MẶC LÂM * QUACH THOẠI

Quách Thoại, nhà thơ đấu tranh đầu tiên của Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-11-15
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
quach-thoai-622.jpg
Nhà thơ Quách Thoại tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế.
Courtesy Photo


Nhà thơ Quách Thoại tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế. Năm 1948, khi 18 tuổi, ông vào Sài Gòn cộng tác với các báo Đoàn Kết, Làm Dân. Trong hai năm 1949-1950, làm Tổng thư ký tuần báo Nguồn sống. Năm 1955, ông viết cho các báo Người Việt, Sáng tạo, Việt chính, Thế kỷ hai mươi.
Với lứa tuổi đó và trong không khí tiếng Việt còn phôi thai lúc bấy giờ được giữ một chân Tổng thư ký tuần báo là một việc hiếm có. Bên cạnh việc làm thơ, Quách Thoại còn là một nhà báo. Ngay từ khi bước chân vào làng báo ông đã chứng tỏ mình là người có năng lực với ngòi bút.
Hầu như những văn nhân nghệ sĩ cùng thời với ông khi chấp nhận nghiệp viết lách cũng là chấp nhận luôn tính cách người nghệ sĩ với các món ăn chơi khác thường cùng những thú vui không kềm chế. Nếu thuốc phiện, cô đầu và bao thứ khác đã làm cho nhà thơ trẻ tuổi này già dặn thì cũng khiến cho ông tiến gần tới cửa ải của tử sinh sớm hơn người khác. Ông mang bệnh lao sau khi nghiện thuốc phiện, vì đồng lương ít ỏi của một ký giả thời bấy giờ đã đẩy ông vào nhà thương thí và cuối cùng nhắm mắt khi chưa tới 30.

Tình yêu con người, xã hội và đất nước

Cũng giống như nhiều cây viết thời ấy tính chất lãng mạn không thể thiếu trên từng khổ thơ của những nhà thơ mới, Quách Thoại cũng không ngoại lệ nhưng có một điều khác lạ đối với nhiều người, vào lứa tuổi yêu đương cuồng nhiệt nhất thì ông lại dùng nham thạch nóng bỏng của tình yêu đôi lứa cho tình yêu con người, xã hội và đất nước. Ông diễn tả sự đau đớn của mình trước cái chết của người Việt cũng như nhưng oán than chồng chất trong thời gian cuộc cách mạng nổ ra tại miền Bắc khi Cải cách ruộng đất ám ảnh triền miên trong lòng người nghệ sĩ. Quách Thoại u uẩn và phảng phất cái cuồng đau của Hàn Mặc Tử. Thơ ông chất ngất nỗi đau của bệnh tật thể xác lẫn rên siết của tâm hồn.

Hoa em nở giữa vườn xuân thôn Vỹ
Lúc nguyệt cười lành lạnh giữa trời mơ
Anh bước về bắt gặp giữa hồn thơ
Áo em trắng hay hồn em trắng tuyết
Anh khóc vì em những giòng lệ tuyệt
Ôi trăng trăng anh còn thấy mãi trăng trăng
Kiếp trần gian anh vẫn còn mãi lang thang
Nhưng hôm nay anh không muốn vội vàng
Hương thơm quá trong vườn hoa tàn ánh nguyệt

Với bài “Những buổi chiều Việt Nam” Quách Thoại cho thấy khả năng chuyển đổi màu sắc và khung cảnh của một nhà thơ có khuynh hướng siêu thực. Từ quá khứ, ông dẫn “buổi chiều” đi qua nhiều vùng miền của đất nước với hình ảnh không phải ánh hoàng hôn vàng tươm hay xanh tối của nhiếp ảnh. Ông không làm thơ tiễn chân buổi chiều với khói lam ngây ngất mà với ông, buổi chiều Việt Nam làm nhói đau lòng dạ miền Nam khi hướng về phương Bắc.

Người đó có một đời sống nhiều say đắm, và bi thảm đến cùng cực, tâm hồn thơ mộng và cũng không kém ý chí phấn đấu gian khổ, tất cả tạo thành một bản sắc riêng.
-Nhà văn Viên Linh
Tôi đã đi trên những buổi chiều
Những buổi chiều của quá khứ
Rất cô liêu
Và mưa gió rất nhiều
Trên những buổi chiều Việt Nam
Rất thân yêu
Của ngày nay
Tôi cũng đang đi đây
Ôi con đường dài xơ xác
Lá vàng heo may
Bóng dáng xanh xao
Những em bé ăn mày
Những người anh
Máu chảy cả đôi tay
Chiều chiến tranh
Những mẹ già run sợ
Vì tiếng súng cối xay
Đêm sắp tới rồi
Người ta đang giết nhau quá mê say
Tôi rất nhớ
Đến những phút chiều
Trên ngọn Hồng Lĩnh
Xa xa ở phía tây
Ngoài kia vùng Bắc Việt
Nơi kẻ thù tôi
Và đồng bào tôi
Đang giết nhau
….

Một dòng thơ tranh đấu

Theo nhà văn Viên Linh, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt từng có nhận xét: “Quách Thoại là một nhà thơ tân tiến muốn làm mới thi ngữ, với một bản chất thơ lạ thường. Người đó có một đời sống nhiều say đắm, và bi thảm đến cùng cực, tâm hồn thơ mộng và cũng không kém ý chí phấn đấu gian khổ, tất cả tạo thành một bản sắc riêng. Thơ ông có một số bài thật hay, biểu tượng sâu xa.”
quach-thoai-400.jpg
Nhà thơ Quách Thoại tại Huế. File photo.
Sự nghiệp của Quách Thoại chỉ gói gọn vào một tập thơ đã xuất bản cùng vài  chục bài thơ chưa kịp lên khuôn nhưng người ta vẫn nhớ. Không phải thơ ông quá hay, xuất sắc tới nỗi nằm trong trí nhớ nhiều người nhưng trong những dòng thơ hiếm hoi ấy chữ nghĩa của ông nổi lên tính cách của một dòng thơ tranh đấu, vừa hun nóng vừa đánh động sự chú ý tới một hiện tượng. Ông đại diện cho một dòng thơ của thời đại, thời đại đấu tranh với độc tài áp bức và toàn trị.
Ông là người trẻ tuổi cầm bút trong đám đông thanh niên Việt Nam ý thức được mầm họa diệt vong từ chủ nghĩa ngoại lai, ác độc. Thơ ông mang hơi hướm của tiên tri và trong ngôn ngữ tiên phong ấy những gì Quách Thoại suy tưởng hay băn khoăn đã được lập lại một cách kỳ lạ trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam.
Nhà văn, nhà báo Uyên Thao, người có duyên với Quách Thoại do kề cận ông một thời gian dài nhìn ngắm, quan sát nhà thơ với cung cách một người bạn cho biết:
“Điều mà tôi nhớ về Quách Thoại nhất thì có lẽ là cái ưu tư của một người mà tôi thường gọi Quách Thoại là đạo sĩ tại vì lúc nào y cũng có vẻ phải hướng về tôn giáo để cứu vớt cuộc sống, đấy là nét đặc biệt của Quách Thoại. Ngoài ra trong khi giao dịch bình thường thì anh là một người rất hiền lành lúc nào cũng lo cho mọi người, suy nghĩ về những tai nạn cũng như những hiểm họa trong cuộc sống. Những điều này chỉ có thể thể hiện về tôn giáo thôi.
Một đặc biệt nữa của Quách Thoại là không phân biệt tôn giáo nào. Trong lứa tuổi thiếu niên Quách Thoại tham gia vào hoạt động của đạo Cao đài và theo anh thì đạo Cao đài lúc đó tham gia vào sự thay đổi của cuộc sống. Sau đó thấy hoạt động của mình không có tác dụng gì thì quay về với đạo Phật và sau đó thì ca ngợi tinh thần nhân ái của Chúa... tôi nghĩ đấy là những cái đặc biệt của Thoại mà tôi còn nhớ. Ngoài ra có một cái nổi bật nhất là Thoại không hề nghĩ cho bản thân mình mà nghĩ cho cuộc sống của mọi người chung quanh.”
Có lẽ tinh thần vị tha nhân qua tôn giáo của Quách Thoại trộn lẫn với khắc khoải, ám ảnh của những tội ác mà ông biết luôn làm ông lẫn lộn giữa thực và mộng, và cũng có lẽ cái lẫn lộn cố ý ấy đã pha trộn thành bài thơ mang chất siêu thực qua hình ảnh một ma soeur bị giết mà Quách Thoại là kẻ cầm dao làm công việc ấy. Quách Thoại biến thành kẻ sát nhân, kẻ sát nhân mang măt nạ của chính quyền cách mạng:

Thôi các ông đừng đánh tôi nữa
Để rồi tôi xin khai rõ
À, tôi có nhớ cái bà phước đó,
cái bà thường hay bận áo thụng trắng
Và đi đôi giày đen ngồi một mình thường hay đan len
Và trong câu chuyện thường ngợi khen Đức Chúa trời
À, tôi còn nhớ lúc tôi đứng trước mặt bà ta
Thì bà ta quỳ xuống chấp tay cầu nguyện
Tôi hét lớn: Con mẹ này mày nói gì huyên thuyên
Và tôi đâm một dao lút xương….

Quách Thoại miêu tả thảm kịch cải cách ruộng đất với cảnh tượng tự vệ xã đối xử với địa chủ một cách dã man với sức tưởng tượng phong phú đầy kịch tính. Quách Thoại làm người sống cách xa thời đại của ông hơn nữa thế kỷ vẫn có cảm giác rát bỏng cuống họng bởi cát nóng tràn vào qua ánh mắt trắng dã của người tử tù khát khô dưới nắng.
Ngoài ra có một cái nổi bật nhất là Thoại không hề nghĩ cho bản thân mình mà nghĩ cho cuộc sống của mọi người chung quanh.
-Nhà báo Uyên Thao
Người ta gọi tôi là địa chủ
Đây một lũ người tự xưng là cùng đinh
Đem bắt trói tôi vào một cột đình
Đã hai ngày qua tôi vẫn làm thinh
Nhưng đến trưa nay tôi bỗng hoảng kinh
Số là tôi khát nước lắm rồi
Ôi chao, tôi ước ao tôi ao ước
Và không thể cầm lòng tự cao
Tôi kêu :“Hãy cho tôi nước, nước, nước!”
Tôi bỗng nghe một tiếng trả lời :“Được!”
Rồi một kẻ đi đến rất chậm bước
Lúc đứng gần sau lưng tôi, nó nói thỏ thẻ :
“Hãy hả họng cho tao đổ, tội nghiệp đồ chết khát!”
Tôi cảm động nhắm mắt run run hả họng khô rát
Nó hắt ngay vào một nắm cát!

Với bài thơ Phạm Văn Thông, Quách Thoại làm người đọc sởn óc và ám ảnh rất lâu bởi sự tàn bạo vô nhân của cách giết người không cần vũ khí: “Chôn sống”.
Bài thơ như một tiên tri cảnh báo về chủ nghĩa cộng sản. Chôn sống địa chủ và rồi chôn sống nhiều thứ khác trong đó có cả một nền văn hóa. Phạm Văn Thông không là ai cả, nó đại diện cho bất cứ người Việt Nam nào. Phạm Văn Thông không hẳn là một cái tên nó có thể biểu tượng cho nhiều thứ, trong đó có cả chủ nghĩa tư bản mà chế độ cộng sản một thời từng ao ước phải chôn sống nó.

Anh có thấy không
Hai chân nó trồi lên mặt đất
Kìa, giữa khoảng đồng không
Lúc người ta bắt nó ngoài đồng
Thì nó vẫn còn sống
Đến khi nhận đầu nó xuống
Thì nó vẫn còn sống
Anh có nhớ không
Khi người ta lấp đất rồi
Thì nó vẫn còn sống
Anh có hiểu không
Khi người ta chôn nó rồi
Thì nó vẫn còn sống
Nó vùng nó vằng
Nó nghe nó ngửi
Nó nhai nó nuốt
Toàn đất là đất
Kìa nó cử động
Ngo ngoe hai chân không
Tôi tưởng còn nghe tiếng nó rống
Giữa khoảng ruộng đất im lìm đồng không
“Tôi tên Phạm Văn Thông…
Tôi không, tôi không, tôi không…...”
“Mặc kệ nó. Cứ nhận đầu chôn sống”
“Không! Không! Không!”
“Kệ xác nó. Cứ nhận đầu chôn sống!
Đồ lũ bay Việt gian cả giống
Cứ nhận đầu chôn sống!
Thì nó vẫn còn sống!
Phạm Văn Thông!

Nhà văn Viên Linh khi viết về Quách Thoại đã nhìn ông như một chiến sĩ dân chủ hơn là một nhà thơ bình thường, ông cho biết:
“Nói về nhà thơ Quách Thoại tôi gọi ông là nhà thơ dựng nước Cộng hòa. Quách Thoại ra đi vào lúc 27 tuổi nhưng mà trong những năm dựng nước đó tức là sau Hiệp đinh Geneve năm 1954 đến năm 1957 ông luôn luôn làm thơ về Miền Nam về những sự kiện trước mắt. Những sự kiện xảy ra ngay lúc đó chứ không phải là nhà thơ nhìn lui về quá khứ. Ông làm những bài như “Đường Tự do Sài gòn” hay “Những buổi chiều Việt Nam …Nều như ở Mỹ, mỗi năm tôi thấy người ta có tuyên dương mọt thi sĩ là “Thi sĩ quốc gia” nhưng rất tiếc Việt Nam mình lại không có chuyện đó. Quách Thoại xứng đáng là một “thi sĩ quốc gia”. Ông là người đã cổ võ rất mãnh liệt cho sinh hoạt chính trị lúc ấy và khi nói về những cái chết của các nạn nhân cộng sản ông nói đích danh, hay những nói sự việc xảy ra trước mắt thì có thể là sự việc xảy ra vài năm trước, năm đấu tố nhưng ông tả cảnh đấu tố như đang xảy ra trước mắt.”

"Đến lúc phải tỉnh thức
Hỡi các lực lượng dân chủ
Chúng ta phải gây lại sức mạnh hùng cường
Vì độc tài thì vô lượng
Âm mưu, lý thuyết, tổ chức, thủ đoạn
Hành động thì dã man vô lường
Ôi chao! đau thương không thể tưởng
Hỡi các lực lượng dân chủ
Hãy thận trọng đoàn kết và dũng mãnh bước lên đường"
(Hỡi Các Lực Lượng Dân Chủ)
“Tôi tưởng tượng là ông Quách Thoại đã có mặt vào ngày 26 tháng 10 năm 1956 tức là Ngày Quốc khánh của Việt Nam Cộng Hòa và là quốc khánh đầu tiên và cũng là ngày ban hành Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nghĩ rằng người làm thơ như Quách Thoại là một người xứng đáng để chúng ta luôn luôn nhắc đến trong các hoạt động dân chủ mà hiện nay đất nước đã hơn nửa thế kỷ qua những điều mà Quách Thoại mơ ước đã hơn 40 năm nay rồi chúng ta chưa tìm thấy.

Chúng ta mở cả trăm ngàn cửa ngỏ
Gặp nhau đây hàng triệu mặt con người
Bởi quá vui nên hét lớn ta cười
Giờ cách mạng hôm nay vừa khởi điểm
Ta nhìn lên trời tự do hiển hiện
Đường tương lai gió thổi lá cờ bay
Ôi lá cờ dân chủ mến thương thay
Qua thế kỷ lầm than giờ mới thấy…

Quách Thoại được nhiều người cho rằng là một trong hai văn nghệ sĩ có linh cảm về sự tàn phá của chế độ Cộng sản đối với đất nước, con người Việt Nam chính xác nhất. Người trước là nhà văn Vũ Trọng Phụng với những phóng sự mà tính cách tàn nhẫn có thể đoán được sẽ làm cho cộng đồng giãy dụa trong phù phiếm lẫn đói nghèo dưới sự dẫn đường của Chủ nghĩa Xã hội. Còn Quách Thoại, ông tiên  tri cho đất nước về một sự mất mát dân chủ, tự do không thể nào bù đắp.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét