SỚM MUỘN CŨNG PHẢI XÂY

[Minh Trị]
         Mấy ngày nay dư luận đang bàn tán về việc được sự cho phép của Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG với sự thiết kế của công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) sẽ xây dựng tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới. Lập tức, trên các trang báo, các mạng xã hội đã đăng tải nhiều ý kiến khác nhau. Mới đây nhất, 46 nhà văn, nhà báo, trí thức đã đồng ký tên vào Thư ngỏ gửi Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam về vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã nên xây tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới hay chưa?
          Bức “thư ngỏ” nêu trên và một số ý kiến phản đối cho rằng: Tương lai của truyền hình thế kỷ XXI sẽ là truyền hình cáp, kỹ thuật số, qua vệ tinh... Năm 2020 khi không áp dụng công nghệ analog thì tháp truyền hình sẽ mất đi phần nào tác dụng. Trước khi xây tháp truyền hình, VTV cần cải thiện nội dung, sử dụng hết công năng truyền tiếp của VTV địa phương (Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, TPHCM, Cần Thơ). Nhiều ý kiến mang tính “bàn lùi” khác lại cho rằng giờ ngân sách eo hẹp, xây dựng tháp truyền hình là quá tốn kém...


         Trước khi quyết định cho xây dựng một công trình mang tầm vóc lớn thậm chí có thể trở thành biểu tượng của quốc gia, Chính phủ và cơ quan chủ quản trực tiếp tiến hành là VTV chắc chắn đã có những tính toán chi tiết. Vì vậy, việc xây dựng tháp truyền hình là cần thiết, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Điều đó xuất phát từ một số nguyên nhân như:
          Đầu tiên, xây dựng tháp truyền hình đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, miền còn khó khăn, đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Truyền hình dùng công nghệ analog có ưu điểm là phát sóng được tới các vùng xa xôi hẻo lánh với chất lượng cao. Trong khi dân cư ở các đô thị đã phần nào bội thực với lượng thông tin từ Internet và hàng trăm kênh cáp, kỹ thuật số, HD thì nhân dân ta ở các vùng khó khăn vẫn rất mong mỏi tín hiệu truyền hình của Đài Trung ương được ổn định hơn, nét hơn. Những kênh dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số như VTV5 được phủ sóng rộng sẽ giúp tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới với đồng bào rất hiệu quả, thường xuyên.
          Không chỉ đáp ứng yêu cầu của ngành truyền hình, khi xây dựng tháp truyền hình cao kỷ lục này, một số lĩnh vực kinh tế - xã hội khác sẽ được thúc đẩy. đặc biệt là du lịch. Dự án xây dựng trên một khu đất trống (14 ha) tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, nơi có cảnh quan đẹp, thu hút rất đông người nước ngoài không chỉ du lịch mà còn sinh sống tại Việt Nam. Công trình sẽ mang những nét văn hóa riêng, phát triển hài hòa với khung cảnh xung quanh và sẽ là công trình mang tính biểu tượng. Với hệ thống thang máy, hành lang quan sát trên cao, chắc chắn công trình sẽ thu hút nhiều khách du lịch. Nên nhớ, trong tuần đầu tiên khánh thành, tháp truyền hình Sky Tree (Tokyo - Nhật Bản) đã thu hút 1,6 triệu du khách tới thăm.
          Chủ trương xây tháp đã có từ năm 1995, nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên bây giờ mới có điều kiện thực hiện. Nhiều người cho rằng trong lúc kinh tế còn khó khăn thì lấy đâu ra tiền để đầu tư một công trình tầm vóc như thế? Có thể thấy, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan huy động các nguồn vốn xã hội hóa cho việc xây dựng tháp truyền hình này. Cụ thể, nguồn vốn góp của VTV sẽ được huy động từ nguồn huy động, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc đài; SCIC sẽ đầu tư theo kênh Nhà nước; còn BRG là tập đoàn tư nhân chuyên đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực sân golf và tài chính - ngân hàng, trong đó có SeABank. Như vậy, kinh phí sẽ được huy động chủ yếu từ hình thức xã hội hóa, với nhiều nguồn khác nhau, cơ bản đảm bảo yêu cầu lập dự án, tất nhiên vẫn phải báo cáo xin ý kiến Chính phủ về hình thức giao đất, sử dụng vốn và phương thức chọn nhà thầu.
          Như vậy, chủ trương xây dựng tháp truyền hình là đúng đắn và cần được ủng hộ. Có chăng, cần xem xét thêm về thời gian thi công, huy động nguồn vốn mà thôi. Những công trình đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì sớm muộn cũng phải xây dựng, chớ nên bàn lùi.
 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét