Nghe đâu nhóc nhà mình trong tuần này sẽ đăng kí ở lớp với cuộc thi kể chuyện Bác Hồ. Đây là hoạt động ở trường học. Rồi từ trường sẽ lên các cấp cao hơn.
Nhóc đề nghị bố kể cho hắn một chuyện.
Mình thì, cứ người thực việc thực, kể chuyện cháu Phúc học sinh tiểu học ở xóm Cung huyện Vĩnh Thuận cũ bị đau mắt hột được Bác Hồ phát hiện và chỉ định bác sĩ Tôn Thất Tùng đặc trách chữa.
Bây giờ, cháu Phúc đã là bà rồi. Mình nghe bà Phúc kể từ nhiều năm trước. Các anh em của bà còn kể từ trước đó nữa. Sau mới gặp được bà trực tiếp.
Rồi gần đây, thấy cái chỗ ông cụ ngồi nghỉ chân năm đó cũng đã dựng thành nơi tưởng niệm Bác Hồ về thăm. Chỗ nghỉ chân ấy là trên đường ông cụ từ đường đê vào lớp học trong làng, và gặp cháu Phúc đau mắt hột.
Tính lần tới cho nhóc lên gặp trực tiếp bà Phúc để chính bà kể, thì chắc hay hơn là mình làm trung gian.
Đang nghĩ thế, thử vào mạng tra cứu cái. Thì ra ngay cái "ngành mắt nhớ Bác Hồ" ở dưới.
---
Bác Hồ với ngành mắt – ngành mắt với Bác Hồ |
17:37 | 07/11/2007 |
(ĐCSVN)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc chăm lo sức khoẻ của nhân dân nói chung cũng như chăm lo tới việc đem lại ánh sáng cho đôi mắt mọi người nói riêng. Những lời căn dặn y, bác sĩ khi người về thăm Viện Mắt Trung ương cách đây 50 năm luôn được trân trọng ghi nhớ và thực hiện. Tháng 8.1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Viện Mắt. Bác Hồ đến thăm rất bất ngờ và không báo trước. Đầu tiên, Bác đi thẳng vào nhà bếp của Viện thăm hỏi các chị cấp dưỡng, rồi dọc theo hành lang vào phòng bệnh nhân. Mọi người đi theo Bác, nhiều khoa phòng bàng hoàng hò reo: Bác Hồ, Bác Hồ đến! Tất cả đều xúc động trước những cử chỉ ân cần của Người, giọng nói ấm áp, truyền cảm nhẹ nhàng và những lời dạy sâu sắc... Người cầm tay người bệnh, xem mắt bệnh, thăm hỏi người bệnh như người thầy thuốc nhãn khoa. Thăm phòng mổ, Người dõi theo từng động tác của các bác sỹ, y tá phẫu thuật. Người đi đến thăm từng khoa phòng trong Viện. Người chia sẻ với cán bộ Viện Mắt về điều kiện phòng mổ, nơi làm việc, những thiếu thốn về thiết bị dụng cụ, thuốc men ... Người quan tâm đến từng chi tiết dù nhỏ nhất. Sau cùng, Bác Hồ lên hội trường và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Viện Mắt. Bác hỏi: Tại sao đồng bào đau mắt đông quá mà viện thì nhỏ bé, đồng bào phải chen lấn vất vả đến khám bệnh...? Các thầy thuốc có đủ để phục vụ đồng bào không? Vì Bác Hồ đến bất ngờ nên khi đó lãnh đạo Viện chỉ co đồng chí Phạm Viết My – Phó Viện trưởng và một số đồng chí khác báo cáo, trình bày với Bác những khó khăn về tổ chức, cơ sở vật chất, kinh phí không đủ để đáp ứng công việc, tình hình bệnh mắt hột trong nhân dân hiện rất trầm trọng... Bác đã động viên cán bộ nhân viên Viện Mắt phải cố gắng phục vụ, Bác sẽ nhắc Bộ Y tế quan tâm đến ngành mắt, nhưng Viện phải làm sao cho người bệnh đỡ khổ thì Bác mới vui... Bác căn dặn: “Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh mắt hột, phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân”.Mọi người chưa hết xúc động, một người đã đề nghị hát tặng Bác một bài, khi hát chưa dứt thì Bác đã giơ tay chào mọi người rồi vội vã bước đi.... Bác Hồ đến thăm Viện Mắt như luồng sinh khí mới, đã tạo môi trường làm việc, lao động hăng say, phấn khởi của cán bộ nhân viên toàn Viện. Tình cảm cuả Người chân thành, mộc mạc, gần gũi, không có khoảng cách của một lãnh tụ... đã khiến tất cả bệnh nhân, cán bộ Viện Mắt hôm ấy xúc động đến lặng người! Sau chuyến thăm đầy ý nghĩa và cảm động ấy của Bác Hồ, Bộ Y tế đã cấp kinh phí cho Viện Mắt xây dựng toà nhà 3 tầng ở phía đường Trần Nhân Tông, nới rộng thêm diện tích sử dụng. Cũng từ đó, cổng chính của Viện Mắt được mở ra hướng phố Bà Triệu. Đầu năm 1957, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đến thăm Viện Mắt. Ngày 1.7.1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 278/TTg thành lập Viện Mắt Hột – tức Bệnh viện Mắt TW ngày nay. Trước đó, Bác Hồ trong chuyến thăm và làm việc tại Liên Xô, Bác có đề nghị Liên Xô cử chuyên gia đến Việt Nam, giúp ngành mắt - Viện Mắt thực hiện công tác phòng chống bệnh mắt hột ở Việt Nam, thời kỳ này bệnh mắt hột đang trở thành một bệnh dịch rất lớn trên diện rộng trong cộng đồng, điều trị phức tạp và lâu khỏi. Và đầu tháng 4.1956, đoàn chuyên gia Liên Xô đầu tiên sang giúp Viện Mắt với thời gian công tác dài ngày – 18 tháng về lĩnh vực phòng, chống bệnh mắt hột. * * * Hồ Chí Minh cho rằng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Người chỉ rõ: Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua. Vệ sinh là công việc hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể. Vì vậy, vệ sinh không tách rời với yêu nước. Trong những chuyến công tác của Người, sau khi đi thăm nơi ăn chốn ở, Hồ Chí Minh bao giờ cũng đặt công tác vệ sinh phòng bệnh ở vị trí trung tâm. Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, dựa vào quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh, ngành y tế tổ chức cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh, làm dấy lên trong nhân dân cả nước thực hiện phong trào ba sạch “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”, bốn diệt “diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt côn trùng”, xây dựng các công trình vệ sinh “ hố xí, giếng nước, nhà tắm”... Ngày 14.8.1962, Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân xã Quảng An, cạnh Hồ Tây (Quảng Bá - Hà Nội), Bác ghé qua lớp mẫu giáo xóm Quảng Khánh, thấy nhiều cháu bị đau mắt, toét mắt, trong đó có cháu Đỗ Thị Phúc (6 tuổi) vừa bị toét mắt, vừa bị đau mắt nặng. Nhìn các cháu, Bác thương và xúc động lắm. Khi ra về, Bác căn dặn cán bộ phải chăm lo sức khoẻ cho nhân dân. Riêng Bác đã lấy tiền lương của mình để xây một cái giếng kiểu mẫu cho nhân dân có nước sạch mà dùng, Bác khuyên : tránh rửa mặt bằng nước hồ ao làm cho nhiều người bị đau mắt. Bác còn dặn dò: Quảng An phải phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu, toàn diện về vệ sinh phòng bệnh của thành phố Hà Nội. Sau đó một tháng rưỡi, ngày 29.9.1962, Bác Hồ lại về thăm Quảng An một lần nữa, nhân cuộc họp tại đình Quảng Bá để sơ kết công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè, Bác lại tặng tiền và giao cho bệnh viện Việt – Xô xây cái giếng thứ hai, giao nhiệm vụ cho Cục bảo vệ sức khoẻ cùng với khoa mắt Bệnh viện Đống Đa tổ chức khám và chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Bác căn dặn nhân dân Quảng Bá: “Con người là vốn quý nhất của xã hội. Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ. Sinh là sinh sống. Con người muốn mạnh khoẻ, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch. Muốn có nước sạch phải đào giếng. Đào giếng sẽ có nhiều nước sạch”. Xúc động trước những tình cảm cuả Người, cán bộ nhân dân xã Quảng An đã hứa với Bác quyết tâm phấn đấu lời dạy của Bác. Một tháng sau, nhân dân Quảng An đã làm được 47 cái giếng và thực hiện phong trào xây dựng “ba công trình”. Tròn một năm sau ngày Bác Hồ về thăm, nhân dân Quảng An đã báo cáo lên Bác những thành tích đạt được về công tác vệ sinh phòng bệnh. Báo cáo với Bác về công tác điều trị đau mắt hột từ 31,18% đã giảm xuống còn 24, 27%. Báo cáo lên Bác về trường hợp cháu Đỗ Thị Phúc bị đau mắt nặng đã được chữa khỏi và cháu đã phấn khởi đi học vỡ lòng. Sau đó, cho đến những năm tháng sau này, cán bộ và nhân dân Quảng An cũng như Trạm mắt Hà Nội đều báo cáo thường niên lên Bác những thành tích, những tồn tại, hạn chế trong công tác vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân. Tình cảm cuả Bác, tấm lòng của Bác luôn in sâu vào trong trái tim của những cán bộ nhãn khoa. Lời dạy của Bác Hồ năm ấy đã đặt lên vai người cán bộ nhãn khoa cả nước những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề nhưng rất đỗi tự hào, vẻ vang và cao quý: “Đem lại ánh sáng cho nhân dân”! Bệnh viện Mắt TW trong vai trò “cánh chim đầu đàn” của ngành mắt, sau 50 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phòng, chống mù loà ở Việt Nam, cùng với ngành mắt phát triển quy mô, chính quy, hiện đại và những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện có, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới. Trong suốt chặng đường ấy, có những lúc gian khó, thăng trầm, có lúc vui lúc buồn, nhưng hình ảnh và tình cảm của Người luôn hối thúc, giục giã và trở thành điểm tựa tinh thần cho mọi cán bộ nhãn khoa vượt qua, vươn lên. Những quan điểm của Người về phát triển y tế, về công tác vệ sinh phòng bệnh, về xây dựng bệnh viện theo hướng “dân tộc – khoa học - đại chúng”... luôn được ngành mắt Việt Nam vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, xuyên suốt và chi phối tới mọi hoạt động của người thầy thuốc nhãn khoa. Giờ đây trong nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế, dưới ánh sáng tư tưởng của Người, ngành Mắt – Viện Mắt tiếp tục phát huy thành quả đạt được, xây dựng và phát triển ngành theo hướng“khoa học – dân tộc – hiện đại – nhân văn”. Nửa thế kỷ – 50 năm nhìn lại chặng đường đã qua, nhớ về Bác Hồ, ngành Mắt – Bệnh viện Mắt TW đã, đang và sẽ không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện y đức, y thuật phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện tâm nguyện và lời dạy của Người. Đông Phương Hồng |
http://cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=10005&cn_id=162121
https://www.facebook.com/note.php?note_id=10152636760085347
0 nhận xét:
Đăng nhận xét