[Minh Trị]
Vừa qua, trong lời kêu gọi hôm 17/3, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, Phó Đô đốc Robert Thomas đề nghị các nước ASEAN thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp cùng tuần tra trên Biển Đông. Đồng thời, Phó Đô đốc cũng hứa rằng hạm đội của ông sẽ cung cấp hỗ trợ cho công tác tuần tra vùng biển đang có tranh chấp này.
Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, Phó đô đốc Robert Thomas
Ngay lập tức, Trung Quốc “nhảy dựng” lên phản đối, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, ngày 20/3 tuyên bố “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng nghiêm ngặt cam kết không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”.
Ông Hồng nói thêm rằng phát biểu của Phó Đô đốc Thomas không giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách thỏa đáng và cũng không đóng góp cho hòa bình - thịnh vượng trong khu vực. Ông Hồng nhắc lại cam kết lâu nay của Bắc Kinh là giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và tham vấn với các nước trực tiếp liên quan. Theo người phát ngôn Hồng Lỗi, Trung Quốc và ASEAN đã đề nghị một sáng kiến chung qua đó các bên sẽ bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông “một cách độc lập” (!). Bắc Kinh thúc giục Hoa Kỳ ngưng đưa ra các tuyến bố... vô trách nhiệm mà thay vào đó, hãy có thêm hành động có ích làm gia tăng lòng tin lẫn nhau và hòa bình khu vực.
Rõ ràng, sự phản ứng của Trung Quốc là vội vàng, thiếu thiện chí. Một tư lệnh cao cấp của quân đội Mỹ chỉ mới gợi ý các nước ASEAN thành lập lực lượng tuần tra chung, thông qua đó không chỉ nâng cao sự hiểu biết, xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, mà còn góp phần bảo vệ an ninh an toàn trên biển, chống hải tặc và thực hiện công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn khi cần thiết. Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ cho rằng các nước Đông Nam Á có thể hợp tác về vấn đề an ninh biển và cùng lúc tôn trọng chủ quyền của nhau, tương tự như trong các nỗ lực chống hải tặc trong vùng Vịnh Aden (thuộc khu vực Tây Á). Trên thực tế, trong 10 quốc gia ASEAN thì có tới 6 nước có vai trò, ảnh hưởng và lợi ích liên quan trực tiếp đến Biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore. Biển Đông cũng là khu vực có lưu lượng vận tải thương mại lớn, đồng thời thường xuyên phải hứng chịu thiên tai với số lượng các cơn bão hàng năm khá lớn. Chính vì vậy, việc thành lập lực lượng tuần tra chung sẽ góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh trên vùng biển quan trọng này, không chỉ có tác dụng tốt về chính trị, quốc phòng mà còn góp phần cho nhiệm vụ phát triển kinh tế và trợ giúp nhân đạo. Nếu như đơn vị Hạm đội 7 hùng mạnh với trang thiết bị tối tân giúp đỡ, mục tiêu vừa nêu sẽ càng được thực hiện thuận lợi hơn.
Có lẽ, những phản ứng quyết liệt của Trung Quốc trước đề nghị nêu trên cũng xuất phát từ tham vọng bá quyền của họ, muốn độc chiếm Biển Đông, đòi giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đàm phán song phương với âm mưu “bẻ từng chiếc đũa”, lo ngại việc các nước ASEAN đoàn kết sẽ ảnh hưởng đến việc Trung Quốc xâm chiếm vùng biển quan trọng, giàu tài nguyên này. Không chỉ vậy, việc lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ đứng đằng sau hỗ trợ càng khiến cho phía Trung Quốc lo sợ. Phía Mỹ hối thúc hoạt động này và sẵn sàng trợ giúp cũng do họ quan ngại về “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh giành chủ quyền gần như trọn vẹn Biển Đông, nơi mà các nước láng giềng bao gồm Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, ảnh hưởng đến vận tải hàng hải và lợi ích quốc gia Mỹ.
Nói chung, hợp tác cùng bảo vệ an ninh hàng hải, tăng thêm sự tin cậy trong vấn đề chủ quyền lãnh hải là phù hợp, tiến bộ, Trung Quốc đừng nên tỏ rõ tham vọng bá quyền, ý đồ áp đặt của nước lớn. Biển Đông là biển của nhiều quốc gia, không phải cái “ao nhà” của bất kỳ nước nào.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét