[Minh Trị]
Về cơ bản thì nước Mỹ luôn tự nhận là quốc gia tự do, dân chủ nhất trên thế giới, thậm chí “bạn có thể làm mọi điều ở nước Mỹ” đã trở nên một câu khẩu hiệu thường được dân chúng truyền miệng. Do nước Mỹ tự do quá, dân chủ quá, lại tự huyễn hoặc mình có sứ mệnh lãnh đạo thế giới, nên họ hay đi “quan tâm hộ” tình hình tự do dân chủ ở nước khác. Hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đều có Báo cáo tình hình nhân quyền trên thế giới với nhiều đánh giá sai lệch, phiến diện về nội bộ các quốc gia, nhất là những nước không chịu sự chi phối của Mỹ. Với Việt Nam, cuối tháng 4 vừa qua, “Luật về nhân quyền Việt Nam 2015” với nhiều nội dung xuyên tạc, bôi nhọ tình hình Việt Nam được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội Mỹ. Sau đó, ngày 1/5, nhân dịp sắp tới “Ngày tự do báo chí thế giới”, Văn phòng Nhà Trắng thu xếp cho Tổng thống Obama gặp Nguyễn Văn Hải - đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam nhiều lần.
Tuy nhiên, tự do, dân chủ của công dân Mỹ có thực sự được đảm bảo tuyệt đối hay không? Tôi cho là không. Tự do kiểu gì mà cơ quan an ninh quốc gia (NSA) lại được cho cái quyền do thám điện thoại của hơn 200 triệu người dân Mỹ. Cứ cho là hoạt động này nhằm phòng chống khủng bố, nhưng do thám trên diện rộng toàn bộ 50 bang với hầu hết người dân, có được coi là cần thiết hay không?
NSA tiến hành chương trình do thám này dựa trên mục 215 trong đạo luật yêu nước (Patriot Act), được thông qua không lâu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/6 tới. Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố đã kéo dài gần 15 năm, nước Mỹ đã hy sinh nhiều của, nhiều người không chỉ của mình mà ảnh hưởng đến các quốc gia khác, Osama bin Laden đã bị giết, còn cớ nào để cứ nghe lén điện thoại của dân đây? Phiên tòa phúc thẩm của tòa án liên bang tại New York đầu tháng 5 kết luận ngay cả khi chiếu theo các điều khoản của đạo luật yêu nước hiện hành thì chương trình do thám điện thoại của NSA cũng phạm pháp.
Tư lệnh Bộ chỉ huy mạng kiêm giám đốc của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), đô đốc Michael Rogers
Thấy tình hình không thuận, Hạ viện Mỹ ngày 13/5 vừa qua đã thông qua dự thảo đạo luật tự do Hoa Kỳ với tỉ lệ phiếu ủng hộ áp đảo: 338 phiếu thuận so với 88 phiếu chống (có 9 phiếu trắng). Tỉ lệ này cũng cho thấy sự thuận tình đáng kể ở hai đảng: Đảng Cộng hòa 196 phiếu thuận/47 phiếu chống và đảng Dân chủ 142 phiếu thuận/41 phiếu chống. Dự thảo đạo luật tự do Hoa Kỳ đặt ra quy định pháp lý mới yêu cầu NSA thay vì tự ý thực hiện chương trình do thám trên diện rộng, sẽ phải xin phép khi muốn thu thập dữ liệu điện thoại từ các công ty viễn thông. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, tòa án sẽ quyết định việc cấp phép thực hiện cho NSA.
Tưởng rằng thế là người dân Mỹ đỡ nỗi lo bị xâm phạm đời tư, thì vấn đề vẫn chưa xong khi vẫn còn “ải” Thượng viện. Tại đây, dự luật này gặp phải sự chống đối kịch liệt của lãnh tụ khối đa số ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell (đảng viên Cộng hòa, thượng nghị sỹ đại diện bang Kentucky). Kết quả cuộc biểu quyết khuya thứ 6 ngày 22/5 cho thấy trong 100 thượng nghị sỹ liên bang thì chỉ có 57 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận (trong lúc cần có 60 phiếu thuận để xúc tiến dự luật này).
Chương trình thu thập dữ liệu quy mô lớn của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ vốn đã gặp phải sự chỉ trích của những nhà tranh đấu dân quyền sau khi được tiết lộ vào năm 2013 bởi Edward Snowden, cựu nhân viên khế ước của NSA. Đến giờ, khi những quy định xâm phạm đời tư đã gần hết hiệu lực, tưởng rằng tự do thông tin của công dân Mỹ sẽ được trả lại khi Hạ viện đã ủng hộ, thì Thượng viện lại ngăn chặn. Đời tư của công dân nước mình mà còn dùng dằng mãi không tôn trọng, sao lại cứ đi lo cho tự do, nhân quyền ở nước khác nhỉ?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét