vậy mà nó cũng không mời vào nhà!” Cha tôi than. Ở Việt Nam, mới quen là đã rủ về nhà đấu láo hay ăn uống, nhưng ở Mỹ, có nhiều người quen nhau mấy chục năm nhưng chỉ gặp tại những nơi công cộng như quán bar.

Chỉ quay đi, quay lại mà đã gần 40 năm tôi rời Việt Nam, tuy lớn lên, tôi có trở về để sống tại quê nhà hơn hai năm rưỡi. Cách đây vài tháng, tôi gặp một cựu chiến binh Mỹ tại Pasco, Washington. Hắn bảo, “Vì tao đã qua Việt Nam nên Việt Nam sẽ luôn luôn là một phần của tao.” Sống tại Mỹ tổng cộng 35 năm, tôi rõ ràng đã hoá thành người Mỹ, tuy trong những lúc như vầy, khi lải nhải, giúp vui, giễu dở bằng tiếng mẹ đẻ, tôi vẫn ráng giả vờ rằng tôi đã không bị bốc tận rễ bởi lịch sử, như quá nhiều kẻ trên thế gian này, kể cả những người chưa từng rời Việt Nam. Mất gần hết, ta phải phớt tỉnh hay cười xoà, vì chỉ có thế thôi, thế thôi.


-------------------------

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét