[Minh Trị]
Sắp tới ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì một số phần tử chống Cộng ở hải ngoại lại đòi cổ xúy cho lá cờ vàng ba sọc đỏ của ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975. Khác với các năm trước, ở lần này, số đối tượng trong các tổ chức phản động lưu vong tìm cách đưa vấn đề đến tận cơ quan lập pháp của tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ - bang California, nơi tập trung tới hơn 1 triệu người gốc Việt.
Tuy nhiên, tất cả những âm mưu của các phần tử xấu đã không thành công. Trước tiên, cái gọi là chương trình “Hành trình đến tự do và vươn tới” (Journey to freedom and beyond) đã không thể tổ chức sự kiện tại Camp Pendleton - căn cứ thủy quân lục chiến lớn nhất Hoa Kỳ. Lý do là căn cứ này, nơi hàng ngàn người Việt Nam từng tạm cư hồi năm 1975, không cho chào cờ và hát quốc ca Việt Nam cộng hòa, vì Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không đồng ý. Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn cho biết bà đang làm việc cùng với bà Mimi Walters, dân biểu liên bang Hoa Kỳ, tìm giải pháp để có thể cho các tổ chức hội đoàn và cá nhân được chào cờ vàng tại các buổi lễ tổ chức ở những cơ sở quân sự Hoa Kỳ trong tương lai. Tất nhiên, điều này chẳng dễ thực hiện khi nhà chức trách Hoa Kỳ đang xúc tiến tăng cường quan hệ với Việt Nam.
Đáng tiếc, trong khi lá cờ vàng ba sọc của một chính quyền phản nước, hại dân, phụ thuộc ngoại bang đã lùi sâu vào quá khứ và đại đa số người Việt mong muốn nó sẽ mãi mãi chôn vùi cùng ký ức chiến tranh đầy đau thương thì chính một đại diện ưu tú của người Việt hải ngoại lại tìm cách đào bới quá khứ để vinh danh cho cái xấu xa đã không còn. Ngày 13/4/2015 vừa qua, tại thủ phủ Sacramento - bang California, bà Janet Nguyễn - người gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Thượng viện cấp tiểu bang Hoa Kỳ đã trao Nghị Quyết SCR 29 ngay tại phiên họp khoáng đại Thượng viện. Đây là sự kiện lần đầu tiên diễn ra tại California - tiểu bang lớn và đông dân nhất Hoa Kỳ. Nghị quyết này công nhận tháng tư năm 2015 là “tháng tưởng niệm tháng tư đen” của người Việt Nam tại California. Nghị quyết do bà Janet làm tác giả, có sự ủng hộ của những dân cử khác. Trước khi bước vào Thượng viện, vị dân cử gốc Việt này muốn mang lá cờ vàng ba sọc đỏ vào nhưng không được do luật không cho phép. Bà ta còn công khai tuyên bố: “Chúng ta có hai cách, một là im lặng, hai là đề nghị một cuộc bỏ phiếu để đem lá cờ của chúng ta vào bên trong. Tôi sẽ chọn cách thứ hai”. Thế nhưng, đáng tiếc cho Janet và số phần tử chống Cộng hải ngoại: bà ta lại là đảng viên đảng Cộng hòa, chỉ chiếm thiểu số tại thượng viện bang California (đảng Dân chủ luôn nắm ưu thế trong nhiều khóa), do đó bà không có đủ số phiếu ủng hộ.
Vẫn chưa chịu thua, bà ta khoác lên người một khăn choàng, có cờ Mỹ và cờ vàng ba sọc, đọc bài diễn văn gần 5 phút tại phiên họp Thượng viện, tuyên dương các cựu chiến binh Mỹ và quân Sài Gòn từng tham chiến tại Việt Nam. Bà ta nói: “Nhưng tôi đã mang trên người tấm khăn choàng có lá cờ Việt Nam cộng hòa khi tôi phát biểu. Họ không cho tôi mang lá cờ vào bên trong, nhưng họ không thể lấy lá cờ trên người tôi”. Bà cũng nhắc đến “cuộc đấu tranh cho nhân quyền hiện nay” và ... trách Thượng viện không cho mang cờ vào. Chưa hết, sau khi trao Nghị quyết SCR 29, bà nhắc lại Nghị quyết SCR 17, do Thượng nghị sĩ Denise Ducheny đề nghị, và được Thượng viện thông qua năm 2005, công nhận lá cờ vàng, nhưng lại không cho phép lá cờ này hiện diện trong cơ quan lập pháp của tiểu bang. Bà ta quả quyết, trong những ngày tới bà sẽ tu chính SCR 17 để lá cờ vàng ba sọc đỏ được hiện diện bên trong Thượng viện trong những dịp “tháng tư đen” sắp tới (!).
Trong cuộc bầu cử Thượng viện cấp tiểu bang hồi tháng 11 năm 2014, khi bà Janet Nguyễn - người gốc Việt đầu tiên đắc cử Thượng nghị sỹ tiểu bang, người Việt khắp năm châu đã tự hào và chúc mừng cho sự thành đạt của bà và của cộng đồng Việt kiều bang Cali. Tưởng rằng với cương vị như vậy, bà sẽ hết lòng đóng góp cho quan hệ hữu nghị giữa đất nước hiện tại bà đang sống và quê hương Việt Nam của bà. Đặc biệt là, năm 2015 này nhất là hai nước tiến hành những hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995 - 2015) với các chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B.Obama (dự kiến 11/2015) cùng với việc Hoa Kỳ và Việt Nam tham gia đàm phán hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đáng tiếc, bà Janet lại đi ngược lại quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, phục vụ lợi ích cho một nhóm nhỏ những phần tử phản động lưu vong vẫn còn mang nặng hận thù với chính quyền Việt Nam. Bà Janet cổ súy cho việc công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là cờ chính thức của cộng đồng người Việt hải ngoại. Vấn đề đặt ra là, đâu phải tất cả người Việt ở Cali đều tham gia vào chính quyền và quân đội Sài Gòn? Hơn thế nữa, là cờ vàng ba sọc có xứng đáng để đại diện cho người Việt hải ngoại không?
Những kẻ phản động ở hải ngoại vẫn thường rêu rao: Cờ vàng ba sọc đỏ là cờ “quốc gia”, kế thừa truyền thống từ nào cờ Gia Long, cờ thời Đồng Khánh, đặc biệt là cờ dưới hai triều vua kháng Pháp là Thành Thái và Duy Tân, Long tinh kỳ, cờ quẻ ly... Bọn chúng đâu có biết rằng, trong thời kỳ chống Pháp, mặc dù thực dân chiếm được nhiều đô thị, lực lượng kháng chiến phải tạm rút về ATK trong giai đoạn đầu, nhưng lòng dân vẫn một lòng hướng về Cụ Hồ, về Chính phủ, về lá cờ chính nghĩa xuất hiện lần đầu trong khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) với nền đỏ, ngôi sao vàng 5 cánh đại diện cho 5 tầng lớp sĩ - nông - công - thương - binh. Còn cờ vàng ba sọc đỏ? Được sử dụng lần đầu vào ngày 2/6/1948 đại diện cho cái gọi là “chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam” của “thủ tướng” Nguyễn Văn Xuân, sau đó trở thành “quốc kỳ” dưới thời “quốc gia Việt Nam” (1949-1955), và “Việt Nam cộng hòa” (1955-1975). Cái gọi là “chính phủ lâm thời quốc gia Việt Nam” thành lập năm 1948 và được Pháp công nhận “độc lập” bằng Hiệp ước Vịnh Hạ Long (1948) chỉ là tập hợp của những kẻ vốn đã là tay sai của Pháp - Nhật từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở đó Quốc trưởng là một ông vua bù nhìn, đã chối bỏ nghĩa vụ của dân một nước độc lập và vai trò Cố vấn tối cao do Quốc hội giao để trốn về với Pháp; của những thành viên chính phủ vốn là đảng viên Việt Quốc, Việt Cách, đảng Đại Việt vốn từng làm tay sai cho hết Pháp, Nhật lại Tàu Tưởng. Ở đó mang danh là quốc trưởng, là chính phủ nhưng không có nghị viện (kể cả nghị viện lâm thời), không có tài chính riêng, không ngoại giao riêng, một thời gian dài chưa xây dựng được quân đội riêng. Ở cái gọi là “quốc gia Việt Nam” đó chỉ là những âm mưu chính trị đen tối nhằm giành lấy những cái ghế chóp bu của bọn tay sai bán nước. Với một chính quyền không chính danh lại nô lệ thực dân như vậy, cứ khi cờ quẻ ly rồi sau này là cờ ba sọc xuất hiện, nhân dân thường đàm tiếu về lá cờ nhại theo quốc kỳ Pháp “ba cột ba cờ” mang tính sao chép, phụ thuộc và còn gọi đó là cờ “ba que” nhằm ám chỉ tính chất lừa bịp của chính quyền tay sai bán nước.
40 năm chiến tranh đã trôi qua, thế hệ mới của người Việt dù ở trong hay ngoài nước cần biết hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại những gì đen tối trong quá khứ để cùng nhau xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo. Khi hai nước đang tăng cường quan hệ, là người con nước Việt, giữ cương vị nhất định, nên hết lòng góp sức vun đắp cho tương lai hai quốc gia, chứ đừng khơi lại quá khứ chiến tranh đau thương, mất mát, khơi lại hình tượng của một chính quyền bù nhìn, thối nát, nô dịch ngoại bang.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét