TIN TỨC BIỂN ĐÔNG



Thứ ba, 02/06/2015

TT Obama nghiêm khắc cảnh báo TQ về hành động ở Biển Đông

Tổng thống Obama nói chuyện với các nhà lãnh đạo trẻ từ các nước Đông Nam Á đến thăm Hoa Kỳ, 1/6/15
Tổng thống Obama nói chuyện với các nhà lãnh đạo trẻ từ các nước Đông Nam Á đến thăm Hoa Kỳ, 1/6/15

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hôm Thứ hai, lên tiếng nghiêm khắc cảnh báo Trung Quốc rằng các dự án cải tạo đất ở Biển Đông phản tác dụng và là mối đe dọa cho sự thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói với một nhóm các nhà lãnh đạo trẻ đến thăm nước Mỹ rằng “Có thể là có một số” tuyên bố chủ quyền lãnh hải nào đó của Trung Quốc hợp pháp. Tuy nhiên họ không nên tìm cách xác lập bằng cách đẩy người ta ra ngoài, ông vừa nói vừa hích khuỷu tay ra phía ngoài bục.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói Hoa Kỳ không có tuyên bố bố chủ quyền nào trong vùng, nhưng muốn rằng các cuộc tranh chấp những vùng lãnh hải mà Trung Quốc và các nước đang đưa ra tuyên bố chủ quyền được giải quyết trong hoà bình. Ống nói:
“Chúng tôi không nằm trong các bên tranh chấp, nhưng chúng tôi quả có quan tâm trong việc bảo đảm các tranh chấp được giải quyết một cách hoà bình, theo đường lối ngoại giao phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Và vì lý do đó chúng tôi nghĩ rằng hành động hung hăng cải tạo đất của bất cứ bên liên quan nào trong khu vực đều phản tác dụng.”

Ông nói Hoa Kỳ sẽ làm việc với bất cứ nước nào sẵn sàng “thiết lập và thực thi những chuẩn mực và luật lệ có thể duy trì tăng trưởng và thịnh vượng trong khu vực.”
Nhà lãnh đạo Mỹ nói, “Sự thực là Trung Quốc sẽ thành công. Đó là nước lớn, hùng mạnh. Người dân có tài và chăm chỉ làm việc.”

Sự va chạm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng trong những ngày gần đây vể việc Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo, biến các bãi đá ngầm thành các sân bay.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói trước cử toạ hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế ở Singapore hôm Thứ bảy rằng Hoa Kỳ phản đối bất kỳ hành động “quân sự hóa nào thêm nữa” tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, sau khi phát hiện 2 khẩu trọng pháo cơ giới Trung Quốc bố trí trên một trong các đảo nhân tạo.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Hoa Kỳ đang đưa ra những tuyên bố phi lý về quyền và chủ quyền từ lâu của Trung Quốc, khơi lên rắc rối và những tố cáo liên quan đến các hoạt động xây dựng thích đáng và hợp lý của Trung Quốc trên các đảo của mình. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này.”
Tổng thống Obama đã trả lời nhiều câu hỏi về Đông Nam Á và về triết lý điều hành đất nước của ông cho khoảng 75 nhà lãnh đạo trẻ từ 18 đến 35 tuổi, đang thăm Hoa Kỳ trong 5 tuần lễ. Họ đến thăm Mỹ theo chương trình quảng bá tính năng lãnh đạo do ông lập ra cho những người trẻ từ 10 quốc gia trong khối ASEAN nhằm phát huy dân chủ và tăng trưởng kinh tế trong vùng.
Một trong những người khách này đã hỏi Tổng thống Hoa Kỳ rằng ông muốn lịch sử nhớ về nhiệm kỳ tổng thống của ông như thế nào.
Ông nói đùa, “Tôi hy vọng là rất yêu mến.”
Những người chỉ trích Tổng thống Obama thường cho rằng ông làm suy yếu quyền lực của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Tuy nhiên ông tranh luận, “Chúng ta đặt quan hệ quốc tế trong vị thế rất vững chắc.”
Ông nói cộng đồng thiểu số người Rohingya Hồi giáo bị chính phủ Myanmar phân biệt đối xử, đã dẫn đến việc ông có 2 lời khuyên đối với những nước ở Đông Nam Á và trên khắp thế giới.
Ông Obama nói rằng các quốc gia chỉ thành công nếu họ không chia chia giữa tôn giáo và sắc tộc và không phân biệt đối xử với nữ giới.
 http://www.voatiengviet.com/content/tt-obama-nghiem-khac-canh-bao-tq-ve-hanh-dong-o-bien-dong/2803967.html

Mỹ Việt ký tuyên bố chung phát triển quan hệ quân sự





Lễ ký « Tuyên bố tầm nhìn chung » về quan hệ quốc phòng song phương Việt-Mỹ, Hà Nội, 01/06/2015.REUTERS/Hoang Dinh Nam
Hôm nay 01/06/2015, tại Hà Nội, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh đã ký một văn kiện hợp tác gọi là « Tuyên bố chung về quan hệ quốc phòng giữa Việt nam và Hoa Kỳ ». Cũng trong chiều hướng này, chủ nhân Lầu Năm góc cam kết viện trợ cho Việt Nam 18 triệu đôla để tăng cường lực lượng tuần duyên.
Theo Reuters và báo chí chính thức tại Việt Nam, trong chuyến viếng thăm Việt Nam sau đối thoại an ninh tại Sangri-La trong hai ngày cuối tuần, hôm nay 01/06, bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Việt Nam đã ký tại Hà Nội « Tuyên bố tầm nhìn chung » về quan hệ quốc phòng song phương. Văn kiện này ấn định một khuôn khổ cho phép hai nước phát triển quan hệ quân sự trong tương lai. Trước đó, tại Hải Phòng, bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố cần phải « hiện đại hóa » quan hệ song phương và tỏ hy vọng hai nước có thể cùng « tiến xa hơn », sau 20 năm thiết lập bang giao.
Việt Nam là chặng đường công du châu Á - Thái Bình dương lần thứ hai của bộ trưởng Ashton Carter, kéo dài 11 ngày, kể từ khi ông được bổ nhiệm hồi đầu năm nay 2015. Mục tiêu chính của chuyến đi này là vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực. Hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam và bộ chỉ huy lực lượng tuần duyên ở Hải Phòng. Ông đã lên thăm một tàu tuần duyên Việt Nam, chiếc tàu từng bị Trung Quốc tấn công trên biển trong vụ dàn khoan Haiyan 981 hồi năm 2014.
18 triệu đôla để mua tàu tuần Mỹ
Trong bối cảnh biển đảo Việt Nam đang bị Trung Quốc uy hiếp, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ cung cấp 18 triệu đôla giúp cho Hà Nội mua các tàu tuần duyên loại Metal Shark do Hoa Kỳ chế tạo, để tăng cường tiềm năng quân sự của Việt Nam.
 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150601-my-viet-ky-tuyen-bo-chung-phat-trien-quan-he-quan-su/
 

Báo Mỹ đòi Washington đáp trả sự khiêu khích của Trung Quốc

  media

Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05/2015 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
Vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại dùng cả lời nói lẫn hành động cụ thể chống lại việc Washington can dự vào tình hình Biển Đông, đang trở nên căng thẳng do các hoạt động bồi đắp và xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên các bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa, The Washington Post, một tờ báo có uy tín hàng đầu tại Hoa Kỳ, vào hôm qua đã công khai biểu lộ thái độ bất bình, và lên tiếng
kêu gọi chính quyền Mỹ phải có phản ứng đáp trả cụ thể trước các hành vi của Bắc Kinh bị tờ báo gọi là « khiêu khích nguy hiểm »
Nguyên do trực tiếp khiến tờ Washington Post bất bình là sự kiện xẩy ra vào tuần trước, khi một chiếc phi cơ do thám của Mỹ, trong lúc bay trên Biển Đông gần các bãi ngầm ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc đang bồi đắp, đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh cáo đến 8 lần. Không những thế, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đả kích phía Mỹ, tố cáo một hành vi « vô trách nhiệm và rất nguy hiểm ».
Vấn đề tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, là các hoạt động của Hoa Kỳ hoàn toàn hợp pháp và hợp tình, hợp lý. Chuyến bay của chiếc phi cơ do thám Mỹ nằm trong các nỗ lực của Washington nhằm đánh động dư luận về những hành động khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc, khi cho ồ ạt xây dựng hạ tầng cơ sở tại một khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ.
Theo tác giả bài báo, Trung Quốc đã lấn lướt các láng giềng bằng cách xây dựng nhanh chóng nào là phi đạo, bến cảng, nào là các hạ tầng cơ sở khác tại một trong những vùng biển nhạy cảm nhất Châu Á – với những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo lên nhau. Điểm nguy hại được nhấn mạnh là nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở Biển Đông.
Đối với The Washington Post, có thể là không thể nào ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông, tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mơ hồ có từ thập niên 1940.
Ở một khu vực là đường qua lại của tàu bè quốc tế, Trung Quốc lại muốn loại tàu thuyền và máy bay quốc tế ra khỏi một vùng rộng 200 hải lý chung quanh các vùng tranh chấp, rộng hơn gấp bội so với 12 hải lý mà Hoa Kỳ công nhận.
Đối với The Washington Post, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thiếu cơ sở chính đáng, nhưng chế độ Tập Cận Bình lại từ chối sự trung gian hòa giải của quốc tế, hay tích cực đàm phán một Bộ Quy tắc Ứng xử với các láng giềng. Trung Quốc cũng bác bỏ những phản đối của Mỹ liên quan đến hành động bồi đắp đảo nhân tạo.
Thậm chí, như Hoàn cầu Thời báo đã huênh hoang, Trung Quốc đang trong thế chủ động, và một khi các công trình tại Biển Đông hoàn tất, thì sự can thiệp của Mỹ sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong tình đó đó, tờ báo Mỹ cho rằng Hoa Kỳ phải xúc tiến kế hoạch cho phi cơ bay qua khu vực mà Trung Quốc cho là của họ trên Biển Đông, hay cho chiến hạm tiến gần các vùng này. Đó là các biện pháp nhằm cho thấy rõ là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi của Trung Quốc.
Mỹ và Nhật đã từng áp dụng chiến thuật tương tự để vô hiệu hóa vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông.
Đối với The Washington Post, thái độ cứng rắn của Mỹ sẽ động viên các quốc gia châu Á còn ngần ngại trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền và hành vi áp đặt thô bạo của Trung Quốc. Một trong những lợi thế mà Washington có thể khai thác là cho dù rất muốn thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn tránh gây xung đột lớn với các nước láng giềng và với Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150527-bao-my-doi-washington-dap-tra-su-khieu-khich-cua-trung-quoc/



Tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông tập trận với các nước Đông Nam Á


mediaTư lệnh Hải quân Ấn Độ RK Dhowan (thứ 4 từ trái sang) trước hàng không mẫu hạm INS Viraat tại Bombay, 20/04/2015.REUTERS/Shailesh Andrade
Bốn tàu chiến của Ấn Độ tiến hành tập trận với 5 nước Đông Nam Á xung quanh các khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trước khi tới Úc.
Báo điện tử Ấn Độ Deccan Herald, ngày hôm nay 01/06/2015 cho biết, khu trục hạm tàng hình INS Satpura và tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kamorta đã tham gia cuộc tập trận Simbex-2015 với Hải quân Singapore, từ ngày 23 đến 26/05.
Trong khi đó, hai tàu khác là khu trục hạm có trang bị tên lửa INS Ranvir và tàu tiếp tế nhiên liệu INS Shakt tới Jarkarta từ hôm qua, 31/05, để tham gia cuộc tập trận với Hải quân Indonesia trong vòng bốn ngày.
Kết thúc cuộc tập trận với Indonesia, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ tới các cảng Kuantan, Malaysia, cảng Sattahip tại Thái Lan và cảng Sinanoukville ở Cam Bốt để tập trận với hải quân các nước này. Sau đó, các tàu chiến Ấn Độ, thuộc hạm đội phương Đông sẽ tới cảng Freemantle, Úc.
Đợt triển khai tàu chiến này kéo dài trong ba tháng, dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Ajendra Bahadur Singh, diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á ngày càng gia tăng và Hoa Kỳ cũng như nhiều nước phản đối ý đồ của Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa các khu vực đang có tranh chấp.
Trong thời gian qua, nhiều chỉ huy quân sự Ấn Độ tuyên bố là Hải quân nước này đủ khả năng can thiệp vào vùng Biển Đông, nếu các lợi ích của Ấn Độ trong vùng này bị đe dọa.
Hôm qua, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tuyên bố là New Delhi đòi hỏi phải có tự do lưu thông hàng hải. Các hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên bố đe dọa sử dụng vũ lực không phù hợp với các cam kết của hai nước trong việc giải quyết hồ sơ này.
Ngày 22/07/2012, trên đường tới thăm Việt Nam, khi cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý, tàu chiến Ấn Độ INS Airavat đã nhận được tin nhắn từ tàu chiến Trung Quốc yêu cầu rời khỏi vùng biển, mà Trung Quốc tự khẳng định thuộc chủ quyền của mình, và không coi đó là vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, tàu Ấn Độ không nhìn thấy tàu chiến hoặc máy bay nào, do vậy vẫn tiếp tục hành trình tới Việt Nam.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150601-tau-chien-an-do-toi-bien-dong-tap-tran-voi-cac-nuoc-dong-nam-a/ 

Hoa Kỳ 'tiếp tục đóng vai trò ở Á châu'

  • 1 tháng 6 2015

Ông Ashton Carter đang có chuyến thăm Việt Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói nước ông sẽ tiếp tục đóng vai trò "tối quan trọng" ở Á châu trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn của BBC trong khi đang ở thăm Việt Nam, ông Carter nói Hoa Kỳ có thể bảo đảm "hòa bình và thịnh vượng", cách thức duy nhất để "ai nấy đều có thể vươn lên và chiến thắng".
Chuyến thăm của ông bộ trưởng diễn ra trong khi đang có căng thẳng về chủ quyền giữa nhiều quốc gia ở Biển Đông.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa. Bắc Kinh bác bỏ điều này.
Ông Carter nói Hoa Kỳ không tìm cách quân sự hóa tình hình, nhưng "không có điều gì" có thể cản trở nước này hoạt động trong khu vực.
Hồi đầu tháng trước, Trung Quốc chỉ trích Washington về việc máy bay do thám của Mỹ bay gần quần đảo Trường Sa.
Ông Ashton Cater tuyên bố: "Không có gì có thể dừng bước các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi biển và hoạt động tại Thái Bình Dương như mọi lúc".
"Chúng tôi không tìm cách quân sự hóa hay làm leo thang tình hình."

Sức mạnh quan trọng

Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đã làm bảy thập niên nay kể từ kết thúc Thế chiến II, đó là hiện diện như một sức mạnh quân sự tối quan trọng trong khu vực".
Hoa Kỳ nói Trung Quốc đã xây thêm 2.000 ha đảo nhân tạo tại 5 khu vực ở quần đảo Trường Sa, và mới đây chuyển pháo binh lên một đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên sau đó có tin họ đã rút pháo đi.
Tuần trước, Trung Quốc nói sẽ tìm cách tăng cường hiện diện quân sự ra ngoài biển khơi.
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc kêu gọi hải quân chuyển sang bảo vệ ngoài biển xa thay vì phòng vệ gần bờ.
Hôm Chủ nhật, Trung Quốc cũng bác chỉ trích của ông Carter về các dự án cải tạo đảo của nước này, mà Hoa Kỳ gọi là "vượt ra ngoài khuôn khổ luật lệ quốc tế".
Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc nói quyền và lợi ích của Trung Quốc là "không tranh cãi" nhưng nước ông thực thi quyền lợi với "sự kiềm chế to lớn".
Ông nói việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo là để giúp khu vực và cải thiện ̣điều kiện sống của quân nhân tại đó.
"Không có lý do gì để một số người thổi phồng vấn đề Nam Hải (Biển Đông)."
 

Biển Đông : Mỹ chỉ có thể ‘làm mạnh’ nếu Đông Nam Á bớt ‘rón rén’




Biển Đông : Mỹ chỉ có thể ‘làm mạnh’ nếu Đông Nam Á bớt ‘rón rén’
Ông Patrick Murphy, Đại biện Sứ quán Mỹ tại Thái Lan bắt tay tướng Wuttinun Leelayudth, tổ tư lệnh quân đội Thái Lan trong lễ khai mạc cuộc tập trận Cobra Gold ngày 9/02/2015 tại Bangkok.REUTERS/Chaiwat Subprasom

Trước các hoạt động bồi đắp đảo đá của Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa, Hoa Kỳ đã liên tiếp tỏ thái độ cứng rắn. Tuy nhiên, theo phân tích của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason Hoa Kỳ, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ chủ yếu « nói mạnh » chứ chưa « làm mạnh ». Để thúc đẩy Washington kiên quyết hơn, các nước Đông Nam Á bị Trung Quốc lấn lướt cần có đối sách dứt khoát hơn hiện thời.

Trong những ngày qua, Hoa Kỳ càng lúc càng tỏ thái độ thực sự quan tâm đến hồ sơ Biển Đông sau khi có được những thông tin chính xác là ảnh vệ tinh, nêu bật tốc độ nhanh chóng cũng như quy mô to lớn của các công trình bồi đắp các bãi ngầm mà Trung Quốc đang tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa.
Hầu như mọi giới ở Mỹ đều quan tâm đến vấn đề này, từ giới truyền thông đã đưa tin rộng rãi về các hành vi của Trung Quốc, cho đến giới học giả, nghiên cứu, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông.
Đối với chính quyền Mỹ cũng vậy, cả hai ngành lập pháp và hành pháp đều bày tỏ mối ưu tư đến các diễn biến đáng ngại tại Biển Đông, mà kẻ gây ra không ai khác hơn là Trung Quốc.
Trong bối cảnh chung đó, giới quan sát đã đặc biệt chú ý đến động thái của Chính quyền Obama, vốn đã đề ra chiến lược « xoay trục » qua Châu Á, để xem Washington phản ứng ra sao trước các hành động của Bắc Kinh. Và rõ ràng là Hoa Kỳ đã có biểu hiện dấn thân sâu hơn vào hồ sơ Biển Đông, và không ngần ngại đụng chạm với Trung Quốc.
Vụ xua đuổi máy bay tuần thám P-8A Poseidon
Biểu hiện rõ rệt nhất, và được phơi bày trước dư luận thế giới là sự cố xẩy ra ngày 20/05/2015, khi một phi cơ do thám P-8A Poseidon của Mỹ, tuần tra trên bầu trời Biển Đông gần khu vực Bắc Kinh đang bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở, đã bị Hải quân Trung Quốc bên dưới dùng radio xua đuổi 8 lần, với luận điệu là phi cơ Mỹ xâm nhập vào không phận của Trung Quốc.
Điểm đáng nói là Hải quân Mỹ đã cho một toán phóng viên đài Truyền hình Mỹ CNN tháp tùng theo chiếc phi cơ để làm phóng sự, và dĩ nhiên là hành động ngang ngược của Trung Quốc đã bị vạch trần trước công luận quốc tế. Bên cạnh đài CNN, Hải quân Mỹ cũng cho công bố gần 3 phút video của phi vụ giám sát nói trên, góp phần đánh động dư luận về những gì mà Trung Quốc đang làm.
Nếu việc thám thính các hoạt động của Trung Quốc không có gì mới, thì đây là lần đầu tiên mà Lầu Năm Góc cho giải mật băng video ghi lại các hoạt động xây dựng của Trung Quốc, cũng như băng ghi âm những lời xua đuổi máy bay Mỹ do phía Trung Quốc đưa ra.
Chiếc máy bay Poseidon P-8A hôm 20/05 còn ở độ cao 15.000 bộ, khi hạ xuống mức thấp nhất. Trước các thách thức của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang xem xét khả năng tiến hành các phi vụ giám sát gần hơn nhắm vào các đảo của Trung Quốc, đồng thời phái tàu tiến sâu vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo này để chứng minh rằng Hoa Kỳ không chấp nhận việc Bắc Kinh dùng sức mạnh thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Lời tố cáo mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Song song với hành động có thể gọi là mạnh mẽ như trên, các quan chức Mỹ càng lúc càng lên giọng đả kích hoạt động bồi đắp đảo đá của Trung Quốc, và xác định trở lại quyết tâm can dự của Hoa Kỳ.
Bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30/05/2015 trước một cử tọa bao gồm giới lãnh đạo ngành quốc phòng và quân sự khu vực và quốc tế tại Đối thoại Shangri La ở Singapore, đã nêu bật lập trường cứng rắn của Hoa Kỳ đối với các hoạt động xây đảo của Trung Quốc.
Trong phần đề cập đến Biển Đông, ông Carter đã xác định trở lại rằng mọi quốc gia đều đã hưởng lợi nhờ tự do thông thương qua Biển Đông và eo biển Malacca, do đó mọi quốc gia cần phải quan tâm đến việc một bên nào đó phá hoại nguyên trạng và gây nên bất ổn định tại Biển Đông, bằng vũ lực, bằng sự cưỡng ép, hoặc chỉ đơn giản bằng cách tạo ra những sự kiện không thể đảo ngược trên mặt đất, trên không hay trên mặt nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cho rằng từ Việt Nam, Philippines, cho đến Đài Loan, Malaysia, bên tranh chấp nào cũng đã xây dựng tiền đồn trên các đảo đá mình kiểm soát. Thế nhưng ông Carter đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên Trung Quốc khi xác định : « Có một quốc gia đã đi xa hơn và nhanh hơn rất nhiều so với bất kỳ nước nào khác. Và đó là Trung Quốc ».
Đối với lãnh đạo Lầu Năm Góc, nguy cơ xung đột bùng lên do các hoạt động bồi đắp tiền đồn trên Biển Đông là điều đáng quan tâm, và trong tư cách một quốc gia Thái Bình Dương, một quốc gia thương mại, và là thành viên của cộng đồng quốc tế, Hoa Kỳ có toàn quyền can dự và quan tâm đến an ninh khu vực.
Ông Carter nhấn mạnh rằng đó không phải chỉ là mối quan tâm của riêng Mỹ, mà các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, cũng đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại và đặt câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc trong việc xây dựng các tiền đồn to lớn như vậy.
Dừng lập tức và vĩnh viễn hoạt động xây dựng trên Biển Đông
Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác định trở lại ba yếu tố quan trọng trong lập trường của Hoa Kỳ :
Đầu tiên, là phải có một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Do vậy, mọi bên tranh chấp phải dừng ngay lập tức và vĩnh viễn các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hoa Kỳ phản đối việc tiếp tục bất cứ hoạt động quân sự hóa nào trong khu vực. Một cách cụ thể là ASEAN và Trung Quốc nên ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử « ngay trong năm nay ». Mỹ sẽ ủng hộ quyền của các bên tranh chấp viện đến trọng tài pháp lý quốc tế và dùng các biện pháp hòa bình khác để giải quyết tranh chấp. Hoa Kỳ cũng chống lại các sách lược cưỡng chế.
Biến đá ngầm thành sân bay không thể mang lại chủ quyền
Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các nguyên tắc về tự do hàng không và hàng hải… Ông Carter cảnh báo : « Mỹ sẽ đến nơi, bằng máy bay, bằng tàu, và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép… Dẫu sao thì biến một hòn đá ngầm thành sân bay không thể mang lại quyền chủ quyền và cho phép (một nước) hạn chế quyền tự do hàng không quốc tế hay quyền quá cảnh trên biển ».
Điểm cuối cùng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh là cần phải dựa vào các kiến trúc an ninh trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông Carter, với những hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã lệch pha với cả các quy tắc quốc tế lẫn chuẩn mực an ninh khu vực vốn chủ trương giải pháp ngoại giao và phản đối hành vi cưỡng chế.
Đối với ông Ashton Carter, Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đối tác. Điều quan trọng là khu vực cần hiểu rằng nước Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực, vẫn tiếp tục đấu tranh cho luật pháp quốc tế và các nguyên tắc phổ quát ... và giúp cung cấp an ninh và ổn định cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới đây.
Mỹ và Biển Đông : Nói mạnh nhưng chưa làm mạnh
Các động thái được cho là mạnh dạn của Hoa Kỳ trong việc phản đối Trung Quốc đã được nhiều nhà binh luận hoan nghênh. Tuy nhiên có nhiều người cho rằng, trước các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, Hoa Kỳ gần như chỉ nói mạnh, chứ chưa thể làm mạnh.
Đây chính là phân tích của Giáo sư Chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại Học George Mason, Hoa Kỳ. Đối với giáo sư Hùng, Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến Hoa Kỳ chưa thể « làm mạnh » được trong vấn đề Biển Đông, chính là vì tình trạng còn chia rẽ trong khối Đông Nam Á ASEAN, kèm theo là thái độ còn « rón rén » của nhiều nước, bị Trung Quốc chèn ép, nhưng không dám trực diện đối đầu.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, sau khi phân tích một số sự kiện gần đây liên quan đến sự dấn thân của Hoa Kỳ vào hồ sơ Biển Đông, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã không ngần ngại nêu bật các giới hạn trong chính sách Biển Đông hiện nay của Mỹ, bắt nguồn chủ yếu từ việc chưa động viên được tất cả các nước Đông Nam Á cùng góp sức với Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng 01/06/2015 nghe
RFI : Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc hung hăng, Hoa Kỳ có dấu hiệu can dự mạnh mẽ hơn. Phải chăng Mỹ bạo dạn hơn ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Nói « bạo dạn » thì có vẻ hơi quá... bởi vì điều Hoa Kỳ làm cho đến giờ trước hết chỉ là tuyên bố « miệng » mà thôi, trong lúc các động thái, như phái phi cơ tuần thám, thì trước đây họ cũng đã từng làm như cho tàu tuần thám đến, mặc dù Trung Quốc phản đối, hay là vụ vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông (mà Trung Quốc thành lập), thì Hoa Kỳ cũng không tôn trọng, mà chẳng sao cả.
Cho nên nói mạnh bạo hơn, theo tôi có lẽ hơi quá, bởi vì trong Quốc hội Hoa Kỳ, có rất nhiều người chê rằng thái độ của chính quyền là « too little too late » - quá ít và quá trễ. Họ cho là lẽ ra phải làm từ lâu rồi, và làm mạnh hơn.
RFI : Nhưng gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter có những phát biểu mạnh mẽ hơn ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Đánh giá về ông Carter có thể nói là mạnh hơn so với năm ngoái, nhưng tình hình năm nay căng hơn năm ngoái, thành ra phản ứng đó cũng tự nhiên thôi...
Vấn đề đặt ra là trước hết phải xem ông Carter có tuyên bố gì khác ở Shangri La ngoài việc dọa nạt bằng mồm ; kế đến là Quốc hội Mỹ, đã phàn nàn, nhưng liệu có biểu quyết ngân sách quốc phòng đầy đủ để chính quyền thực hiện nhiệm vụ đó hay không ; và thứ ba là Quốc hội có bằng lòng phê chuẩn hiệp ước TPP một cách dễ dàng để cho Mỹ có bàn đạp kinh tế và quân sự ở đấy không ?
Thành ra chính sách Biển Đông của Mỹ có thể nói là : « Miệng nói thì to, nhưng khả năng thi hành thì chưa thấy rõ rệt », chưa thấy biểu lộ quyết tâm rõ rệt và sự đồng thuận giữa hành pháp và lập pháp.
RFI : Mỹ đang ở trong thế cưỡi trên lưng cọp trên vấn đề Biển Đông ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Tôi nghĩ là không, bởi vì cưỡi cọp thì không xuống được. Đằng này Hoa Kỳ lại có khả năng xuống mà, có thể lùi được mà ! Thành ra tôi không nghĩ là Mỹ đang ở trong thế cưỡi trên lưng cọp.
Nhưng tôi thấy là cái mà Hoa Kỳ có thể làm, tùy thuộc rất nhiều vào các quốc gia Đông Nam Á. Sở dĩ Hoa Kỳ không làm, đó là bởi vì các nước ASEAN hoàn toàn chia rẽ, và rất là rón rén.
Họ chỉ muốn Hoa Kỳ bênh vực họ, nhưng lại không chịu gánh thêm trách nhiệm.
Tôi lấy ví dụ trường hợp máy bay tuần tiễu của Hoa Kỳ, cần phải bay thường trực hơn chứ không phải là bay đi rồi bay về. Muốn bay thường trực, thì phải có căn cứ, mà đảo Guam của Mỹ thì ở rất xa. Chiếc Poseidon vừa qua đặt căn cứ ở Clark Airbase tại Philippines, nơi mà Hoa Kỳ ở trước đây nhưng sau đó bị Philippines đuổi đi, và phi trường đó không được hiện đại hóa.
Ví dụ thứ hai là việc dùng tàu cũng thế. Mỹ ở rất xa, mà không có căn cứ gần (Biển Đông) để hoạt động : Tàu tuần duyên Mỹ (Littoral Combat Ship) hiện đóng ở Singapore !
Thành ra khả năng để Mỹ project - tức là phóng chiếu - lực lượng ra vùng Biển Đông một cách thường xuyên cũng ít. Lý do là bởi vì các quốc gia Đông Nam Á không có quyết tâm để đóng góp với Hoa Kỳ, không thể trách Hoa Kỳ được.
RFI : Sự kiện Philippines, Úc, Nhật hợp lực với Mỹ có tác dụng lôi kéo hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Trường hợp Úc, Nhật Bản và Philippines đều căn cứ vào những liên minh quân sự sẵn có với Mỹ, giờ họ chỉ tăng cường thêm thôi.
Dĩ nhiên là gần đây có những chỉ dấu, nhất là trường hợp nước Úc, bằng lòng cho Hoa Kỳ có căn cứ, với 2.500 lính thủy quân lục chiến, rồi Philippines đồng ý cho Mỹ sử dụng một số căn cứ ở Philippines, thì đó là dấu hiệu cho thấy là họ có tăng cường đóng góp.
Có thể hiểu như sau : Hoa Kỳ nói là « tôi sẽ giúp anh nếu anh đóng góp thêm », thì có những quốc gia như là Nhật, Philippines chịu đóng góp rất nhiều, còn những quốc gia Đông Nam Á thì chúng ta chưa thấy gì cả.
Các nước Đông Nam Á một mặt thì sợ Trung Quốc, mặt khác thì có quyền lợi rất chặt về kinh tế với Trung Quốc, thậm chí lại còn nghi ngờ là Hoa Kỳ không (thực tâm) giúp. Các nước này không cố gắng lên thì Hoa Kỳ không thể giúp được.
RFI : Phản ứng dư luận Mỹ trước các diễn biến ở Biển Đông ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Số người tuyên bố nên hòa hoãn với Trung Quốc rất ít, số người nói là không thể chấp nhận điều này thì nhiều. Ngay tờ Washington Post cũng nói là không thể chấp nhận điều này được.
Nhưng chưa ai nói được là nếu không chấp nhận thì làm gì, chưa có ý kiến rõ rệt gì cả.
Một đằng thì không muốn gây chiến tranh một cách không cần thiết, một đằng khác thì bảo không chấp nhận được, nhưng không chấp nhận được thì làm cái gì, thì chưa ai đặt vấn đề đó ra cả.
Chỉ có vấn đề như sau : Ông Carter đã nói là Mỹ đang nghiên cứu việc phái tàu đến đó, đi vào thẳng khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Mỹ không công nhận, và phái máy bay tuần thám tiếp tục.
Nhưng như chúng tôi đã nói, điều đó đòi hỏi tiền, và các phương tiện để thực hiện, do đó đòi hỏi một sự cộng tác rất chặt chẽ của các nước ASEAN.
RFI : Có khả năng Việt Nam cho Mỹ sử dụng căn cứ ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Người Mỹ hay nói « never say never » (đừng bao giờ nói « không bao giờ »). Hiện nay, Việt Nam tuyên bố không cho ngoại quốc có base (căn cứ quân sự) ở Việt Nam.
Trên nguyên tắc là như vậy, nhưng khi người ta bị dồn vào đường cùng, người ta sẽ thay đổi chính sách. Thành ra, không thể tiên đoán được… Các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tính toán khả năng, tính toán lợi hại, và tính toán cả xem bối cảnh thế giới và khu vực có thuận lợi cho việc làm của mình không.
Ở Philippines, họ không nói đến base mà nói đến facilities (cơ sở), khi cần mới sử dụng. Để dùng facilities, người ta ký hiệp ước gọi là SOFA, tức là Status of forces agreement, và khi nào muốn sử dụng thì sử dụng, chứ không phải lúc nào cũng để quân ở đó…
Có những quốc gia, khi cần thì ký hiệp ước (SOFA), nhưng có trường hợp ký trước hiệp ước, khi cần thiết thì dùng (không cần ký nữa).
Nếu giải thích một cách chặt chẽ, thì về phương diện quân sự, facilities cũng là base, nhưng người ta cũng có thể giải thích một cách lỏng lẻo rằng đó không phải là base.
RFI : Diễn biến Biển Đông sắp tới đây ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Hiện nay, Trung Quốc đang ở trong thế chủ động, các quốc gia khác tìm cách đáp ứng lại, nhưng hiện nay chưa thấy sự nhất trí trong việc đáp ứng của các quốc gia, nhất là giữa Mỹ và các nước bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là các quốc gia Đông Nam Á.
Điểm thứ hai là nếu Mỹ nhất quyết làm việc đó (can dự vào Biển Đông) mà Trung Quốc nhất định không nhượng bộ, sự cọ xát, va chạm, xung đột không thể tránh được, và có thể có chiến tranh nữa.
Cựu Phó Giám đốc Trung ương Tình báo CIA (Michael Morell) đã tuyên bố là nếu tình hình này tiếp tục, căng thẳng có thể dẫn đến chiến tranh là điều khó có thể tránh được.

 




Biển Đông : Mỹ kiên quyết ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc


11/05/2015.An aerial file photo taken though a glass window of a Philippine
Sau vụ hải quân Trung Quốc nhiều lần cảnh báo máy bay do thám của Mỹ trên không phận Biển Đông ngày 20/05/2015, Washington tuyên bố vẫn tiếp tục các chuyến bay tuần tra này, tỏ quyết tâm ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua việc xây dựng các đảo nhân tạo ở vùng này.
Khi tường thuật về vụ nói trên, đài truyền hình Mỹ cũng đã chiếu một số hình ảnh Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp, xây dựng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này gây lo ngại không chỉ các nước láng giềng mà cả Hoa Kỳ. Đặc biệt Lầu Năm Góc rất lo ngại khi thấy các cơ sở quân sự được xây trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể được dùng làm nơi phóng các vũ khi địa, hải, không, mà như vậy sẽ làm tăng chi phí mọi hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng này để đối phó. Theo hãng tin Reuters, Hoa Kỳ có thể sẽ không có đủ nguồn lực để chống lại các hoạt động nói trên của Trung Quốc. 
Bên cạnh mốì quan ngại về quân sự, Hoa Kỳ còn lo ngại về quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhất là Bắc Kinh có vẻ như cũng muốn thiết lập tại đây một vùng nhận dạng phòng không tương tự như ở vùng biển Hoa Đông. 
Để đối phó với hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, kể từ tháng Giêng năm nay, Hoa Kỳ đã gia tăng các chuyến bay giám sát và các chuyến tuần tra trên biển ở khu vực Biển Đông. Đặc biệt gần đây Mỹ đã cho tiến hành các chuyến bay tuần tra của máy bay giám sát hiện đại nhất P-8A Poseidon bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng. Bất chấp những cảnh báo của hải quân Trung Quốc ngày 20/05 và bất chấp phản đối của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/05, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến bay tuần tra bên trên những đảo nhân tạo này, vì đối với Mỹ, đó là không phận quốc tế. 
Rất có thể là máy bay giám sát P-8A Poseidon sẽ tiếp tục được sư dụng để bay tuần tra trên khu vực này, vì đây là một loại phi cơ đa năng, không chỉ có chức năng ghi các hình ảnh, thu thập các dữ liệu, mà còn có chức năng săn tàu ngầm và bắn tên lửa diệt hạm. Hải quân Mỹ đã tiếp nhận 21 chiếc P-8 vào tháng 01/2015 và có thể đặt mua tổng cộng đến 117 chiếc. 
Ngoài ra Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang xem xét phương án gởi các chiến hạm đến vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng, cụ thể là trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo này, vì đối Washington, đó cũng là vùng biển quốc tế, mà tất cả các nước đều có quyền tự do lưu thông. 
Như vậy là sau khi các lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống Obama đến Ngoại trưởng Kerry đã ra những tuyên bố quan ngại về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, Washington nay quyết tâm dùng các phương tiện quân sự để đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông. Nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc ở khu vực này ngày càng tăng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150523-bien-dong-my-kien-quyet-ngan-chan-tham-vong-chu-quyen-cua-trung-quoc/
Thứ hai, 01/06/2015

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đọc diễn văn tại Đối thoại Shangri-La

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đọc diễn văn tại hội nghị về hội nghị Đối thoại Shangri-La 30/5/15 01.06.2015
Trung Quốc kịch liệt bác bỏ chỉ trích của Hoa Kỳ về hành động lắp biển chiếm đất ở Biển Đông.
Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc nói trước cử toạ hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore, hôm Chủ nhật, rằng việc xây dựng của Trung Quốc “chính đáng, hợp pháp và hợp lý,’ và các dự án nhằm mục tiêu cung cấp các “dịch vụ công ích quốc tế.”
Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc
Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc
Phó Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khẳng định “Không có thay đổi trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như không có sự thay đổi lập trường của Trung Quốc về giải pháp hòa bình đối với các vụ tranh chấp liên hệ qua thương thảo và tham vấn.”
Viên đô đốc đã bị đặt câu hỏi dồn dập bởi cử tọa đầy hoài nghi, trong đó có giới chức quân sự, các nhà ngoại giao, các học giả và các ký giả. Nhưng viên chức quân đội cao cấp này của Trung Quốc khư khư sử dụng văn bản đã soạn sẵn mà không đưa ra giải thích nào làm sáng tỏ vấn đề.
Bà Bonnie Glaser cố vấn cao cấp về châu Á của trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, nói với phóng viên của VOA: “Chỉ đơn giản đọc các câu soạn sẵn trả lời các câu hỏi, cho thấy theo tôi nghĩ là ngang nhiên gạt bỏ các mối quan ngại của những thành viên cộng đồng quốc tế tại đây bày tỏ. Và tôi nghĩ quả sẽ có sự thất vọng lớn lao.”
Bà nói thêm rằng việc thiếu các câu trả lời từ ông Tôn làm tăng thêm mức độ lo ngại và dẫn đến kết luận rằng Trung Quốc có ý định quân sự hoá các đảo đang tranh chấp mà họ đang xây dựng
Viên đô đốc Trung Quốc đưa ra các tuyên bố một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter chỉ trích  thẳng thừng Trung Quốc hành động “ra ngoài” các chuẩn mực quốc tế giữa lúc hoạt động cải tạo đảo ở tốc độ chưa từng có, và ông nói rằng “chưa rõ Trung Quốc sẽ đi xa đến mức nào.”
Trong bài diễn văn đọc tại phiên họp Đối thoại Shangri-La hôm Thứ bảy Bộ trưởng Carter nói các hành động này đang gia tăng “nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột.
Ông nêu lên sự kiện Trung Quốc đã cải tạo trên 800 hecta, nhiều hơn tất cả các nước tuyên bố chủ quyền gộp lại và đã làm công việc này chỉ trong 18 tháng qua. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói:
“Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền nên ngưng ngay tức khắc và lâu dài hoạt động cải tạo đất. Chúng tôi phản đối bất cứ hành động quân sự hóa thêm nữa các địa hình trong vòng tranh chấp. Tất cả chúng ta đều biết không có giải pháp quân sự cho cuộc tranh chấp Biển Đông.”

Các rạn san hô và các bãi cạn đang tranh chấp
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận bất cứ mưu toan nào của Trung Quốc tuyên bố lãnh hải vòng quanh các đảo, các rạn san hô và các bãi cạn đang tranh chấp. Ông nói:
“Điều không nên nhầm lẫn là: Hoa Kỳ sẽ bay qua, qua lại bằng tàu và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như lực lượng Hoa Kỳ vẫn làm trên khắp thế giới.”

Ông nói thêm:
“Xét cho cùng thì việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay, đơn thuần là không mang lại các quyền hạn thuộc chủ quyền hay hạn chế việc cho phép qua lại vùng biển và không phận quốc tế.”

Hồi đầu tháng này, quân đội Trung Quốc đã ra lệnh cho một máy bay trinh sát của Hải quân Hoa Kỳ rời khỏi khu vực đảo Trường Sa, nhưng viên phi công không quan tâm đến đòi hỏi này.

Kế hoạch hàng hải

Trong bài diễn văn, Bộ trưởng Carter cũng loan báo một chương trình hàng hải mới cho vùng, cung cấp ngân khoản 425 triệu đôla nhằm giúp các quốc gia Đông Nam Á nâng cao khả năng hải quân và bảo vệ bờ biển.

Tại cuộc họp báo ngay tại chỗ tiếp theo sau bài diễn văn của Bộ trưởng Carter, một phái đoàn gồm đại biểu của cả 2 đảng quốc hội Hoa Kỳ đang công du trong vùng hỗ trợ lời của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Cộng hoà tiểu bang Arizona John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, nhận định:
“Chúng tôi tin rằng những điều Bộ trưởng Carter nói hôm nay rất quan trọng. Giờ đây chúng tôi muốn thấy những lời nói đó được diễn dịch thành hành động.”
Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ Mazie Hirono của bang Hawaii, nơi Bộ Tư lệnh Thái Bình dương đặt bản doanh, tuyên bố:
“Đất nước chúng ta không lui bước.”

Đối thoại Shangri-La diễn ra chỉ mấy ngày sau khi Trung Quốc công bố một bạch thư quốc phòng đầy tự tin.

Các nhà phân tích diễn giải văn kiện Trung Quốc công bố hôm Thứ ba, như một cảnh báo mạnh mẽ cho các nước láng giềng châu Á của Bắc Kinh và cho Washington về “sự can thiệp năng động” của quân đội Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc ráo riết xây dựng các đảo.

Giới chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận, hôm Thứ sáu, rằng các hình ảnh giám sát gần đây của Hoa Kỳ đã phát hiện võ khí của quân đội Trung Quốc trên một trong các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trong quần đảo Trường Sa.
Các khẩu trọng pháo
Mặc dù điều này không đề ra mối đe doạ quân sự nào cho tàu bè hay máy bay của Hoa Kỳ trong vùng, các khẩu trọng pháo cơ giới được báo cáo nằm trong tầm đạn một hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, trên đó Việt Nam đã bố trí các loại võ khí khác nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, nước đang tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ với Trung Quốc trong vùng biển Hoa Đông, kêu gọi Bắc Kinh “hành xử như một cường quốc có trách nhiệm: và đừng ngăn trở Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nói, Trung Quốc nên có “lời nói đi đôi với việc làm.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong bài diễn văn đọc vào tối Thứ sáu trước cử toạ trên 20 Bộ trưởng Quốc phòng, kêu gọi Trung Quốc và các nước thành viên khối ASEAN “phá vỡ vòng luẩn quẩn” bằng cách tôn trọng luật quốc tế và ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử.

Các đại biểu cũng đã nghe lời phát biểu của Đô Đốc Harry Harris, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái bình dương Hoa Kỳ, có trách nhiệm trong một khu vực gồm nửa bề mặt Trái Đất.
Vạn lý Trường thành bằng cát

Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc bất bình qua việc đề cập các dự án cải tạo đất rộng lớn của Trung Quốc như “Vạn lý Trường thành bằng Cát” – ông muốn nói đến bức tường thành bảo vệ vùng biên cương của đế chế Trung quốc thời Tần Thủy Hoàng. Ông nói:
“Tôi không nghĩ rằng tôi đã phản ứng thái quá,” Đô đốc Harris đáp lại câu hỏi của phái đoàn Trung Quốc về việc ông sử dụng thuật ngữ này.

Mặc dù có những lời qua tiếng lại đôi khi thẳng thừng trong bối cảnh căng thẳng trên biển gia tăng, các đại biểu kỳ cựu tại hội nghị thường niên Đối thoại Shangri-La cho rằng âm điệu ít thù nghịch hơn những năm trước.

Sự kiện diễn ra bên ngoài hội nghị

Có một vài phiền hà xảy ra bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị.

Sáng sớm Chủ nhật, cảnh sát đã bắn chết một người và bắt giữ 2 người, khi một chiếc xe hơi sedan màu đỏ, mà những người này đi trên đó, đâm qua rào chắn an ninh gần Khách sạn Shangri-La.

Chiếc xe hơi trước đó đã bị chận lại tại một trạm kiểm soát được dựng lên giữ an ninh cho hội nghị, nhưng khi được yêu cầu mở cốp xe, người lái xe đã tăng tốc độ tìm cách chạy trốn, theo lời cảnh sát Singapore.

Cảnh sát nổ súng vào chiếc xe hơi, và chiếc xe dừng lại ở một con đường gần khách sạn sang trọng này.

Một thông báo của cảnh sát cho biết họ tìm thấy ma tuý trên người một trong 2 người bị bắt.
Các giới chức trong phái đoàn của ông Carter cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ có mặt trong khách sạn vào lúc sự kiện này diễn ra, nhưng phái đoàn không hay biết sự việc diễn ra cho đến nhiều giờ sau đó họ mới biết được qua tin tức.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã rời Singapore sau đó vào buổi sáng để đi thăm Việt Nam.
Ra vào khách sạn đã bị hạn chế trong nhiều giờ đồng hồ, gây trì hoãn việc đi đến của nhiều đại biểu và ký giả tại địa điểm hội nghị, tuy nhiên phiên họp toàn thể hội nghị vào sáng Chủ nhật đã bắt đầu đúng giờ, với sự tham dự của Đô đốc Tôn cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Đức và New Zealand.



Thứ hai, 01/06/2015

Đô đốc TQ: Các dự án ở Biển Đông là hợp lý, hợp pháp và chính đáng

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ngày 31/5/2015. Ông Tôn nói rằng các công trình xây dựng là 'hợp lý, hợp lệ và chính đáng', và mục đích của những dự án đó là để cung cấp 'các nghĩa vụ quốc tế'.
Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ngày 31/5/2015. Ông Tôn nói rằng các công trình xây dựng là 'hợp lý, hợp lệ và chính đáng', và mục đích của những dự án đó là để cung cấp 'các nghĩa vụ quốc tế'.

Trung Quốc cực lực bác bỏ chỉ trích của Mỹ về những hoạt động xây đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore hôm Chủ nhật rằng các công trình xây dựng là "hợp lý, hợp lệ và chính đáng," và mục đích của những dự án đó là để cung cấp "các nghĩa vụ quốc tế."
Đô đốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, khẳng định "không có thay đổi trong các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông," và nói thêm rằng "cũng không có thay đổi trong lập trường của Trung Quốc về cách giải quyết hòa bình đối với những tranh chấp có liên quan thông qua đàm phán và tham khảo."
Đô đốc Tôn đã bị hỏi dồn dập từ các cử tọa hoài nghi, trong đó có các giới chức quân sự, các nhà ngoại giao, các học giả và các ký giả. Nhưng giới chức quân sự cấp cao của Trung Quốc này chỉ tập trung vào văn bản đã soạn sẵn mà không đưa ra thêm giải thích nào.
Phát biểu của Đô đốc Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc là "bước ra ngoài" các chuẩn mực quốc tế với việc tăng nhanh chưa từng thấy các hoạt động xây đảo nhân tạo. Ông Carter nói rằng "không rõ Trung Quốc sẽ tiến xa thêm bao nhiêu nữa."



Trung Quốc tố cáo Mỹ thổi phồng hồ sơ Biển Đông tại Shangri La

media 
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc tại Hội nghị Shangri La - Reuters
Đúng với dự doán, khẩu chiến Mỹ-Trung đã bùng lên tại diễn đàn thường niên về an ninh Châu Á mang tên Đối Thoại Shangri La, tổ chức tại Singapore. Đại diện Trung Quốc vào hôm nay 31/05/2015, đã lên tiếng tố cáo Hoa Kỳ thổi phồng vấn đề Biển Đông sau khi Trung Quốc bị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu đích danh để đả kích về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo nguy hiểm tại vùng Trường Sa.
Trong phát biểu trước diễn đàn, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã nhắc lại luận điểm cố hữu của Bắc Kinh là hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên các đảo đá mà họ chiếm đóng tại vùng Trường Sa đều « chính đáng » và mang tính chất « hòa bình ».
Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri La đã kêu gọi « nước khác » là hãy chấm dứt việc « gây bất hòa » trong khu vực. Nhân vật này khẳng định : « Không có lý do gì để thổi phồng vấn đề này tại Biển Đông ».
Tuyên bố của Đô đốc Trung Quốc là một lời tố cáo nhắm vào Hoa Kỳ. Vào hôm qua, trong phát biểu trước toàn thể diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng quan ngại về các hành vi xây đảo của Trung Quốc tại Biển Đông làm gia tăng nguy cơ « tính toán sai lạc hay tạo ra xung đột giữa các nước có tranh chấp ».
Điểm đáng ghi nhận là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tố cáo đích danh Trung Quốc về các hoạt động bồi đắp và mở rộng đảo đá tại Trường Sa, đã « hơn hẳn tất cả các các nước có tranh chấp khác gộp lại, và hơn hẳn toàn bộ các hoạt động bồi đắp trong lịch sử khu vực ».
Đối với ông Ashton Carter, vấn đề là Trung Quốc đã thực hiện điều đó trong vỏn vẹn 18 tháng qua, và « hiện vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu... Và đó là nguyên nhân khiến vùng biển này đang trở thành nguồn gây căng thẳng ở khu vực ».
Trong phát biểu của mình vào hôm nay, vị Đô đốc Trung Quốc còn nhắc lại lập luận cố hữu về chủ quyền « không thể chối cãi » của Bắc Kinh tại Biển Đông, đồng thời hàm ý đe dọa về khả năng Trung Quốc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Theo nhân vật này, quyết định của Trung Quốc phụ thuộc đánh giá liên quan đến tình hình an ninh vào mức độ đe dọa đối với an ninh trên không và trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các công trình xây dựng và bồi đắp mà Trung Quốc đang rốt ráo tiến hành tại Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại là Bắc Kinh có thể thiết lập một vùng phòng không trong khu vực. Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại rằng các hành động của Trung Quốc đe dọa quyền tự do hàng hải và hàng không.
 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150531-trung-quoc-to-cao-my-thoi-phong-ho-so-bien-dong-tai-shangri-la/





Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét