Văn nghệ Thứ Bảy : "rừng quế mỡ đã cháy khô"

Mình lấy bài về đây, nhưng bỏ đi những ghi chú rườm rà của nguyên bản (đảm bảo không làm phương hại đến nội dung). Bài thơ đã xuất hiện từ 8 năm trước. Trong đó có những câu như:

"rừng quế mỡ đã cháy khô
xa trông chỉ thấy những ô đầu trọc
dưới chân đồi xác xe min hóa rác"

Dưới là toàn văn.

---

Ái Vân Quốc


đằng sau khung cổng nhựa đỏ


luống cày nhà vua xới trên cánh đồng xuân
giờ này trơ muôn ngàn gốc rạ

rừng quế mỡ đã cháy khô
xa trông chỉ thấy những ô đầu trọc
dưới chân đồi xác xe min** hóa rác

khe nước trong veo không có cá róc rách chảy lên ngàn
bất động minh vương trừng mắt giương gươm chém quỉ

“quỉ dữ đã đâm đầu vào thác chết cùng thánh kinh”

dưới chân minh vương là rắn
là hổ
là tất cả mãnh thú
cả gươm báu
cả pháp thân
cả vầng pháp quang trên đầu ngài đều đúc bằng bê-tông

bầy dơi đen trên bức phù điêu trong đền báo mộng:
sau muôn dặm giang hồ tráng sĩ đã quyên sinh
hồn ngụ trong ruột cột cổng đỏ

cổng đỏ không là gỗ lim
không là bê-tông có cốt sắt

cổng đỏ là plastic sơn son
và rỗng ruột

lơ lác một đực-chồn đứng bóng giữa trưa
hai hàng cột nhựa

kìa you{bạn}hãy trông
vua và các đại phu đương tung cầu mây trước sân rồng năm mới
quan khách cả ngàn người
lớp lớp
áo thụng xanh
áo tía
áo hồng
lực sĩ trần mình trước gió đông

lên thăm lại động tiên
giường đá xưa nơi bạn nằm
đâu thấy rêu phong
đâu thấy lâu đài
đâu thấy giai nhân

uống cạn gáo nước giếng khơi trong nền xưa nhà bạn
tôi lang thang theo gió chạy đùa trên ngã sáu những dòng sông
không bóng thuyền than
không kẻ câu
không người quăng lưới

dưới hàng thông dẫn lối in dấu hài bạn đã đi
tôi lượm lên một chiếc kim khâu

kim khâu hóa mũi tên đồng
hóa nỏ thần
hóa gươm đao và lũ lũ giặc trời cuồng loạn

bão cát sa mạc

giá băng

đêm đen

mọi sự đã/đang qua
cánh én đã/đang về thay chiếc kim khâu

hóa ngô-chuồn-chuồn
bạn đó ư ?


Chí Linh, 1.1997
Đông Kinh, 1.2007

------------------------------

** xe min: tên quen gọi của xe máy nhãn hiệu Mink sản xuất ở Đông Âu, nay vẫn rất thịnh hành ở vùng các tộc người thiểu số sống tại miền núi phía bắc Việt Nam và các tỉnh miền tây nam Trung Quốc (Thái, Tày, Nùng, Mông, Dao, Choang, …).


Đá cầu mây ở đền lớn vào dịp đầu năm tại Nhật Bản, sắc phục và luật chơi đều “cố” theo lối cổ thời Heian (thế kỉ 8 - 12). Thực ra là cầu vải/cầu bông, ở đây tạm gọi là cầu mây. Quả cầu này tiếng Nhật là mari, nặng khoảng 150g, được bọc bằng da hươu.


(ảnh A.S. chụp tại Tokyo, lời avq)

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét