HOÀNG HẢI THỦY * PHAN BỘI CHÂU

PHAN BỘI CHÂU: TỰ PHÊ, TỰ PHÁN

Nhà Yêu Nước Phan Bội Châu trong bộ đồ tù.
Nhà Yêu Nước Phan ội Châu trong bộ đồ tù.


Nhiều người viết về Nhà Yêu Nước Phan Bội Châu thường kể bọn Mật Thám Tây bao vây, kiểm xoát nghiêm ngặt căn nhà ông Phan Bội Châu bị an trí ở Bến Ngự, Huế. Nhưng theo những văn liệu tôi – CTHÐ – tìm được, tôi thấy chính phủ Bảo Hộ Pháp đối xử rất “được” với Nhà Yêu Nước Phan Bội Châu. Mật thám Tây không ngăn cản những người Việt tới nhà thăm ông Phan – ông Huỳnh Thúc Kháng đến thăm ông Tù Phan mỗi tuần hai, ba lần, hai ông nói chuyện thoải mái, các ông Ðào Duy Anh, Nguyễn Vỹ viết trong hồi ký hai ông có đến thăm ông Phan. Người đến thăm ông Phan không bị mật thám Tây chặn xét khi ra về. Ông Phan được mời nói chuyện với công chức, thanh niên Huế ở một nhà hội của tỉnh Thừa Thiên, ông Phan có một chiếc thuyền, ông tự do dùng thuyền đi về làng quê mua gạo về bán rẻ cho dân chúng, Ðiều đáng kể là Mật Thám Tây không một lần vào nhà xét xem ông Phan Bội Châu viết gì, giữ những văn liệu gì. Mật Thám Tây không tịch thu những gì ông Phan Bội Châu viết.
Sách Tự Phê Tự Phán của Phan Bội Châu tôi trích vài đoạn dưới đây được Phan tiên sinh viết trong căn nhà Bến Ngự. Ðọc sách này tôi ngạc nhiên, khi thấy Phan Bá Ngọc, người con trai của Nhà Yêu Nước Phan Ðình Phùng làm tay sai cho Mật Thám Pháp, Ðây là trường hợp “Hổ phụ sinh cẩu tử.” Tôi buồn tủi khi thấy những ông Nguyễn Bá Trác, hiệu Tiêu Ðẩu, tác giả bài Tho Hồ Trường nhiều người Việt yêu Thơ thuộc lòng, ông Lê Dư, hiệu Sở Cuồng, ông nhạc phụ của các ông Vũ Ngọc Phan, Tướng VM Nguyễn Sơn và ông Hoàng Văn Chí, sau thời gian sang Nhật, sang Tầu, tìm cách cứu nước, đã trở về nước làm tay sai cho Pháp. Tôi ngậm ngùi khi đoc chuyện ông Phan Bội Châu cùng nhiều người đồng chí của ông có thời phải làm ăn mày, ngửa tay xin tiền ngoài đường ở Thái Lan.
o O o
Tựa sách Tự Phê, Tự Phán. Tác giả Phan Bội Châu viết.
Tôi bị bắt ở nước ngoài đem về, bị giam trong ngục; nhờ quốc dân quá thương nên mới giữ được mạng sống tới nay. Tôi xa nước, xa đồng bào mấy chục năm, nay may được cùng nhau nhắc nhớ chuyện xưa. Có người yêu tôi, có người ghét tôi, có người mong đợi ở tôi, nhưng dù biết tôi hay không biết tôi, ai cũng muốn biết rõ đầu đuôi cái lịch sử của Phan Bội Châu này.
Than ôi..!ịch sử của tôi là lich sử của trăm thất bại mà không có một thành công. Tôi bôn ba gần ba mươi năm, làm cho cả nước liên lụy chịu tai vạ, làm cho nhiều đồng bào bị tù đày, nhiều đồng chí bị giết. Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi chỉ có thể ngẩng mặt nhìn trời mà chẩy nước mắt. Hơn năm mươi năm lần lữa, nghĩ mà hổ thẹn với râu mày.
Nhưng xưa nay những công cuộc thay cũ, đổi mới không mấy khi không thất bại mà thành công ngay được. Ngay như nước Pháp khi xây dựng nền dân chủ cộng hòa cũng phải trải qua ba, bốn phen xáo trộn mới thành. Chúng ta nên tránh bánh xe đã đổ trước, bỏ con đường thất bại, tìm đường đi đến thành công, ta phải tìm cái Sống trong muôn ngàn cái Chết, phải cẩn mật cho việc mình làm không bị vỡ lở, phải đồng tâm, đồng đức thì nợ máu mới rửa được. Một ngày kia quốc dân đi đến thành công thì lịch sử Phan Bội Châu lại không phải là cái bánh xe đi trước hay sao.
Các bạn thân nhiều người bảo tôi trước khi chết phải làm cho xong tập lịch sử đời tôi nên tôi vâng mệnh viết ra thiên này, gọi là “Tự Phán.”
Nguyễn Bá Trác tức Tiêu Ðẩu, tác giả bài Hồ Trường.
Nguyễn Bá Trác tức Tiêu Ðẩu, tác giả bài Hồ Trường.
TỰ PHÁN
Lịch sử của tôi là loch sử hoàn toàn thất bại, mà sở dĩ đi đến thất bại khuyết điểm đã rõ ràng, song xét ra không phải là không có vài ưu điểm nhỏ, tôi kể ra đệ tự an ủi. Xin kể mấy điểm đại khái:
Lòng tự ái của tôi mạnh, cho ở đời không có việc gì là không làm được. Ðó là tôi không lượng sức, không đo đức của tôi.
Tôi đối với người quá thật, cho rằng người tạ không có người nào là không tin được. Ðó là tôi thiếu cơ cảnh, quyền thuật.
Xét việc, xét người tôi chỉ chú ý vào những việc lớn, còn những việc nhỏ thì phần nhiều cứ tự ý mà làm nên nhiều khi vì việc nhỏ mà hỏng việc lớn. Ðó là tôi sơ xuất, không cẩn thận.
Ba khuyết điểm trên là những bệnh lớn của tôi. Xin kể những cái Tốt của tôi:
Tôi có tính mạo hiểm, dám làm những việc khó, dẫu chống lại ngàn vạn người cũng chống, nhất là trong thời thanh niên tôi lại càng hăng hái.
Giao thiệp với người nếu được nghe một lời nói hay tôi trọn đời không quên. Những lời trung trực, nghiêm khắc tôi đều vui vẻ tiếp nhận.
Suốt đời tôi chủ trương khi đã mưu tính làm việc gì là làm tới cùng, quyết dành thắng lợi, dù có phải thay đổi thủ đoạn, phương châm cũng không ngần ngại.
Ba điểm trên đây tôi tự cho là tôi có đôi chút sở trường. Ai hiểu tôi, ai trách tôi, tôi xin nhận.
*
Mùa hạ năm Tân Sửu – 1901 – tôi cùng Phan Bá Ngọc, con của ông Phan Ðình Phùng, ông Vương Thục Quý và một số bạn đồng chí ở Nghi Xuân như  ông Trần Hảo, thảo luận, quyết định đến ngày kỷ niệm cộng hòa của Pháp, sẽ dùng giáo mác mà cướp vũ khí của giặc rồi đánh úp tỉnh thành Nghệ An. Ngày hôm ấy – 14 Tháng 7, 1901, anh em đã hội họp đông đủ nhưng cánh nội ứng sai hẹn nên cuộc tấn công phải đình chỉ. Vì thế mưu cơ bị tiết lộ, tên Nguyễn Ðiềm là mật thám của Pháp dò biết, y mật báo với công sứ Pháp. May lúc bây giờ  Tổng Ðốc Nghệ An là Ðào Tấn cho công việc chúng tôi làm là phải nên hết sức che chở, vì thế tôi không bị thất bại. Từ ấy tôi chuyên chú vào việc ngầm tìm nội ứng.
*
Lê Dư Sở Cuồng, người làm tay sai cho Toàn Quyền Pháp.
Lê Dư Sở Cuồng, người làm tay sai cho Toàn Quyền Pháp.
Anh Hoàng Ðình Tuân người Hà Nội, tên họ thật là Nguyễn Kế Chí;  lúc sang Ðông Kinh anh mới 14 tuổi, Anh có học thức, có tài biện luận, nói viết thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Ðức, tiếng Pháp. Anh là người nhiệt thành, khẳng khái mà thái độ rất hòa nhã, với bạn hữu no ấm, đói rét có nhau, trong cảnh khốn khổ vẫn vui cười.  Cách 6 năm trước đây, bọn Phan Bá Ngọc đem lời đường mật khuyên rủ anh về nước. Phan Bá Ngọc viết thư cho anh Tuân là người Pháp hưá sẽ cho anh làm giáo viên dậy Trường Cao Ðẳng. Anh ruột của anh là Cử nhân Nguyễn Ðiềm viết thư sang khuyên anh về, nhưng anh đều cự tuyệt. Tiếc rằng thể chất anh vốn yếu, lại sống ở Bắc Kinh, anh không chống nổi với mùa đông băng tuyết,  anh mất vì bệnh lao phổi. Anh mất đi không những tôi bị mất một người cộng tác thông thạo về ngoại giao mà còn làm tôi mất một người bạn tâm huyết. Biết làm sao được với Trời.
Anh Trần Hữu Lục, nguyên tên là Nguyễn Thúc Ðường, người Nghệ An, con thứ hai Thầy học tôi là Ðông Khê tiên sinh. Anh là con nhà nho nhưng có đặc tính hùng dũng như  người võ biền. Năm mười lăm tuổi anh đọc quyển Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư của tôi, anh bỏ lối học khoa cử, chuyên giao du với những người hào hiệp, luyện tập việc đánh côn, đánh kiếm. Chính tay anh đâm chết tên cử nhân Nguyễn Ðiềm là tên làm chó săn cho Pháp. Nguyên anh định không xuất dương, anh ở lại hoạt động trong nước. Nhưng sau khi anh đâm chết tên Nguyễn Ðiềm, ông Ngư Hải sợ anh bị giắc bắt nên khuyên anh xuất dương. Khi chính phủ Nhật theo yêu cầu của Pháp, trục xuất Kỳ Ngoại Hầu và những người Việt chống Pháp ở Nhật, anh Trần Hữu Lục sang Trung Hoa, vào học trường cán bộ Lục Quân cùng với Nguyễn Tiêu Ðẩu, Nguyễn Thái Bạt. Ra trường anh là Thiếu Úy trong quân đội Trung Hoa. Sau anh về hoạt động ở Xiêm. Chính phủ Xiêm để bọn mật thám Pháp bắt anh trên đất Xiêm. Chúng giải anh về Hà Nội và xử bắn anh ở Bạch Mai cùng với anh Hoàng Trọng Mậu.
Hoàng Trọng Mậu tên thật là Nguyễn Ðức Công, sinh tại Nghệ An,. Năm 1915 anh cùng khoảng 30 chiến sĩ vượt biên giới, qua cửa Nam Quan, đánh úp đồn Ta Lùng của Pháp. Anh Mậu cho rằng toán lính tập người Nam trong đồn sẽ không chống cựï nhưng toán lính này đánh lại dữ dội, Lực lượng tấn công bị thất bại. Anh Mậu trở về Quảng Ðông, bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải. Anh bị Pháp bắn ở Bạch Mai cùng anh Nguyễn Thúc Ðường.
Anh Hoàng Trọng Mậu có câu đối tự phúng:
“Giang san dĩ tử, ngã an đắc thâu dinh; thập niên lai lệ kiếm, ma đao, tráng chí nghĩ phù hồng tổ quốc.
“Vũ dực vị thành, sự hốt yên trung bại, cửu nguyên hạ điều binh, khiển tướng, hùng hồn ám trợ thiếu niên quân.”
Tạm dịch:
“Non sông đã chết, ta há lẽ sống thừa, trong mười năm rũa kiếm, mài đao, chí mạnh mong phù hồng tổ quốc.
“Lông cánh chưa thành, việc bỗng đâu đã hỏng, dưới chin suối điều binh, luyện tướng, hồn thiêng sẽ giúp thiếu niên quân.”
*
Tháng 2 năm Mậu Ngọ – 1918 – Lê Dư từ trong nước sang gặp tôi ở Hàng Châu. Bốn tiếng “ Pháp Việt đề huề” lần thứ nhất đến tai tôi. Lê Dư nói với tôi chính sách của Quan Toàn Quyền Xa-rô – Sarrault – nay khác xa với chính sách của những Toàn quyền Pháp trước ông ta. Lê Dư nói Xa-rô là người Ðảng Xã Hội Pháp, chủ nghĩa xã hội rất mâu thuẫn với chính sách thực dân của Pháp. Lê Dư kể ra một số những việc làm tốt của Xa-rô, như lập trường học, sửa đổi bộ Luật mới Bắc Kỳ, cho người nước ta lập hội, kiến xã như hội Khai Trí Tiến Ðức. Tôi không tin nhưng nghĩ nên tương kế tựu kế, nếu không mình sẽ không có đất xoay sở. Tôi đem ý kiến này bàn với Phan Bá Ngọc. Lúc ấy bên cạnh tôi, nói về việc cùng sống, cùng làm với nhau bao nhiêu năm, cùng mạo hiểm thì với tôi không ai bằng Phan Bá Ngọc. Lúc này Lê Dư và Phan Bá Ngọc giao kết rất gắn bó. Bá Ngọc nóng lòng giúp công cho Lê Dư nên nói:
“Muốn thành công trong việc lớn không thể không dùng mưu mô xảo trá. Bây giờ bác làm một bài lý luận, nêu rõ ý kiến nếu Pháp Việt đề huề thì cả đôi bên cùng có lợi. Người Pháp đọc bài này sẽ nghĩ là Ðảng chúng ta muốn hòa hoãn, họ sẽ không chú ý gắt gao đến Ðảng ta nữa. Ta có thể phái người về nước, cùng người Pháp giao thiệp, trao đổ ý kiến, những người này sẽ là những gián điệp của ta. Như thế thì tình hình của Pháp ta có thể  biết được. Mà những việc bí mật xẩy ra ở trong nước chúng ta cũng có thể biết.”
Nghe lời Bá Ngọc kể ra cũng phải, nên tôi tin mà làm theo. Tôi cho rằng hắn không có lý gì phản cha, phản nước. Tôi viết một bài trường thiên, nhan đề là “ Pháp Việt đề huề luận.” Tôi ký tên dưới bài là “ Ðộc Tỉnh.soạn.”
Phan Bá Ngoc đọc bài, viết thêm mấy chữ:
“Phan Bá Ngoc phụng thư.”
Với năm chữ này Bá Ngọc có dụng ý xảo quyệt.
Lê Dư mang bài viết của tôi về nước. Khoảng 4, 5 tháng sau, người con của ông Phan Ðình Phùng là Phan Bá Ngọc đã lộ mặt làm chó săn cho người Pháp. Lúc đó tôi mới thấy câu ông Tôn Tử nói: “ Dùng gián điệp rất khó” là đúng.
Tháng Hai năm Kỷ Tỵ – 1919 – Phan Bá Ngọc gặp tôi ở Hàng Châu, nói với tôi là Toàn Quyền Xa-rô rất muốn cùng tôi thương nghị về chính sách Pháp Việt đề huề. Tôi nói tôi yêu cầu Chính phủ cử người đến một nơi ở nước ngoài hội thương với tôi, điều cần là chính phủ phải cam kết là những gì chính phủ đề nghị nếu tôi không đồng ý là không được công bố. Bá Ngọc nhận lời tôi rồi lại về nước. Ðến tháng 4, 1919, Bá Ngọc từ trong nước gửi thư cho tôi, trong thư viết:
“Chính phủ đã đồng ý phái nhân viên đến hội thương. Ðiều kiện ra sao thì phải đợi phái viên đến.”
Tháng 6, 1919, một người Pháp tên là Nê-rông – Neron – cùng Bá Ngọc đến Hàng Châu. Tôi yêu cầu địa điểm họp, ngày giờ họp phải do bên ta quyết định, bên Pháp chỉ được một người đến họp, bên tôi muốn đem theo bao nhiêu người tùy ý tôi. Nếu không như thế tôi không đến họp. Bên Pháp nhận lời. Nơi họp là đình Hồ Lâu, giữa Tây Hồ, Hàng Châu. Bên tôi có các ông Trần Hữu Công, Hồ Hinh Sơn và ba thanh niên Việt. Ngồi yên đâu đấy, nói vài câu sáo ngữ, Nê-rông – Neron – đưa ra một văn kiện viết bằng chữ Pháp, có bản dịch chữ quốc ngữ, y nói rằng đây lá ý của quan Toàn Quyền Xa-rô. Tôi bảo một anh thanh niên đọc lên. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì những yêu sách:
Tôi phải nhận hai điều kiện:
1 – Viết một bài gửi về nước tuyên bố thủ tiêu ý chí hoạt động cách mạng.
2 – Phải trở về nước. Nếu không về nước  thì phải khai rõ nơi trú ngụ ở nước ngoài, và nên trú ngụ gần tô giới của Pháp.
Chính phủ  Ðông Dương đãi tôi hai điều:
1 – Nếu trở về nước sẽ cho giữ một chức vị trọng yếu trong Nam Triều và cấp lương tháng đặc  biệt hậu hĩ.
2 – Nếu không về nước thì chính phủ cấp cho số tiền thật hậu để sống ở nước ngoài.
Tôi làm bản phúc đáp bằng chữ quốc ngữ, phân tích rõ ý nghĩa tiếng “đề huề,” tôi cự tuyệt những đề nghị của họ. Thư tôi do anh Lý Trọng Bá viết, giao cho Phan Bá Ngọc mang về Hà Nội đưa cho Toàn Quyền Xa-rô. Ðây là lần thứ nhất tôi dùng văn tự giao thiệp với người Pháp..
*
Ngày 15 Tháng Giêng năm Nhâm Tuất – 1922 – là đêm Nguyên Tiêu. Ở Hàng Châu có tục chơi đèn lồng chung quanh Tây Hồ. Ðêm sáng như ban ngày, trai gái quần là, áo lượt, người đông như chợ, quang cảnh thật vui.
Bỗng trong đám đông có ba tiếng nổ của súng lục. Rôi tiếng người hô:
“Có người bị bắn.”
Lính cảnh sát đến. Người bị bắn đã chết. Khám trong mình người bị bắn có số tiền 2.150 đồng, ngón tay có nhẫn vàng trị giá 60 đồng. Người bị bắn chết ấy là người Việt Nam, tên Phan Bá Ngọc. Người giết Bá Ngọc là anh Lê Tản Anh.
*
Tháng 5 năm Ất Sửu tôi đinh về Quảng Ðông. Lần đi này tôi sẽ làm hai việc: cải tổ Việt Nam Quốc Dân Ðảng, dự lễ Kỷ Niệm Ðệ Nhất Chu Niên Ngày Liệt Sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh vì Nước.
Tôi vẫn phải mua ngân phiếu của Ðức gửi sang Béc Lanh làm tiền học phí cho anh Trần Trọng Khắc hiện học ở đây. Mỗi năm tôi phải đến Thượng Hải hai lần, vào tháng 6 và tháng 12. Năm nay vì dự lễ kỷ Niệm Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, tôi đến Thượng Hải sớm hơn mọi năm.
Ngày 11 tháng 5 tôi đến Thượng Hải. Tôi định mua và gửi ngân phiếu xong sẽ đáp thuyền đi Quảng Ðông. Tôi không biết ngày đi, ngày đến Thượng Hải của tôi đã bị tên Nguyễn Thượng Hiền báo cho người Pháp biết.
Tên Nguyễn Thượng Hiền đến Hàng Châu cùng với anh Trần Ðức Quí. Mới gặp hắn tôi đã có ý nghi ngờ, nhưng nghe nói hắn là cháu của ông Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền, hắn giỏi chữ Hán, đỗ cử nhân, chữ Quốc ngữ, chữ Tây đều khá, nên tôi mến tài hắn mà dùng hắn. Còn việc hắn làm chó săn cho Tây thì tôi không biết được.
Mười hai giờ trưa ngày 11 tháng 5 chuyến tầu hỏa chạy từ Hàng Châu vào ga Thượng Hải. Tôi gửi hành lý ở kho nhà ga rôi xách một túi nhỏ  ra khỏi nhà ga. Thấy một chiếc xe hơi đậu ở cửa ga, quanh xe có mấy người Âu Tây. Một người nói với tôi bằng tiếng Trung Hoa:
“Xe này tốt. Mời tiên sinh lên xe.”
Tôi nhã nhặn từ chối thì một người từ sau xốc tới đẩy tôi lên xe. Xe chạy ra bến tầu, một tầu binh Pháp chờ sẵn ở đây. Tôi bị đưa xuống tầu. Từ lúc đó tôi là người tù của người Pháp.
*
Phan Bá Ngọc. Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, Tác giả Nguyễn Quang Thắng
Phan Bá Ngọc tên thật là Phan Ðình Cừ  – chết 1921 – con út ông Phan Ðình Phùng, có tên là Bá Ngọc nên thường được gọi là Phan Bá Ngọc. Năm Bính Thân – 1896 –  Bá Ngọc sang Nhật du học trong phong trào Ðông Du. Sau sang Trung Hoa, ở Hàng Châu, Bá Ngọc thường gặp các ông Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền.
Về sau Phan Bá Ngọc bị giặc Pháp mua chuộc đến nỗi thân bại, danh liệt. Những hành vi mờ ám của Bá Ngọc làm cho các nhà cách mạng Việt không tin nhiệm y nữa.
Năm Tân Dậu – 1922 – khoảng Tháng Chạp Âm Lịch,  vì tội làm mật thám cho Pháp,  Bá Ngọc bị Võ Tán Anh, tức Lê Văn Phan,  bắn chết tại Hàng Châu.
Lê Văn Phan, bí danh Võ Tán Anh,quê Nghệ An. Năm 16 tuổi ông sang Thái Lan rồi sang Nhật, Trung Quốc, hoạt động với ông Phan Bội Châu. Ở Hàng Châu ông theo dõi hành động phản bội của Phan Bá Ngọc. Ông dùng súng bắn chết Phan Bá Ngọc ở Hàng Châu trong đêm Nguyên Tiêu Tháng Giêng Âm Lịc, nhằm ngày 11 Tháng 3, 1922.
Ngày 25 – 9 – Năm 1932 ông bị Pháp bắt ở Thượng Hải. Ông bị giải về nước và bị Pháp xử bắn ở Nam Ðàn, làng quê ông.
Lê Dư. Từ Ðiển Nhân Vật Lịch Sử, Tác giả Nguyễn Quang Thắng.
Lê Dư, nhà nghiên cứu hiệu Sở Cuồng, nguyên quán làng Nông Sơn, Diện Bàn, Quảng Nam. Năm 1905 ông sang Nhật hoạt động cứu quốc cùng ông Phan Bội Châu, rồi sang Nhật. Khoảng năm 1916, 1917 ông trở về nước. Ông làm việc trong Phòng Chính Trị Phủ Toàn Quyền Ðông Dương, rồi làm nhân viên Trường Viễn Ðông  Bác Cổ, viết báo, viết sách. Dư luận đương thời cho rằng ông có cộng tác với Pháp. Ông là cha vợ của các ông Vũ Ngọc Phan, Tướng VM Nguyễn Sơn và ông Hoàng Văn Chí. Ông qua đời âm thầm ở Hà Nội sau năm 1945.
Nguyễn Bá Trác. Tự Ðiển Nhân Vật Lịch Sử, tác giả Nguyễn Quang Thắng.
Nhà văn, hiệu Tiêu Ðẩu, quê làng Bảo An, Ðiện Bàn, Quảng Nam.
Năm 1906, ông đỗ cử nhân, sang Nhật du học, hoạt động cứu quốc. Khi Nhật theo đề nghị của Pháp, trục xuất người Việt chống Pháp ra khỏi nước Nhật, Bá Trác sang Trung Hoa. Trong thời gian ở Trung Hoa, Bá Trác đã ngầm làm tay sai cho Pháp.
Khi về Hà Nội, Bá Trác làm việc trong Phòng Báo Chí Phủ Toàn Quyền Ðông Dương. Chức vụ cuối cùng của ông là  Tổng Ðốc Thanh Hoá, Tổng Ðốc Bình Ðịnh. Ông bị VM xử tử cuối năm 1945.
*
Tuyết sương lạnh ngắt sự đời
Trên trang sách đọc chuyện người ngày xưa.
Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Ngày 13 Tháng Giêng Quý Tị. Ngày 22 Tháng Hai 2013.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét