Cây sưa của làng Phụ Chính, cớ sao Chủ tịch Hà Nội phải ra quyết định ?


Cái làng Phụ Chính này có lần mình đã du lãng. Cái tên làng rất dễ nhớ, vì vừa có Chính lại vừa có Phụ (mình suy luận tếu, chứ nghĩa nó khác). Lần vào đó là do bị lạc đường. Để tí tìm ảnh cũ, xem có lọt hình các cây sưa lúc chưa bị chặt vào ống kính không.

Làng này, còn lập ra một website riêng, ở đây. Vụ gỗ sưa, làng đưa video trực tuyến luôn.

Đọc tin trên Lao Động, thấy có mỗi một cây sưa, của làng Phụ Chính, mà làm sao Chủ tịch Thành phố phải ra quyết định ? Giá tiền sưa thì đại khái thế này: 1 mét khối khoảng 10 tỉ đồng tiền Việt.

Không rõ đã có báo nhiêu khối sưa trên địa bàn Hà Nội được chặt hạ thời gian qua ? Tiền thì cứ nhân 10 tỉ với 1 m3.



Dưới là tin của Lao Động.

---







Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán



(LĐ) - Số 88 AN TÂN 
Người dân thôn Phụ Chính làm rào sắt bảo vệ gỗ sưa.

Dù Bộ NNPTNT xác nhận gỗ sưa tại thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) do dân trồng và được quyền bán nhưng UBND TP.Hà Nội lại can thiệp khi chính quyền giữ gỗ của thương lái và phong tỏa hơn 20 tỉ đồng tiền bán gỗ của dân.


    Ngày 17.4, ông Hoàng Minh Hiến - Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ - đã có buổi làm việc người dân thôn Phụ Chính về việc người dân đòi chính quyền phải trả lại gỗ sưa cho dân. Do người dân kéo đến quá đông, ông Hiến chỉ tiếp được 20 phụ lão, hàng chục người khác được hướng dẫn sang trụ sở tiếp công dân của huyện để làm việc. Theo hồ sơ, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có trồng nhiều cây sưa trên đường liên thôn trước đền Đức Thánh Nhì vào khoảng năm 1880. Nhiều năm trước, người dân đốn sưa để sửa đình, chùa, một số làm củi và còn chừa lại 2 gốc. Ngày 13.9.2010, mưa bão lớn làm một số cành cây sưa bị gãy nên cộng đồng thu gom và tổ chức bán số gỗ tận thu trên để lấy kinh phí xây dựng lại chùa, đền thờ, công trình văn hóa cộng đồng thôn. Quá trình tận thu, người dân thôn Phụ Chính căn cứ vào văn bản số 3419 ngày 12.12.2007 của Bộ NNPTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác”.

    Ngày 18.10.2010, UBND xã Hòa Chính xác nhận nguồn gốc lâm sản được khai thác tận thu từ cây trồng phân tán. Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ cũng kiểm tra và xác nhận đây là gỗ do cộng đồng thôn quản lý nên làm lý lịch lâm sản, đóng búa cho gỗ để dân bán đấu giá. Sau khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài một tháng. Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn Thái (ngụ Thanh Bình, Đồng Kị, Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng. Sau khi ông Thái thanh toán, cộng đồng dân cư gửi tiền vào 10 cuốn sổ tiết kiệm, còn ông Thái thì nhận gỗ chở về. Khi ông Thái đang vận chuyển gỗ thì Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra xe. Dù ông xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng công an vẫn tạm giữ phương tiện và gỗ đồng thời phong tỏa toàn bộ số tiền bán gỗ mà cộng đồng thôn Phụ Chính đang đứng tên để tiến hành điều tra xác minh làm rõ vụ việc mua bán vận chuyển gỗ sưa.

    Ngày 5.5.2011, Công an Hà Nội có Công văn 2065/PC46-Đ9 gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin ý kiến xử lý số gỗ. Ngày 25.5.2011, ông Hà Công Tuấn - Phó Tổng cục trưởng - có văn bản khẳng định, số gỗ sưa này là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng do cộng đồng thôn tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra xác nhận (theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT). Dù Tổng cục Lâm nghiệp đã trả lời cụ thể số gỗ này do dân tự quyết nhưng việc “xác minh” của Công an Hà Nội cũng mất gần 30 tháng. Mãi đến ngày 26.3.2013, cơ quan công an mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 78/03/2013 vì không có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cả gỗ lẫn tiền vẫn bị phong tỏa.

    Mất tiền mất gỗ, ông Thái và cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính liên tục kéo kiện đông người, yêu cầu UBND TP.Hà Nội trả lại gỗ và tiền cho dân. Tuy nhiên, sự việc không được giải quyết dứt điểm. Đến ngày 31.3.2015, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - ký Công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Hiến - Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ - cho biết, người dân thôn Phụ Chính đã yêu cầu huyện phải tạm dừng đấu giá và xem xét lại nguồn gốc gỗ. “Hiện TP đã giao gỗ về huyện và yêu cầu huyện tổ chức đấu giá trước ngày 25.4.2015. Việc dân bức xúc chúng tôi phải ghi nhận, nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên” - ông Hiến nói.

    Ông Vũ Viết Binh - nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tây (cũ), người tham gia khiếu nại đòi gỗ - bức xúc: “ Chúng tôi quyết liệt khiếu nại vì theo quy định của pháp luật, số gỗ này thuộc quyền định đoạt của dân, không liên quan gì đến UBND TP.Hà Nội. Nếu không trả tiền cho dân, trả gỗ cho thương lái, chúng tôi sẽ kiện ra tòa”. Theo ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính - ngoài 2 gốc sưa trồng ven đường, người dân còn trồng rải rác hàng chục gốc sưa khác trên đất nhà. Với cách xử lý của TP.Hà Nội, nhiều người hoang mang không biết khi nào thì chính quyền đòi quản lý và bán đấu giá.

    http://laodong.com.vn/xa-hoi/go-sua-dan-trong-chinh-quyen-doi-ban-317368.bld

    ---


    Bổ sung 5 (19/5/2015):


    07:45 ngày 19 tháng 05 năm 2015

    Đấu giá 25m3 gỗ sưa thu 31,1 tỷ đồng


    TP - Chiều 18/5, phiên bán đấu giá 25m3 gỗ sưa đã được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội. Phiên đấu giá thu về 31,1 tỷ đồng, số tiền này cao hơn 11 tỷ so với giá mà đại diện thôn Phụ Chính, xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ đã thoả thuận với thương lái trước đó.
    Ảnh minh họaẢnh minh họa
    Số gỗ sưa nói trên được khai thác từ 2 gốc sưa có tuổi đời hơn 100 năm tại thôn Phụ Chính từ năm 2010. Khi đó, các cụ cao niên cùng người dân thôn Phụ Chính đã quyết định khai thác một số gỗ già để bán lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi. Thế nhưng, khi gỗ được chuyển ra khỏi làng thì đã bị Công an huyện Chương Mỹ thu giữ. Tiền và gỗ đều bị phong tỏa. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định giao toàn bộ số gỗ sưa đã thu giữ cho UBND huyện Chương Mỹ bán đấu giá.
    Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, người dân đang bị nhiễu thông tin nên gây ra hiểu lầm, kiện cáo. Thực chất, huyện Chương Mỹ chỉ làm nhiệm vụ bán hộ số gỗ cho người dân. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được chuyển về cho xã Hoà Chính, để chuyển về cho thôn Phụ Chính để người dân sử dụng. Như vậy, sau 5 năm trời “mất ăn, mất ngủ” vì cây sưa, người dân thôn Phụ Chính đã có thể thở phào.
    http://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/dau-gia-25m3-go-sua-thu-311-ty-dong-861507.tpo



    Bổ sung 4 (11/5/2015): Tin của NĐT.


    Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán: Sẽ kiện Chủ tịch UBND TP Hà Nội

    Nếu không trả tiền cho dân, trả gỗ cho thương lái, chúng tôi sẽ kiện ra tòa.

    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin , luật sư Hoàng Nguyên Hồng (nguyên chuyên viên cấp cao Ủy ban Kiểm tra Trung ương) khẳng định: “Người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) có thể kiện đích danh Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra tòa án vì đã ký công văn chỉ đạo có dấu hiệu sai quy định, vi phạm quyền và lợi ích của công dân và cộng đồng dân cư đã được luật pháp quy định...”.
    UBND TP.Hà Nội “phản bác” cơ quan chuyên môn
    Mặc dù bộ NN&PTNT đã có văn bản nói rõ gỗ sưa tại thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) do người dân trồng và được quyền bán theo quy định, thế nhưng chính quyền huyện Chương Mỹ lại can thiệp và giữ gỗ của thương lái cũng như phong tỏa hơn 20 tỉ đồng tiền bán gỗ của dân.
       Gỗ sưa dân trồng, chính quyền đòi bán: Sẽ kiện Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh 1

    Người dân thôn Phụ Chính làm rào sắt bảo vệ gỗ sưa. (Ảnh An Tân)

    Trong khi sự việc vẫn đang gây nhiều tranh cãi thì ngày 31/3/2015, ông Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) đã ký công văn số 86 chỉ đạo giao toàn bộ số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá và số tiền thu được nộp vào ngân sách huyện.
    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hoàng Minh Hiến (Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ) cho hay: “Hiện, thành phố đã giao gỗ về huyện và yêu cầu huyện tổ chức đấu giá trước ngày 25/4/2015. Số tiền từ bán đấu giá sẽ đưa vào ngân sách và đặc biệt ưu tiên để xây dựng công trình phúc lợi tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính”.
    Theo ghi nhận, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính có trồng nhiều cây sưa trên đường liên thôn trước đền Đức Thánh Nhì vào khoảng năm 1880. Nhiều năm trước, người dân đốn sưa để sửa đình, chùa, một số làm củi và còn chừa lại hai gốc. Ngày 13/9/2010, mưa bão lớn làm một số cành cây sưa bị gãy nên cộng đồng thu gom và tổ chức bán số gỗ tận thu trên để lấy kinh phí xây dựng lại chùa, đền thờ, công trình văn hóa cộng đồng thôn.
    Quá trình tận thu, người dân thôn Phụ Chính căn cứ vào văn bản số 3419 ngày 12/12/2007 của bộ NN&PTNT về việc khai thác, vận chuyển cất giữ gỗ rừng trồng nhóm 1A: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình , cá nhân tự bỏ vốn đầu tư cây trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác”.
    Tiếp đó, ngày 18/10/2010, UBND xã Hòa Chính xác nhận nguồn gốc lâm sản được khai thác tận thu từ cây trồng phân tán. Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ cũng kiểm tra và xác nhận đây là gỗ do cộng đồng thôn quản lý nên làm lý lịch lâm sản để dân bán đấu giá.
    Sau khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã Hòa Chính, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài một tháng. Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn Thái (ngụ Thanh Bình, Đồng Kị, Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng. Sau đó ông Thái thanh toán, cộng đồng dân cư gửi tiền vào 10 cuốn sổ tiết kiệm, còn ông Thái thì nhận gỗ chở về. Khi ông Thái đang vận chuyển gỗ thì Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra xe.
    Dù ông xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng công an vẫn tạm giữ phương tiện và gỗ đồng thời phong tỏa toàn bộ số tiền bán gỗ mà cộng đồng thôn Phụ Chính đang đứng tên để tiến hành điều tra xác minh làm rõ vụ việc mua bán vận chuyển gỗ sưa.
    http://www.nguoiduatin.vn/go-sua-dan-trong-chinh-quyen-doi-ban-se-kien-chu-tich-ubndtp-ha-noi-a184925.html



    Bổ sung 3 (26/4/2015): Tin mới của Lao Động.



    Viết tiếp vụ gỗ sưa bị tạm giữ tại Hà Nội:

    Gỗ sưa của cộng đồng, cộng đồng có được tự quyết?


    (LĐ) - Số 94 LAM SƠN 
    Gốc gỗ sưa tại làng Phụ Chính đã bắt đầu chết dần.

    Đến nay 2,506m3 gỗ sưa của người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) và 20,5 tỉ đồng của người mua bị “tạm giữ” gần 5 năm. Cơ quan điều tra đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự, vụ việc cũng chưa bị xử lý hành chính. Trong khi các cơ quan tham vấn khẳng định gỗ của cộng đồng, cộng đồng được tự quyết định… thì UBND TP.Hà Nội vẫn kiên định chỉ đạo giao cho huyện bán đấu giá.

    Mua bán, vận chuyển gỗ sưa đúng pháp luật
    Ngày 24.4, một ngày trước thời hạn cuối cùng mà các cơ quan chức năng phải thực hiện xong chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc “xử lý dứt điểm” vụ mua bán gỗ sưa tại thôn Phụ Chính, huyện Chương Mỹ, phóng viên Báo Lao Động có buổi làm việc lãnh đạo UBND TP.Hà Nội. Tại buổi làm việc này, nhiều thông tin, tài liệu mới được chính UBND TP cung cấp cho thấy có quá nhiều quan điểm khác biệt trong việc xử lý vụ việc tồn đọng gần 5 năm qua.
    Văn bản của UBND TP Hà Nội gửi PV Báo Lao Động khẳng định, thông báo 51 - thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh về vụ việc này - là “rõ ràng, đúng pháp luật”. Tuy nhiên có điều lạ là quá trình thực hiện, chính các ngành của Hà Nội lại “không thống nhất cách làm”. Chính điều này đã khiến Phó Chủ tịch thường trực thành phố phải triệu tập cuộc họp thứ 2 với thành phần mở hơn, nhưng các ngành vẫn giữ nguyên quan điểm trước đây. Vì sao các cơ quan lại “không thống nhất cách làm” theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch thường trực thành phố? Trong khi công an thành phố đề nghị “tịch thu số gỗ” thì đại diện cơ quan khác lại cho rằng “việc mua bán số gỗ này là ngay tình”…
    Trong văn bản trả lời cho UBND TP.Hà Nội, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp khẳng định: 2 cây gỗ sưa trong khuôn viên Chùa Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Do đó, “việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn Phụ Chính tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra, xác nhận”… Từ những phân tích, cơ quan chuyên ngành về pháp lý này khẳng định: “Về cơ bản, thủ tục thông qua việc khai thác tại thôn, thủ tục kiểm tra, xác nhận của UBND xã, thủ tục xác nhận của cơ quan kiểm lâm và thủ tục mua bán, vận chuyển số gỗ sưa, cành cây sưa từ 2 cây sưa trong khuôn viên Chùa Phụ Chính là đúng quy định của pháp luật hiện hành”.
    Không xác định được hành vi vi phạm hành chính
    Trước đó, trong văn bản trả lời văn bản hỏi của cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, Tổng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định: “Hai cây gỗ sưa trong khuôn viên Chùa thôn Phụ Chính là cây trồng phân tán, do cộng đồng thôn Phụ Chính quản lý, chăm sóc bảo vệ thì việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn này tự quyết định, báo cáo UBND xã Hòa Chính kiểm tra”.
    Có lẽ vì những tham vấn trên và việc “chưa có cá nhân nào được hưởng lợi từ số tiền mua, bán gỗ” trên nên Cơ quan CSĐT đã phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sau 3 năm điều tra. Vụ việc cũng được xác định là không có dấu hiệu vi phạm hành chính. Đến nay các cơ quan của UBND TP.Hà Nội chưa ban hành bất cứ quyết định xử lý vi phạm hành chính nào đối với việc mua bán này.
    Trong văn bản gửi UBND TP.Hà Nội, chính Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp khẳng định: “Vụ khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ sưa trên không có đầy đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính do không xác định được hành vi vi phạm hành chính với đầy đủ các yêu tố cấu thành như: Hành vi khách quan, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và điều khoản cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật đó có quy định hành vi vi phạm hành chính phù hợp với các yếu tố nêu trên để áp dụng đối với hành vi cụ thể của vụ việc”. 
    Từ đó, Cục này kết luận: “Không thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc này”.
    Tuy các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trên khẳng định như vậy, nhưng đến nay 5 năm đã trôi qua kể từ ngày Công an Hà Nội vào cuộc điều tra, 20,5 tỉ đồng mua số gỗ trên vẫn bị phong tỏa. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP bàn giao số gỗ sưa trên cho UBND huyện Chương Mỹ để bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền bán đấu giá thu được nộp ngân sách của huyện. UBND thành phố đồng ý phân bổ số tiền thu được từ việc đấu giá số gỗ sưa nói trên giao cho xã Hòa Chính để đầu tư các công trình phục vụ lợi ích công cộng của thôn Phụ Chính. 
    Tuy nhiên, Hà Nội đã căn cứ vào quy định nào của pháp luật để quyết định đấu giá tài sản của cộng đồng khi cộng đồng không ủy quyền? Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc này trong các số báo sau.
    Chùa thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (Chương Mỹ) có 2 cây sưa, khoảng 127 đến 132 năm tuổi. Tháng 8.2010, ông Vũ Văn Xuyện - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phụ Chính đã tổ chức nhiều cuộc họp chi bộ, toàn dân trong thôn để bàn bạc, thống nhất khai thác một số cành cây sưa bán lấy tiền xây dựng công trình phúc lợi cho thôn. Ngày 10.9.2010, ông Nguyễn Văn Nhất - đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Chính - và một số cán bộ xã là người thôn Phụ Chính tham gia họp Hội nghị quân, dân, chính, đảng thôn Phụ Chính để bầu ra Ban quản lý khai thác gỗ sưa.
    Ngày 16.10.2010, các ông Vũ Văn Xuyện, Vũ Văn Tưởng, Đinh Công Thường, Đinh Văn Đúng đã đại diện cho nhân dân thôn Phụ Chính ký hợp đồng bán toàn bộ số gỗ trên cho ông Dương Văn Thái làm nghề sản xuất đồ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh với giá 20,5 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, ông Thái đặt cọc 1 tỉ đồng.
    Ngày 24.10.2010, căn cứ vào đơn đề nghị của thôn Phụ Chính, ông Nguyễn Danh Sáu (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ) ký xác nhận: “Số gỗ sưa được xã thu gom 2,506m3 có nguồn gốc hợp pháp, được phép vận chuyển và tiêu thụ sau khi làm xong các thủ tục theo quy định”. Hôm sau, ông Trần Mạnh Hùng (Hạt phó) và ông Nguyễn Văn Tiến (Kiểm lâm viên) đến UBND xã Hòa Chính tiến hành lập lý lịch và đóng búa kiểm lâm cho số gỗ này. Sau khi có thủ tục của Hạt Kiểm lâm, lúc 15h40 cùng ngày tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Hà Tây, ông Cheng Feng Wei (quốc tịch Trung Quốc) làm thủ tục chuyển 19,55 tỉ đồng từ tài khoản cá nhân của ông được mở tại BIDV Chi nhánh Từ Sơn để trả cho thôn Phụ Chính. Ngày 25.10.2010, khi ông Thái thuê xe chở số gỗ sưa trên về Bắc Ninh thì bị công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ. Đến nay, số tiền 20,5 tỉ đồng mua gỗ vẫn bị cơ quan công an phong tỏa. L.S
     http://laodong.com.vn/xa-hoi/go-sua-cua-cong-dong-cong-dong-co-duoc-tu-quyet-319888.bld



    Bổ sung 2 (18/4/2015): Tin của HNM từ 2 năm trước.

    Hà Nội: Sẽ đấu giá số gỗ sưa bị chặt trộm tại chùa Phụ Chính
    Thứ Hai 23:25 29/04/2013
    (HNMO)- Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội), sau khi hoàn thiện mọi thủ tục cần thiết theo quy định, sẽ sớm tổ chức đấu giá số gỗ sưa trong vụ việc khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ sưa tại chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính.
    Đầu tháng 3 vừa qua, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh về giải quyết vụ việc khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ sưa tại chùa Phụ Chính (thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ). Theo đó, cây gỗ sưa tại chùa Phụ Chính là cây trồng phân tán, thuộc quyền quản lý của cộng đồng dân cư... Do vậy, yêu cầu Công an TP Hà Nội rà soát, kiểm tra, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, nếu không phát hiện hành vi tham nhũng thì đình chỉ điều tra, công bố công khai để nhân dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính và các đơn vị, cá nhân liên quan biết. Đồng thời, làm thủ tục trả lại số gỗ, cành sưa đã thu giữ; giao cho UBND huyện Chương Mỹ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo UBND xã Hòa Chính bán đấu giá theo quy định để phục vụ lợi ích công cộng. Công an TP xem xét, kết luận đối với số tiền đang bị phong tỏa tại ngân hàng, nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì xem xét xử lý theo quy định; nếu không có vi phạm pháp luật thì làm thủ tục trả lại cho người mua...

    Trước đó, ngày 25-10-2010, Công an huyện Chương Mỹ phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 30U-8526 vận chuyển hơn 2,5m3 gỗ sưa trên tỉnh lộ 419. Công an đã xác định chủ hàng là Nguyễn Thành Long (ở xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) và Dương Văn Thái (ở xã Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Công an huyện Chương Mỹ đã làm rõ hơn 2,5m3 gỗ nói trên được cắt ra từ một cây gỗ sưa tại chùa Phụ Chính. Ông Vũ Văn Xuyên, Trưởng thôn thôn Phụ Chính và ông Đinh Công Thường, Chi Hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính là những người đứng tên bán với giá 20,5 tỷ đồng…

    Đến thời điểm này, ông Nguyễn Văn Doanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, UBND huyện Chương Mỹ đã phối hợp với các cơ quan chức năng của TP bàn giao số gỗ, cành sưa cho xã Hòa Chính. Tuy nhiên, UBND xã Hòa Chính kiến nghị, địa phương không đủ khả năng để tổ chức bán đấu giá số gỗ, cành sưa kể trên. Bởi vậy, sau khi thống nhất với các sở, ngành liên quan của TP, UBND huyện thành lập hội đồng bán đấu giá và sẽ tổ chức đấu giá theo quy định hiện hành.
    Sẽ tổ chức khai thác, bán đấu giá gốc và phần cành ngọn còn lại của cây gỗ sưa bị chặt trộm tại thôn Phụ Chính vào đêm 28-10-2012. (Ảnh: TPO)
    Sẽ tổ chức khai thác, bán đấu giá gốc và phần cành ngọn còn lại của cây gỗ sưa bị chặt trộm tại thôn Phụ Chính vào đêm 28-10-2012. (Ảnh: TPO)

    Theo văn bản chỉ đạo của UBND TP, UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã Hòa Chính lập dự án xây dựng các hạng mục phúc lợi xã hội phục vụ nhân dân trong xã; tổ chức giám sát việc sử dụng đúng mục đích số tiền bán đấu giá thu được, bảo đảm không để xảy ra thất thoát, không phát sinh khiếu nại, tố cáo.

    Bên cạnh đó, ông Doanh cho biết, UBND huyện cũng đã họp bàn với các sở, ngành liên quan để thống nhất hướng xử lý gốc và phần cành ngọn còn lại của cây gỗ sưa bị chặt trộm tại thôn Phụ Chính vào đêm 28-10-2012. Trên cơ sở đó, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP để thực hiện. 



    Bổ sung 1 (18/4/2015): Tin từ 2 năm trước trên Dân trí.

    Thứ Sáu, 17/05/2013 - 08:25

    Nghi án “Sưa tặc” được minh oan, công dân vẫn “thiệt đơn thiệt kép”

    Dân trí Cơ quan CSĐT - CATP. Hà Nội đã quyết định không khởi tố hình sự đối với nghi án “Sưa tặc” ở chùa Phụ Chính, nhưng đến nay người mua chưa được nhận lại số gỗ bị thu giữ và phải đối mặt nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng.

    Theo đơn kêu cứu của ông Dương Văn Thái, trú tại Thanh Bình, Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh gửi đến báo Dân trí phản ánh: Công an huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội tiến hành thu giữ phương tiện, tiền, gỗ sai quy định gây thiệt hại cho gia đình ông Thái hàng tỷ đồng từ tháng 10/2010 đến nay. Sau hơn 2 năm xem xét, ngày 28/3/2013, Cơ quan CSĐT - CATP. Hà Nội đã ban hành thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự nhưng đến nay ông Dương Văn Thái chưa được cơ quan chức năng trả lại tài sản và phương tiện.
    Đơn kêu cứu ông Dương Văn Thái gửi đến báo Dân trí
    Đơn kêu cứu ông Dương Văn Thái gửi đến báo Dân trí
    Ông Thái cho rằng, việc UBND TP. Hà Nội ban hành thông báo giao cho UBND huyện Chương Mỹ bàn giao lại số gỗ Sưa bị thu giữ năm 2010 cho UBND xã Hòa Chính tiếp nhận, tổ chức bán đấu giá là không thuyết phục, xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dương Văn Thái.
    Dựa trên những giấy tờ liên quan và các nhân chứng cung cấp, cây Sưa ở chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ do các cụ nhiều đời trước trồng và để lại khoảng 127 - 132 năm tuổi. Tháng 8/2010, ông Vũ Văn Xuyện - Bí thư Chi bộ khiêm Trưởng thôn tổ chức nhiều cuộc họp chi bộ, họp toàn dân trong thôn để bàn bạc và thống nhất khai thác một số cành Sưa bán lấy kinh phí tu bổ chùa, xây dựng một số công trình phúc lợi trong thôn.
    Sau khi ý kiến của người dân đều thống nhất khai thác, ngày 13/9/2010, Ban Quản lý gỗ Sưa thôn Phụ Chính đã thuê người cưa 1 nhánh cây Sưa và một cành Sưa đưa về nhà văn hóa thôn cất giữ. Ngày 16/10/2010, đại diện thôn Phụ Chính tiến hành ký hợp đồng bán số 2,506m3gỗ Sưa cho ông Dương Văn Thái làm nghề sản xuất đồ gỗ Mỹ Nghệ với giá 20,5 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, anh Thái đặt cọc 1 tỷ đồng.
    Căn cứ đơn đề nghị của thôn Phụ Chính, ông Nguyễn Danh Sáu - Hạt trưởng kiểm lâm Chương Mỹ ký xác nhận “Số gỗ Sưa được xã thu gom 2,506m3có nguồn gốc hợp pháp, được phép vận chuyển và tiêu thụ sau khi làm xong các thủ tục theo quy định”. Ngày 25/10/2010, các ông Trần Mạnh Hùng - Hạt phó kiểm lâm Chương Mỹ, Nguyễn Văn Tiến - Kiểm lâm viên, Nguyễn Danh Năm - lái xe Hạt kiểm lâm đến UBND xã Hòa Chính lập lý lịch và đóng búa Kiểm lâm. Sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm lâm, đại diện thôn Phụ Chính đã nhận đủ số tiền 20.550.000.000đ theo thỏa thuận hợp đồng bán cho ông Dương Văn Thái.
    Thông báo không khởi tố vụ án hình sự của Công an TP. Hà Nội
    Thông báo không khởi tố vụ án hình sự của Công an TP. Hà Nội
    Đến 18h ngày 25/10/2010, ông Dương Văn Thái cho xe ôtô đến vận chuyển số gỗ Sưa đã mua bán công khai, có đầy đủ thủ tục kiểm lâm về Bắc Ninh thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ cả người và xe tại địa phận xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ngoài việc thu giữ gỗ và xe, Công an huyện Chương Mỹ còn thu giữ của anh Thái 490.000.000đ, phong tỏa toàn bộ 20.550.000.000đ bên mua đã trả cho đại diện thôn Phụ Chính.
    Sau hơn 2 năm xem xét, ngày 8/3/2013, UBND TP. Hà Nội ra Thông báo số 51/TB - UBND, kết luận chỉ đạo giải quyết việc khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ Sưa tại chùa Phụ Chính, thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. TP. Hà Nội chỉ đạo trả lại gỗ Sưa, cành Sưa, giao cho UBND huyện Chương Mỹ bàn giao cho UBND xã Hòa Chính tổ chức bán đấu giá theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nội dung kết luận nêu trên của TP. Hà Nội đã không nhận được sự đồng tình của các bên.
    Đến ngày ngày 28/3/2013, Cơ quan CSĐT - CATP. Hà Nội ra thông báo 679/TB/PC46- DD10 thông báo quyết định không khởi tố vụ án hình sự, vì cây Sưa tại chùa Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ xác định là cây phân tán, không thuộc đối tượng điều chỉnh tại các Nghị định của Chính phủ về việc quản lý thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Việc khai thác, bán, làm thủ vận chuyển với mục đích làm lợi cho thôn Phụ Chính, chưa có cá nhân nào được hưởng lợi từ số tiền mua bán gỗ.
    Đại diện người dân thôn Phụ Chính tập trung ở UBND huyện Chương Mỹ chiều 16/5/2013
    Đại diện người dân thôn Phụ Chính tập trung ở UBND huyện Chương Mỹ chiều 16/5/2013 để phản đối việc bàn giao lại gỗ Sưa cho UBND xã Hòa Chính đấu giá
    Cơ quan CSĐT - CATP. Hà Nội quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đồng nghĩa nghi án “Sưa tặc” đã được minh oan, việc mua bán và vận chuyển được xác định là hợp pháp. Tuy nhiên, các cấp chính quyền lại không công nhận giao dịch mua bán hợp pháp của cộng đồng dân cư và ông Thái, không trả lại tài sản thu giữ của ông Thái từ năm 2010 mà quyết định trả tiền cho người mua, giao lại số gỗ trên cho UBND xã Hòa Chính khiến nhiều người dân bức xúc.
    Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến báo Dân trí, ông Dương Văn Thái cho rằng, Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ lô gỗ Sưa, một khối tài có nguồn gốc hợp pháp trị giá hơn 20 tỷ đồng, cùng số tiền mặt lên đến 490.000.000đ (số tiền không liên quan đến vụ việc) của người bạn đi cùng ông Thái đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hơn hai năm qua, đẩy gia đình ông Thái rơi vào cảnh cùng quẫn kinh tế, khủng hoảng năng về tinh thần.
    Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với phần tài sản đã mua bán hợp pháp với đại diện thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, ông Dương Văn Thái khẩn thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ dừng việc bàn giao gỗ cho UBND xã Hòa Chính bán đấu giá để làm rõ tính hợp pháp của việc mua bán giữa ông Thái và người dân thôn Phụ Chính.
    Ông Thái kiến nghị các cơ quan Trung ương vào cuộc rà soát, giải quyết khiếu nại của công dân theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật cho cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính và người có tài sản bị bắt giữ là ông Dương Văn Thái. Ngoài ra, ông Thái cũng đề nghị xử lý những cán bộ Công an đã thu giữ trái phép số tiền 490.000.000đ.
    Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
    Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương
    http://dantri.com.vn/ban-doc/nghi-an-sua-tac-duoc-minh-oan-cong-dan-van-thiet-don-thiet-kep-731552.htm



    ---


    Những entry liên quan đã đi trên blog này:



























    Văn nghệ thứ Bảy : Mùa xuân đâu còn là Tết trồng cây

    Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay

     Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo

    -  Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ
    Share on Google Plus

    About Unknown

    Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
      Blogger Comment
      Facebook Comment

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét