NGUYỄN THIÊN THỤ * NHẤT LINH



NHẤT LINH ( 1905 - 1963)
Nguyễn Thiên Thụ


Nguyễn Tường Tam lấy bút hiệu Nhất Linh, Nhị Linh, chánh quán Cẩm Phổ, tỉnh Quảng Nam, sinh ngày 25-7-1905 tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thân phụ của Nhất Linh làm tri huyện. Nguyễn Tường Long ( Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Lân
( Thạch Lam) là hai em trai của ông. Ông học trường đại học Y khoa Hà Nội, song được vài tháng xin học Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội (1925), năm 1927 sang Pháp học, đỗ cử nhân khoa học năm 1930 và nghiên cứu thêm về báo chí và xuất bản. Năm 1931, ông dậy trường tư thục Thăng Long, ngày hai buổi, lương khoảng ba trăm đồng để lấy vốn làm báo.

Năm 1932, ông làm chủ biên tờ Phong Hóa, và Ngày Nay (lợi tức mỗi nhân viện tòa soạn khoảng 30 đồng mỗi tháng), thành lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và Đoàn Ánh Sáng. Năm 1935, tờ Phong Hóa bị đình bản, ông cho ra lại tờ Ngày Nay. Ngày Nay là sự nối tiếp Phong Hóa. Từ 1939, ông là lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bị thực dân Pháp lùng bất, ông sang Trung Quốc, bị Pháp bắt 1942. Sau 1945 ông về nước, ra báo Việt Nam, và tham gia chính phủ Việt Minh, giữ chức bộ trưởng ngoại giao.


Sau Việt Minh tàn sát Quốc Dân đảng và các đảng phái quốc gia, ông sang Trung Quốc. Năm 1951 ông về Đà Lạt ẩn cư, rồi năm 1956 về Sài Gòn, giữ chức chủ tịch Văn Bút, chủ trương tập san Văn Hóa Ngày Nay, mở nhà xuất bản Đời Nay, Phượng Giang. Ngày 1-11-1960, ông thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết chống Ngô Đình Diệm, rồi bị Ngô Đình Diệm đem ra xét xử ngày 8-7-63 song ông tự tử ngày 7-7-1963 để phản dối chế độ độc tài, thối nát của Ngô Đình Diệm.

TÁC PHẨM:
Ông có nhiều tác phẩm. Sau đây là một số tiêu biểu:
Nho Phong. Đời Nay, Hà Nội, 1926.
Người Quay Tơ. Đời Nay, Hà Nội, 1927.
Đời Mưa Gió (viết với Khái Hưng). Đời Nay, HN, 1934.
Đoạn Tuyệt. Đời Nay, Hà Nội, 1935.
Tối Tăm. Đời Nay, Hà Nội, 1936.
Nắng Thu. Đời Nay, Hà Nội, 1948.
Xóm Cầu Mới. Sài gòn, 1958.
Dòng Sông Thanh Thủy. Saigon, 1961.
Mối Tình Chân. Saigon, 1961.
Viết và Đọc Tiểu Thuyết (Khảo Luận). Saigon, 1961.

Có năm giai đoạn trong tiểu thuyết của Nhất Linh.
(1).- Giai đoạn trước 1932 : Nho Phong, Người Quay Tơ.
(2)- Giai đoạn 1932-1934: viết chung với Khái Hưng và các tác phẩm Anh Phải Sống, Gánh Hàng Hoa, Nắng Thu, Đời Mưa Gió.
(3)- Giai đoạn 1934-1936: Tiểu thuyết luận đề với Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng.
(4)- Giai đoạn 1937-1945: Tiểu thuyết lãng mạn: Bướm Trắng,
(5)- Giai đoạn sau 1945. Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy.

Qua giai đoạn hai, giai đoạn 1932-1934, sau khi Nhất Linh đi Pháp về, ông trở lại với cây bút, viết các truyện ngắn chung với Khái Hưng . Đó là lúc Nhất Linh và Khái Hưng viết Anh Phải Sống, Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió .Lúc này, ông viết các truyện ngắn đăng trên Phong Hóa với bút hiệu Bảo Sơn rồi Nhất Linh. Sau khi ấn hành Hồn Bưóm Mơ Tiên , Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, nhà xuất bản Đời Nay liền tập hợp các truyện ngắn của Nhất Linh và Khái Hưng thành tập Anh Phải Sống in năm 1934. Trong lúc này, ông cũng viết với Khái Hưng hai truyện dài là Gánh Hàng Hoa và Đời Mưa Gió đăng trên Phong Hóa năm 1934. Vì hai tác giả viết chung cho nên chúng ta không thể nhận định rõ ràng phần nào là của Nhất Linh, phần nào là của Khái Hưng. Giai đoạn hai là giai đoạn chuyển tiếp, là giai đoạn trau dồi và chuẩn bị. Tư tưởng và nghệ thuật của Nhất Linh trong giai đoạn này có phần giống Nho Phong và Người Quay Tơ.


 Ta có thể chia kho tàng tiểu thuyết của Nhất Linh thành năm loại:

I. TIỂU THUYẾT LUÂN LÝ


Trước 1932, Nhất Linh viết Nho Phong (1924) và Người Quay Tơ (1926) với tên thật là Nguyễn Tường Tam. Giai đoạn này là giai đoạn khởi đầu của một Nhất Linh bảo thủ. Nội dung tiểu thuyết của ông cũng giống như tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Nho Phong là tập truyện dài, còn Người Quay Tơ là tập 11 truyện ngắn, trong đó có 3 truyện dịch, mà truyện Người quay tơ đứng đầu và lấy tên truyện này làm tên chung tập truyện. Cả hai đều nói đến trung hiếu, tiết nghĩa, thanh bần, đạo đức nhất là Nho Phong, như cái tên của nó, là một tiểu thuyết đề cao luân lý Nho giáo. Nghèo mà vẫn không đổi tiết thay lòng, là chủ đề của Nho Phong.

Nhân vật của hai truyện là người của thời Nho học thịnh hành như cụ Phủ Lê, chồng bà Dương Huấn là bạn đồng khoa, và ông Tú là nhà cách mạng. Cả hai truyện đề cao tình yêu, tình vợ chồng chung thủy, tình yêu nước. Hai truyện cũng đề cập những tục như cha mẹ hứa hôn, thủ tiết. Người Quay Tơ phản ánh lịch sử thời bấy giờ : phong trào văn thân ( Người quay tơ), tư bản cướp ruộng đất nông dân trồng cao su ( Nô lệ) và ngay lúc này ta thấy Nhất Linh đã nuôi chí tranh đấu chống thực dân và thực thi đường lối cải cách xã hội ( Nô lệ, Giấc mộng Từ Lâm).      



II. TIỂU THUYẾT ÁI TÌNH

Anh Phải Sống gồm 13 truyện, mỗi người viết 6 truyện, và một truyện viết chung. Truyện viết chung là Dưới Bóng Hoa Đào. Sáu truyện của Nhất Linh là:
- Tháng Ngày Qua -- Bóng Người Trên Sương Mù.
-Nắng Mới Trong Rừng Khuya
- Giết Chồng, Báo Thù Chồng -- Đầu Đường X ó Chợ
- Nước Chảy Đôi Giòng.
-Nắng Mới Trong Rừng Khuya, và Nước Chảy Đôi Giòng là những chuyện tình nhẹ nhàng, lãng mạn. Tháng Ngày Qua đề cao tình bạn thiêng liêng, Giết Chồng Báo Thù Chồng đề cao gương tiết liệt của một người đàn bà trinh liệt. Đầu Đường Xó Chợ có tính cách xã hội, còn Bóng Người Trong Sương Mù là một truyện ma.

Sau Đời Mưa Gió, cũng năm 1934, Phong Hóa đăng Nắng Thu nhưng mãi đến 1942 mới in xong. Đây là truyện dài đầu tiên của Nhất Linh kể từ khi ông ở Pháp về, và thành lập Tự Lực Văn Đoàn. Nắng Thu là một truyện tình lãng mạn, kể chuyện hai người yêu nhau, trải qua bao sóng gió rồi được đoàn tụ. Nắng Thu là truyện tình giữa Phong, một học sinh và Trâm, một người bạn của Phong từ nhỏ. Trâm bị câm, con nuôi của cậu Phong. Viễn, con trai cậu Phong yêu Trâm mà bị cự tuyệt bèn vu khống cho Trâm nhiều tội khiến Phong vội tin va xa nàng. Trâm buồn bỏ nhà ra đi. Sau Viễn trước khi chết thú nhận tội lỗi. Phong bỏ học tìm nàng về. Nắng Thu có phần giống Nửa Chừng Xuân nhưng hai bên khác nhau ở cách giải quyết vấn đề. Nắng Thu đi từ lý trí đến tình cảm, còn Nửa Chừng Xuân đi từ tình cảm đến lý trí.

III. TIỂU THUYẾT LUẬN ĐỀ

Giai đoạn thứ ba từ 1934-1936 là giai đoạn tiểu thuyết luận đề. Tư tưởng và cách hành văn của Nhất Linh đổi khác hoàn toàn. Nhất Linh là một chiến sĩ cách mạng, tư tưởng của ông là tư tưởng cách mạng. Tiểu thuyết của ông là tiểu thuyết luận đề vì nó nhắm mục đích giải quyết những vấn đề xã hội, nhất là xã hội Việt Nam đang ở giữa tranh chấp cũ và mới.

Đoạn Tuyệt đuợc viết cuối 1934 dầu 1935. Trong Đoạn Tuyệt, Nhất Linh đưa ra vấn đề gia đình, là vấn đề hôn nhân do cha mẹ quyết định, và mẹ chồng nàng dâu. Đoạn Tuyệt nghĩa là ly khai chế độ gia đình cũ. Nhất Linh đã mượn lời luật sư để nói lên tư tưởng của mình :

Xã hội An Nam bây giờ không như xã hội An Nam về thế kỷ thứ 19. Gia đình bây giờ không thể để nguyên như gia đình về thế kỷ trước được nữa. Ở các nước Viễn Đông, Nhật, Tàu, Xiêm, nhất là nước Tàu, thủy tổ của nền văn minh Á Đông, cái phạm vi của gia đình bây giờ cũng không như trước nữa (Đoạn Tuyệt, 197)

Cũng như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Ai Làm Được và Tiền Bạc Bạc Tiền của Hồ Biểu Chánh , Đoạn Tuyệt nhắm đả kích việc cha mẹ ép gả con cái.

Trong Tân Phong Nữ Sĩ, và Hai Khối Tình, các nhân vật nữ của Hồ Biểu Chánh đã sống cuộc đời tự lập, đòi nam nữ bình đằng, bình quyền. Loan cũng muốn sống đời tự lập:

Học thức mình không kém gì Dũng, sao lại không thể như Dũng, sống một đời tự lực, cường tráng, can chi cứ quanh quẩn trong vòng gia đình, yếu ớt, sống một đời nương dựa vào người khác để quanh năm phải kình kịch với những sự cổ hủ mà học thức của mình bắt mình ghét bỏ. Mình phải tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của mình. (ĐT,10)

Tuy nàng có tư tưởng mới, muốn tự lực, muốn tự do hôn nhân, nàng cũng phải khuất phục gia đình mà lấy Thân một người mà nàng không yêu. Hoàn cảnh và thái độ của Loan cũng giống như Quân Thiếu (Tuyết Hồng Lệ Sử) và Tố Tâm là những phụ nữ mới, muốn phá bỏ xiềng xich gia đình song cuối cùng đã thất bại. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu là một vấn đề trầm trọng. Việc này đã làm cho bao thế hệ nàng dâu đau khổ, đó là một chế độ nô lệ như luật sư đã nói trước tòa:

Giữ lấy gia đình! Nhưng xin đừng lầm giữ lấy gia đình với lại giữ nô lệ. Cái chế đô nô lệ bỏ từ lâu, mỗi lần ta nghĩ đến không khỏi rùng mình ghê sợ. Ấy thế mà co ai ngờ đâu còn cái chế độ khốn nạn đó trong gia đình An Nam (198).

Loan chống đối việc mẹ chồng áp chế nàng dâu. Loan đã có giải pháp đó là không sống chung với mẹ chồng, và phải có cuộc sống độc lập. Loan nói trước toà:

Tôi nói cốt để chị em gái mới, đến đây nghe, biết rằng nếu các chị muốn được hưởng với chồng con, thì điều trước nhất, các chị em phải tìm cách sống một đời riêng, một đời tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng nhà chồng, và nhất là cố vượt hẳn ra ngoài quyền của bố mẹ chồng thì mới mong gia đình được hòa thuận ( 200).

Ngoài việc cưỡng bách hôn nhân, gia đình Á Đông còn có tục đa thê, trọng nam khinh nữ, tục thừa tự, tục về tang lễ.. .là những tục mà Nhất Linh đả kích.

Sau Đoạn Tuyệt, Nhất Linh viết Lạnh Lùng, in trên Ngày Nay từ số 16, ngày 12 tháng7-1936, đến số 58, ngày 13-12-1936. Chủ đề của Lạnh Lùng gia đình, là việc thủ tiết thờ chồng nuôi con. Lần nữa, Nhất Linh lại đả phá chế độ gia đình cũ với quan niệm thủ tiết. Trong lời tựa cho Lạnh Lùng, Hoàng Đạo viết:

. .. hoàn cảnh cố giam cầm Nhung trong một cuộc đời lạnh lẽo, cô độc. Tục lệ, thành kiến của những người xung quanh đều bắt buộc. . . .Lỗi là lỗi của nền luân lý chật hẹp muốn khuôn hết tính tình của người ta vào những mẫu nhất định, bất di dịch, một nền luân lý đã coi rẻ hạnh phúc con người ( 6).

Xã hội xưa tôn trọng sự trinh tiết, trinh tiết khi chưa lấy chồng, trinh tiết khi ở với chồng và trinh tiết sau khi chồng chết. Xã hội Á Đông rất nghiêm khắc với việc chửa hoang và ngoại tình nhưng không ngăn cấm đàn bà tái giá. Tuy nhiên việc thủ tiết là một điều đáng khen vì người mẹ đã hy sinh hạnh phúc đời mình cho tương lai của con, do vậy mà triều đình đã ban bảng Tiết Hạnh Khả Phong. Tuy không ngăn cấm tái giá, một số gia đình Nho gia vẫn coi trọng việc thủ tiết, và việc này cũng là một ngăn cấm vô hình đối với người quả phụ trẻ. Đây là trường hợp của Nhung. Chồng chết sớm, nàng làm người quả phụ đã ba năm. Một hôm bắt gặp cái nhìn tha thiết của ông giáo Nghĩa, nàng thấy lòng mình xao xuyến. Nàng thấy đời nàng hoàn toàn lẻ loi. Đời nàng chỉ có hạnh phúc nếu được sống bên Nghĩa. Không cưỡng được tiếng gọi của tình yêu, nàng đã đi lại vụng trộm với Nghĩa. Nàng muốn bắt chước em gái nàng là Phương cương quyết lấy Lụy mặc dù gia đình cấm đoán. Đôi khi nàng cũng hối hận, nghĩ đến thanh danh gia đình, quan niệm xã hội, nhưng tình yêu đã thắng trong lòng nàng:

Nàng nghĩ đến tiếng thơm của mình, của nhà, để khỏi bị cám dỗ, nhưng tiếng gọi của sự ân ái vẫn có sức mạnh hơn, lúc nào cũng tha thiết vẳng bên tai. Mỗi lần nghĩ đến cái thú lẩn lút đến nhà Nghĩa, được gặp Nghĩa, nàng thấy hoa cả mắt và trong lòng rung động một cách êm ái ( Lạnh Lùng, 127) .

Theo Freud, cái nhà là biểu tượng của trại giam. Trong Lạnh Lùng, căn nhà của gia đình chồng chính là nhà tù giam hãm đời Nhung. Và Nhung muốn thoát ly nhà tù đó để bước vào một nhà tù thứ hai, nhà tù êm ái của tình yêu:
Rồi nàng kể cho Nghĩa biết những nỗi khổ của nàng ở nhà, những nỗi khổ của một đời giả dối, không tài nào thoát khỏi. . .
Nghĩa nói đùa:
-Thế là em tự giam vào tù. Đáng thương thật.
Chàng kéo đầu Nhung đặt vào vai mình, dịu dàng nói:
- Bây giờ em lại bị anh giam vào cái nhà tù của anh, một cái nhà tù êm ái (132-133).
Nhung định đi trốn với Nghĩa nhưng cuối cùng nàng đã đầu hàng nghịch cảnh, vì danh thơm tiếng tốt gia đình đã thắng tình yêu. Mẹ nàng đã bảo nàng:
- Con không biết chú tiếng con to lắm. Không phải mẹ không biết thương con nhưng người ta ở đời không gì quý hơn là tiếng thơm (168).

Nhận định theo một khía cạnh khác, Lạnh Lùng là một tiểu thuyết tâm lý, vì nó diễn đạt mâu thuẫn nội tâm của một thiếu phụ đứng trước ngã ba đường. Nàng phải theo đường nào, theo tiếng gọi của tình yêu hay theo luân lý xã hội ? Nhất Linh đã khéo diễn tả đam mê của một thiếu phụ trẻ trong vòng tay người yêu:
Ngồi trong gian nhà tối lờ mờ. Nhưng tưởng mình không còn liên lạcvới xã hội bên ngoài, mê man quên hết cả, và thât tình nàng thấy sung sướng, một cái sung sướng đầy đủ không mảy may lẫn chút hối hận... . Nàng dịu dàng đặt đầu vào ngực Nghĩa, tự nhiên như một người vợ âu yếm chồng (131-132).

Nhất Linh đã tạo ra một Nhung lý trí thắng tình cảm. Nếu Nhung đa tình, lãng mạn thì Nhung đã cương quyết ra đi với Nghĩa từ lâu. Vì lý trí ngăm cản, Nhung đã nhiều lần dùng dằng. Khi sắp sửa buông xuôi tay cho cơn đam mê tình ái, lý trí đã kéo nàng khỏi bờ vực thẳm. Đoạn tả Nghĩa và Nhung ở trong một ngôi nhà vắng rất tuyệt. Trong một lúc, Nhung đã hai lần bước ra khỏi cơn mê:

- Em cũng nghĩ như anh việc gì mà phải giả dối.
Hai người im lặng và không ngờ rằng những câu vừa nói chỉ là những câu để thú với nhau cái ý muốn ngấm ngầm trong lòng, cái ý muốn không tránh được của cuộc đời trai gái ngồi tình tự với nhau, không có gì ngăn cản. Nhung lo sợ không dám nhìn vào mắt Nghĩa, vội cúi đầu xuống, thong thả kéo tay ra, đứng dật hỏi:
- Nhà anh không có nước cho em uống?
. . . . . . . . . .. . . . . . . .

-Thôi, anh để em về. Thiếu gì lúc, anh vội gì.
Câu nói vô tình ngụ hai ý khiến Nghĩa yên trí rằng Nhung bằng lòng. Chàng mê man nói: -Thật là một trận mưa tình cờ quý hóa cho anh, cho vợ chồng ta.
Nhung thấy Nghĩa vừa nói vừa thở mạnh và nắm chặt lấy cánh tay nàng. Lúc đó nàng tưởng quả tim nàng ngừng hẳn lại, hai con mắt nàng vẫn nhìn ra phía cửa sổ có ánh sáng như người cầu cứu. Nhung biết chắc rằng lần này thì nàng không thể giữ gìn đuợc nữa. Lòng khát khao ngấm mgầm bây lâu không có sức kiềm chế bùng ra như một ngọn lửa không thể nào dập tắt. Tiếng Nghĩa nói bên tai một lúc một van lơn tha thiết. Nhung thở dài một cái mạnh, nuốt nước bọt rồi vờ giật mìnyh bảo Nghĩa:
- Kìa, mưa hắt vào nhà. Anh không ra đóng cửa sổ lại.
Mưa mỗi lúc một to. Lúc Nghĩa tiễn Nhung ra cỗng thì trời đã chiều (134-136).


IV. TIỂU THUYẾT LÝ TƯỞNG

Giai đoạn hậu Đoạn Tuyệt khởi đầu từ 1937 đến 1945. Sau Lạnh Lùng, Nhất Linh lại thay đổi bút pháp và mục tiêu. Ông thôi viết tiểu thuyết luận đề, trở lại viết tiểu thuyết ái tình. Nhất Linh còn là một nhà văn của tình yêu. Ngay cả Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng cũng là tiểu thuyết ái tình. Nói là lý tưởng vì tình yêu ở đây là tình yêu trong sạch, không hề có một chút dục tình. Dục tình nếu có cũng phải nhường chỗ cho lý trí như trong Lạnh Lùng. Và lý tưởng là vì các nhân vật hướng đến mục đích cao cả. Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn là truyện tình của Loan và Dũng. Loan và Dũng là hai thanh niên mới, có tư tưởng tự do. Loan yêu Dũng và Dũng cũng yêu Loan, song Dũng phải im lặng vì Dũng đang hoạt động cách mạng chống Pháp. Trong Đoạn Tuyệt, Dũng đã để cho Loan lấy Thân. Trong ngày Loan ra tòa, Dũng đến dự nhưng sau khi xử, Dũng lẻn ra về không cho Loan biết.

Truyện tình của Nhất Linh bao giờ cũng có mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa tình yêu và lý trí. Nhung vì lý trí mà từ bỏ tình yêu, trốn tránh tình yêu. Dũng cũng vì lý trí, vì lý tưởng cách mạng mà hy sinh tình yêu, trốn tránh tình yêu. Dũng đã đau khổ khi nghĩ vì mình mà Loan phải đau khổ:
-Sao nay lại bỏ đi, bỏ đi hết cả. Loan đáng lẽ được sung sướng vì mình, rồi đây có lẽ gặp bao nhiêu khổ sở.Mà như thế vì lẽ gì? (Đôi Bạn, 219).

Trong Đôi Bạn, còn có Hà và Trúc cũng lâm hoàn cảnh như Loan và Dũng. Tuy hai người phiêu lưu ở chân trời góc bể, lòng bao giờ cũng hớng về ngườii yêu ở quê nhà:

Dũng thốt nhiên thấy quả tim đập mạnh; chàng nghĩ đến cái vui sướng một ngày kia, một ngày xa xôi lắm và không chắc còn có không, lại được gặp mặt Loan, người của quê hương cũ, người của tuổi thơ mà chàng biết không bao giờ có thể quên. Dũng nhớ lại cái vui sướng đầu tiên khi biết mình yêu Loan bốn năm trước đây ( Đôi Bạn, 233).

Nhưng ở một vài truyện khác, các nhân vật của Nhất Linh đã đi xa hơn, lãng mạn hơn, táo bạo hơn chứ không đắn đo, do dự. Thế Rồi Một Buổi Chiều cũng là chuyện của Dũng hoạt động cách mạng, phải đi ẩn lánh vào một ngôi chùa, và sự hiện diện của Dũng đã khuấy động tâm hồn yên tĩnh của một ni cô trẻ, cuối cùng hai người trốn khỏi chùa. Truyện này cũng thuộc tâm lý tiểu thuyết vì nó cho chúng ta thấy sự giằng co giữa đạo và đời. Ở đây, ái tình đã thắng tôn giáo:

Quên đời, nàng vẫn biết là không sao quên được, nàng càng muốn lánh xa sự đau khổ thì sự đau khổ lại càng như ác nghiệt đuổi theo. Trong lúc tâm hồn như vậy, thì sự tình cờ đã run rủi cho nàng gặp Dũng, một thiếu niên có chí khí mà ngay lúc buổi đầu khi tim cách che chở, nàng đã đem lòng ái mộ. Xui dục Dũng ở lại chùa, tìm cách giúp đỡ cho Dũng trốn tránh, đó không phải là lòng thương mà chính là lòng yêu, yêu người mình đã cứu giúp (25-26).

Truyện tình này cũng như Hồn Bướm Mơ Tiên cũng lấy bối cảnh nhà chùa nhưng kết cấu hai truyện trái ngược nhau. Hai Buổi Chiều Vàng viết sau Lạnh Lùng, in trên Ngày Nay số 19 ( ngày 2-8-1936) và chấm dứt ngày 23-8-1936, và mang tên là Anh Ấy Đã Trở Về, gồm 6 truyện ngắn :

-Hai Buổi Chiều Vàng- Mười Năm Qua.
-Cái Tảy--Vết Thương--Lan Rừng.
-Câu Chuyện Mơ Trong Giấc Mộng

Hai Buổi Chiều Vàng, Mười Năm Qua cũng là những truyện tình lãng mạn nhẹ nhàng mang tính cách lý tưởng.Vết Thưong là truyên gian khổ và đau thương của những người hoạt động cách mạng bị tù đầy. Lan Rừng và Câu Chuyện Trong Giấc Mơ mang tính cách truyền kỳ.

V. TIỂU THUYẾT TÂM LÝ

Bướm Trắng viết năm 1939, đăng trên Ngày Nay năm 1940. Trái với Dũng, Trúc là những thanh niên hoạt động cách mạng, Trương, một sinh viên trường luật phải bỏ học vì bệnh lao. Đây là một thiên ái tình tiểu thuyết và cũng là một thiên tâm lý ái tình tiểu thuyết vì tác giả đã cho ta thấy những biến chuyển tâm lý của một thanh niên đã yêu và đuợc yêu khi đứng trước ngưỡng cửa tử thần. Chàng yêu Thu nhưng lại bỏ Thu vì tự ái.Thiếu vắng Thu, Trương đâm ra chơi bời trác táng nên bệnh càng nặng.

Thu không thể kéo Trương trở về đời sống bình thường. Ăn chơi hết tiền, Trương đi làm và thụt két, rồi bị tù. Ra tù, Trương lành bệnh và hiểu rằng sự chơi bời trước đây là ngu dại. Trương đã xuống dốc quá, không thể trở lại với Thu nữa. Trương trở về với Nhan, một cô gái thôn quê luôn luôn chờ đợi chàng. Bướm Trắng là một tiểu thuyết của Nhất Linh đã đạt đỉnh cao nhất của nghệ thuật vì ở đây tác giả đã chú ý đến việc phân tích tâm lý nhân vật qua những giai đoan biến chuyển.

Tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh gây được tiếng vang rất lớn trong văn học. Tuy nhiên nhiều người đã phản đối mãnh liệt. Để chống đối quan điểm quá khích của Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan đã viết Cô Giáo Minh, tìm một đường lối ôn hòa cho mâu thuẫn gia đình.

Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng là đặc sắc của Nhất Linh. Ngoài hai tác phẩm trên, các tác phẩm khác của ông đều mang tích cách lãng mạn nhẹ nhàng, tình yêu lý tưởng nó phản chiếu nhân sinh quan và cảm quan của người Việt lúc bấy giờ thích những truyện tình thơ mộng, nhẹ nhàng, có tính cách đạo lý chứ không thích những truyện mang tính cách bạo lực và tình dục như đa số tiểu thuyết tây phương. Một số truyện của ông mang tính cách xã hội, trình bày những khía cạnh của xã hội bất công, nghèo khổ. Một số cũng trình bày khuynh hướng yêu nước của những người ra đi làm cách mạng, nối tiếp tinh thần Cần vương, Văn thân, và Đông Kinh Nghĩa Thục.



Theo Nguyễn Vỹ, trong khi trò chuyện với Nhất Linh, Nhất Linh cho biết nghệ thuật thuần túy chính là sự phác họa trung thành các thực tế linh hoạt và vĩnh cữu của cuộc đời, chứ không phải do một man hứng viễn vông nhất thờI của nhà văn.Nghệ thuật theo ông, phải gồm cả không gian, thời gian [.. .]. Vì vậy ông Nguyễn Tường Tam cho rằng những quyển truyện mà chính ông đã viết hồi trước kia đều dở lắm. Tồi nhất là quyển Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng. Chỉ trừ cuốn Bướm Trắng sau mười năm ông đọc lại còn thấy giá trị mà thôi (132 133).

Lời tự phê của Nhất Linh rất đúng. Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng ít có giá trị nghệ thuật hơn Bướm Trắng. Bướm Trắng là một tiểu thuyết tâm lý khá sâu sắc và cũng có giá trị luân lý và xã hội. Tuy nhiên ta không thể phủ nhận giá trị của Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng.

Đó là giá trị tư tưởng, phong tục và xã hội cùng lịch sử của nó. Về tư tưởng, trong tục ngữ ca dao, dân ta đã nhiều lần phản đối sự khắc nghiệt của mẹ chồng, hoặc gia đình nhà chồng với nàng dâu. Nói rõ hơn, đề tài này không mới mẻ, nhưng Nhất Linh có lẽ là người đầu tiên lên tiếng kết án tệ trạng mẹ chồng khắc nghiệt trong gia đình Việt Nam. Tuy nhiên cách giải quyết vấn đề của Nhất Linh không được ổn thỏa. Những lời lẽ của Loan quá hỗn hào, ngang bướng, và Nhất Linh đã phải dùng máu để kết thúc một vấn đề, tất cả đều mang tính bạo lực.

Về phong tục, Nhất Linh đã nói lên được sự khắc nghiệt của một số mẹ chồng Việt Nam đối với nàng dâu, cùng một số phong tục về tang, hôn trong xã hội Việt Nam thời tiền chiến. Về lịch sử, Nhất Linh với Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng đã gây lên được một phong trào đòi giải phóng phụ nữ và quyền sống của người phụ nữ. Nhất Linh và một số tân học và cựu học đã đi theo con đường xét lại luân lý và phong tục Việt Nam. Và chính Đoạn Tuyệt và Nửa Chừng Xuân cũng đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí và trong quần chúng về vấn đề mẹ chồng nàng dâu.

Văn của Nhất Linh thời kỳ này khác thời kỳ trước 1932. Ý tưởng sâu sắc, lời lẽ rõ ràng, không văn hoa bay bướm nhưng cũng không khô khan buồn tẻ. Nhất Linh là cột trụ của văn học Việt Nam, là linh hồn của tiểu thuyết Việt Nam trước 1945.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét