ĐẸP VÀ CHƯA ĐẸP

[Nắng Mới]

Việt Nam là một đất nước có hơn 4000 năm lịch sử. Tuy không phải là cái nôi của văn minh nhân loại nhưng Việt Nam cũng có một nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc. Sự phong phú đậm đà trong nền văn hóa dân tộc ta không chỉ thể hiện ở nền văn hóa vật chất đó là truyền thống, phong tục ăn mặc, sinh hoạt, đi lại… mà còn thể hiện ở nền văn hóa tinh thần đó là những tập tục, lễ hội. Ở Việt Nam trung bình một năm có khoảng trên 8.000 lễ hội lớn nhỏ, bắt đầu từ những ngày đầu xuân cho đến hết năm. Trong số đó cần phải kể đến một số lễ hội lớn như: hội Đền Trần, hội Chùa Hương, hội Thánh Gióng, lễ hội Giỗ tổ Hùng vương, hội Chọi trâu…

Lễ hội ở Việt Nam diễn ra chủ yếu vào mùa xuân, ở nhiều nơi lễ hội còn bắt đầu từ ngày mùng 1 tết âm lịch. Lễ hội của người Việt mang nhiều ý nghĩa sắc thái khác nhau tùy theo đặc điểm của từng địa phương, từng vùng miền, từng dân tộc. Nhưng trên hết các lễ hội ở nước ta đều thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, thượng võ, ước vọng mưa thuận gió hòa, một năm mới an lành, mùa màng bội thu… Đây cũng chính là những cốt cách cao đẹp, tinh thần truyền thống yêu nước, chung sống chan hòa với thiên nhiên của người Việt Nam. Và cho dù có bận rộn đến mấy nhưng ai ai trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta cũng dành cho mình một chút thời gian để đến với các lễ hội, đến với sự tươi đẹp, về với sự thanh tao, về với những giá trị của dân tộc vừa yên bình nhưng cũng lại tươi vui, rộn ràng của muôn sắc màu, muôn tiếng cười. Đây chính là nét đẹp trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam.

Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội của Việt Nam sẽ còn đẹp hơn nữa nếu không có những hành vi thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của một bộ phận người tham gia lễ hội làm hoen ố, xấu đi hình ảnh văn hóa Việt Nam trong mắt nhân dân và bè bạn quốc tế. Thực tế trong những năm gần đây, ý thức của người tham gia các lễ hội ở Việt Nam là vấn đề mà xã hội cần phải lên tiếng. Bên cạnh việc tham gia lễ hội, chùa để cầu an, cầu phước, cầu tài thì có quá nhiều người vì tín ngưỡng mà “dúi” tiền vào tay các pho tượng, phật. Thậm chí có nhiều người quá khích còn xoa tay, thơm vào nhiều pho tượng, phật làm thâm, đen, nhẵn bóng các ông tượng mà họ cho là các vị thần thánh này (lễ hội chùa Bái Đính). Đầu năm đi hội, đi chùa ai cũng mong mình lấy được lộc để may mắn cả năm tuy nhiên chính vì tâm lý này mà ai cũng chen lấn, xô đẩy nhau để có thể nhanh chân giành được lộc (Lễ hội Đền Trần). Ở nhiều nơi, nhiều người còn giẫm đạp lên các ban bệ, nơi thờ tự, làm hỏng nhiều cơ sở vật chất. Cá biệt như trường hợp ở lễ hội Đền Gióng còn xảy ra tình trạng đánh nhau của người tham gia lễ hội để cướp lấy hoa tre của ban tổ chức gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến lễ hội.


Người đi lễ hội tranh nhau xoa tiền lẻ vào bảo kiếm ở hội đền Trần

Những ngày diễn ra lễ hội sẽ rất đẹp và vui vẻ nếu không có một vài hình ảnh, một vài cảnh tượng xấu chen vào. Đó là tình trạng mua và đốt vàng mã quá nhiều, ở nhiều lễ hội nơi hóa vàng mã còn trở lên quá tải. Đó là tình trạng người đi ăn xin, ăn mày hay những kẻ móc túi vẫn còn diễn ra ở nhiều lễ hội gây lên sự bức xúc cho khác tham gia lễ hội. Tình trạng cò cúng, khấn hộ hay tranh giành, xô đẩy khách lễ hội của một số dịch vụ ăn theo gây mất an ninh trật tự vẫn còn chưa được dẹp bỏ. Thậm chí, ở nhiều miền quê trong các lễ hội năm nào cũng có tình trạng đánh bạc, cá độ trá hình núp dưới dạng các trò chơi tôm cua cá, chiếc nón kỳ diệu hay đèn nháy… Những trò chơi dân gian, truyền thống (đánh đu, đập niêu, đi khà kheo…) của dân tộc đang có nguy cơ bị những trò chơi tệ nạn của xã hội chiếm lĩnh, khuất phục. Đây cũng là vấn đề đáng báo động đối với ban tổ chức lễ hội. Sau những ngày lễ hội đông vui, náo nhiệt tưng bừng là ngày mà ban tổ chức cũng rất mệt mỏi với công tác dọn vệ sinh. Hầu hết ở các nơi sau khi lễ hội kết thúc thì quang cảnh nơi diễn lễ hội thật khủng khiếp với đủ loại rác vứt bừa bãi từ các hàng quán, từ sự thiếu ý thức của người tham gia lễ hội.Đây là vấn đề diễn ra thường xuyên đối với các lễ hội gây mất mỹ quan cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường cảnh quan của lễ hội.

Để xây dựng được những lễ hội đẹp cả trong mắt nhân dân và bè bạn quốc tế, lại tôn vinh được những giá trị của dân tộc ta không chỉ phụ thuộc vào công tác chuẩn bị của ban tổ chức mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia lễ hội. Lễ hội là hình ảnh, là văn hóa, truyền thống của người Việt Nam, vì vậy muốn gìn giữ và xây dựng nền văn hóa dân tộc hãy xây dựng ý thức văn hóa trong bản thân của mỗi con người khi tham gia lễ hội. Xây dựng ý thức văn hóa cá nhân và cộng đồng chính là thể hiện lòng yêu nước, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét