PHẠM DUY TỐN

 
Phạm Duy Tốn (1883 –  1924) 

Phạm Duy Tốn sinh tại nhà số 54 đường Felloneau (nay là phố Hàng Dầu), [[Hà Nội]. Nguyên quán của ông ở làng Phượng Vũ, xã [Phượng Dực], huyện [Thường Tín], tỉnh [Hà Đông] (nay là huyện [Phú Xuyên], thành phố Hà Nội). Cha Phạm Duy Tốn là ông Phạm Duy Đạt và mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ.

Trong bài Nói chuyện với Phạm Duy về Phạm Duy Tốn (báo Văn số 169), nhà văn, nhà báo Vũ Bằng dẫn lời Phạm Duy cho biết ông Phạm Duy Đạt là một ông chánh tổng, còn bà Nguyễn Thị Huệ là "một người ả đầu cũ kỹ nổi tiếng hát hay một thời". Sau khi lấy nhau, bà Huệ bỏ nghề hát về bán dầu. Cũng theo lời Phạm Duy, nhờ nghề buôn bán của gia đình ông nội nên "chắc bố tôi cũng được lớn lên trong một hoàn cảnh dễ chịu, không bị thôi thúc vì đồng tiền" (Phạm Duy, Viết về bố, báo Văn số 169). Thuở nhỏ Phạm Duy Tốn học chữ Nho. Sau ông cùng với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim học trường Thông ngôn Hà Nội (Quai de Commerce) ở Yên Phụ và tốt nghiệp năm 1901.

Sau khi tốt nghiệp, Phạm Duy Tốn được bổ làm thông ngôn ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi sang Thị Cầu (tòa sứ Bắc Ninh). Lúc ấy ông nổi tiếng là một thông ngôn có bản sắc riêng. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bỏ công việc đúng theo sở học của mình mà không rõ lý do.
Mặc dù có tài liệu nói ông bỏ việc vì chống đối người Pháp, nhưng theo lời Phạm Duy, có thể lý do là ở máu phiêu lưu và sự hiếu động của ông. Phạm Duy viết trong bài Viết về bố:
"Theo lời mẹ tôi nói trong lúc răn dạy tôi khi còn bé thì bố tôi là một người rất đam mê, nhưng chóng chán. Làm đủ mọi việc nhưng không bao giờ làm hết một việc. Tính tình đó đã cắt nghĩa được sự hành nghề lung tung của bố tôi trong một quãng đời ngắn ngủi".

Làm đủ nghề để kiếm sống

Sau khi bỏ việc thông ngôn, Phạm Duy Tốn đi dạy học ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội. Là một trong số những người Việt Nam đầu tiên húi tóc ngắn và mặc trang phục châu Âu, Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907.
Tiểu luận Phạm Duy Tốn, Journalist, Short Story Writer, Collector of Humorous Stories (Phạm Duy Tốn, nhà báo, tác giả truyện ngắn, nhà sưu tập truyện cười) của giáo sư John C. Schafer, đại học Huboldt State cho biết thêm Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai người đã đệ đơn lên chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên, trường này bị nhà chức trách đóng cửa vào năm 1908 vì là nơi tập hợp các trí thức yêu nước, có khuynh hướng độc lập dân tộc và chống lại thực dân Pháp.

Sau khi thôi dạy học, ông làm đủ các nghề khác nhau. Đầu tiên là mở một tiệm cao lâu ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Theo Phạm Duy, nghề mở tiệm ăn lúc đó nằm trong tay Hoa kiều, tiệm cao lâu của ông Phạm Duy Tốn là tiệm đầu tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, tiệm không cạnh tranh được và phải đóng cửa. Ông lại vay tiền để mở một tiệm vàng tên là Nam Bảo. Chính vì việc vay mượn này mà sau khi Phạm Duy Tốn mất, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hòa, đã phải làm lụng suốt đời để trả món nợ cũ của chồng. Tiệm vàng thất bại, Phạm Duy Tốn lại cùng một số bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên, nhưng theo lời Phạm Duy, "việc tìm mỏ chắc không đem lại cho bố tôi những thích thú về tiền bạc hay tinh thần".\

Sau khi thất bại liên tục trên đường tìm sinh kế, Phạm Duy Tốn được một người bạn Pháp giúp đỡ bằng cách giới thiệu vào làm việc cho chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương (Banque d'Indochine) ở Mông Tự, Trung Quốc. Ông ở Trung Quốc không lâu, lại bỏ việc trở về và quyết định theo đuổi nghề mà xưa nay ông vẫn cho là nghề phụ: viết văn, làm báo.

Viết văn, làm báo

Giáo sư Schafer trong tiểu luận đã dẫn bình luận với nghề báo và viết lách, Phạm Duy Tốn "đã tìm thấy tiếng gọi của ông" và ông theo đuổi các hoạt động này đến khi qua đời. Schafer dẫn một bài trong báo Văn năm 1971 có tựa là Tưởng niệm Phạm Duy Tốn cho biết Phạm Duy Tốn đã viết cho tất cả 11 tờ báo khác nhau.
Hầu hết các tờ báo đó, như Đông Dương tạp chí hay Nam phong có trụ sở tại Hà Nội, nhưng ông cũng có vào Nam Kì để viết giúp các tờ báo của miền nam như Lục tỉnh tân văn hay Nông cổ mín đàm. Giáo sư Schafer viết khó xác định chính xác Phạm Duy Tốn đóng vai trò cụ thể gì trong nhiều tờ báo khác nhau, nhưng những tài liệu từ báo Văn cho thấy Phạm Duy Tốn đã làm biên tập và trợ lý biên tập cho một số tờ báo, ông cũng viết xã luận và truyện ngắn. Ông còn làm thư ký tòa soạn cho tờ Học báo trước khi nghỉ hưu vì sức khỏe.

Làm chính trị

Phạm Duy Tốn còn là một chính trị gia. Năm 1919, ông được bầu vào Hội đồng dân biểu thành phố Hà Nội. Từ năm 1920 đến 1923, ông là nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, đại biểu của khu vực ba, Hà Nội. Năm 1922, ông cùng một số trí thức và quan chức của chính quyền thuộc địa như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Huy Quang tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế (tức Đấu xảo) ở Marseilles, Pháp.

Thời gian này sức khỏe ông đã kém đi nhiều và theo Phạm Duy, chuyến đi khiến ông càng yếu hơn. Phạm Duy Tốn bắt đầu hút thuốc phiện khi biết ông mắc bệnh lao và sẽ không còn sống được bao lâu. Lúc những bạn bè ở tờ Thực nghiệp dân báo đến thăm ông bên giường bệnh, Phạm Duy Tốn nói: "Người ta chỉ chết một lần. Tôi đã biết mình sẽ chết vài năm trước. Bệnh này không chữa được. Với tôi chết thì chẳng đáng hy vọng gì, nhưng cũng chẳng đáng sợ gì".
Ông qua đời ngày 25 tháng 2 năm 1924 tại nhà riêng ở số 54, đường Felloneau, Saigon (Wikipedia) 

Nước đời lắm nỗi...

Khi tôi ở Sài Gòn, nhân một đêm nhớ nhà, chẳng biết làm gì cho vui, thẩn thẩn thơ thơ, dạo chơi trong phố. Tiết thu lạnh lẽo, lác đác mấy hạt mưa sa, hiu hắt hơi may, đầy đường lá cây rải rác. Đường sá đêm khuya vắng ngắt, trước sau không thấy bóng người. Than ôi! Cảnh vật tiêu điều, càng khiến cho tôi trăm phần ngao ngán... 
 
 
 Đi vơ đi vẩn, chẳng biết đi ngả nào, qua hết phố này lại sang phố khác. Hồi lâu đến trước một nhà, ngó trong đèn lửa sáng trưng, những người chật ních, mới sực nhớ ra là nơi tiệm hút. Tôi dừng chân đứng lại thử bước vào xem; rồi đến ngồi bên một người đang nằm tiêm thuốc. Người ấy trông chừng cũng đã nhiều tuổi, thấy tôi đến gần, vẫn nằm vắt chân chéo khoeo, kéo một hơi thẳng, không thở tị tí khói nào. Tôi biết ngay va1 là tay lão luyện.
 
 Tôi liếc mắt trông người rất là bẩn thỉu. Móng tay đen sì, nước da xanh ngắt, đầu tóc bù xù, áo quần xốc xếch. Rõ thật tồi tàn! Va hút xong, ngẩng mặt nhìn tôi, thủng thỉnh hỏi: - Anh vào đây bao giờ? Tôi ngạc nhiên trông. Va lại nói: - Anh quên tôi rồi ư? Tôi ngần ngừ đáp rằng: 1. Như y. - Vâng... Tôi quên, không nhớ là ai đấy. - Đạo đây mà! Tôi giật nảy mình. 
 
 
Té ra là anh Lương Duy Đạo, bạn học cũ với tôi! Tôi vội vàng nắm chặt lấy tay anh ta: - Giời ơi! Anh đấy ư? Chết nỗi, thế mà tôi không nhận ra, xin anh miễn chấp. Vậy chứ anh vào đây từ bao giờ? - Đã lâu, ngót hai mươi năm nay rồi. - Anh làm gì ở trong này? - Chẳng làm gì cả. Chỉ phiện rền thôi. Tôi chán ngắt. Anh ta cầm tẩu, tiêm thuốc. Vừa tiêm vừa nói: - Anh vào đây, làm chi? - Tôi đi buôn. - Buôn bán làm quái gì! Không thú. - Thế thì anh bảo làm gì? - Chẳng làm gì cả. - Ô hay! người ta ở đời cũng phải làm công việc gì mới được chứ. Có lẽ đâu lại ăn không ngồi rồi ư? - Anh tính người đời sống được mấy gang tay! Tội gì vất vả cho khổ cái thân! 
 
 
Tôi đây chẳng thiết làm gì cả. Anh ta giơ tẩu mời tôi hút. Tôi lấy tay gạt đi. Anh ta kéo một hơi rồi lại đủng đỉnh nói: - Thật tôi chẳng thiết làm gì hết. Chỉ cứ thế này mãi, đến bao giờ già thì chết. Chẳng tiếc gì sốt, chỉ tiếc cái bàn đèn thôi. Vợ con không có, chẳng lo phiền gì. ấy thế mà hơn, anh ạ. Tôi ngắm anh ta, trong lòng ngao ngán quá. Bèn hỏi: - Trước kia, anh có thế đâu? Anh ta nín lặng, không trả lời. Tôi lại nói: - Có lẽ nào anh lại không làm gì cả, không ưa thích cái gì hay sao? Anh ta lắc đầu đáp rằng: - Tôi ngủ đến trưa thì dậy. Ăn xong, lại đây hút, đến tối về ăn, rồi lại đây hút, cho đến sáng thì về ngủ. 
 
 
Hơn hai mươi năm nay, ngày nào cũng thế, đêm nào cũng vậy, mà cũng chẳng thích cái gì cả. Lại tiêm thuốc, mời tôi. Tôi từ chối. Anh ta lại hút. Hút xong, ngồi dậy. Tôi nói: - Nhưng trước khi chưa vào đây, anh còn đang ở Hà Nội kia mà? - Phải, rồi sau tôi lại vào trong này. - Tại làm sao thế? - Chẳng tại làm sao cả. - Không có lẽ... Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi? - Ba mươi tám. Nhưng trông người đến ngót năm mươi, có phải không? Tôi nhìn kỹ bạn học cũ tôi. Quả nhiên tóc bạc, trán nhăn, mắt sâu, má hóp, mặt mũi hốc hác như thể ông cụ già. Tôi nói: - ừ, trông anh già thật. 
 
 
Chắc anh có điều gì buồn bực, hẳn! Hay là nỗi riêng còn vướng mối tình chi đây? Anh ta lắc đầu, cúi gầm mặt xuống, ngồi im, không đáp lại. Tôi hỏi luôn: - Anh Đạo ơi, anh có sự gì khổ tâm, xin cứ nói cho tôi nghe, họa may tôi có khuyên giải được chút nào chăng? Vả lại nói ra nó cũng nhẹ bớt gánh sầu, anh ạ. Anh ta nghe tôi nói thiết tha làm vậy, bấy giờ nét mặt ủ ê; ngồi lặng một lát, rồi ngẩng mặt nhìn tôi, thở dài mà nói: - Anh ơi, hở môi ra cũng thẹn thùng; nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe! Bấy lâu nay tôi vẫn vùi dập mớ lửa sầu ở trong lò khảm, bây giờ anh lại bới móc nó ra, thật là khổ quá!... 
 
 
Nhưng, anh nói cũng phải. Nếu gặp được người tri kỷ, thở than nông nỗi, cởi mở ruột gan, thì có lẽ cũng hả được cơn phiền não. Anh ân cần muốn biết tôi vì đâu nên nỗi nước này. Vậy, tuy rằng cực trăm phần, tủi nghìn nỗi, song tôi cũng xin kể, để anh nghe. Tôi gật đầu: - Xin anh cứ nói. Họa may cái điều đau đớn của anh có bổ ích cho đời chăng! Anh Đạo uống một hớp nước, rồi thì nói: - Năm ấy là năm 189... Tôi hãy còn nhớ rõ như ngày hôm qua. Bấy giờ cha tôi làm thông phán ở toà Sứ tỉnh... Quyền thế lẫy lừng, ai cũng sợ nể. Cha mẹ tôi chỉ sinh được có một mình tôi thôi. Tính cha tôi thì nóng nảy, dữ tợn và nghiêm khắc lắm. 
 
 
Mẹ tôi người hiền lành, thuỳ mị, nhưng mà gan góc, lỳ lỳ cả ngày chẳng nói một câu. - Tôi yêu mẹ tôi lắm. Còn cha tôi, thì tôi sợ hãi một niềm, không mấy khi dám dàn tận mặt. Năm ấy tôi lên mười bốn tuổi. Đang độ vẻ vang sung sướng, hớn hở tươi cười như thể cánh hoa non. Tưởng cuộc đời là nhất, không còn gì vui thú cho bằng... Cuối tháng Năm gặp kỳ nghỉ hè, tôi về chơi với cha mẹ tôi. Bỗng một đêm, xảy ra sự ghê gớm, làm cho tôi suốt đời không lúc nào quên được. Đêm hôm ấy, trời mưa rầu rĩ, gió thổi hắt hiu, cảnh vật tự hồ như xui nhau mà làm cho cái bi kịch càng thêm thê thảm. 
 
Tôi vừa mới thiu thiu chợp ngủ, thốt nhiên nghe thấy ở phòng bên cạnh là nơi cha mẹ tôi nằm, có tiếng ầm ầm như thể hai người cãi nhau. Tôi bèn vùng quăng trở dậy sẽ bước xuống đất, rón rén lại gần nghe, thì quả nhiên thấy tiếng cha tôi quát tháo rằng: - Tao đã nói tao cần đến tiền, thì mày phải đưa mấy cái văn tự ấy cho tao. 
 
Nhược bằng mày cứ khăng khăng một mực không đưa, thì đừng có trách tao là người bội bạc nhé. Mẹ tôi khẳng khái đáp lại rằng: - Văn tự ấy, có phải của thầy đâu, mà thầy đòi tôi chứ? Chẳng qua là của riêng cha mẹ tôi để lại cho tôi, thì bây giờ tôi lại giữ lấy cho thằng con tôi, để về sau nó khỏi liếm lá đầu chợ. Chứ chắc gì vào thầy nữa bây giờ?
 
 Cơ nghiệp thầy đã phá tan nát cả rồi. Nay tôi còn chút vốn riêng, để về sau mẹ con tôi nuôi nhau, thầy lại toan lột hết đem cho đĩ nốt hay sao? Khi nào tôi có chịu! Thầy muốn làm gì thì làm. Tùy ý. Tôi nghe thấy nói làm vậy, tưởng chừng sét đánh lưng trời. Trong người tôi còn đương bàng hoàng như mê chưa tỉnh, phút nghe tiếng "huỳnh huỵch" ở phòng bên. Tôi vội vàng mở hé cửa dòm sang, thì thấy cha tôi một tay bóp cổ mẹ tôi ấn xuống giường, còn một tay thì đấm tát, tối tăm cả mặt mũi lại. 
 
Đầu tóc mẹ tôi rũ rượi, hai tay mẹ tôi giơ để đỡ đòn, nhưng mà không lại. Còn cha tôi thì như người điên cuồng, cứ hăm hở bạ đâu đánh đấy. Mẹ tôi ngã lăn từ trên giường xuống đất, mà không kêu không khóc, chỉ thấy hai tay bưng lấy mặt nằm im. Cha tôi lật sấp mẹ tôi xuống, rồi thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, đấm đá mẹ tôi vô hồi kỳ trận, mãi mãi mà vẫn không thôi. Anh ơi, anh ơi, tôi trông thấy thế, hốt hoảng kinh thần, tưởng chừng trời long đất lở. Tôi sợ hãi quá, bèn kêu lên một tiếng to.
 
 Cha tôi ngoảnh lại, trông thấy tôi, liền buông mẹ tôi ra. Còn tôi khiếp đảm tinh thần, ù té chạy trốn xuống bếp, ngồi cho đến sáng. Hôm sau mẹ tôi băng huyết, thụ bệnh, trùm chăn nằm ở trên giường. Khi tôi vào thăm, chỉ ôm đầu tôi mà nức nở khóc, chẳng nói được câu gì. Còn cha tôi, thì lại cứ như thường, không nói năng gì đến chuyện đó cả. Cách mấy ngày thì mẹ tôi chết, nghe đâu như có mang được hai ba tháng... Rồi sau hết hè tôi lại về trường học...
 
 Thôi, anh ạ, từ đó tôi chán hết cả mọi sự ở đời. Biết rằng toàn đảo điên điên đảo cả. Tôi đã một lần trông thấy cảnh thảm dường ấy, thì thôi, tâm thần đổi hết, từ đây không hề ham muốn, ước ao cái gì, hoặc yêu thương quí báu ai nữa sốt. Lúc nào cũng sực nhớ, tưởng tượng như còn trông thấy ở trước mặt cái bi kịch: mẹ tôi nằm lăn dưới đất mà cha tôi thì tay đấm chân đá chẳng thương xót cái người yếu đuối đã đem thân bồ liễu nương gửi ở dưới bóng cây tùng... 
 
Giời đất ơi, cay nghiệt quá!... Mẹ ơi, con thương, con nhớ mẹ vô cùng!... Nói đến đó, anh Đạo nước mắt tuôn rơi tầm tã. Tôi không cầm lòng được cũng khóc sụt sùi. Rồi anh ta lại nói: - Mẹ tôi chết được ít lâu, cha tôi lấy người nhân ngãi là vợ Tây. Nghe đâu như bây giờ vẫn hãy còn sống cả. Từ thuở ấy tôi không gặp mặt cha tôi nữa mà cũng chẳng rõ tin tức thế nào.
 
 Anh Đạo nói xong, lại nằm tiêm thuốc, hút luôn mấy mồi. Tôi trông nét mặt thảm sầu, không thể sao tả cho hết được. Muốn nói vài câu vỗ về nhưng nghẹn ở cổ không sao nói ra lời được. Tôi bèn đứng dậy, thở dài lắc đầu nhìn anh Đạo mà ngao ngán trong lòng... 
 
Lúc từ giã bạn cũ trở ra ngoài mới than một câu rằng: - Trời đất ơi! Quả nhiên nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe thật. Rồi về nhà trọ suốt đêm hôm ấy không tài nào ngủ được. Tạp chí Nam Phong, số 23, Tháng 5 - 1919 1. Đồng, tiếng Hán. 
 
 
Con người sở khanh

          Thầy thông ất làm việc ở sở... tỉnh…, mới kết duyên với cô Giáp, là lệnh ái ông bá hộ Đinh. Hai bên lấy nhau cũng là xứng đôi phải lứa. Thiên hạ chẳng ai chê cười điều gì. Thầy ất đẹp trai, mặt mày nhẵn nhụi. Chàng vừa trạc tuổi thanh xuân; hình dung chải chuốt, áo quần bảnh bao. Cô Giáp, người mũm mĩm, trông cũng xinh xinh. Nàng đương xuân chỉ nhị đào, rượu nồng dê béo, ai nào chẳng ưa! Nhà ông bá, bà bá cũng có, cho nên đám cưới to. 
 
 
Đồ tư trang sắm đủ: vòng, xuyến, hột, hoa, mớ ba, mớ bảy, chẳng thiếu thứ gì. Giá người không kể, chỉ những đồ vàng cô dâu đeo ở trong mình, cũng đã ngót nghìn đồng bạc, lại còn tiền hồi môn, kẻ đồn một nghìn, người nói năm trăm; nhưng thực sự thì chỉ có bốn gói mà thôi, mỗi gói năm mươi nguyên1 chẵn. Quí hóa lắm thay! Thầy ất được cả người lẫn của; Thật là chuột sa chĩnh gạo... Cưới xong, hai vợ chồng mới, dọn nhà ở riêng. 
 
 
Trừ lúc nào thầy thông đi làm việc thì thôi, còn khi ở nhà, hai người cứ bám chặt lấy nhau, không chịu rời ra một phút. Ngày đêm đóng kín cửa lại, vợ chồng hú hí với nhau: Loan ôm phượng, phượng bồng loan. Miệt mài trong cuộc truy hoan, trai tơ gái nõn, xuân đang mặn mà. Tha hồ vui chữ "Nghi gia"!... 1. Đồng, tiếng Hán. ° ° ° Cách ít lâu, một hôm chồng bảo vợ rằng: - Mình ơi, mình với tôi, ta lên Hà Nội chơi một phen cho phỉ chí. Tôi sẽ đưa mình đi coi hát tuồng, đi ăn cao lâu; lên xem Quán Thánh, trại Hàng hoa, xuống chơi Bôn Be, hồ Hoàn Kiếm. Thuê xe cao su, dạo khắp mọi nơi cho thỏa thích. Mình có ưng không? Vợ hớn hở vui mừng hỏi: - Thế thì hôm nào đi? - Để yên xem... Hôm nay thứ mấy? ... Thứ tư, có phải không... Vậy thì mai tôi xin phép, đến thứ bảy ta đi. - Thật chứ? - Thật. - ừ, thế thì nhất định thứ bảy đi, nhé! - Nhất định. ° ° ° Tối thứ sáu vợ bảo chồng rằng: - à này mình ạ. Hai trăm bạc tôi đem gửi thầy đẻ, nhé? Mang đi làm gì cho nó phiền, nhỉ? Chồng đáp: - ừ, đem cả đi làm gì!... Ơ! Thế nhưng mà ngộ mình còn muốn mua bán sắm sửa gì nữa chăng? Bất nhược cứ đem quách cả đi cho tiện. - ừ, mà phải. Mấy khi lên Hà Nội tội gì chẳng sắm? Để mai đổi cả lấy giấy mang đi cho khỏi nặng. 
 
 ° ° ° 
 
Chiều hôm sau, lúc sắp ra tàu, bố vợ dặn rằng: - Trong mình mang nhiều tiền bạc, đi đường phải cẩn thận lắm mới được. Tôi chỉ lo vợ chồng trẻ, mê ăn mê ngủ, mà ở tàu thủy, thì kẻ cắp như rươi. Chàng rể thưa: - Xin thầy đừng ngại. Con ở sở, lắm khi chủ giao cho bạc nghìn, giắt ở trong lưng, một mình con còn chẳng hề gì, huống hồ nay lại có cả nhà con nữa thì thầy còn lo sợ gì! Bà bá bảo rằng: - ấy ở nhà không sao, chứ đi tàu thì phải giữ. 
 
 
Tiền đã bỏ vào trong ví, mà để vào valít cẩn thận rồi, có phải không?... Thế thì những hoa, hột, vòng, xuyến, nhẫn của chị thông, cũng nên tháo hết ra mà cất vào trong valít ấy. Người ngồi đâu thì để liền ngay bên cạnh; hễ nằm thì gối đầu lên trên, nhé. - Vâng, vâng. Vội vàng miệng nói tay làm, bao nhiêu bộ cánh thu cả vào va-lít, chỉ để lại đôi hoa đeo tai mà thôi. 
 
 ° ° ° 
 
 
Tầu xúplê1, kéo neo, xịch xịch chạy. Hai giờ đêm, đến bến Hà thành. Đèn hiệu sáng trưng, cô thông nom cũng choáng mắt. Chồng bảo vợ rằng: - Ta thuê xe cao su vào ôten2 cho tiện. 1. Tiếng Pháp: souffler: thổi còi. 2. Tiếng Pháp: hotel: khách sạn. Vợ ưng: - ừ, đi đâu cũng được. Nhưng mà có xa không? Chồng nói: - Không. Chỉ năm xu xe, chạy nhoáng một cái đến nơi ngay. Rồi gọi: - Cao su!... Hai cái! Vợ lên một xe, chồng lên một xe. Xe vợ chạy trước, xe chồng chạy sau. Xe kéo rập rình, qua hết phố này sang phố khác. 
 
 
Đêm khuya, đường sá vắng ngắt, thiên hạ ngủ im. Đến Hàng Đào, phu xe hỏi: - Đi cà phê nào đây, cô? - Tôi cũng chẳng biết nữa. Anh thử hỏi xe sau xem. Phu xe ngoảnh lại, chẳng thấy bóng cao su nào. Cô thông thò đầu ra, bảo quay xe lại; nhìn mãi cũng không thấy gì. Hai bên hàng phố, cửa đóng kín mít; bốn bề im lặng như tờ. Dãy đèn điện sáng choang, thăm thẳm một dải đường dài trắng xóa... Cô thông giật mình: - Ô hay! Xe kia đi vào đường nào?... Đây là phố gì, hử bác? - Phố Hàng Đào. - Bác có biết xe sau chạy ngả nào, không? - Không biết! - Chết chửa! Coi khéo chẳng lại lạc, nhé... 
 
 Cậu culi1 giở giọng nói ngay: - Ơ hay! Có lẽ bây giờ cứ đứng giữa đường này, ư? Cô bảo tôi kéo đi đâu, chứ? 1. Tiếng Pháp: coolie: phu. - Hãy khoan đã, bác. Thử đợi tí nữa, xem sao. Ngộ xe nhà tôi đi chậm chăng, vì còn mắc cái va-lít nặng. Culi bèn nạc mỡ rằng: - Thôi, mất cậu rồi. Đừng mong người với valít nữa. Hụt món này, ta lõng món khác vậy. 
 
 
 Cô ta nghe nói, lạnh gáy cả người; những lo ngay ngáy, bụng bảo dạ rằng: "Chết nỗi! Bây giờ làm thế nào đây? Bơ vơ phận gái, đêm khuya một mình ở nơi đất khách, biết nương vào đâu?... Mà chồng thì đi đường nào? Sao lại có lạc được? Lẽ đâu vô ý thế!... Còn đang lúng túng, thì có phulít1 đi qua, hỏi: "Cái gì?" Cô kia vừa buồn, vừa hãi, thấp cao kể rõ sự tình. Phu-lít bảo: "Đi lên bóp!" ấy mới rầy rà! ấy mới thật là chết! Làm thế nào được bây giờ. Trời ơi?... May sao, giữa lúc ấy, có một thầy ra dáng làm việc tây, cũng đi qua đó; thấy lôi thôi, đứng lại gần xem. 
 
 
Thốt nhiên, thầy ta giương mắt trừng trừng, nhìn vào tận mặt người đàn bà mà hỏi: - Có phải cô Giáp đấy, không? Cô Giáp ngạc nhiên, đổi lo ra mừng: - Phải, tôi đây... Kìa, Thầy Bính!... - Chết rồi! Cô lên đây bao giờ?... Lên làm gì trên này?... Đi với ai?... Đêm hôm khuya khoắt, sao lại chỉ có một mình thôi? - Tôi vừa ở tàu thủy lên với nhà tôi... - Vậy... thầy đâu? - Xe tôi đi trước, xe nhà tôi đi sau. Bây giờ trông lại, không thấy đâu nữa. Dễ thường lạc rồi, thầy ạ. - Hừ!... Lạ thật! Sao lại lạc được? 
 
 1. Tiếng Pháp: police: cảnh sát. 
 
 
Thấy Bính nghĩ một lát, rồi lại đoán rằng: - Hay là gặp anh em, còn đứng lại nói chuyện chăng?... Nhưng cũng không có lẽ... Ai lại bỏ vợ bỡ ngỡ, đi một mình trong thành phố đêm khuya như vậy!... Thôi, để tôi nói với thầy đội. Xin mời cô hãy về tạm đằng nhà, nghỉ ngơi với mẹ cháu cho tiện. Rồi sáng mai ta sẽ liệu. 
 
 
 ° ° ° 
 
Mai cũng chẳng thấy gì; kia cũng chẳng thấy gì. Trong hai ba ngày, tịnh vô âm tín. Cô Giáp sốt gan sốt ruột. Hai vợ chồng thầy Bính trong lòng cũng áy náy mà phân vân: "Ô hay! Tìm hết nơi này, hỏi hết chỗ kia, sao mà chẳng thấy tăm hơi đâu cả, là nghĩa làm sao? Kỳ thật!... Đến ngày thứ tư nhân ngồi nói chuyện việc cưới mình, cô Giáp mới thuật lại cả đầu đuôi: "Chồng tôi nghe đâu người ở tỉnh X1. 
 
 
Cha mẹ mất sớm, mồ côi một mình, trước sau chẳng có ai cả; thân lập lấy thân. Thầy đẻ thương tình mà gả, chứ nào có phải rằng là tham của tham cải gì đâu! Vả chưng chồng tôi vốn là thanh bạch. Thôi thì nhờ trời, nhờ quan trên, có lẽ nay mai cũng lo được bổ vào làm việc Nhà nước. Tiền của bây giờ chẳng ngại, chỉ cốt lấy chút công danh với họ hàng làng nước. Nay hai vợ chồng đem nhau lên Hà Nội chơi. Có mang cả mấy trăm bạc đi nữa..."Thầy Bính bèn hỏi rằng: 1. Nguyên in: XXX. - Thế thì bạc ấy đâu? - ấy, nhà tôi giữ. Bỏ ở trong valít... 
 
 
Valít nhà tôi mang... Lại bao nhiêu đồ vàng của tôi, cũng để cả trong valít ấy.Thầy Bính lắc đầu, thở dài nhìn cô Giáp mà nói rằng: - Thôi, cô mắc lừa rồi, cô ạ. 
 
 
° ° ° 



Cô Giáp không hiểu: - Mắc lừa ai?... Thầy bảo tôi mắc lừa ai?... - Mắc lừa thằng bợm, chớ mắc lừa ai? ... Nó cuỗm cả vàng lẫn bạc, nó tếch lên ngàn rồi... Sao lai tin cái đứa vu vơ, trên không chằng dưới không rễ thế?!... - Nhà... nhà... nhà tôi ấy ư? - Chứ lại gì! Cô Giáp chết điếng người. Ngồi lặng im một lát, rồi bưng mặt khóc oà lên: - Trời đất ôi! Ngờ đâu con người thế, mà xỏ lá ba que!... - Cô ơi, đời bây giờ, thiếu gì những giống tốt mã dài đuôi, làm nghề cậu Sở!... 
 
 
Thôi đà mắc lận thì thôi, đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh!... ° ° ° Cách hai ba tháng sau, dò la mãi, quả nhiên biết rõ tin rằng: Cậu Sở ấy đồng mưu với một ả giang hồ, để lập cái kế tàn nhẫn này, mà lấy của cải và hại một đời người đàn bà đầu xanh tuổi trẻ. Xong rồi, hai đứa đem nhau đi trốn sang đâu Xiêm, Lào, để cùng vui hưởng cái của bất nhân bất nghĩa. Tạp chí Nam Phong, số 20, Tháng 2 - 1919 
 

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét