Lời tâm sự của một Ông Lợn.

[Bùi Nam Bình]

Tôi đi rồi, các anh chị ạ. Nhưng dù trên thiên đàng hay dưới địa ngục, tôi vẫn không được yên với những lời bàn ra tán vào của các anh chị trên hạ giới, nên đành lòng tôi lại hiển hiện ra đây hầu chuyện các anh chị.

Khổ cái thân tôi, trót sinh ra thân lợn mà không được làm cô lợn Mán, chú lợn mường, được cái tiếng thơm thịt giòn da đến tận từng bàn tiệc. Càng không được làm anh lợn cảnh, được bế ẵm suốt ngày, ngủ trên đi-văng của gia chủ. 

Tôi lại là một gã lợn lai các anh chị ạ. Chỉ vì chữ “lai” mà tôi nặng cả tạ. Và chết nữa là tôi lại béo tốt hồng hào, ôi tội nghiệp thân tôi, giá tôi còm cõi ốm yếu, tôi sẽ không phải làm “ông lợn”.



Người ta gọi tôi đầy kính trọng là “ông lợn”. Rồi người ta diễu tôi khắp xóm làng, người ta ném tiền “mừng tuổi” tôi mặc dù ai cũng biết rằng chỉ ít phút nữa thôi, tôi sẽ rơi đầu dưới bàn tay của chính họ. Một sự tử tế quá mức. Và họ gọi đó là văn hóa truyền thống.

Người ta dong tôi đến trước sân đình. Ôi thôi thôi, tôi sợ quá, tôi tè, tôi bĩnh ra cả sân đình trước cả ngàn cặp mắt chăm chú hau háu của họ. Tôi vốn sợ chết, tôi nhát lắm, nhưng các anh chị thông cảm cho tôi vì trước cái chết thảm thương có mấy ai không sợ. Còn họ vô cảm, họ cười nhạo, họ chỉ trỏ, họ bình phẩm. Họ gọi đó là văn hóa truyền thống.

Người ta chém đầu tôi, vì người ta cho rằng họ kế tục truyền thống của ông Lý Đoàn Thượng nào đó. Người ta chẳng cần biết ông Lý Đoàn Thượng là ai, đánh giặc nào. Người ta chỉ cần biết tôi phải bị chém đầu. Giá như cái ông họ Lý trước kia chém hổ, beo, voi, gấu... thì bây giờ đâu đến nỗi, vì bây giờ làm gì còn hổ, còn voi cho họ chém. Nhưng họ lại chém lợn, các anh chị ạ, theo cái cách tàn bạo và thảm thương nhất có thể, và họ gọi đó là văn hóa truyền thống.

Rồi có 4 thanh niên trai tráng lực lưỡng trói chặt, kéo giăng bốn chân tôi, để một anh khác vung đao chém cổ tôi. Họ gọi đó là bản sắc nhân hậu. Họ gọi đó là anh hùng thượng võ. Họ cho rằng đó là văn hóa truyền thống.

Họ hả hê dùng tiền chấm máu tôi, mang về để đầu giường mà mong được an lành, may mắn. Tôi chợt nhớ có ông Lỗ Tấn viết thiên truyện về bánh bao tẩm máu người tử tù có thể chữa bệnh ho lao. Hơn trăm năm rồi, sao vẫn cứ u mê như thế. Và họ biện minh rằng đó là văn hóa truyền thống.

Lại có ông giáo sư cho rằng, không chém tôi thì sẽ thể hiện “tâm lý tự ti, mặc cảm của dân tộc”. Ôi, tôi lạy ông, dân tộc Việt của ông sẽ tự ti, mặc cảm với toàn thế giới vì không giết một con lợn tầm thường như tôi hay sao? Một lần nữa tôi lại được nâng tầm quá mức. Tôi chóng mặt quá, thưa giáo sư.

Lại có ông giáo sư khác cho rằng “Khái niệm “dã man” chỉ là là một sản phẩm của phương Tây thời thực dân”. Lạy ông, vậy ông yên tâm rằng phương Đông của ông không có sự dã man? Ông còn sợ rằng nếu không chém cổ tôi, thì con cháu sẽ “mất gốc”. Ôi, tôi lại phải lạy ông lần nữa. Cái gốc của dân tộc Việt, lại dựa trên hành động tàn bạo chém cổ một con vật theo cái cách hèn hạ như thế sao?

Đằng nào thì tôi cũng bị chém cổ rồi. Nhưng tôi chỉ ước, giá như tôi được làm anh bò tót ở Tây Ban Nha, trước khi chết tôi có thể một đấu một, sòng phẳng với cái tay sắp chém cổ tôi. Mà nghe đâu giờ Tây Ban Nha cũng bỏ tục này rồi.

Đằng nào thì tôi cũng chết rồi. Tôi chỉ mong các anh các chị  làm những gì cho đúng với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt như các anh chị vẫn nói:  nào là thông minh, nào là nhân hậu, nào là cao thượng, nào là vị tha...

Thôi, chào các anh chị, tôi thăng.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét