[Mặt Trời]
Đã xa lắm rồi cái thời mà Xuân Mai nổi như cồn với những bài hát dành cho thiếu nhi. Ở một góc khuất nào đó, những câu chuyện cổ tích cũng không còn làm mê mẩn những trái tim trẻ thơ ngây dại của các em học sinh tiểu học. Thay vào đó, là những bài hát dành cho người lớn, nội dung không phù hợp với nhận thức non nớt của các em. Phải chăng đây là hệ luỵ khi công nghệ thông tin phát triển quá nhanh, trẻ em tiếp cận với “sờ mát phôn”, mạng internet quá sớm ngay từ trong trứng nước, cùng với đó là sự quản lí, giáo dục của người lớn còn chưa thực sự phù hợp.
Trên mạng internet hiện nay, cư dân mạng đang đua nhau truyền tay một clip quay lại cảnh các em học sinh tiểu học Đông Thái ở Quận Tây Hồ - Hà Nội cùng nhau hát vang bài hát về tình yêu đôi lứa dành cho người lớn “Chắc ai đó sẽ về” kèm theo là những ý kiến phê phán, lên án. Người lớn sẽ nghĩ gì, sẽ cảm nhận ra sao khi thấy cảnh tượng đó? Tôi nghĩ chắc là “đắng lắm”. Đáng lẽ ra ở tuổi các em, bài hát đầu môi là những phải hát về tình yêu quê hương đất nước, thể hiện lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, kính trọng thầy cô… Đáng lẽ đó phải là “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” hay như “Cho con” với “Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa. Mẽ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực…”. Nhưng thay vào đó là “Anh tìm nỗi nhớ, anh tìm quá khứ. Nhớ lắm kí ức anh và em. Trả lại anh yêu thương ấy, xin người hãy về nơi đây. Bàn tay yếu ớt cố níu em ở lại. Những giọt nước mắt lăn dài trên mi. Cứ thế anh biết phải làm sao. Tình yêu trong em đã mất, phai dần đi theo gió bay. Còn lại chi nơi đây cô đơn riêng anh…”. Xem clip mà chua xót quá. Ai sẽ đứng ra giải thích cho chuyện này? Dẫu rằng nhà trường và giáo viên đã nhận thấy khuyết điểm của mình nhưng đằng sau đó là những câu hỏi không lời giải đáp cho sự thật đã sờ sờ trước mắt. Đó là việc các em được tiếp cận những kiến thức không phù hợp quá sớm, thiếu sự quản lí chặt chẽ của người lớn và nhà trường.
Một tiến sĩ tâm lí đã chia sẽ: “Ở đây, chúng ta chưa thể thông kê hay đo được mức độ tác động của bài hát Chắc ai đó sẽ về đối với lứa tuổi học sinh tiểu học. Nhưng một ca khúc với những ca từ ủy mị, lời lẽ yêu đương, day dứt như thế sẽ khơi gợi, đến lúc nào đó ăn sâu trong suy nghĩ, hành động khiến trẻ lớn hơn tuổi. Qua sự việc, cần phát huy vai trò của nhà trường, gia đình trong giáo dục con cái, tạo môi trường trong lành theo đúng lứa tuổi, phù hợp và có chọn lọc”. Trước kia, khi mà một số vụ việc nổi lên như phiếu bé ngoan in hình nàng tiên cá ngực trần, giáo viên dạy sai kiến thức khi nói “canh già Thọ Xương là một món canh gà nổi tiếng ở Hồ Tây” đã bị phản ứng gay gắt từ dư luận. Và vụ việc này cũng tương tự như vậy mà thôi.
(Tiến sĩ tâm lý cũng “choáng” về vụ việc)
Qua đây chúng ta có thể thấy, nhu cầu tinh thần của trẻ em rất lớn. Do đó, nếu chúng ta không có phương pháp giáo dục, định hướng hợp lí tất yếu dẫn đến những hệ luỵ đáng buồn. Vụ việc xảy ra không phải quá lớn nhưng phần nào cũng cảnh tỉnh gia đình và nhà trường có trách nhiệm hơn trong bồi đắp tâm hồn các em phát triển phù hợp với lứa tuổi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét