CHỈ LÀ SỰ HIỂU LẦM

[Minh Trị]
       Từ ngày 26/3 đến nay, nhiều công nhân tại công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam, khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) đã đình công trái pháp luật. Nguyên nhân là do họ phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 (11/2014) thông qua và sẽ đưa vào áp dụng từ 1/1/2016. Ngay lập tức trên nhiều cơ quan truyền thông hoặc diễn đàn trên mạng Internet có hoạt động chống Việt Nam như BBC, RFA, danlambao... tuyên truyền rằng: Chính quyền Việt Nam vi phạm quyền lợi của người lao động, giảm quỹ phúc lợi xã hội, đẩy công nhân vào cảnh khó khăn hơn... Thực chất, những luận điệu tuyên truyền của chúng chỉ là sự bôi nhọ, vu cáo Việt Nam, bản chất của vấn đề chỉ là sự hiểu lầm của người lao động đối với các quy định mới khi chưa được tuyên truyền, phổ biến, giải thích kỹ càng.



          Theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần là người lao động mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, bại liệt, lao nặng, phong, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế... Đối với những trường hợp khác được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để khi có việc làm thì người lao động tiếp tục đóng hoặc người tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ thời gian thì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để lúc về già được hưởng lương hưu... Về nguyên tắc, quy định này nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để có thể hưởng lương hưu theo quy định thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu sau này. Với các trường hợp khác, Luật Bảo hiểm xã hội khuyến khích người lao động có thể bảo lưu thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội. Sau đó, tiếp tục tìm việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội để có thể hưởng lương hưu hằng tháng khi về già. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ thời gian quy định có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, với chính sách hiện tại đã “mở” hơn nhiều.
          Cũng theo Luật mới, Chính phủ có phương thức hỗ trợ người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Quy định này nhằm hướng tới mục đích, khi hết tuổi lao động, người lao động có điều kiện nhận lương hưu hằng tháng để ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với lương hưu hằng tháng là những quy định khác hỗ trợ cho người nghỉ hưu. Theo quy định cũ, người lao động chỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho phép người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động có thêm nhiều quyền lợi hơn, cụ thể: Được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm...
          Như vậy, quy định mới nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động, còn việc hưởng chế độ một lần khi chưa đủ tuổi về hưu chỉ giải quyết khó khăn trước mắt. Nếu tính toán kỹ sẽ thấy người sử dụng lao động đã đóng 2/3 số tiền tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu vì lợi ích trước mắt mà rút ra để hưởng ngay thì phần thiệt thòi lâu dài sẽ thuộc về người lao động.
          Luật Bảo hiểm xã hội mới còn gần 9 tháng nữa mới đưa vào thực hiện, tất yếu đi kèm sẽ là Thông tư hướng dẫn cụ thể, có tham vấn ý kiến của đại diện Tổng liên đoàn lao động, chủ sử dụng lao động và người lao động, chọn ra phương án có lợi nhất cho các đối tượng lao động chịu ảnh hưởng từ luật. Việc chọn hình thức hưởng trợ cấp một lần còn tùy thuộc vào việc cân nhắc giữa nhu cầu trước mắt và sự ổn định lâu dài của bản thân người lao động.
          Có thể nói, sự việc công nhân đình công trái phép ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua chủ yếu do cách thức tuyên truyền chưa làm người lao động hiểu hết các quy định. Tâm tư, nguyện vọng của họ là nhận bảo hiểm xã hội một lần như luật cũ; họ cho rằng quyền lợi của người lao động sẽ không được đảm bảo nếu họ muốn dừng đóng, nếu họ không được lĩnh bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ không tham gia bảo hiểm xã hội lần tới... Tất cả đều do người lao động chưa nắm vững các quy định mới, công tác tuyên truyền chưa tốt mà thôi, chứ không phải vì chính quyền vi phạm quyền lợi của người lao động, công nhân bị xâm phạm lợi ích phải đứng lên phản kháng như những gì các phần tử xấu đang tuyên truyền.
          Rút kinh nghiệm sự việc vừa qua, có thể nói công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cùng những điểm mới mang tính nhân văn cần được đẩy mạnh hơn nữa về cả chiều rộng và chiều sâu. Việc tuyên truyền sẽ không đơn thuần chỉ là nhắc lại quy định mới, mà phải chỉ rõ cho người lao động, chủ sử dụng lao động biết tại sao có những quy định mới, và chúng có ưu điểm có lợi hơn cho người lao động như thế nào so với điều luật cũ, đặc biệt là việc khi người lao động không hưởng trợ cấp một lần sẽ có những lợi ích gì... Đây là nội dung phải phổ biến thấu đáo để người lao động hiểu hết. Từ đó, người lao động hiểu được giá trị của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm và họ sẽ đồng thuận. Tổng liên đoàn lao động và các cấp công đoàn cần triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng với công nhân ở các địa phương với cách thức tuyên truyền phù hợp.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét