'Chuyến đi kinh hoàng' của thuyền nhân Việt
Năm 1988 Trịnh Tùng cùng con trai nhỏ và hơn 100 người khác chen chúc trên chiếc thuyền gỗ lao ra biển, rời Việt Nam.
Nay, khi nhớ lại, bà gọi đó là “chuyến đi kinh hoàng”. “Đến giờ nhiều khi tôi không nhớ gì về Việt Nam hết mà chỉ nhớ về chuyến đi,” bà nói với chương trình Newsnight của BBC.
Không lâu sau khi rời bến, chiếc thuyền nhỏ bị hỏng máy, và thức ăn, đồ uống cũng sớm cạn kiệt. Đoàn người tuyệt vọng chứng kiến nhiều tàu đi ngang qua, nhưng không một ai dừng lại giúp đỡ.
Ngày thứ 19, một chiếc tàu lớn mang cờ Mỹ dừng lại bên chiếc thuyền chở nhóm người di cư.
“Khi mình nhìn thấy lá cờ thấy đây là tàu Mỹ thì mình nghĩ là ồ thế nào thì họ cũng sẽ vớt chiếc tàu này,” bà Tùng kể.
“Nhiều đàn ông mừng quá đã nhảy khỏi thuyền và bơi đến gần chiếc tàu. Nhưng khi họ bơi tới gần, anh trai tôi cố trèo lên chiếc tàu và bị họ lay cho rơi xuống. Họ nói, ‘quay về đi’. Nhưng anh trai tôi đã yếu quá rồi.”
Bill Cloonan, một cựu sĩ quan trên chiếc USS Dubuque, kể lại:
“Họ nhảy chồm chồm trên tàu, reo vẫy, la hét. Rõ ràng là họ cần được giúp đỡ.”
“...Tôi thấy một người đàn ông Việt Nam cố bám vào sợi dây rơi xuống từ trên tàu. Một người nào đó trên tàu được lệnh rung sợi dây đó để ông ta bỏ cuộc.
“Tôi rất buồn về điều đó, đó là hành động không phải. Thật kinh khủng.”
Thuyền trưởng tàu USS Dubuque cho cung cấp đồ tiếp tế nhưng quyết định tiếp tục tiến tới vịnh Ba Tư, để lại Tùng và những người đồng hành, lúc đó vẫn hy vọng họ sẽ sớm được giúp đỡ.
“Sau 19 ngày lại có đồ ăn và nước uống, chúng tôi mừng vô cùng. Chúng tôi ăn, uống và tiếp tục chờ đợi. Sau hai ngày, không có một ai.
“Hết ngày đến đêm, rồi đêm lại qua ngày, tôi chỉ biết cầu nguyện, Chúa, xin hãy giúp con.
“Bạn biết là mình lại bị đói, bị khát, mà không biết điều gì đang xảy ra, không biết phải làm gì.”
'Cứ ăn tôi'
Chiếc thuyền gỗ lại trôi dạt trên đại dương, và nhiều người lần lượt ra đi. Nhóm người tồn tại nhờ vào ăn thịt người đã chết.
Bà Tùng kể: “Có một người, trước khi chết, ông ấy nói, cứ lấy ông ấy làm đồ ăn. Ông ấy nói với chúng tôi, cứ ăn tôi đi.
“Thế là từ hôm đó, từ khoảnh khắc đó, chúng tôi [ăn] từ người chết.
“Điều đó vẫn làm tôi rất buồn. Tôi không bao giờ muốn nhắc đến [chuyện này],” bà nghẹn giọng.
Hơn hai tuần trôi qua, cuối cùng chiếc thuyền cũng được ngư dân ven biển Philippines cứu sống. Lúc bấy giờ, hơn một nửa số người trên thuyền đã thiệt mạng.
Thuyền trưởng tàu USS Dubuque, Alex Balian đã phải ra trước tòa án binh, ông không bị bỏ tù nhưng buộc phải rời quân ngũ vì tội thiếu trách nhiệm.
Phóng viên Gabriel Gatehouse của chương trình Newsnight BBC nhận xét, kể từ những năm 1980, Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc đã có quy định các tàu phải cứu giúp tàu gặp nạn.
“Thế nhưng đây vẫn là lĩnh vực chưa rõ ràng. Làm thế nào để xác định đâu là tàu đang gặp nạn và như thế nào là giúp đỡ phù hợp?”
Giáo sư Guy Goodwill-Gill từ Đại học Oxford phân tích, “vấn đề của họ không chỉ là cứu nạn mà là làm gì sau đó? Một số chính quyền có thể còn không cho họ lên bờ.
“Hoặc với những chính phủ chấp nhận cho họ vào bờ đi nữa, thì câu hỏi đặt ra là, sẽ làm gì với họ, để họ ở đâu? Liệu có giữ họ lại không? Đây là vấn đề chúng ta từng phải đối diện trong quá khứ, đã giải quyết được nó, và tới giờ lại phải giải quyết.”
Câu chuyện về tàu USS Dubuque và thuyền trưởng Balian nay vẫn được dạy trong khóa đào tạo về đạo đức cho các chỉ huy tàu ở học viện hải quân Hoa Kỳ,” phóng viên Gatehouse nói.
Bà Trịnh Tùng nay sống ở Hoa Kỳ cùng con trai - người sống sót hành trình vượt biển với bà.
Anh từng phục vụ trong quân đội và hiện làm công chức ở Washington.
Khi được hỏi về những thuyền nhân thời nay, những người Rohingya trôi dạt trên biển, bà nói, “khi tôi nhìn mặt họ, họ cũng giống như chúng tôi trước kia. Tôi chỉ mong có ai đó giúp đỡ họ, chìa cho họ một bàn tay, vì dù gì đi nữa, họ cũng mang dòng máu đỏ như chúng ta.”
Xem chương trình của Newsnight phát hôm 22/05/2015 tại đây.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét