PHỎNG VẤN ĐIẾU CÀY

Blogger Điếu Cày trả lời RFA ngay sau khi gặp TT Obama tại Nhà Trắng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-05-01
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
IMG_4048-622.jpg
Tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và phóng viên Nam Nguyên tại trụ sở RFA vào ngày 1/5/2015.
RFA

Tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vào sáng ngày 1/5/2015 đã có vinh dự đến Nhà Trắng ở Thủ đô Washington cùng hai nhà báo Nga và Ethiopia thảo luận bàn tròn với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama về tình trạng tự do báo chí cũng như các vấn đề dân chủ nhân quyền. Ngay sau khi rời Nhà Trắng, Blogger Điếu Cày đã dành cho phóng viên Nam Nguyên cuộc phỏng vấn đặc biệt tại trụ sở RFA.
Nam Nguyên: Trước hết thay mặt quí khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do xin cảm ơn tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Thưa ông chuyến trở lại Washington lần này của ông thật nhiều ý nghĩa, cách đây 3 năm Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nhắc tới ông trong diễn từ nhân ngày Quốc tế Tự do báo chí…dẫn tới việc ông được ra khỏi nhà tù và sang Mỹ. Hôm nay ngày 1/5/2015 ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã được dự buổi hội luận báo chí cùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc. Thưa ông có thể chia sẻ cho khán thính giả đài ACTD về sự kiện đặc biệt hiếm có vừa nêu.
Điếu Cày: Thưa anh Nam Nguyên thưa quí vị khán thính giả, đây cũng là nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Obama cũng như của Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa tôi ra khỏi nhà tù và được sang Hoa Kỳ. Lần này gặp Tổng thống thì Tổng thống có thảo luận với ba nhà báo về vấn đề tự do báo chí quốc tế, trong đó có tôi và một nhà báo của Nga cùng 1 nhà báo của Ethiopia. Lần gặp này thì tôi cũng gởi lời tri ân sâu sắc đến Tổng thống và Chính phủ Hoa Kỳ đã quan tâm và nhờ thế tôi đã được tự do và ra khỏi nhà tù. Ngày hôm nay tôi cũng trình bày với Tổng thống về những vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam và vấn đề tù nhân lương tâm, sau đó thì tôi cũng đưa ra một danh sách những bạn bè cần được Tổng thống quan tâm giúp đỡ.
Nam Nguyên: Ông có thấy có sự trùng hợp nào hay không, khi TT Hoa Kỳ gặp gỡ ông cũng đúng vào dịp Quốc tế Tự do báo chí và Việt Nam thì vừa bị Ủy hội Hoa Kỳ vê Tự do tôn giáo quốc tế đề nghị đưa trở lại vào danh sách quốc gia cần đặc biệt quan tâm. Sự trùng hợp này theo ông có mang ý nghĩa gì đặc biệt ?

000_Was8923377-400.jpg
Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái) vào lúc 10:55 sáng ngày 1 tháng 5 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ. AFP PHOTO.
Điếu Cày: Tôi nghĩ rằng, đầu tiên Tổng thống cũng như Chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới tự do báo chí cũng như tự do tôn giáo ở Việt Nam. Mới cách đây hai ngày vào sáng 28 tôi có gặp Thượng Nghị sĩ Durbin (*nhân vật thứ nhì trong đảng Dân Chủ) và trong buổi gặp này tôi cũng có trình bày tự do báo chí tự do ngôn luận và một số vấn đề liên quan đến tù nhân lương tâm; thì cùng trong ngày Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thả ngay tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, đó là một trong những thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do chúng tôi. Hôm nay khi tôi gặp Tổng thống Hoa Kỳ thì tôi cũng không biết rằng những chuyện này có trùng hợp với nhau hay không. Nhưng mà đó cũng là những điều mà bạn bè và anh em trong nước rất mong muốn và những nỗ lực của anh chị em trong nước cũng như của cộng đồng với Câu lạc bộ Nhà báo Tự do nó đã có những kết quả nhất định.
Nam Nguyên: Dạ một vấn đề chúng tôi ghi nhận, sự kiện một tù nhân lương tâm Việt Nam như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đây…bước thẳng vào Nhà Trắng thảo luận vối Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đó là một sự kiện rất là đặc biệt và xảy ra trước chuyến đi Hoa Kỳ dự kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cũng có những lời đồn đoán ông Obama cũng có thể sẽ sang thăm Việt Nam vào cuối năm? Ông nhận định gì, nó có thể mang ý nghĩa gì?
Điếu Cày: Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm rất thích hợp và rất quan trọng đối với anh chị em đấu tranh dân chủ ở trong nước, cũng như là anh chị em làm báo ở trong nước là bởi vì trước cuộc gặp đó, chúng tôi trong cuộc gặp ngày hôm nay cũng có đưa ra thỉnh nguyện với Tổng thống là trong cuộc gặp sắp tới Tổng thống nên lưu ý Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận và tù nhân lương tâm và những điều luật mà Việt Nam đang sử dụng để đàn áp tự do báo chí, tự do ngôn luận nên bãi bỏ. Bởi vì nó không phù hợp với những công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó Hoa Kỳ và Việt Nam cùng là những thành viên của tổ chức đó.
Nam Nguyên: Cho đến ngày hôm nay thì ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã từ nhà tù Việt Nam sang Hoa Kỳ được 6 tháng, cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt Nam qua không gian mạng như ông từng nói đã thực tế khởi sự chưa. Ông có gặp khó khăn gì không về tình trạng cư trú, phương tiện làm việc….ông có thể chia sẻ với khán thính giả của Đài RFA.
Điếu Cày: Vâng, khó khăn thì bao giờ cũng khó khăn nhất là một tổ chức khi mới thành lập thì gặp vô cùng nhiều khó khăn và chúng tôi nguyện luôn vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cụ thể là chúng tôi đã thành lập được Câu lạc bộ Nhà báo tự do ở hải ngoại và đang tiến hành xây dựng trang web cũng như nhiều hoạt động của Câu lạc bộ đang hướng tới cũng là vấn đề thúc đẩy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở trong nước và tìm cách đưa ra những bảo vệ, tìm cách truyền tải thông tin đến các tổ chức quốc tế để bảo vệ anh em làm báo ở trong nước và điều đó như các bạn thấy đến bây giờ chúng tôi đã đạt được những kết quả nhất định. Và chúng tôi cũng mong muốn rằng trong tương lai chúng tôi sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để hoàn thành những nhiệm vụ mà chúng tôi đang làm. Tất nhiên những khó khăn chúng tôi gặp phải nó cũng là những vấn đề mà rất nhiều những tổ chức khi mới thành lập gặp phải. Tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ, đặc biệt sự giúp đỡ của anh em trong giới truyền thông.
Nam Nguyên: Nhiều khán thính giả của Đài chúng tôi có thắc mắc về tình trạng cư trú của ông ở Hoa Kỳ bây giờ đã được chính thức chưa, cũng như việc cần phải có phương tiện thì ông mới có thể hoạt động được.
Điếu Cày: Vâng, về thủ tục cư trú thì vẫn phải làm thủ tục cư trú như người khác phải làm và tôi nghĩ tôi cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ Bộ Ngoại giao và các vị như Thượng Nghị sĩ Durbin vừa rồi cũng đã quan tâm.
Nam Nguyên: Ông từng tuyên bố bản thân đã trở thành một thành viên của cộng đồng người Việt hải ngoại chống cộng và tôn trọng lá cờ vàng biểu tượng của VNCH. Điều này có làm ông mất đi sự ủng hộ của những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam, nhưng thiết thân với lá cờ Đỏ hay không. Có sự hòa giải nào đối với những người anh em của ông ở trong nước hay không?
Điếu Cày: Thưa anh Nam Nguyên, câu hỏi này quả thực là rất nhạy cảm nhưng mà có vấn đề cốt lõi là những giá trị dân chủ mà chúng ta theo đuổi, đó là sự tự nguyện tiếp nhận những vấn đề mà như tôi nói về biểu tượng, nếu mà tôi có tiếp nhận lá cờ vàng tôi đã là một phần của cộng đồng ở hải ngoại. Như vậy cũng như những người ở trong nước vẫn còn một số người chấp nhận lá cờ đỏ, thì đấy là sự tiếp nhận của mỗi người mà tôi tôn trọng họ thì họ cũng phải tôn trọng tôi và tôi nghĩ rằng đấy là một trong những vấn đề của dân chủ.
Nam Nguyên: Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn thì xin hỏi ông, cái bảng này là thế nào?
Điếu Cày: Thưa anh mỗi người đến (Nhà Trắng) tham dự đều có một cái bảng tên trước chổ ngồi, Nhà Trắng đã quyết định gọi tôi là Điếu Cày (cười)
Nam Nguyên: Hình như ông ngồi ngay bên cạnh Tổng thống Barack Obama?
Điếu Cày: Vâng tôi ngồi bên phải Tổng thống và nhà báo Ethiopia ngồi bên trái còn nhà báo Nga thì ngồi đối diện.
Nam Nguyên: Tổng thống có nói điều gì riêng với ông Điếu Cày không?
Điếu Cày: Tôi có nói với Tổng thống là ở Việt Nam rất nhiều người ngưỡng mộ Tổng thống, nhất là các bạn trẻ Việt Nam và tôi cũng là người ngưỡng mộ Tổng thống và tôi ngưỡng mộ Tổng thống vì cái tác phong nhanh nhẹn năng động của ông ấy và đặc biệt là việc Tổng thống sử dụng truyền thông rất tốt trên các mạng xã hội và đó là điều tôi ngưỡng mộ. Tôi muốn Tổng thống gởi một thông điệp đến các bạn trẻ bên Việt Nam. Tổng thống có nói riêng với tôi rằng: ‘Tôi hứa với ông rằng trong chuyến đi Việt Nam sắp tới tôi sẽ có thông điệp tới các bạn trẻ Việt Nam.”
Nam Nguyên: Một lần nữa thay mặt quí khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do xin cảm ơn tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã đến Đài RFA để trả lời phỏng vấn ngày hôm nay.
Điếu Cày: Xin cảm ơn anh Nam Nguyên và cảm ơn quí vị khán thính giả.

Blogger Điếu Cày: Từ nhà tù đến Nhà Trắng


* Video phụ đề tiếng Việt phần phát biểu trước báo chí của tổng thống Obama sau cuộc gặp gỡ với blogger Điếu Cày

CTV Danlambao - Ngày 1/5/2015, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã có buổi gặp gỡ thân mật với blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải cùng hai nhà báo Fatima Tlisova, Lily Mengesha đến từ Nga và Ethiopia.

Buổi hội luận đánh dấu Ngày Tự Do Báo Chí Quốc Tế được diễn ra tại Phòng Roosevelt, trong khuôn viên Nhà Trắng. 

Người sáng lập Câu lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã trực tiếp trao tận tay cho tổng thống Obama bản danh sách các tù nhân lương tâm, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ ủng hộ cuộc đấu tranh đòi nhân quyền tại Việt Nam.

Sau khi kết thúc buổi gặp riêng với blogger Điếu Cày, tổng thống Obama đã có bài phát biểu quan trọng trước giới truyền thông nhân ngày Tự do Báo Chí Quốc Tế 3/5 sắp tới.



Dưới đây là nội dung bài phát biểu được lược dịch sang tiếng Việt:

Obama: Như các bạn đã biết, chủ nhật tới sẽ là ngày Tự do Báo chí Thế giới. Đây là ngày mà chúng ta tái khẳng định về vai trò sống còn của tự do báo chí đóng góp cho nền dân chủ. Tự do báo chí cũng chiếu rọi ánh sáng trước những thách thức tàn ác, viết lên câu chuyện của hy vọng vẫn đang hiện hữu ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Các nhà báo đã giúp cho người dân chúng ta có cơ hội để biết sự thật về đất nước, về chính bản thân và về chính phủ của chúng ta. Điều đó giúp chúng ta tốt hơn và mạnh mẽ hơn. 

Những nhà báo cũng đã cất tiếng nói cho những người không thể nói, họ tố cáo bất công và đồng thời cũng ảnh hưởng đến những lãnh đạo như tôi phải có trách nhiệm.

Tuy nhiên, ở rất nhiều nơi trên thế giới, tự do báo chí vẫn đang bị tấn công bởi những chính phủ trốn tránh sự thật hoặc nghi ngại thẩm quyền của công dân trong việc ra quyết định. Các nhà báo vẫn đang bị sách nhiễu, thậm chí bị giết hại. Truyền thông độc lập bị đóng cửa. Những tiếng nói bất đồng bị bịt miệng. Và tự do ngôn luận bị dập tắt.

Đó là lý do tại sao tôi thực sự cảm kích và trân trọng khi được cơ hội lắng nghe từ ba nhà báo ở đây, những người với lòng quả cảm đáng kinh ngạc trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Cả ba nhà báo đến từ những quốc gia vẫn cấm đoán nghiêm ngặt tự do báo chí. Họ từng bị bỏ tù và sách nhiễu. Họ đang phải tị nạn ở Hoa Kỳ. Và chúng ta chào đón cả ba nhà báo đến đây để được tiếp tục những sứ mệnh quan trọng.

Một cách ngắn gọn, tôi xin được giới thiệu ba nhà báo của chúng ta. Đây là bà Fatima Tlisova đến từ Nga. Bà là người đã đưa tin về các hoạt động quân sự tại khu vực Bắc Caucasus, cũng như các vụ mất tích và tham nhũng. Bà từng bị tấn công, bắt cóc và tra tấn. Hiện nay, bà làm việc cho đài Tiếng nói Hoa Kỳ và dành phần lớn thời gian để đưa tin về phiên tòa liên quan đến vụ đánh bom ở Boston. Chúng tôi đánh giá cao sự có mặt của bà Fatima ở đây.

Chúng ta cũng đang có Điếu Cày – đây là bút danh của ông, đến từ Việt Nam. Blogger Điếu Cày chuyên viết về nhân quyền và tự do tôn giáo, là tiếng nói đi đầu nhằm thúc đẩy nền tự do báo chí ở Việt Nam. Ông đã bị bỏ tù 6 năm và vừa được phóng thích vào tháng 10 năm ngoái.

Sau cùng, chúng ta có cô Lily Mengesha đến từ Ethiopia. Cô đã thắp lên ánh sáng cho những trẻ em bị lạm dụng, bị ép buộc làm cô dâu. Sau khi lên tiếng cổ vũ tự do báo chí, cô bị sách nhiễu và giam cầm. Hiện nay, cô đang làm việc với NED – Tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân Chủ.

Tôi đã lắng nghe trực tiếp từ cả ba nhà báo, và tôi cho rằng tầm quan trọng của họ cũng là rất quan trọng với chúng ta, bao gồm chính phủ Hoa Kỳ. Họ đã lên tiếng nhân danh những giá trị của tự do ngôn luận.

Tôi cũng bày tỏ với cả ba nhà báo rằng, đây là những quốc gia mà chúng ta đã giao thiệp và đang thực hiện nhiều công việc. Chúng tôi cho rằng giao tiếp và ngoại giao là việc hoàn toàn hệ trọng đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Nhưng một điều cũng quan trọng là chúng ta sẽ cất tiếng thay mặt cho những giá trị đã được thừa nhận trong Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ. Bởi lẽ chúng ta tin rằng đây không chỉ đơn giản là những giá trị của người Mỹ. Những giá trị cốt lõi vững chắc đã thừa nhận rằng việc bày tỏ quan điểm và lương tâm của bạn một cách ôn hòa là những quyền phổ quát của con người. Và sau cùng, điều này sẽ làm thế giới tốt đẹp và mạnh mẽ hơn khi lương tâm mỗi cá nhân cùng nền báo chí tự do được phá huy hết vai trò. 

Đây cũng là thời gian để chúng ta tưởng niệm và tôn vinh những nhà báo đang bị đày đọa trong ngục tù, bị sách nhiễu và gặp nguy hiểm... Và dĩ nhiên, chúng ta cũng tôn vinh những nhà báo đã phải mất đi cuộc sống của chính họ, đó là Steven Sotloff, James Foley, Luke Somers của tạp chí Charlie Hebdo bị sát hại ở Paris. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đòi trả tự do cho các nhà báo đang bi bỏ tù độc đoán, bao gồm Jason Rezaian của The Washington Post, người hiện đang bị giam cầm tại Iran.

Một lần nữa, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến ba nhà báo có mặt ở đây để chia sẻ một cách rành mạnh và quả quyết về những thử thách họ đang phải đối mặt. Tôi muốn mọi người hiểu rằng đây sẽ tiếp tục là ưu tiên đối với Hoa Kỳ trong các chính sách đối ngoại, không chỉ là việc đúng phải làm, mà vì chúng tôi tin rằng đó cũng chính là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Theo WhiteHouse.Gov

2/5/2015

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét