Hôm trước, lùi về thời điểm những năm đầu và giữa thập niên 1990, tôi đã kể chuyện về anh hùng Nguyễn Đức Thìn (ở đây).
Đại khái đã kể:
"Thời đầu những năm 1990, còn mê mẩn với quan họ, nên chúng tôi (thường là một thày và một trò sinh viên) hay du lãng quanh các làng khu vực Lim, Ó, Diềm, Báng, Ném,... Xe máy 50 phân khối được mang về từ Căm Bốt. Thi thoảng phải đẩy nổ. Và hay dừng lại trên đường để hút thuốc xanh (nhãn thuốc ấy bây giờ cũng đã quên tịt, vì sau đó thì Vinataba chiếm mất chỗ - à, tựa như là "sâu-vơ-nia" theo lối phát âm thời đó).
Lúc ấy, lễ hội xứ Kinh Bắc kèm "hủ tục" và không kèm "hủ tục" về cơ bản vẫn nằm im lìm, không động đậy (cũng có chỗ đã quẫy quẫy sau khi Hợp tác xã Nông nghiệp đã chính thức bị giải thể). Riêng Bà chúa Kho thì đã bắt đầu có thêm nhà để xe, mà trông xe là tổ các cụ trong làng phân công nhau. Anh hùng Nguyễn Đức Thìn sau những hồi kể chuyện làng Báng ở chỗ dự định sẽ thành đền Lí Bát đế thì đưa về nhà ông - một cửa hàng chuyên phô-tô. Một người tài hoa kì lạ (ông bị mất tự do ở hai tay, nhưng chụp ảnh máy cơ rất thiện nghệ). Ông bảo: bao giờ đền Lí Bát đế khánh thành, thì khu này mới hưng vượng được.".
Đại khái đã kể:
"Thời đầu những năm 1990, còn mê mẩn với quan họ, nên chúng tôi (thường là một thày và một trò sinh viên) hay du lãng quanh các làng khu vực Lim, Ó, Diềm, Báng, Ném,... Xe máy 50 phân khối được mang về từ Căm Bốt. Thi thoảng phải đẩy nổ. Và hay dừng lại trên đường để hút thuốc xanh (nhãn thuốc ấy bây giờ cũng đã quên tịt, vì sau đó thì Vinataba chiếm mất chỗ - à, tựa như là "sâu-vơ-nia" theo lối phát âm thời đó).
Khi khác chuẩn bị xong ảnh chụp cũ thời đó (chuyển từ kĩ thuật cũ ngày xưa sang kĩ thuật số), sẽ đưa một ít lên đây.
Bây giờ, đọc một bài mới thấy của Đỗ Doãn Hoàng - phỏng vấn người anh hùng ấy. Qua đó được biết: hiện ông đã trở thành thủ từ đền Đô.
---
Đỗ Doãn Hoàng
Đỗ Doãn Hoàng
ông từ đền Đô
Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn:
“Sóng biển, cũng như sóng gió của cuộc đời không bao giờ hết được”, nhưng…
Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn, khi đang phơi phới sự nghiệp, bị mắc bệnh hủi. Hơn nửa thế kỷ trước, sự hành hạ đau đớn do vi khuẩn bệnh phong, vẫn bị cả xã hội coi như cái gì đó kinh hoàng, chết chóc, đáng xa lánh nhất. Chân tay co rút, dị tật suốt đời, di chứng bệnh phong còn lại trên cơ thể ông đến tận hôm nay. Nhưng ông, bằng nghị lực thép, đã trở thành một huyền thoại vượt lên, đối mặt, tự hào vì chiến thắng bệnh phong (hủi). Ông, đến giờ phút này, vẫn đang tiếp tục là một hướng dẫn viên nổi tiếng ở khu di sản, tâm linh Đền Đô, tỉnh Bắc Ninh (nơi thờ 8 vị vua đầu tiên của Triều Lý). Ông cũng là nghệ sỹ nhiếp ảnh ấn tượng, người đã chụp bức ảnh cả nước biết tiếng – “Bát đế vân du” – tại Đền Đô. Hơn nửa thế kỷ trước, ông còn là người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” làm nức lòng đồng bào cả nước.
Làm thơ khi đang khám bệnh, đối mặt với “án tử” của “tứ chứng nan y”
PV: Ngày xưa, bệnh phong (hủi) được xếp vào tứ chứng nan y, người ta thả bệnh nhân trôi sông cho chết, thả vào rừng cho hổ ăn thịt, người ta kỳ thị không chơi với con nhà mõ với con nhà hủi. Vậy, khi ông bắt đầu nhận ra mình bị bệnh phong thì lúc đấy mọi thứ đang như thế nào ạ?
Ông Nguyễn Đức Thìn: Vẫn kỳ thị ghê lắm, nhưng ở trường tôi các bạn rất tế nhị.
Đầu tiên tôi thấy các ngón tay co lại, mất cảm giác, không biết thế nào là đau đớn, nóng lạnh. Lúc đó, ban hiệu trưởng trường mới bảo tôi là ông phải điều trị đi. Tôi lên bệnh viện huyện, người ta bảo phải đến Bệnh viện Bạch Mai. Khi tôi đến Bệnh viện Bạch Mai, vào B10, bác sĩ Nguyễn Quốc Ân là người khám bệnh. Ở đó có rất nhiều sinh viên thực tập đang được bác sĩ Ân hướng dẫn, nhìn các bạn ấy, tôi đã bắt gặp một số gương mặt thân quen – đó là các học sinh tiên tiến mà tôi đã dạy; nói thật là lúc đó ngượng lắm. Tôi đã không để ý lời bác sĩ Nguyễn Quốc Ân, lúc ấy tôi nghĩ ra một bài thơ; đến khi khám xong rồi, họ bảo chờ đến chiều lấy kết quả, tôi mới cảm ơn bác sĩ Ân đã khám bệnh cho, tôi xin tặng bác sĩ một bài thơ – bài “Trong phòng khám B10”:
“Tư lệnh nhìn sao vàng
Dõi theo từng vết nhỏ
Tình cờ cao chấm đỏ
Khoanh khoanh lại từng vùng
Quân thù đóng ở đây
Làm liệt cột sống
Phải siết chặt vòng vây
Diệt ngay không thể chậm
Đoàn quân nghe chính ủy
Tư thế rất sẵn sàng
Lên đường tiêu diệt địch
Cho yên đẹp xóm làng
Tư lệnh là bác sĩ
Sao vàng là thân tôi”.
Bác sĩ Ân đã bảo tôi rằng “cậu làm thơ được trong tình cảnh như thế này, thì nhất định cậu sẽ chiến thắng”. Đúng lúc đó ông Trần Hữu Ngoạn (chuyên gia hàng đầu về bệnh phong, bấy giờ đang là giám đốc Trại phong Quỳnh Lập, đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An) đi ngang, bác sĩ Ân mới gọi ông ấy vào và bảo “tôi sẽ gửi cho anh một bệnh nhân như một nhà thơ.”
Tôi vào bệnh viện Quỳnh Lập, sáng hôm sau tôi gặp một ông bạn, ông ấy hỏi “cậu vào đây, cậu có thấy đẹp không?”. Tôi trả lời “tuyệt vời lắm”, ông ấy bảo “cậu nói dối, mọi người vào đây đều rất sợ, sao cậu lại bảo tuyệt vời.” Thực ra đêm hôm trước vào đây tôi đã khóc, không ngủ được, lúc đó gió mùa đông lạnh lắm, gà vừa mới gáy thôi, tôi chạy ra bờ biển đứng lặng nghĩ bao điều; rồi chạy về phòng lấy máy ảnh chụp hình ảnh bình minh trên biển Quỳnh Lập. Đã có bình minh thì có cuộc sống… Từ đó, tôi đã thân quen với Quỳnh Lập, với ông giám đốc Ngoạn, rồi người ta cử tôi làm Bí thư chi bộ ở bệnh viện Quỳnh lập trong suốt bốn năm nữa đấy.
Hẳn là ông có nhiều tình cảm và kỉ niệm với bác sĩ Ngoạn lắm?
Ông Ngoạn giờ bệnh nặng lắm, nhà ông ở gần chợ Bưởi. Ông ấy xứng đáng là anh hùng, là thầy thuốc nhân dân. Ở Quỳnh Lập, ông quá tử tế nên cũng bị “đấu đá”, phần do cục bộ địa phương, phần do ông Ngoạn chủ trương là thầy thuốc phải vào sống cùng người bệnh, để chăm lo cho người bệnh. Xưa, cơ quan bệnh viện da liễu (trại phong) Quỳnh Lập ở bên kia đèo (trước lúc tôi vào gọi là đèo Ngăn Cách), và người ta cử một người có nhiệm vụ gác đèo, bệnh nhân không được vượt đèo để ra ngoài. Các bác sĩ mỗi sáng đi ô tô 3 cây số từ bên kia đèo vào chăm sóc người bệnh, hết giờ họ quay ra, chiều lại tiếp tục 3 cây số đi vào. Ông Ngoạn ông bảo phải thay đổi, ngay cả bác sĩ mà còn “Ngăn Cách” với bệnh nhân như thế thì làm sao mà xóa bỏ kỳ thị được; thế là người ta “đả đảo” sự tử tế của ông Ngoạn.
Khi các bác sĩ Hà Lan đến Quỳnh Lạp tặng thứ thuốc mới đặc trị bệnh phong; ông Ngoạn vốn không thích và cũng không biết uống rượu, nhưng không hiểu sao trong bữa cơm khách ông mời các bác sĩ Hà Lan hôm ấy, ông lại mời họ uống rượu; thế là những người chống đối đưa ra lý do là ông Ngoạn xuất thân tư sản, lại uống rượu và quan hệ với nước ngoài nên đề nghị cách chức. Đúng lúc đó tôi vào, nghe họ nói buồn cười quá, tôi đọc mấy câu thơ:
“Có vui mới nâng cốc,
Rượu say tình người say
Đã mấy người say được
Cuộc sống ở nơi này”
Nghe tôi đọc xong, anh em Đảng viên bảo nhau là bầu ông này làm bí thư khối bệnh nhân. Cán bộ Đảng viên khắp cả nước đều tập trung điều trị ở Quỳnh Lập mà.
Đến cái tuổi ngoài 75 rồi, nghĩ lại từ giai đoạn tăm tối của bệnh tật, hẳn là đã từng tuyệt vọng lắm chứ. Từ đáy lòng làm sao ông có thể vượt lên mà cho ra đời được những phong trào nổi tiếng toàn quốc như lịch sử đã ghi nhận?
Lúc nào tôi cũng nghĩ đến niềm tin yêu con người và cuộc sống. Tôi nhớ Đại hội Anh hùng năm 1960, có tuyên dương anh hùng gác đèn biển là ông Phùng Văn Bản, ông ấy có nói một câu “sóng biển, cũng như sóng gió của cuộc đời không bao giờ hết được, điều quan trọng nhất là vượt lên sóng gió đó mà đi tới đích”. Lúc đứng ở bờ biển Quỳnh Lập vào phút đầu tiên, tôi nghĩ ông Ngô Gia Tự đã vượt biển rồi muốn trở về mà không được; mình là người đề ra phong trào Ngô Gia Tự, còn mình đã đứng được ở đây rồi, thì mình phải sống như thế nào; đó là lý do tôi chụp cảnh bình minh Quỳnh Lập. Từ đó làm cái gì tôi cũng nhìn bằng khát vọng và ước mơ.
Nghị lực sống từ chính nỗi đau của đồng bào
Hồi đó, cơ bản, cả xã hội vẫn xếp bệnh phong là tứ chứng nan y, vậy mà, làm sao ông lại tin mình có thể khỏi bệnh được?
Tôi vốn là thầy giáo, kiêm nhiệm Ủy viên thường vụ Trung ương Đoàn. Khi tôi đi bệnh viện tôi còn kiêm nhiệm Thường vụ huyện đoàn Tiên Sơn (là huyện Tiên Du và TX. Từ Sơn của Bắc Ninh hiện nay). Lúc biết mình mắc bệnh, tôi cũng cứ nghĩ miên man… Tôi quen cái thói nhìn xuống hơn là nhìn lên, nhìn xuống để thấy nhiều người khổ hơn mình mà người ta vẫn sống được, thì tại sao mình phải tuyệt vọng? Ở Quỳnh Lập, tôi nghĩ đến em Lê Văn Đắc là thiếu niên du kích ở Quảng Trị, địch chặt hai tay em và bảo “tau không giết mày nhưng mà tau làm cho mày sống mà hết đường sống”. Tôi đã bồi dưỡng em ấy để báo cáo điển hình đại hội dũng sĩ thành đồng tỉnh Quảng Trị; cổ vũ tuổi trẻ tiến lên phía trước giải phóng miền Nam. Tôi rất khoái cảnh cậu bé ngậm bút vào miệng rồi kẹp bút vào chân mà viết. Một đứa trẻ còn có nghị lực tuyệt vời như thế; trong khi mình mới mất cảm giác, teo giò, teo bàn tay do vi khuẩn bệnh phong thôi, có gì mà thất vọng.
Trong ký ức và hiểu biết của ông người phong ngày xưa bị kỳ thị đến mức nào?
Tôi đọc những cuốn sách thời Pháp, lúc chưa giải phóng miền Bắc, họ viết: rằng, thời xưa, như ở Châu Phi, họ đưa người phong ra giữa sa mạc, đóng dây thép gai xung quanh, người bệnh cứ ở trong đó mà chết rục. Còn ở Việt Nam nhiều người kể lại rằng, người bệnh phong bị chôn sống và đổ vôi bột vào. Có người tuyệt đường sống, phải nhảy xuống biển tự tử.
Ông được phong anh hùng năm nào ạ?
Năm 1985. Tôi còn giữ ảnh đây. Có ảnh đứng báo cáo, ảnh đứng nói chuyện với ông Võ Văn Kiệt. Tôi còn tham gia vào đại hội thanh niên tiên tiến thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất 19/5/1976 nữa.
Cháu nghĩ ông có nhiều thành tích, nhưng kỳ tích lớn nhất của ông là nghị lực vượt qua được căn bệnh quái ác này.
Hồi tôi được xét tặng danh hiệu anh hùng, thì tôi được một đồng chí đáng kính “khen” một câu: nếu Nguyễn Đức Thìn chỉ đạt được một trong ba thành tích này thì đã đủ để được phong tặng danh hiệu anh hùng rồi – một là không được đào tạo chuẩn nhưng vẫn là nhà khoa học giáo dục (ngày xưa tôi chỉ học hết lớp bảy, sau tôi ra làm thầy rồi tự học, người ta thấy dạy khá sau cứ nhấc dần, nhấc dần lên; tôi còn được mấy văn bằng sáng tạo về các đề tài khoa học); hai là trong điều kiện bệnh tật vào điều trị tại bệnh viện Quỳnh Lập mà vẫn tổ chức được trường học bên bờ biển; ba là tác giả của phong trào nghìn việc tốt (tôi đã đi từ Cao Bằng đến Cà Mau để nhân rộng phong trào).
Ông trực tiếp đi ạ?
Vâng, tôi đến các tỉnh huấn luyện cán bộ Đoàn. Tôi còn phụ trách thiếu nhi Việt Nam đi trại hè quốc tế và cũng đã giới thiệu được phong trào của mình sang các nước bạn; đi nước ngoài, tôi tuyên truyền cho phong trào này và nuôi dưỡng nó. Cho nên năm ngoái – bước sang tuổi 75, ở cái tuổi về hưu lâu như thế mà vẫn được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng; sau đó còn được đến Nhà hát Lớn để nhận cúp Nhân tố mới Thời đại Hồ Chí Minh. Bây giờ tôi vẫn là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viện Hội đồng giáo dục, Ủy viên ban chấp hành Hội khuyến học, hội viên Hội Khoa học lịch sử, hội viên Hội Di sản Văn hóa, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh của tỉnh Bắc Ninh. Còn về quê hương thì tôi là người viết sử cho quê hương, viết sử cho đền Đô.
Trong những việc hữu ích mà ông làm, thì ông thấy việc nào là giá trị nhất?
Lòng nhân ái và trí tuệ Việt Nam đã được truyền tới tuổi trẻ cả nước, nhiều người sau này trưởng thành và đã được giới thiệu ra quốc tế. Và đã tôi đã đi khắp nơi trên thế giới, góp phần nhỏ bé đưa các giá trị đó đi giới thiệu tại các Hội nghị Giáo dục ở Lào, Béc-lin (Đức), Mông Cổ… Tôi là một anh giáo làng không qua trường Đại học mà bây giờ, ở tuổi 75 vẫn thỉnh thoảng tôi vẫn được đến các trường Đại học nói chuyện.
Gần đây nhất ông đến trường nào ạ?
Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y dược Thái Nguyên… Còn các trường trong huyện Từ Sơn này – 36 trường thì trường nào tôi cũng đã đến và nói chuyện.
Ai là người ảnh hưởng đến ông nhiều nhất, trong cái thời mà ông vẫn còn 18 đôi mươi ạ?
Tôi đọc sách, chính những cuốn sách đã dạy cho tôi bản lĩnh sống. Tôi đã đọc “Không gia đình” của Pháp, đọc “Thép đã tôi thế đấy” của Nga… Sau này đọc về những tấm gương như người anh hùng gác đèn biển, nhiều khi chỉ một câu đó thôi đã đủ để mình biết con đường nào nên đi và nên đi như thế nào. Câu mà tôi nhớ nhất là: “Sóng biển, cũng như sóng gió của cuộc đời không bao giờ hết được, điều quan trọng nhất là ta phải biết vượt lên sóng gió đó mà đi tới đích.”
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Doãn Hoàng (thực hiện)
https://dodoanhoang.wordpress.com/2015/03/13/ong-tu-den-do/#more-5696
https://dodoanhoang.wordpress.com/2015/03/13/ong-tu-den-do/#more-5696
0 nhận xét:
Đăng nhận xét