[Minh Trị]
Những ngày đầu tháng 2 năm 2015 này, trong không khí cả nước náo nức thi đua kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/1975), chúng ta lại bồi hồi nhớ lại thắng lợi vĩ đại mà Đảng ta đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân giành được trong mùa xuân lịch sử tròn 40 năm về trước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ giành độc lập, thống nhất đất nước. Để có cơ sở đầy đủ, toàn diện để Bộ Thống soái Tối cao đề ra Kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, bên cạnh “trận trinh sát chiến lược” Phước Long giành thắng lợi trước khi Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng kết thúc 2 ngày (6/1/1975), thông tin tình báo chiến lược cũng góp phần quyết định củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong mùa xuân toàn thắng.
Thời gian giáp Tết Ất Mão 1975, trong các ngày 25, 26, 28 và 30 tháng Chạp (5, 6, 8 và 10/2/1975) tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn đi úy lạo, vực dậy tinh thần binh sĩ quân ngụy Sài Gòn đang hoang mang sau thất bại của chúng ở Phước Long. Địch đâu có biết rằng, đúng ngày 5/2/1975 (25 Tết), đoàn công tác mang mật danh A75 của ta do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu đã bí mật từ Hà Nội bí mật di chuyển bằng nhiều phương tiện để có mặt ở Nam Tây Nguyên hơn 1 tuần sau. Ngay khi vào đến Sở Chỉ huy của bộ ở phía tây nam thị xã Buôn Ma Thuột, đồng chí Văn Tiến Dũng đã thay mặt Quân ủy Trung ương công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, chuẩn bị cho trận đánh “điểm huyệt” tại Buôn Ma Thuột mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975
Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh
Quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị dựa trên cơ sở cho thấy quân ngụy Sài Gòn đã quá yếu, không đủ sức đảm nhiệm phòng thủ ở 4 vùng chiến thuật, các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam đã mạnh hơn địch, và đặc biệt là tin tình báo chiến lược: Mỹ sẽ không đem quân can thiệp trở lại Việt Nam.
Thông tin tình báo đó xuất phát từ một số cơ sở như:
Một là, dù ta đã tấn công quy mô khá lớn, vào một địa bàn quan trọng chiến lược không xa Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn tỉnh đầu tiên ở miền Nam, nhưng phía Mỹ chỉ phản ứng rất nhẹ, chủ yếu là lên án qua đường ngoại giao và cho Hạm đội 7 tập trận ngoài khơi Thái Bình Dương.
Hai là, tình hình thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương không thuận lợi cho Mỹ trong việc can thiệp trở lại: Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu vững mạnh, đoàn kết giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong giai đoạn tấn công kết thúc cuộc kháng chiến, các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới lớn mạnh, phong trào giải phóng dân tộc trong ba dòng thác cách mạng làm cho chủ nghĩa thực dân kiểu cũ bước vào hồi cáo chung. Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ đã không còn hoàn toàn đứng bên Mỹ trong âm mưu xâm lược Việt Nam, bao gồm cả các quốc gia trong khối quân sự SEATO.
Ba là, sau Hiệp định Paris, nước Mỹ về danh nghĩa đã phải chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Việt Nam. Với vị thế siêu cường của mình, nếu bội tín, bội ước, quay trở lại Việt Nam, họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh và vị thế quốc gia, bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt.
Bốn là, nội bộ nước Mỹ tiếp tục chia rẽ gay gắt về vấn đề Việt Nam. Sau vụ bê bối Watergate dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Nixon (8/1974), việc quay trở lại Việt Nam hay không đã không còn trở thành vấn đề nghị sự quan trọng nhất. Người dân Mỹ đã quá chán ghét cuộc chiến hao người, tốn của Việt Nam; trong khi đó, tại Quốc hội Mỹ, phe chủ hòa đang chiếm ưu thế.
Từ tất cả những nhận định trên, tình báo ta đã đưa ra nhận định: Mỹ sẽ không can thiệp trở lại Việt Nam, chỉ có thể giúp đỡ chính quyền ngụy bằng viện trợ quân sự khẩn cấp và cố vấn Mỹ. Trước thời cơ chiến lược đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã bước vào mùa xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng”, với khẩu hiệu “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non song về một mối.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét