Đăng kí một bản thảo, một câu nói, của Hồ Chủ tịch

Vừa rồi, báo chí đưa tin về việc Việt Nam sẽ đăng kí bản quyền với một câu nói của Hồ Chủ tịch (xem nguyên văn đưa về lưu ở dưới).

Tin này, mới làm nhớ lại việc từ 5 hay 6 năm trước, Việt Nam đã đăng kí một bản thảo của Hồ Chủ tịch (bản thảo cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện với bút danh T.Lan - tài liệu lưu thì ở đây).

Không rõ việc đăng kí bản thảo trên thì kết quả như thế nào. Từ đó, không thấy báo chí chính thống đưa tin nữa.

---


LƯU TƯ LIỆU

17/04/2015 02:00 GMT+7

“Đăng ký bản quyền” với thế giới về triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh

Năm 1996, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”.
Mới đây, GS Trần Văn Nhung đã tìm được tài liệu cho thấy về cơ bản tư tưởng về giáo dục mà UNESCO khuyến nghị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9/1949.


GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, cho biết, đã từ mấy năm nay, khi đi sâu tìm tòi, nghiên cứu, ông phát hiện ra rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu triết lý giáo dục cho thế kỷ 21 trước UNESCO hơn nửa thế kỷ. “Tôi nghĩ rằng mình cần phải gửi thông tin này đến UNESCO để cả thế giới thấy rõ Bác Hồ và Việt Nam đã góp phần phát triển giáo dục như thế nào”.
Hồ Chí Minh, UNESCO, triết lý giáo dục, trụ cột
GS Trần Văn Nhung
Với suy nghĩ như vậy, tháng 7/2014, ông Nhung đã gửi thư tới bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, để chia sẻ thông tin.
Ông Nhung viết: “Năm 1996, dựa trên Báo cáo của Hội đồng Delors, UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Cả nhân loại đều thừa nhận chân lý này. Khuyến nghị  cũng có thể được xem như là triết lý giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy về cơ bản tư tưởng và chân lý này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9 năm 1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”” (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, trang 684; NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2004).
Ông Nhung cũng đồng thời đã gửi thư tới bà Katherine Müller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam và ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Trong thư, ông Nhung đề nghị “Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình nguyên bản bút tích nói trên năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp lên UNESCO tại Paris, để thấy Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI do UNESCO khuyến nghị năm 1996 như thế nào”.
Sau khi gửi thư đi, ông Trần Văn Nhung đã nhận được thư phúc đáp từ ông Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO.
Thay mặt Tổng Giám đốc, ông Qian Tang cám ơn ông Nhung về “bức thư cung cấp bút tích để minh chứng đóng góp và cống hiến quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng và tầm nhìn giáo dục”.
Hồ Chí Minh, UNESCO, triết lý giáo dục, trụ cột
Thư phúc đáp từ ông Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO
Trong thư có đoạn: “Quả thực, cách thức nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với bốn trụ cột giáo dục được đề xuất trong Báo cáo Delors năm 1996 của UNESCO dưới nhan đề “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn”...
Chúng tôi cám ơn các ông đã góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Thông tin từ bức thư này cũng cho biết Tổng Giám đốc UNESCO đã thành lập Nhóm Chuyên gia Cao cấp để tiếp tục nghiên cứu giáo dục thế giới trong bối cảnh hiện nay với những biến đổi toàn cục. Nhóm này hiện đang chuẩn bị một báo cáo ngắn để đóng góp vào giáo dục đang được nhìn nhận lại trong một thế giới thay đổi. Đây có thể xem là cơ sở cho báo cáo toàn cầu mới với nhiều kỳ vọng về sự học tập trong thế kỷ XXI. Ông Qian Tang đã mời ông Nhung tham gia vào quá trình thẩm định dự thảo báo cáo.
Và bản báo cáo nhan đề “Suy nghĩ lại về giáo dục trong một thế giới thay đổi” sẽ được cho in ra và báo cáo tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc, từ 19 – 22/5/2015.
Chia sẻ với Vietnamnet, ông Nhung cho rằng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đang làm rất tốt việc tiếp tục giới thiệu các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với UNESCO để được công nhận. Tuy nhiên, qua câu chuyện này, ông Nhung mong muốn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chú ý hơn nữa đến việc giới thiệu các di sản tư tưởng và văn hoá của dân tộc Việt Nam. “Vì các di sản tư tưởng và văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, bao giờ cũng không kém phần quan trọng hơn so với các di sản vật thể do "tự nhiên" tạo ra và để lại” – ông Nhung nhấn mạnh.
Trong bức thư gửi tới GS Trần Văn Nhung, ông Phạm Bình Minh - Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – có viết: “Trong thời gian tới, tôi mong Giáo sư tiếp tục chia sẻ những nghiên cứu đóng góp của Giáo sư trong lĩnh vực giáo dục. Tôi sẽ chỉ đạo Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao với tư cách là Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cũng như Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức UNESCO, phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban Giáo dục trong Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để giới thiệu một cách rộng rãi hơn tới tổ chức UNESCO và các quốc gia thành viên triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ngân Anh
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/232677/-dang-ky-ban-quyen--voi-the-gioi-ve-triet-ly-giao-duc-cua-ho-chi-minh.html








---
Bổ sung 2 (19/04/2015): Phản biện lại Nguyễn Văn Tuấn, của Đỗ Minh Tuấn.


Trong bài viết tôi chia sẻ dưới dây GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia) tỏ ý phân vân đánh giá việc làm này “không phải là việc hay” và đưa ra những lập luận của mình để thấy rằng câu phát ngôn của cụ Hồ rất khó có thể nâng lên thành triết lí giáo dục được. Nhân việc này tôi muốn viết đôi điều về những kỷ niệm riêng với GS Nguyễn Văn Tuấn và trên cơ sở quan hệ thân thiết tri kỷ đó phản biện lại bài viết của ông.
Một trí thức đầy hoài bão, giàu nghị lực và tự trọng dân tộc
Tôi thân với GS Nguyễn Văn Tuấn từ cuối thập kỷ 90, khi tham gia diễn đàn VNSA của lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Tôi cũng là người đầu tiên giúp anh Nguyễn Văn Tuấn đăng bài trong nước, lúc đầu đăng bài trên các báo Tiền phong, Tia Sáng, Sức khoẻ và Đời sống, tranh luận với GS Nguyễn Khánh Toàn trên báo Nhân Dân về giáo dục từ xa...Sau đó anh đã tự in nhiều sách trong nước. Nhưng, trong các sách xuất bản trong nước anh Nguyễn Văn Tuấn đều ghi cám ơn tôi.
Trên Diễn đàn VNSA anh Nguyễn Văn Tuấn lúc đó đang dạy ở Ohio Hoa Kỳ đã chia sẻ nhiều bài viết uyên bác, tâm huyết về đất nước, về các vấn đề học thuật được chúng tôi rất tâm đắc. Thỉnh thoảng anh gửi thiếp cho tôi. Khoảng cuối thập kỷ 90, GS Nguyễn Văn Tuấn có viết một lá thư rất dài kể cho tôi về quá trình vượt biên và vươn lên quyết liệt ở nước ngoài. Từ một lần bị xúc phạm, coi thường khi anh làm ở nhà ăn của trường Đại học, anh đã quyết chí phấn đấu cho một mục đích: Phải đứng trên bục giảng của ngôi trường này, để kẻ đã miệt thị xúc phạm người Việt biết rằng nó đã đánh giá sai.
Anh đã thành công trong một hành trình đầy hoài bão và nghị lực mà không phải ai cũng có thể làm theo. Anh cũng đóng góp đáng kể cho sự nghiệp đấu tranh đòi bồi thường cho nạn nhân thuốc độc da cam. Khi về Hà Nội anh có đến nhà tôi lần đầu cùng TS Vũ Thanh Ca. Năm ngoái anh về tôi đang đi làm phim xa nên khi anh gọi tôi không về gặp được. Tôi luôn tự hào vì có một người bạn như GS Nguyễn Văn Tuấn, vui vì đã là cầu nối đầu tiên để tâm huyết và trí tuệ của anh ngày càng được nhiều người biết đến trong các bài viết và cuốn sách anh xuất bản trong nước. Tuy nhiên, có những bài viết cụ thể như bài viết này tôi không hoàn toàn đồng ý với anh.
Ý tưởng khai sáng cao hơn hệ thống diễn giải nó
GS Nguyễn Văn Tuấn giải thích rằng, sở dĩ ông coi việc đăng ký bản quyền các ý tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là không hay vì “Lí do là ông chỉ nói thế thôi, không như tài liệu của UNESCO giải thích rõ ràng ý nghĩa của 4 trụ cột giáo dục, Chủ tịch HCM cũng chẳng giải thích thêm ý của ông là gì. Vậy thì làm sao có thể nói những phát ngôn đó là “triết lí giáo dục” được.” Theo Giáo sư, từ một ý tưởng được phác thảo sơ sài thành một “triết lí” hay một “ý thức hệ” là một con đường dài: “Chắc chắn là ông có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được. Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông.”
Ở đây, GS Nguyễn Văn Tuấn có vẻ chuyển đổi khái niệm, nâng tầm “ý tưởng, tư tưởng giáo dục” thành “Hệ tư tưởng” đồ sộ, có hệ thống kiểu như chủ nghĩa Marx với những bộ sách dày. Gíao sư có vẻ đồng nhất minh triết kiểu phương Đông với hệ thống lý thuyết logic kiểu phương Tây và lấy tiêu chí của hệ thống lý thuyết này để đo minh triết. Mặt khác, Giáo sư lấy tiêu chuẩn lập luận logic chứng minh khoa học để làm tiêu chí đo giá trị khai sáng trong tư tưởng và ý tưởng. Thực ra, cái quan trọng nhất của khai sáng là đưa ra ý tưởng. Các nhà tư tưởng không cần phải diễn giải ý tưởng của mình thành bài thành sách với những lập luận khoa học logic để chứng minh mà ý tưởng của họ vẫn có giá trị khai sáng cho cộng đồng, nhân loại. Như Phật và các bậc hiền giả Đông Tây nhiều khi chỉ nêu ý tưởng, các học trò của họ thuyết minh diễn giải theo tinh thần hệ thống mà họ đã truyền trong nhiều lần giảng đạo.
Thuyết minh diễn giải là cấp độ thấp hơn, không mang tính phát kiến. Không thể cho rằng chỉ các công trình logic hệ thống về Thiền như bộ “Thiền luận” của DT.Suzuki là xứng đáng mang bản quyền trí tuệ Thiền hơn các văn bản thực hành hay diễn giải của các Thiền sư trong suốt hàng ngàn năm truyền đạo và hành đạo. Đó chỉ là một công trình hệ thống hoá và phiên dịch văn minh văn hoá cho người mang tư duy phương Tây hiểu được bản chất và cốt tuỷ của Thiền. Nó không có bản quyền về ý tưởng Thiền mà chỉ có bản quyền về cách diễn giải, tiếp cận Thiền tông.
Những câu nói về giáo dục của Hồ Chí Minh là những câu nói đầu tiên mang tư tưởng về giáo dục của riêng Hồ Chí Minh mà sau này UNESSCO lặp lại, dù vô tình hay có tham khảo, để triển khai từ cách tiếp cận mang tính hệ thống hoá, giải trình chi tiết. Vì thế, bản quyền ý tưởng vẫn thuộc về Hồ Chí Minh. Cũng như tôi đã chứng minh trong bài viết về vụ chặt cây đăng trên “Văn hoá Nghệ An”, Hồ Chí Minh là người đầu tiên trong nhân loại đưa ra ý tưởng phát động trồng cây theo tinh thần cải thiện môi trường và làm kinh tế Phật giáo từ năm 1955. Hai mươi năm sau, một học giả người Anh là Sumakher mới viết sách “Nhỏ là Đẹp” bàn về kinh tế Phật Giáo và phát động phong trào mỗi người “Trồng một cây” sau đó lan rộng thành phong trào “Hoà bình xanh” khắp phương Tây. Mặc dù Shumakher có viết sách thành hệ thống lập luận dẫn đến việc phát động trồng cây, nhưng Hồ Chí Minh vẫn là người đầu tiên đưa ra ý tưởng phát động trồng cây thường niên trong cộng đồng dân tộc với giải pháp và kế hoạch rõ ràng mà 20 năm sau Shumakher phát động rộng rãi ở tầm thế giới. Vì thế, nếu đăng ký bản quyền tư tưởng phát động trồng cây rộng rãi thì phải đăng ký cho Hồ Chí Minh chứ không phải cho Shumakher.
Còn nếu bây giờ có những nhà nghiên cứu diễn giải các tư tưởng minh triết đó của Hồ Chí Minh ra thành hệ thống lập luận kiều “Thiền luận” hay các văn bản của UNESSCO, thì họ cũng chỉ đóng vai trò như DT.Suzuki khi viết “Thiền luận” hay như các đệ tử của các Giáo chủ viết lại lời thầy thành kinh sách và viết các công trình biện giảng ý tưởng của thầy thôi!


Biểu tình chống chặt phá cây xanh ở Hà NộiBiểu tình chống chặt phá cây xanh ở Hà Nội
Nhân dư luận đang căm phẫn tột cùng về việc TP Hà Nội cho chặt bỏ hàng ngàn cây cổ thụ thấm đẫm ký ức ngàn năm của Thủ đô lại nhớ đến ý tưởng TẾT TRỒNG CÂY của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đầu tiên trên trái đất đưa ra ý tưởng phát động phong trào trồng cây xanh để bảo vệ môi trường và làm kinh tế Phật Giáo.
Từ tháng 11-1959, Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước tổ chức một ngày “Tết trồng cây”: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều”, mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân ta. Người khẳng định nếu 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên ở miền Bắc đều có thể phụ trách trồng một hoặc vài ba cây trong năm năm từ 1960 đến 1965 thì “chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà”. Sau hơn 50 năm kể từ ngày phát động phong trào Tết trồng cây, đất nước ta đã có thêm hàng nghìn triệu cây xanh tỏa bóng, hàng vạn hécta rừng phủ kín đồi hoang. 
Trong khi đó, mãi đến thập kỷ 70, một nhà kinh tế học người Anh là E.F. Shumacher mới có ý tưởng tương tự khi tóm tắt thông điệp của mình về trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ của đất đai và môi trường sống trong một khẩu hiệu giản dị: “Hãy trồng một cây!”. Khẩu hiệu trồng cây đựợc Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trên phạm vi cả nước từ những năm 1960, nhưng sau khi được E.F. Shumacher tuyên ngôn vào năm 1973, nó đã dấy lên những phong trào xã hội sôi nổi như Hội những người Bạn của quả đất, Hoà bình xanh...ở các nước phương Tây.
Từ ý tưởng “Nhỏ là đẹp” đến phong trào “Hoà bình xanh”
E.F. Shumacher đã dựa vào tư tưởng phương Ðông để đề xướng kinh tế học Phật giáo với phương châm phát triển các kỹ nghệ vừa và nhỏ nhằm đáp ứng những nhu cầu đích thực của con người chứ không phát triển công nghiệp đồ sộ để chạy theo những nhu cầu xa hoa phù phiếm do kỹ nghệ quảng cáo tạo ra.
Những ý tưởng về kinh tế Phật giáo đã được Gandhi đề cập đến từ trước đó, nhưng khi được E.F.Shumacher hệ thống lại trong cuốn  Nhỏ  là đẹp  (E.F.Shumacher – Small is bautiful -New York, 1989) những ý tưởng này đã gây chấn động vì nó thách thức triệt để thế giới sản xuất và tiêu thụ hiện đại, nó bác bỏ các cấu trúc quyền lực hiện hữu của thế giới, không phải vì chúng là tư bản, cộng sản hay phát xít, mà đơn giản vì chúng quá lớn, quá tầm vóc đích thực của con người.
Cảm hứng về lợi nhuận thúc đẩy các quá trình  sản xuất và dục vọng về một cuộc sống giàu có xa hoa thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng là hai mặt của con người hiện đại. Nhưng có một nghịch lý giữa con người sản xuất và con người tiêu dùng hiện đại là: Nếu như con người sản xuất luôn luôn tằn tiện, giảm thiểu chi phí đến mức tối đa  thì con người tiêu dùng lại hướng đến sự lãng phí xa hoa vô bờ bến. Nếu trong quá trình sản xuất, người công nhân ăn ngon như ăn tiệc, đi xe bóng lộn hay dùng các phương tiện đắt tiền thì sẽ bị coi là lãng phí, nhưng nếu trong quá trình nghỉ ngơi, cũng chính anh ta xài những thứ trên thì lại  được mang hào quang của con người sành điệu, theo kịp nhịp sống của thời đại văn minh. Thế là, cái lòng tham giảm thiểu giá thành dần dần trở thành đạo lý tiết kiệm trong sản xuất và biến tướng thành một định hướng ăn sẵn từ thiên nhiên: Nhiên liệu và nguyên liệu khai thác trong lòng đất, gỗ quý, đá quý và các loài muông thú, cá tôm  bị khai thác, săn bắt trên  rừng, dưới biển. Các công nghệ được chế tạo ngày càng tinh vi để khai thác lùng bắt biến thiên nhiên thành đồng tiền, biến những điều kiện sống tương lai thành lợi nhuận. Môi trường, khí quyển và sinh quyển cứ kiệt quệ dần trong hào quang của con người chinh phục thiên nhiên, là hệ quả của sự bành trướng những quy mô quá lớn về sản xuất và công nghệ.
E.F. Shumacher có lẽ là người đầu tiên  lên tiếng một cách quyết liệt và thuyết phục nhất về thực trạng này. Ông cho rằng các máy móc ngày càng đồ sộ gây ra những sự tập trung quyền lực kinh tế ngày càng lớn và tác động bạo lực ngày càng mạnh với thiên nhiên nên chúng không hề tượng trưng cho tiến bộ mà chỉ tạo ra sự suy kiệt của môi sinh, sự trống rỗng về tinh thần của các nước giàu và sự chạy đua mù quáng về tiêu dùng của các nước nghèo. Ông cho rằng các nước nghèo đang tự bán mình cho  công nghiệp du lịch quốc tế nhằm theo đuôi các biểu tượng về giàu sang và tiến bộ mà phương Tây đã dạy họ thèm muốn: đô thị lộng lẫy, khách sạn chọc trời. E.F. Shumacher đã dựa vào tư tưởng phương Ðông để đề xướng kinh tế học Phật giáo với phương châm phát triển các kỹ nghệ vừa và nhỏ để đáp ứng những nhu cầu đích thực của con người chứ không phát triển công nghiệp đồ sộ để chạy theo những nhu cầu xa hoa phù phiếm do kỹ nghệ quảng cáo tạo ra. Và ông tóm tắt thông điệp của mình về trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ của đất đai và môi trường sống trong một khẩu hiệu giản dị: “Hãy trồng một cây!”.
Phá hoại di sản cây xanh, huỷ hoại ký ức cộng đồng
Trong khi các học giả của các nước phát triển đã ý thức được sự mai một đáng sợ của văn minh tinh thần trước sự phát triển đầy bạo lực của văn minh vật chất, thậm chí còn có xu hướng khôi phục lại các tư tưởng truyền thống phương Ðông để tìm lối thoát cho xã hội hiện đại như cách làm của Shumacher, thì ở các nước nghèo, đa số trí thức lo học theo các mô hình quản lý và các kỹ nghệ phương Tây. Và cái tham vọng công nghiệp hoá, đô thị hoá đã đẫn đến những sự huỷ hoại môi trường thiên nhiên và tiêu xài lãng phí vào những công trình quy mô, xa hoa không  tương xứng với thực lực của nền kinh tế. Và sự huỷ hoại môi trường, tàn phá cây xanh cũng đã diễn ra ở Việt Nam như thác lũ từ  rừng núi tràn về thành phố. Hà Nội  được thế giới mệnh danh là “Thành phố cây xanh”. Vậy mà UBND TP Hà Nội lại ngang nhiên tổ chức đốn hàng ngàn cây xanh đang làm nên bóng mát và hình ảnh Thủ đô trong mắt toàn nhân loại, làm công luận căm phẫn chưa từng thấy. Thậm chí có người còn gọi đây là hoạt động khai thác gỗ của bọn lâm tặc ngay giữa Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng đằng  sau vụ phá hoại có quy mô lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước này là những toan tính của nhóm lợi ích, cần được điều tra làm rõ và truy  tố trách nhiệm hình sự đúng người đúng tội. Trước sức ép của dư luận cả nước, UBND TP Hà Nội đã phải ra lệnh tạm ngừng việc đốn cây. Song, để xử lý tiếp tục cần  nhận thức đúng bản chất của vụ việc này. Việc cưa đổ hàng ngàn cây xanh có tuổi ở Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng hơn việc lâm tặc khai thác gỗ. Đây không chỉ là hành vi khai thác gỗ, mà có thể coi là một chiến dịch phá hoại môi trường văn hoá, phá hoại hoại ký ức cộng đồng và phá hoại hình ảnh Thủ đô một cách có tổ chức. 
Cây Hà Nội thấm đẫm tâm linh và văn hoá, những rặng cây cổ thụ không chỉ làm nên bóng mát trên những con đường như Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Bà Triệu..mà còn  sống trong tâm hồn bao thế hệ như những ấn tượng văn hoá lịch sử sâu sắc về Thủ đô ngàn năm văn vật. Bao thế hệ mang trong ký ức thẳm sâu tiếng ve kêu mùa hè, hương hoa sữa mùa thu, lá sấu rụng mùa đông. Tên cây gắn liền tên phố gắn với nhiều kỉ niệm thân thương. Hàng sấu cổ thụ phố Phan Đình Phùng khi xanh mướt, khi rải lá vàng rực trên hè phố đã sống trong nhiều bức ảnh nghệ thuật về Thủ đô. Hàng sao đen thẳng tắp cao vút, bốn mùa rợp bóng mát được trồng duy nhất trên phố Lò Đúc đã là nguồn cảm hứng của nhiều hoạ sỹ, ngày xưa cò từ khắp nơi bay về đậu trắng những ngọn cây nên phố Lò Đúc còn có tên gọi là “phố cò”. Hàng cây hoa sữa trên phố Nguyễn Du, Quán Thanh đã trở thành nguồn cảm hứng cho ra đời nhiều tác phẩm thi ca, âm nhạc. mùi hoàng lan dịu dàng đầu đường Thanh Niên, cây bằng lăng phố Thợ Nhuộm, cây me phố Ngô Quyền, cây cơm nguội vàng rực đường Yên Phụ, hàng hoa sưa bất ngờ trắng xoá  trên phố Hoàng Hoa Thám vào mùa cưới cuối tháng ba...
Những người có ý tưởng triển khai dự án thay thế cây Hà Nội và tổ chức thực hiện dự án này tỏ ra không hề có hiểu biết tối thiểu về thế giới cây Hà Nội, không có mảy may ý thức văn hoá cây xanh, văn hoá Thăng Long, văn hoá về môi trường giáo dưỡng nhân cách của thiên nhiên. Họ nhìn những cây xanh Hà Nội như những cây trên rừng, không ký ức, không kỷ niệm, không lịch sử. Họ đốn cây, chọn cây và thay cây như những kẻ khai thác gỗ và trồng gỗ, mang tư duy kinh tế của con buôn mà không hề có nhãn quan lịch sử và văn hoá. Họ đã làm một cách chộp giật, thô bạo, như một bầy lâm tặc, giống như bọn giặc Trung Hoa đốt sách ngày xưa. Họ không hề nghĩ đến chuyện sẽ có hàng chục thế hệ trẻ thơ trưởng thành lên ở Thủ đô không được sống trong bầu sữa của cây xanh như các thế hệ cha ông. Họ đã cướp đi của bốn năm thế hệ trẻ thơ tương lai sống trong các con phố trụi cây những cảm xúc về Hà Nội “Thành phố cây xanh”, cướp đi của các em một cơ hội được trưởng thành lên trong văn hoá cây xanh như các thế hệ trẻ ở Thăng Long Hà Nội xưa nay. Những em bé lớn lên đói cây xanh ấy không chỉ mất đi những kỷ niệm trèo me trèo sấu nghe ve kêu trên cành phượng vĩ của hàng trăm thế hệ cha ông, mà còn có thể trở nên lạnh lùng, vô cảm, dễ thủ ác.
Chính vì bản chất của dự án chặt cây thay cây Hà Nội vừa triển khai có bản chất của hành vi phá hoại môi trường văn hoá tâm linh và ký ức lịch sử của Thủ đô nên nó đã gây ra sự xúc động và căm phẫn chưa từng thấy. Đây là điều các cơ quan quản lý và các cơ quan chức năng cần nhận thấy để xem xét đúng bản chất và mức độ nguy hại của dự án kiểu này. Cho dù họ rút kinh nghiệm đề xuất tiếp tục thay cây theo lộ trình nào đó, thì cũng không thể để những người thực dụng, thiếu văn hoá, thiếu tình cảm với cây xanh Thủ đô tiếp tục đứng ra làm một việc hệ trọng và tinh tế như thay những cây xanh có linh hồn trên đất Thủ đô. Hà Nội cần huỷ bỏ dự án này. Việc thay thế, bảo trì cây xanh Hà Nội cần được làm từ góc độ văn hoá với sự chỉ đạo của một tổ chức hỗn hợp tầm quốc gia, chứ không thể để mấy ông quan chức vô cảm, thực dụng, nguỵ biện, vô trách nhiệm, mang nhãn quan kinh tế và nhãn quan trồng rừng đứng ra làm tiếp./.



Bổ sung 1 (18/04/2015): Phản biện của Nguyễn Văn Tuấn.

Đăng kí "bản quyền" phát biểu của cụ Hồ


Các quan chức giáo dục và ngoại giao Việt Nam đang xúc tiến "đăng ký bản quyền" một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục (1). Thoạt đầu mới đọc qua cái tựa đề thì tôi thấy hay. Tại sao không đăng kí bản quyền nếu câu nói là một đóng góp vào trí khôn của nhân loại? Nhưng đọc kĩ bài báo và tìm hiểu thì tôi bắt đầu phân vân và tự hỏi không biết đăng kí như thế có phải là một ý tưởng hay …




Năm 1949, ông đến thăm và phát biểu ở Trường đảng Nguyễn Ái Quốc rằng "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Theo phát hiện của GS Trần Văn Nhung thì mãi đến năm 1996, UNESCO mới đề ra cái ý này. Do đó, ông và các quan chức văn hoá, ngoại giao VN gửi lời phát biểu đến UNESCO để thấy cụ Hồ đã đóng góp cho nền giáo dục thế giới và đi trước UNESCO như thế nào.

Lần dò theo bài báo tôi phát hiện rằng năm 1996, UNESCO có công bố một báo cáo do nhà kinh tế học và chính trị gia Jacques Delors chủ trì (2). Bản báo cáo là thành quả của một thời gian điều nghiên của một nhóm chuyên gia. Trong báo cáo, ở chương IV có viết về "giáo dục trọn đời" và đề nghị 4 trụ cột:

• học để biết (learning to know); 

• học để làm (learning to do); 
• học để chung sống với nhau (learn to live together , learning to live with others); và 
• học để phát triển nhân cách (learning to be).

Không chỉ đề ra 4 trụ cột như là một phát ngôn kiểu "powerpoint", bản báo cáo lí giải chi tiết về 4 trụ cột đó. Ví dụ như khi nói về học để rèn luyện nhân cách, các tác giả viết rõ rằng theo trụ cột này, học là để phát triển nhân cách và khả năng trở nên tự chủ hơn, khả năng phán xét và trách nhiệm cá nhân. Theo triết lí này, giáo dục không được bỏ qua các khía cạnh về tiềm năng của một cá nhân như trí thức, lí giải, cảm nhận thẩm mĩ, khả năng thể lực, và kĩ năng truyền đạt thông tin.

Quan điểm về sự học (tức là learning, chứ không phải education) của uỷ ban Jacques Delors (UNESCO) có điểm gần với suy nghĩ của Chủ tịch HCM. Chỉ tương đối gần thôi. Chủ tịch HCM nói học để học để làm việc là gần với "learn to do" của UNESCO, học để làm người có thể hiểu như là "learn to be" của UNESCO. Và, sự tương đồng chỉ dừng ở đó.

Chủ tịch HCM quan niệm rằng học để "làm cán bộ, […] để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại" thì không được UNESCO đề cập đến. UNESCO nhắc đến sự học để tìm hiểu người khác và để chung sống chung với những người có thể khác chính kiến với mình. Rất khó biết khi ông nói học để phục vụ giai cấp là giai cấp nào. Rất có thể ông nghĩ đến đấu tranh giai cấp chăng? Riêng câu "Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của ông cụ Hồ thì tôi thấy hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với triết lí về sự học cả. Đó là một câu lạc đề.

Nhưng công bằng mà nói, câu phát ngôn của cụ Hồ rất khó có thể nâng lên thành triết lí giáo dục được. Lí do là ông chỉ nói thế thôi, nói trong một dịp ghé thăm trường mang tên ông. Ông không triển khai thêm những gì ông nói. Không như tài liệu của UNESCO giải thích rõ ràng ý nghĩa của 4 trụ cột giáo dục, Chủ tịch HCM cũng chẳng giải thích thêm ý của ông là gì. Có lẽ đó không phải là dịp để giải thích, nhưng sau này ngay cả hậu duệ của ông cũng chẳng phát triển thêm các ý tưởng của ông. Vậy thì làm sao có thể nói những phát ngôn đó là "triết lí giáo dục" được.

Những ai làm trong thế giới học thuật thừa hiểu rằng từ một ý tưởng được phác thảo sơ sài thành một "triết lí" hay một "ý thức hệ" là một con đường dài. Theo tôi hiểu ý thức hệ là một hệ thống viễn kiến, một cách nhìn về sự vật được lí giải một cách triết học. Chủ nghĩa cộng sản là một ý thức hệ vì nó được Marx lí giải dựa trên logic và phương pháp triết học, được ông ta diễn giải rất nhiều lần và ông thuyết phục được nhiều người. Hiểu như thế thì mới thấy những phát biểu của ông cụ Hồ về học hành chỉ là "vision" chung (viễn kiến), chứ chưa thành một triết lí hay hệ tư tưởng được. Thật ra, trong suốt sự nghiệp chính trị lâu năm của ông, rất ít khi nào ông nói và viết về giáo dục. Chắc chắn là ông có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được.

Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông. Còn viết thư đến UNESCO để yêu cầu được công nhận thì tôi sợ là phía VN xem thường tri thức của các học giả trong UNESCO. Sẽ rất thú vị nếu chúng ta có dịp đọc lá thư mà phía Chính phủ Việt Nam gửi cho UNESCO, vì xem họ giải thích như thế nào về câu nói của ông cụ Hồ.

Còn cho rằng "Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI do UNESCO khuyến nghị năm 1996" thì tôi e rằng là … nói quá. Chỉ khi nào tài liệu của UNESCO, mà cụ thể là báo cáo của Jacques Delors, có trích dẫn câu nói của ông cụ Hồ thì câu đó mới hợp lí. Tôi không thấy ông Delors và UNESCO có trích dẫn bất cứ một câu nói nào của ông cụ Hồ.

Nhưng đây không phải là lần đầu người ta cố gán ghép cho ông cụ. Cách đây vài tuần, có người cũng nói rằng ông cụ và ông Lý Quang Diệu gặp nhau về tư tưởng lớn về giáo dục (3), nhưng tôi có chỉ ra rằng hai người có suy nghĩ rất khác nhau về giáo dục (4), chứ không tương đồng nhau. 


Nâng tầm những câu phát biểu chung chung thành tư tưởng có khi rất phản cảm với ông cụ, vì chính ông từng nói "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê." Chẳng có gì sai nếu UNESCO đang có chương trình làm giàu lí luận về giáo dục thì phía VN tham gia đóng góp dựa trên "vision" của ông cụ Hồ. Nhưng phải là một bài viết triển khai mang tính học thuật nghiêm chỉnh, chứ không nên nói theo cách "ông cụ nhà tôi đã nói thế lâu rồi" vì làm như thế là một cách xem thường học thuật và các học giả của UNESCO.

Tôi nghĩ những quan điểm về sự học của UNESCO chẳng phải là cái gì mới mẻ hay quá cao siêu, vì trong thực tế đã có nhiều nhà giáo dục và triết học trước đó đề cập đến và họ lí giải rất có hệ thống. Chỉ cần đọc lại những tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, John Locke, và đặc biệt là John Dewey, hay xưa hơn như Plato và Aristotle, tất cả đều đã có đề cập đến những quan điểm mà UNESCO đề cập đến. Chỉ cần đọc vài bài của John Dewey chúng ta sẽ thấy quan điểm của UNESCO được phát triển trên nền tảng của Dewey, người quan niệm rằng giáo dục phải rèn luyện tính tự chủ của một cá nhân và kĩ năng tương tác với xã hội. Dewey còn quan niệm rằng trường học là một thiết chế xã hội (social institution) và giảng dạy là một dịch vụ xã hội. Nhưng cái đóng góp quan trọng của Delors và UNESCO là họ tổng quan những quan điểm trước đây và đặt trong bối cảnh hiện tại (thế kỉ 20) để đề ra viễn kiến cho thế kỉ 21. Ông cụ Hồ cũng có một vài suy nghĩ như thế, nhưng ông không phải là người đầu tiên đề xướng những quan điểm được lí giải trong Báo cáo của Delors.

====





Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét