[Minh Trị]
Trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” trích từ Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Những đúc kết của Hồ Chủ tịch về tình yêu nước của nhân dân Việt Nam là sự tổng kết qua hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, với biết bao biến thiên của lịch sử, bao thăng trầm của mỗi thời kỳ, triều đại, bao xương máu của các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến giành hoặc giữ độc lập, tự do. Khi thành công cũng có khi độc lập bị tước đoạt (179 trước Công nguyên, 1407, 1884), nhưng chẳng bao giờ khi Tổ quốc lâm nguy, lòng yêu nước của người Việt Nam lại không được thể hiện.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, dân tộc ta không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù dù hung bạo, hùng mạnh đến đâu, không sợ cường quyền, không chịu mất đi độc lập, chủ quyền quốc gia. Thời Bắc thuộc, dù các chính quyền đô hộ phương Bắc bày ra trăm phương ngàn kế để dập tắt các cuộc nghĩa, dù chúng tiến hành chính sách “đồng hóa” thâm độc nhằm xóa bỏ cơ sở văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc ta, nhưng qua hơn 1.000 năm, âm mưu của chúng vẫn thất bại. Sau đó, trong thời đại phong kiến dân tộc từ thế kỷ X, hầu như triều đại nào lên thống trị Trung Quốc đều lăm le xâm chiếm nước Việt ta (từ Tống, Nguyên, Minh, Thanh) nhưng gần như tất cả đều thất bại. “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Những chiến công vang dội ở Bạch Đằng, Như Nguyệt, Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng - Xương Giang, Ngọc Hồi… đã chôn vùi mộng xâm lược của các tập đoàn phong kiến hùng mạnh của nước lân bang, nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Cho đến thời cận - hiện đại, trước sức mạnh của tàu đồng, đại bác, nước Việt Nam có thể mất độc lập trong 80 năm, nhưng phong trào đấu tranh chống thực dân đô hộ và phong kiến tay sai chưa khi nào lắng xuống. “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Dù nhiều cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, các con đường cứu nước phong kiến, dân tộc dân chủ, tư sản… lần lượt thất bại, nhân dân ta vẫn không nguôi lòng căm thù giặc nước, quyết giành lại độc lập. Từ khi Cách mạng Việt Nam có Đảng dẫn lối, chỉ đường (1930), đánh dấu chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng, dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, giành lại trọn vẹn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ: Làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Pháp (1954) và đỉnh cao là Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đánh dấu sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã toàn thắng. Lòng yêu nước trong thời đại Hồ Chí Minh được định hướng bởi quan điểm cách mạng đúng đắn, kết hợp giữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc với mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữa cách mạng trong nước với tình đoàn kết vô sản quốc tế, tạo nên sức mạnh vô địch mà những thực dân, đế quốc sừng sỏ như Nhật, Pháp và đặc biệt là siêu cường Mỹ đều đã bị đánh bại.
Dù chiến tranh đã trôi qua gần 40 năm, dù cho nhiều người cho rằng dân ta nói chung và giới trẻ sinh ra sau năm 1975 đã phần nào phai nhạt lý tưởng, ý chí sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng mỗi khi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm, lòng yêu nước trong quần chúng - nhất là giới trẻ lại bùng lên mạnh mẽ. Mới đây, trong cuộc khảo sát do Gallup International Association thực hiện hồi cuối năm 2014 đối với 65 quốc gia, với câu hỏi “Nếu Việt Nam phải đối mặt với chiến tranh, liệu bạn có chiến đấu vì đất nước mình”, 89% người Việt Nam được khảo sát đã trả lời "Có" đối với câu hỏi trên. Đây cũng tỷ lệ thuộc hàng cao nhất trong các nước được khảo sát, xếp thứ 5, chỉ sau Pakistan và vượt xa tỷ lệ trung bình 60% trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời "Có" tại giới trẻ cũng cao hơn so với các nhóm tuổi khác, lần lượt là 95% đối với nhóm 18-24 tuổi, 94% đối với nhóm 25-34 tuổi, 90% với nhóm 35-44 tuổi, 82% với nhóm 45-54 tuổi, 85% với nhóm 65 tuổi trở lên. Có 9% số người được khảo sát trả lời "Không" và 2% còn lại nói họ không biết phải trả lời thế nào. Tại Trung Quốc, tỷ lệ trả lời "Có" là 71%, trả lời "Không" là 23%. Chỉ 44% người được khảo sát tại Hoa Kỳ trả lời "Có", 31% trả lời "Không" và 25% nói không biết phải trả lời ra sao.
Tuy vậy, cũng cần nhận thức rõ ràng rằng, yêu nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc là đúng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự hiếu chiến, với thái độ hung hăng trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại. Do lợi ích đan xen giữa các quốc gia, mỗi ứng xử ngoại giao cần thực sự khôn khéo, tế nhị, đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, làm cho mảnh đất chữ S thân yêu của chúng ta thực sự giàu mạnh, hàn gắn hoàn toàn vết thương của hàng chục năm chiến tranh khốc liệt. Trước những biểu hiện cường quyền, những hành vi gây hấn, ai cũng đều căm giận, nhưng như các Cụ ta từng dạy: “Giận quá thì mất khôn”, cần có thái độ kiềm chế, giữ hòa khí đến mức tối đa đồng thời với việc sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền khi không còn lựa chọn nào khác. Trước đây, khi Pháp âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, Hồ Chủ tịch và Chính phủ từng cố gắng giữ hòa bình đến cùng, tránh “ném chuột vỡ bình quý”. Đến khi biết khó tránh khỏi chiến tranh, chúng ta vẫn trì hoãn được nó đến tối đa có thể để cả nước có thêm một vài tháng quý báu chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Đó chính là cơ sở để kháng chiến 9 năm thắng lợi dù thế và lực của ta thời kỳ mới độc lập kém xa đối phương.
Nói tóm lại, khi Tổ quốc cần, khi kẻ thù buộc dân tộc Việt phải đáp trả, chúng ta sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Nhưng cần cố gắng giữ gìn hòa bình đến chừng nào có thể, đừng vì vài suy nghĩ nông nổi, bột phát mà ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét